Điều chúng mình chưa kể: Body Shaming - “bóng ma” đeo bám bọn mình suốt quãng thời gian đi học?

Nguyệt Hà, Theo Helino 07:19 20/09/2019

Sức mạnh của lời nói là điều không phải ai cũng tưởng tượng được. Lời nói có thể khiến cho cuộc sống của bạn "thăng hoa" nhưng cũng có thể khiến bạn rơi vào cuộc sống "bế tắc". Body shaming có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào với bất kỳ đối tượng nào và đó có thể là chính bạn.

Điều chúng mình chưa kể: Body Shaming - “bóng ma” đeo bám bọn mình suốt quãng thời gian đi học? - Ảnh 1.
Điều chúng mình chưa kể: Body Shaming - “bóng ma” đeo bám bọn mình suốt quãng thời gian đi học? - Ảnh 2.
Điều chúng mình chưa kể: Body Shaming - “bóng ma” đeo bám bọn mình suốt quãng thời gian đi học? - Ảnh 3.
Điều chúng mình chưa kể: Body Shaming - “bóng ma” đeo bám bọn mình suốt quãng thời gian đi học? - Ảnh 4.

Body Shaming đã "hại" chúng mình như thế nào

"Ê con mập".

"Con nhỏ kia ngực to ghê".

"Nhà thiếu đói hả bạn, sao gầy thế?".

"Mặt mày trông nhiều mụn vậy?".

Bắt gặp những câu nói như thế này trong đời sống hiện thực quả là điều không khó. Người ta coi đó là những câu nói đùa vô hại. Thế nhưng sự thực là một câu nói đùa có thể vui, nhưng nếu những lời đó được lặp lại trong một khoảng thời gian dài thì mọi thứ sẽ trở nên "cực to tát" với người nhận được sự bình luận đùa giỡn ấy.

Sẽ là không hề quá khi nói miệt thị ngoại hình của người khác dường như đang trở thành "đam mê" của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Chỉ cần họ gặp ai đó có vẻ bề ngoài "đặc biệt" hoặc hơi khác người một chút thì họ đều sẽ không ngần ngại mà tuôn ra những lời nói làm tổn thương người ấy. Nhất là đối với các bạn đang trong lứa tuổi dậy thì, cả trạng thái tâm - sinh - lý lẫn ngoại hình đều có sự thay đổi dù lớn dù nhỏ thì khi những lời miệt thị kiểu vậy sẽ trở thành "bóng ma" không nhỏ trong tâm lý của mỗi người.

Đúng vậy, chúng ta đang bàn đến việc Body Shaming trong lứa tuổi học trò. Trong giai đoạn này, tâm lý của học sinh rất nhạy cảm, những lời nói về ngoại hình luôn khiến các bạn rất để tâm. Ở mức độ nhẹ Body Shaming sẽ khiến học sinh trở nên ngại ngùng, rụt rè, thiếu tự tin còn nặng hơn sẽ là trầm cảm và đôi khi là tự tử.

Đừng biến mỗi ngày đến trường là một ngày buồn

Mỗi ngày đến trường sẽ vui vẻ biết bao nếu chúng ta nhận được sự quan tâm của mọi người, tìm được "cạ cứng" nói chuyện hợp cạ, việc học hành thì luôn luôn thăng tiến. Nhưng đối với một số người thì sẽ không như vậy. Sẽ là nỗi "ám ảnh kinh hoàng" nếu mỗi ngày bạn đều nhận được sự chê bai, dè bỉu về ngoại hình từ chính những người bạn của mình.

Một bạn học sinh trường THPT trên địa bàn Hà Nội tên N.Y.N từng chia sẻ: "Trong quá trình dậy thì, gương mặt của mình nổi rất nhiều mụn và vì vậy mình hay bị các bạn trong lớp chê cười. Các bạn ấy còn gọi mình bằng biệt danh là "N mụn", thậm chí còn nặng nề hơn là nói: "Sao mặt mày trông kinh vậy?". Đôi khi mình đi ở trong sân trường có mấy bạn cứ nhìn mình xong quay sang cười đùa nói với người bên cạnh, như vậy là mình biết họ đang nhắc đến mình".

Một chia sẻ khác từ người chứng kiến Body Shaming: "Chuyện này không xảy ra với mình nhưng mà lại xảy ra với bạn mình. Hôm bọn mình đi ngoại khóa về thì bạn A có bắt xe ôm công nghệ. Sau khi chú lái xe tới thấy ngoại hình khá ngoại cỡ của A, thì từ chối liền cuốc đi này. Dù chú đó không nói thẳng, nhưng cái thái độ khi chú thấy bạn A rồi chú từ chối cuốc đó là A biết. Ngoài ra trong lớp, bạn A hay bị các bạn cùng lớp gọi là "A mỡ".

"Bản thân mình không được xinh như mấy bạn nữ cùng lứa, da đen tái, lưng mình do dài nên hơi cong, mình khá ốm. Bọn bạn cùng lớp hay lấy khuyết điểm mình ra để shaming. Những lúc đó thật ra mình cũng muốn khóc, nhưng nghĩ lại, nó không đáng để mình khóc" - Lời tâm sự của bạn K.U có lẽ cũng không phải là một trường hợp hiếm gặp.

Không chỉ là là các bạn nữ kể cả bạn nam cũng đều rơi vào hoàn cảnh tương tự như vậy. "Dáng người mình vừa nhỏ con vừa gầy guộc, mình lại còn đeo kính cận khá nặng độ nữa vì vậy mình thường xuyên bị bọn bạn gán cho đủ biệt danh không hay. Mỗi lần lên trả bài cũ hoặc đứng trước đám đông mình đều có suy nghĩ họ đang chê bai ngoại hình của mình vậy. Do đó tính cách của mình khá rụt rè", nam sinh T.K.N chia sẻ.

Còn vô vàn những câu chuyện như vậy xảy ra từng phút từng giờ xung quanh chúng ta. Hóa ra chẳng cần phải động tay động chân gì hết, chỉ cần bạn ngồi xuống dùng những lời nói ngắn gọn, giản đơn nhưng cũng đủ sức công phá để "dìm chết" người khác.

Hãy nhớ rằng tư tưởng và tâm hồn của các bạn học sinh cấp 3 còn quá non nớt để chống chọi lại sự khắc nhiệt của "miệng lưỡi thế gian", nhất là khi nó còn đến từ các bạn cùng trang lứa với mình. Có thể các bạn ấy chưa nhận thức được sức mạnh của lời nói, cho rằng đó chỉ là lời bông đùa, nói cho vui không đáng để tâm. Nhưng sự thật thì tất nhiên ngược lại.

Không còn Body Shaming nữa

Muốn dừng hẳn việc miệt thị ngoại hình người khác ngay lập tức là điều khó không tưởng mặc dù ngày nay đã có nhiều chiến dịch được phát động nhằm khuyến khích mọi người dừng việc làm này lại. Điều quan trọng ở đây là sự thay đổi trong nhận thức của mỗi người. Đừng coi đó là việc gì quá lớn lao, bởi lẽ những gì bạn cần làm đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều.

Thoát khỏi việc ám ảnh về ngoại hình đương nhiên vẫn sẽ là một quá trình dài. "Mình bắt đầu ngó lơ mọi thứ xung quanh mình, mình để ngoài tai tất cả những câu shaming. Việc của mình là học tập và quan tâm với những người quan tâm mình. Theo thời gian mình biết cách bảo vệ bản thân hơn", một học sinh tên A.D cho hay.

A.D chia sẻ thêm: "Lúc trước khi nghe được những lời nói ấy mình cảm thấy rất buồn, đôi khi chỉ muốn òa khóc lên thật to. Nhưng dần dần không biết từ đâu mình cũng học được cách lớn lên, mạnh mẽ lên và yêu thương bản thân hơn".

Thay đổi cách nói chuyện

Nếu bạn chợt nhớ rằng mỗi ngày bạn hay gọi đứa bạn cùng lớp bằng biệt danh là "Ê mập" hay "Ê béo" thì hay dừng ngay hành động đó lại. Sẽ không quá khó khăn nếu bạn gọi bằng chính cái tên thật của người ấy đúng không?

Thay vì hỏi thăm bằng câu "Sao dạo này mày béo thế?" thì hãy nói rằng "Dạo này trông khỏe khoắn nhỉ?".

Chỉ cần thay đổi ngôn từ giao tiếp, bạn sẽ tránh khỏi những câu body-shaming vô thức, điều này tốt cho cả bạn lẫn người mà bạn đang nói chuyện.

Tạm biệt các cuộc tám chuyện bình phẩm ngoại hình người khác

Một người nói đã ghê gớm rồi giờ còn "bonus" thêm cả hội tám chuyện thì sao chịu được. Đương nhiên không phải bạn sẽ lên tiếng một cách chính nghĩa với họ rằng: "Đừng nói xấu nữa" bởi sẽ chẳng mấy ai nghe theo bạn đâu hoặc là đám bạn đó sẽ nhìn bạn với một ánh mắt khó hiểu.

Do vậy, hãy uyển chuyển đổi chủ đề cuộc trò chuyện, lái sang một chuyện khác còn nếu không bạn cứ nhẹ nhàng rút khỏi cuộc trò chuyện đó. Việc này sẽ thể hiện thái độ không đồng tình của bạn.

Cảm thấy tốt cho bản thân thì hãy cứ thay đổi

Đối với những bạn bị Shaming, không nhất thiết là phải thay đổi toàn bộ theo lời người ta nói. Nhưng tự bản thân các bạn cho rằng cái điểm xấu ở trên cơ thể mình thật sự không tốt và có ảnh hưởng lâu dài thì hãy cứ mạnh dạn thay đổi. Từ hôm nay bạn có thể bắt đầu tập ăn bữa ăn "healthy" có lợi cho sức khỏe, bạn có thể tập tành make-up để bản thân trở nên xinh đẹp hơn. Hãy nhớ tất cả thay đổi đều chỉ vì tốt cho bản thân bạn mà thôi!

Tạm kết

Body Shaming là chuyện đã đang và sẽ xảy ra ở bất kì đâu, với bất kì ai, trong đó có cả chính bản thân bạn. Và sức mạnh của lời nói có đôi khi tàn nhẫn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Vì vậy, hãy kiểm soát câu chữ, phát ngôn của mình. Đừng làm tổn thương người khác nếu không muốn một ngày kia chính mình lại rơi vào tình trạng như vậy.