Điện thoại di động vẫn còn là thứ xa vời với hàng triệu phụ nữ nông thôn Ấn Độ

Truê Spiderum, Theo Thời Đại 16:03 29/04/2017

Tại Ấn Độ, nếu một cô gái vừa đi đường vừa dùng điện thoại để nghe nhạc - họ sẽ bị đánh giá là một cô gái không đứng đắn.

Vào năm 2010, hội đồng một ngôi làng tại Bang Uttar Pradesh đã cấm những người phụ nữ trẻ, chưa có chồng sử dụng điện thoại và vụ việc này đã thu hút không ít sự chú ý trong giới truyền thông. Người ta cho rằng do có điện thoại nên ở làng này đã có vài người phụ nữ bỏ đi, và dân làng lo sợ rằng điện thoại giúp đàn ông và phụ nữ nói chuyện riêng tư dễ dàng hơn. Tuy nhiên thì lệnh cấm này chỉ áp dụng cho phụ nữ.

Điện thoại di động vẫn còn là thứ xa vời với hàng triệu phụ nữ nông thôn Ấn Độ - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ Ấn Độ chưa được sử dụng điện thoại.

Với phụ nữ Ấn Độ, việc tiếp cận với điện thoại có thể bị coi là đi ngược lại với truyền thống của đất nước này. Tại trường Cao đẳng Barefoot, một ngôi trường ở Tây Bắc bang Rajasthan, người ta đã đào tạo và huấn luyện nghiệp vụ cho những người phụ nữ thành thị. Việc có một chiếc điện thoại thậm chí còn trở thành một lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Ở bang Gujarat, phụ nữ có thai được phép sử dụng điện thoại bởi nó giúp các bác sĩ và nhân viên chăm sóc y tế có thể liên lạc với họ để kiểm tra tình trạng sức khỏe và nhắc nhở họ đi khám định kì cũng như tiêm vắc-xin cho trẻ.

Tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ sở hữu điện thoại tại khu vực thành thị và khu vực nông thôn còn có nhiều chênh lệch. Con số này ở các khu đô thị lên tới 62% so với 37% ở nông thôn. Điều này không như các bang ở Mỹ, nơi có tới 95% phụ nữ có điện thoại riêng.

Vào năm 2015, số phụ nữ có điện thoại ít hơn 114 triệu người so với đàn ông, theo tổ chức Công nghiệp Di động toàn cầu (GSMA). Mặc dù tỉ lệ giới tính của dân cư Ấn Độ tương đương nhau, nhưng số phụ nữ thông thạo sử dụng điện thoại chỉ là 28%, thấp hơn nhiều so với con số 43% ở nam giới.

Phụ nữ Ấn Độ thường "mượn" của người thân hay bạn bè hơn là tự sở hữu cho mình một chiếc điện thoại, GSMA cho biết. Không giống như dùng chung máy tính, việc dùng chung điện thoại sẽ khiến phụ nữ phải được sự cho phép của những người đàn ông và làm giảm riêng tư cá nhân. Việc sử dụng Internet trên điện thoại cũng còn nhiều bất công. Có đến 81% phụ nữ Ấn Độ chưa bao giờ được truy cập Internet trên điện thoại.

Tại sao phụ nữ nông thôn Ấn Độ lại lạc hậu đến vậy?

Nguyên nhân của việc này là bởi ở nhiều vùng nông thôn, phụ nữ thậm chí còn chưa có đủ giấy tờ tùy thân cần thiết để đăng kí một thuê bao điện thoại. Trong nhiều trường hợp, điện thoại di động được những người đàn ông trong gia đình mua cho họ - những người có bằng lái xe, hóa đơn điện hay các giấy tờ khác.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ việc tư tưởng bảo thủ của những người đàn ông ở vùng nông thôn Ấn Độ đã ăn sâu vào tiềm thức. Họ thường ngăn cấm phụ nữ liên lạc với người khác qua điện thoại. Thậm chí: "Nếu một cô gái vừa đi đường vừa nghe nhạc, người ta sẽ nghĩ gì? Họ sẽ nói đó là một cô gái không đứng đắn."

"Nhiều học sinh sử dụng điện thoại sai mục đích, thường để xem phim khiêu dâm và nghe những bài hát tục tĩu làm ô uế tâm hồn." - Jitender Chhatar, một Khap Panchayat (chức vụ tương đương với trưởng thôn) đã đổ lỗi cho các thiết bị di dộng khiến tình trạng bạo lực và cưỡng hiếp tình dục trở nên tồi tệ hơn.

Một vấn đề nữa khiến việc sử dụng điện thoại trở nên khó khăn là do mức thu nhập. Những người có thu nhập cao như thợ trang điểm, thợ làm tóc có thể tự mình sở hữu một chiếc điện thoại riêng. Trong khi đó những người bán cá, kiếm được ít tiền hơn thì sẽ không có điện thoại - một công cụ hỗ trợ họ trong việc kinh doanh, mặc dù đã có nhiều chiếc điện thoại giá rẻ được bán ra ở Ấn Độ.

Điện thoại thông minh, hay thậm chí điện thoại phổ thông, với rất nhiều chức năng như tìm kiếm việc làm, tra cứu tài khoản ngân hàng, học tập… sẽ giúp ích rất nhiều cho đời sống của con người. Việc ngăn phụ nữ sở hữu và sử dụng điện thoại có nhiều tác động đến xã hội. Nó sẽ khiến những người phụ nữ Ấn Độ không chỉ trở nên lạc hậu mà còn bị hạn chế về tự do cũng như độc lập cá nhân.