Đêm Giao thừa bắn pháo hoa, bật mí mẹo chụp tia pháo siêu độc chỉ dân chuyên sống ảo mới quen dùng

CN, Theo Nhịp Sống Việt 17:25 24/01/2020

Đảm bảo sau khi pháo hoa kết thúc, chắn chắn bạn sẽ có những tấm ảnh để đời hút Like hơn bao giờ hết.

Chỉ còn dưới 10 tiếng đồng hồ nữa, thời khắc giao thừa sẽ điểm, đánh dấu một năm âm lịch qua đi nhường chỗ cho một Canh Tý chuẩn bị cập bến. Truyền thống bắn pháo hoa tại đêm chuyển giao đầy ý nghĩa này chắc chắn sẽ diễn ra ở các tụ điểm công cộng lớn, cũng là một dịp đầy đáng nhớ để cùng những người thân yêu nhất cảm nhận từng giây cuối cùng trôi qua trước khi sang năm mới. Thế nhưng, cứ selfie mãi thì cũng chán rồi, còn chụp ảnh pháo hoa trên trời lại dễ... xa và tối quá, vậy phải làm sao để có những bức ảnh kỷ niệm vừa mới mẻ lại độc đáo khi dàn pháo đang nổ vang trời?

Không quá khó để thực hiện, đây là một mẹo chụp rất quen mặt nếu bạn có một vốn hiểu biết nhất định về nhiếp ảnh: Chụp phơi sáng.

Kỹ thuật chụp ảnh nhỏ mà có võ

Chụp phơi sáng hiểu nôm na là kỹ thuật chụp ảnh kéo dài, ghi lại toàn bộ diễn biến xảy ra trước ống kính trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó, mọi đổi thay của sự vật trong khung hình đều được in dấu liên tục, tạo nên những nét khác biệt hoàn toàn so với những tấm ảnh thông thường. Trong thời gian chụp, cảm biến của camera được mở ra lâu hơn bình thường, hay nói cách khác, thay vì chụp "tách" một phát ăn liền, những tấm ảnh phơi sáng cần chờ lâu hơn một chút để hoàn thành.

Đêm Giao thừa bắn pháo hoa, bật mí mẹo chụp tia pháo siêu độc chỉ dân chuyên sống ảo mới quen dùng - Ảnh 1.

Nhiều nhiếp ảnh gia đường phố rất chuộng kỹ thuật chụp ảnh này để cố tình cho ra những bức hình mờ ảo có chủ đích.

Các vệt sáng kéo dài trên đường chính là ánh đèn từ xe cộ, chỉ có thể được thu lại như vậy nhờ mở cảm biến camera lâu hơn bình thường. Giờ hãy hình dung các chùm sáng từ tia lửa pháo hoa cũng tương tự như vậy, và kết quả chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng:

Đêm Giao thừa bắn pháo hoa, bật mí mẹo chụp tia pháo siêu độc chỉ dân chuyên sống ảo mới quen dùng - Ảnh 2.

Nếu bạn cho rằng bức ảnh pháo hoa này là thành phẩm của Photoshop qua vài đường vẽ bằng tay của ai đó thì nhầm xíu rồi. Tất cả đều được chụp lại bằng camera thông thường với tốc độ màn trập khoảng 2 giây là vừa đủ.

Việc cho phép cảm biến camera tiếp xúc và ghi nhận dữ liệu hình ảnh trong một thời gian lâu hơn bình thường sẽ khiến chuyển động tia lửa của pháo hoa không bị "bắt dính" ngay lập tức. Trái lại, đường bắn của tia lửa sẽ được cộp mác toàn bộ lên ảnh, tạo ra hiệu ứng mềm mại, uyển chuyển mượt mà.

Chụp phơi sáng trên smartphone: Không khó như bạn tưởng

Smartphone ngày nay đã có thể giúp chụp phơi sáng một cách dễ dàng mà không cần quá nhiều đồ nghề chuẩn bị hay kiến thức cao siêu như dân chuyên. Yếu tố quan trọng nhất bạn cần chú ý nếu muốn đem về một tấm ảnh để đời là tốc độ màn trập (shutter speed).

Đêm Giao thừa bắn pháo hoa, bật mí mẹo chụp tia pháo siêu độc chỉ dân chuyên sống ảo mới quen dùng - Ảnh 3.

Tốc độ màn trập có biểu tượng chữ "S", luôn có mặt trong các phần cài đặt camera nâng cao.

Tốc độ màn trập chính là thời gian để camera thu nhận toàn bộ quá trình hình ảnh diễn ra khi mở cảm biến. Nếu là Android, cài đặt này có thể được tìm thấy ngay trên chế độ chụp camera nâng cao mặc định. Nếu là iOS, bạn cần tải một ứng dụng giúp truy cập camera sâu hơn để có thể điều chỉnh.

Mọi việc cần làm còn lại chỉ là chỉnh thời gian màn trập lâu hơn, thông thường từ 1-2 giây là vừa đủ cho một lần pháo hoa nổ, hoặc có thể lâu hơn chút nếu muốn chờ thêm vài đợt sau đó. Những công đoạn căn góc chụp hoặc các thông số khác có thể bớt quan tâm hơn, bởi ứng dụng smartphone có thể tính toán hộ cho chủ nhân sao cho hợp lý nhất. Sau cùng, bởi chụp phơi sáng rất kỵ việc rung lắc nên hãy lưu ý đặt máy lên tripod hoặc một nơi cố định, không lo làm phiền hoặc va chạm ngoài ý muốn sẽ là lý tưởng.

Cùng ngắm nhìn một số hình ảnh chụp pháo hoa phơi sáng mãn nhãn trên thế giới: