Đi để trở về, không phải để chết!

T.Q, Theo Trí Thức Trẻ 07:17 11/06/2016

Khi bạn đăng dòng trạng thái "vác ba lô lên và đi" hoặc "đưa nhau đi trốn", hãy nhớ rằng luôn có những người chờ bạn trở về, là gia đình, người yêu, đồng nghiệp. Bạn đi để trở về với họ, không phải để chết!

Những ngày gần đây, việc vận động viên leo núi người Anh - Aiden Webb - tử nạn khi đang chinh phục đỉnh Fansipan đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sau tai nạn thương tâm của phượt thủ người Anh, nhiều bạn đọc đã gửi đến chúng tôi những chia sẻ, phản hồi thể hiện sự tiếc thương trước cái chết bất ngờ của Webb. Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm đa chiều về những chuyến đi, làm thế nào để đảm bảo an toàn trong mỗi cuộc hành trình bởi phía sau còn bao người chờ chúng ta trở về.

Dù bạn là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp thì bạn cũng có thể rơi xuống vực sâu, dù bạn được ví von như một kình ngư hay rái cá không có nghĩa là bạn không bị chết chìm, dù bạn đã từng lái xe máy độc hành xuyên Việt không có nghĩa là bạn tránh được các tai nạn trên mỗi cung đường. Thiên nhiên, những rủi ro, tác động từ ngoại cảnh, những cái chết không báo trước sẽ giáng xuống chúng ta bất cứ lúc nào. 

Một phút chủ quan, một chút tự tin kiêu hãnh ở bản thân, sẽ rút ngắn thời gian gặp thần chết của chính bạn.

Tháng 11 năm 2014, hai phượt thủ lần lượt ra đi vì tai nạn giao thông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng phượt. 

Cụ thể, đầu tháng 11, anh Nguyễn Việt Anh (SN 1989) chạy mô tô cùng nhóm phượt trên đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn đã tử nạn khi cố vượt một xe tải cùng chiều. 

Đến ngày 18/11, thông tin về nữ sinh tử nạn trên đường phượt Hà Giang một lần nữa khiến cộng đồng đau xót. Chiếc xe máy của G. - cô gái trẻ ra đi ở tuổi 21 - đã gặp nạn khi đâm vào xe tải ở đoạn cua xuống dốc. Lý do khiến xe của G. không thể tránh được xe tải ở phía trước vì khi đó sương mù dày đặc và nhóm phượt của các bạn đã không đợi đến lúc sương tan. Mới đây, cái chết của chàng phượt thủ người Anh Aiden Webb khi chinh phục Fansipan lại khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa.

Đi để trở về, không phải để chết! - Ảnh 1.

G. - nữ sinh thiệt mạng trong chuyến phượt Hà Giang vào tháng 11/2014.

Liên tiếp sau đó, vào mỗi năm, đến mùa du lịch, thỉnh thoảng chúng ta lại phải tiếp nhận thông tin về cái chết của một phượt thủ trẻ tuổi nào đó. Họ đều ra đi ở cái tuổi đẹp nhất của đời người, để lại nước mắt cho gia đình, bè bạn.

Mới đây nhất, một vận động viên leo núi người Anh - Aiden Webb - cũng đã tử nạn khi đang chinh phục đỉnh Fansipan. 16h ngày 10/6, thi thể của anh mới được đưa xuống núi. Sau tai nạn thương tâm của phượt thủ người Anh, nhiều bạn đọc đã gửi đến chúng tôi những chia sẻ, phản hồi thể hiện sự tiếc thương trước cái chết bất ngờ của Webb. Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm đa chiều về những chuyến đi, làm thế nào để đảm bảo an toàn trong mỗi cuộc hành trình bởi phía sau còn bao người chờ chúng ta trở về.

Đi để trở về, không phải để chết! - Ảnh 2.

Anh Aiden Shaw Webb là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp - Ảnh: Facebook nhân vật

Sự chủ quan đã cuớp mạng sống của Aiden Webb như thế nào?

Thông tin từ Ban quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, họ không nhận được đăng ký từ du khách tên Aiden Webb trước đó. Dù theo quy định, khách du lịch nào muốn chinh phục đỉnh Fansipan đều phải mua vé, đăng ký thông tin cá nhân và thực hiện hành trình có người hướng dẫn theo tuyến leo cố định.

Nhưng không, từ thôn Sín Chải, xã Sín Chải (huyện Sa Pa), Aiden Webb đã một mình di chuyển vào vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên vào khoảng 6 giờ ngày 3/6 để thực hiện ý định chinh phục đỉnh Fansipan. 

Trên đường đi, Aiden Webb vẫn thường xuyên liên lạc với bạn gái qua điện thoại. Gần hết một ngày leo núi, Aiden Webb nhắn tin thông báo cho bạn gái rằng mình vừa ngã xuống thác, bị đá cắt vào tay khá sâu, chảy nhiều máu. Lúc này đã 18h tối ngày 3/6.

Đi để trở về, không phải để chết! - Ảnh 3.

Vị trí nơi anh Aiden Webb gặp nạn và tử vong.

Anh đã gửi tọa độ định vị vị trí gặp nạn, nhưng nhắn với bạn gái rằng anh chưa cần nhờ tới sự trợ giúp. Có lẽ vì quá tin tưởng vào khả năng sinh tồn của người bạn trai đã từng chinh phục nhiều ngọn núi trước đó, bạn gái của anh đã không thông báo cho bất kỳ ai. Cả hai tiếp tục liên lạc qua điện thoại cho đến 6h sáng 4/6, cô mất liên lạc hoàn toàn với Aiden Webb.

Aiden Webb tự tin vào khả năng sống sót của mình và bạn gái anh cũng thế. Và rồi đến 5 ngày sau, người ta mới phát hiện được thi thể của anh sau nhiều nỗ lực tìm kiếm.

Giá như trước đó Aiden Webb đi cùng một người hướng dẫn, ghép đoàn với một nhóm phượt nào đó hay lập tức nhờ bạn gái phát đi thông tin cầu cứu ngay khi vừa gặp nạn. Thì biết đâu, anh đã được đưa ra khỏi khe vực sâu và trở về với người yêu và gia đình mình.

Giá như vào 2 năm trước, anh Việt Anh đừng cố vượt mặt xe tải và cô gái G. yêu cầu người chở mình dừng xe chờ sương tan rồi mới tiếp tục hành trình, thì những cái chết đau lòng đã không xảy đến.

Đi để trở về, không phải để chết!

Ngày hôm nay, tôi cứ ám ảnh mãi bức hình bố của Aiden đang kìm nén đau thương để an ủi người bạn gái của anh. Aiden đã không tự mình trở về được và người thân của anh phải ngóng chờ thi thể của anh suốt nhiều giờ. Còn cảm giác nào đáng sợ hơn việc chờ đợi người thân của mình trở về mà không thể nói với nhau một lời cuối cùng.

Đi để trở về, không phải để chết! - Ảnh 4.

Khi biết tin thi thể của Webb được lực lượng cứu hộ đưa lên khỏi khu vực bị nạn, người thân của anh rất xúc động. Trong ảnh là bố của anh đang an ủi bạn gái của cậu con trai xấu số.

Một người bạn của tôi có thói quen rất kỳ lạ. Khi bắt đầu chinh phục một điểm nào đó, cô ấy đều viết một mảnh giấy nhét vào túi quần sau. Nội dung mẩu giấy viết: "Nếu bạn tìm thấy tôi, hãy liên lạc với... qua hai số điện thoại sau...". Cô ấy ghi lại một số điện thoại của trưởng đoàn phượt, số điện thoại còn lại là của mẹ cô.

Tôi hay "quở" rằng, chuẩn bị lên đường mà ghi tầm bậy tầm bạ, xui rủi không hà! Cô bạn cười, bảo rằng nhiều lần "mém chết", nên bây giờ đi đâu, ngoài việc chuẩn bị dụng cụ sinh tồn đầy đủ còn phải để lại số điện thoại để lỡ có mệnh hệ gì, mất hết đồ đạc giấy tờ, còn cái thân xác này thì cũng hy vọng người ta biết đường trả mình về cho gia đình.


Đi để trở về, không phải để chết! - Ảnh 5.

Cô bạn kỳ lạ của tôi, một đứa tưởng chừng như không biết nghĩ, cứ lao vào những cung đường tử thần, nhưng lúc nào cũng chuẩn bị tâm lý đối phó với tình huống xấu nhất. Leo núi thì mang theo viên sủi Vitamin C để lấy lại sức, la bàn, đèn pin, điện thoại kết nối GPS. Băng rừng lội suối thì nào bông băng thuốc đỏ, dao, kéo... đủ cả, dù cô ấy đi với cả đoàn phượt và luôn có người kiểm lâm, porter hoặc hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm đi cùng.

Vào tháng 3 năm nay, chúng tôi có dự định chinh phục đỉnh Pha Luông ở Mộc Châu thì bất ngờ nhận được thông báo: Tuyến leo núi này đã bị cấm đến tháng 5/2016 vì rừng cháy và tình hình an ninh biên giới phức tạp. Mặc cho trạm biên phòng đã phát đi thông tin đó, vẫn có nhiều nhóm phượt tìm cách "leo chui", họ bàn tán rôm rả về việc đi đường khác để lên đến đỉnh, mặc kệ cảnh báo. Thật may mắn khi sau đó, tôi biết rằng những người dù cố đi đường khác để lên Pha Luông vẫn bị ngăn cản và phải từ bỏ ý định, nếu không, tôi không biết hậu quả sẽ thế nào.

Phượt không xấu, chắc chắn là như thế. Có rất nhiều người đã lớn lên từ những chuyến phượt, họ có những trải nghiệm khó quên nhất của tuổi trẻ, được kết nối với những người cùng chung đam mê, được học hỏi để lớn lên. Xin đừng để những điều tuyệt vời ấy trở thành tang thương chỉ vì chút bốc đồng, lơ là với chính mạng sống của mình.

Vậy nên, khi bạn đăng dòng trạng thái "vác ba lô lên và đi" hoặc "đưa nhau đi trốn", hãy nhớ rằng luôn có những người chờ bạn trở về, là gia đình, người yêu, đồng nghiệp. Bạn đi để trở về với họ, không phải để chết!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày