Sán lợn hoành hành trên diện rộng, cần chủ động nhận biết và phòng tránh thông qua những dấu hiệu sau

Gà, Theo Helino 18:45 17/03/2019

Quá nhiều thông tin xoay quanh bệnh sán lợn trong thời gian gần đây nên bạn cần tỉnh táo để nắm bắt được dấu hiệu nhận biết cũng như hiểu rõ hơn về mối nguy hại tiềm ẩn từ căn bệnh này.

Tại Việt Nam, bệnh sán lợn đã xuất hiện ở khắp các vùng miền và các tỉnh thành. Bộ Y tế cho biết, có ít nhất 55 tỉnh xuất hiện trường hợp mắc bệnh sán dây do tiêu thụ những loại thịt lợn có chứa ấu trùng sán lợn. Nhiều trường hợp mắc bệnh là các bé đang học trường Mầm non Thanh Khương tại Bắc Ninh, nguyên nhân đến từ nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng do bếp ăn của trường chế biến.

Sán lợn hoành hành trên diện rộng, cần chủ động nhận biết và phòng tránh thông qua những dấu hiệu sau - Ảnh 1.

Trao đổi với PV báo Trí Thức Trẻ, Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều (Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, riêng tại bệnh viện này đã có 135 trẻ, đa số ở độ tuổi từ năm 2010 đến nay. Qua kiểm tra ban đầu xác định có 13 trẻ dương tính với sán lợn. Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, số trẻ có kết quả dương tính sán lợn là 44/173 trường hợp. Tổng cộng ở cả hai bệnh viện trên đã phát hiện 57 trẻ nhiễm sán lợn.

Vậy nếu ăn phải thịt lợn nhiễm sán thì có thể dẫn đến những mối nguy hại nào cho sức khỏe?

*Gây hại toàn bộ hệ thần kinh:

Việc ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm sán rất cao trong thời điểm này. Sán dây khi trưởng thành có thể phát triển nhanh trong ruột và gây ảnh hưởng tới não bộ của con người. Bên cạnh đó, nếu bạn tiếp xúc với phân lợn hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh thì nguy cơ cao cũng có thể lây truyền bệnh sang một số mô trong cơ thể. Đặc biệt, khi ấu trùng sán lợn xâm nhập được vào hệ thần kinh thì nó có thể khiến bạn mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nguy hại nghiêm trọng tới não bộ và dẫn đến bệnh động kinh.

Sán lợn hoành hành trên diện rộng, cần chủ động nhận biết và phòng tránh thông qua những dấu hiệu sau - Ảnh 3.

*Gây viêm ngứa, mưng mủ trên da:

Theo Tiến sĩ Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), mỗi loại giun sán khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra những mối nguy hại khác nhau. Điển hình là việc gây ngứa ngáy, mưng mủ và viêm da. Do ấu trùng sán lợn có thể hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh, từ đó khiến làn da của bạn bị ảnh hưởng trực tiếp.

*Gây hại nghiêm trọng tới đôi mắt:

Ngoài làm tổ ở não bộ, sán lợn cũng có thể chạy vào mắt và gây lồi nhãn cầu, từ đó dẫn đến các triệu chứng như lác mắt, bong võng mạc, suy giảm thị lực, hoặc có thể là mù mắt.

*Gây ra các bệnh về tim mạch:

Trường hợp sán làm ổ trong tim có thể gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới van tim, cơ tim và làm tăng nguy cơ bị suy tim đột ngột. Do đó, cần đề cao cảnh giác khi thấy vùng tim của mình có hiện tượng đau nhức thường xuyên.

*Gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa:

Tất nhiên sẽ không thể bỏ qua nguy cơ rối loạn tiêu hóa do ăn phải thực phẩm nhiễm sán lợn. Người bệnh không những bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng giảm cân mất kiểm soát, cơ thể gầy còm, ốm yếu mà còn kéo theo các triệu chứng khó tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy...

Một vài dấu hiệu điển hình giúp bạn nhận biết nguy cơ mắc bệnh:

Theo Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, để phát hiện ấu trùng sán lợn ở não, ở cơ thì phải làm một số xét nghiệm dưới da hoặc chụp cộng hưởng từ, CT não để phát hiện bệnh. Các biểu hiện về sán trưởng thành có thể gây rối loạn tiêu hóa, người bệnh đi ngoài ra phân có đốt xám.

Sán lợn hoành hành trên diện rộng, cần chủ động nhận biết và phòng tránh thông qua những dấu hiệu sau - Ảnh 5.

Nếu sán làm tổ trong não sẽ gây ra hiện tượng co giật và kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng về sau. Còn với trẻ em sẽ làm ảnh hưởng tới vấn đề học tập và khả năng phát triển của não bộ, đồng thời cũng có thể gây ra những cơn co giật, ngất xỉu đột ngột.