Do quá "nặng mùi", kim chi được người ta nghiên cứu sao cho "thơm" hơn nhưng lại vấp phải nhiều phản đối

Ngọc Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 10:33 14/07/2019

Các nhà khoa học muốn nghiên cứu làm kim chi bớt nặng mùi để người phương Tây có thể ăn chúng dễ dàng, không ngờ động thái này lại làm người Hàn cảm thấy tổn thương.

Kim chi được xem như là "quốc thực" của Hàn Quốc. Dẫu cho nó chỉ là một món ăn kèm, nhưng món rau củ lên men cùng gia vị phổ biến ở Hàn Quốc nhiều đến mức một đầu bếp người Hàn còn tả lại rằng "nó giống như không khí ở Hàn Quốc vậy".

Do quá nặng mùi, kim chi được người ta nghiên cứu sao cho thơm hơn nhưng lại vấp phải nhiều phản đối - Ảnh 1.

Do kim chi nặng mùi, nhiều nhà khoa học cố tìm cách giảm đi mùi hương đặc trưng của món ăn này.

Hương vị độc đáo của kim chi chính là nguyên tố khiến mọi người một là ghét, hay là thích nó. Món ăn có màu đỏ đặc trưng cùng hương vị đậm đà từ nước dùng rau củ, hải sản, vị chua mang theo mùi nồng nàn là thứ mang lại kích thích vị giác hiệu quả nhất. Mùi hương của kim chi có thể nói là giống như "hiện thân của quê hương" đối với người Hàn.

Tuy nhiên, hiện tại những nhà khoa học ở viện nghiên cứu kim chi World Institute of Kimchi đang cố gắng để giảm mùi hương của món ăn này. Họ làm điều này với mục đích giúp người phương Tây dễ ăn hơn, theo như tờ Washington Post.

"Chúng tôi đang cố loại bỏ mùi của kim chi," nhà nghiên cứu Lee Mi Ae thông báo. "Việc này khá khó khăn bởi mùi của nó gắn liền với hương vị kim chi."

Do quá nặng mùi, kim chi được người ta nghiên cứu sao cho thơm hơn nhưng lại vấp phải nhiều phản đối - Ảnh 2.

Mục đích chính của các nhà khoa học là tạo ra một thị trường toàn cầu cho món ăn truyền thống này, khiến nó thân thiện hơn với người nước ngoài. Song, đối với những cá nhân lớn lên cùng mùi kim chi và có sự yêu quý với nó thì tin tức này khá… tổn thương. Trong quá khứ, đã có nhiều lần những món ăn truyền thống châu Á như kim chi bị xem là những món ăn "đáng xấu hổ" tại Mỹ, theo như tờ Huffpost. Nhiều người châu Á đã phải cố giấu mùi hương hoặc bỏ đi món ăn đó để có thể hoà nhập và được chấp nhận. Có những trẻ em người Hàn đã bị bạn bè xa lánh chỉ vì mang theo hộp cơm có mùi kim chi.

Nhà văn Vivian Gian còn từng kể lại trong một bài luận văn vào năm 2015 rằng mùi hương từ món ăn châu Á mà bố mẹ cô chuẩn bị là nguyên do cô không bao giờ mời được bạn bè đến nhà ăn tối. Tuy nhiên, khi ẩm thực châu Á ngày càng trở nên nổi tiếng, những món ăn đã từng bị "xua đuổi" ở Mỹ lại trở nên được săn đón và tìm kiếm. Động thái này của các nhà khoa học được cho rằng đang "xát muối vào vết thương" do gợi lại những điều mà nhiều người Hàn Quốc phải trải nghiệm trong quá khứ vì mùi hương của kim chi. Mặt khác, nhiều người cũng tỏ ra phẫn nộ vì một món ăn truyền thống bị ép phải thay đổi để thoả mãn một số người.

Do quá nặng mùi, kim chi được người ta nghiên cứu sao cho thơm hơn nhưng lại vấp phải nhiều phản đối - Ảnh 3.

Trong mắt người dân Hàn Quốc, kim chi không chỉ là một món ăn phổ biến mà còn là một nhận dạng văn hoá. Nó in hằn sâu trong văn hoá Hàn Quốc đến mức kimjang – trường phái làm kim chi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Nhiều người cho rằng, khi các nhà khoa học làm giảm đi mùi hương, hương vị của kim chi, thì họ đã thay đổi bản chất của món ăn, và đó sẽ không còn là kim chi thật sự nữa.

Source (Nguồn): Huffpost