Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào

Minh Tiến, Theo Trí Thức Trẻ 12:14 24/07/2018

Thị trường việc làm thêm cho sinh viên càng phong phú bao nhiêu thì những cạm bẫy càng dày đặc bấy nhiêu. Khi bạn nhận ra mình mắc bẫy thì đã quá muộn.

Tài chính luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn sinh viên khi đứng trước ngưỡng cửa đại học. Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, đồng thời có thu nhập để chi tiêu thoải mái hơn, đi làm thêm là giải pháp hàng đầu. Ngày nay, có hàng trăm, hàng ngàn công việc cho các bạn chọn lựa, nhưng đồng thời cũng có không ít cạm bẫy mà những sinh viên non trẻ, thiếu kinh nghiệm rất dễ mắc phải.

Đa cấp biến tướng

Đa cấp là một mô hình kinh doanh phổ biến trên thế giới, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, rất nhiều công ty đội lốt kinh doanh đa cấp để lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là những bạn sinh viên năm nhất. Được "học kỹ năng mềm để tự tin giao tiếp, thuyết phục", "thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng", "chỉ cần gửi tiền vào không làm gì vẫn có lãi suất" là những miếng mồi béo bở che giấu bản chất lừa đảo bên trong.

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào - Ảnh 1.

Để có mức lương đáng mơ ước, các bạn sinh viên phải bỏ ra một khoản tiền để mua những sản phẩm như các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo... Trở thành nhân viên của họ, nhưng bạn sẽ không được trả lương hàng tháng mà phải đi giới thiệu người khác mua những sản phẩm mà bạn đã mua hoặc trở thành nhân viên giống như bạn. Sau khi lôi kéo được nhiều người tham gia, bạn sẽ nhận được phần trăm hoa hồng nhất định. Càng mua nhiều hàng để bán, càng giới thiệu được nhiều người, số tiền nhận được càng nhiều. Chính tâm lý này đã khiến cho các bạn sinh viên đã liều mình đi vay lãi suất cao để rồi ôm về những sản phẩm không có nguồn gốc, không qua kiểm định, đồng thời tạo thành một đường giây môi giới đa cấp mà đối tượng lừa đảo lại chính là gia đình, người thân, bạn bè… Cuối cùng "trái đắng" sinh viên nhận về là những khoản nợ khổng lồ, những mối quan hệ thân thiết bị phá vỡ, tâm trạng lo lắng, thấp thỏm thậm chí hoảng loạn luôn đeo bám mỗi ngày.

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào - Ảnh 2.

Đó mới chỉ là một hình thức đơn giản nhất của đa cấp biến tướng, hiện nay chúng đang trở nên ngày càng tinh vi hơn, vì vậy các bạn sinh viên phải luôn đề cao cảnh giác. Một số cái tên đa cấp biến tướng đã bị các cơ quan chức năng xử lý như: Thiên Ngọc Minh Uy, Diamond Holyday, Hoàng Kim Thế Gia,… sinh viên nên tránh xa.

Bóc lột sức lao động

"Việc nhẹ-lương cao" là khẩu hiệu của mọi công ty để chiêu dụ các sinh viên đang mong muốn kiếm thêm thu nhập. Rất nhiều bạn vì tin vào những lời mời gọi hấp dẫn đã vội vàng ứng tuyển, nhận mức lương chỉ 10.000-12.000 đồng/giờ và phải làm đủ thứ việc từ lau chùi, nấu nướng, rửa bát, phục vụ, trông xe. Chưa dừng lại ở đó, nhiều công ty còn sản sinh ra đủ loại phí vô lí để "làm tiền" nhân viên như "phí đào tạo", "phí xét chuyển hồ sơ" nhưng lại không hề nhắc đến khi phỏng vấn xin việc. Nhiều bạn do không có ngoại hình, trình độ kém, tâm lí ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận.

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào - Ảnh 3.

Nhưng sinh viên ơi, các bạn có biết rằng, mỗi giờ chúng ta lao động, đặc biệt là lao động tay chân nặng nhọc ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe hay không? Mỗi ca làm kéo dài ít nhất 4 tiếng, thử tính xem số tiền bạn làm ra trong 4 tiếng đó có xứng đáng với sức lao động của mình, có đủ để bạn mua thuốc, mua thực phẩm phục hồi sức khỏe hay không? Đồng thời, với những bạn sinh viên có trình độ, có khả năng ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, viết lách, thiết kế thì không thiếu những việc làm thêm hấp dẫn vừa phát triển bản thân, vừa trải nghiệm cuộc sống nên chẳng việc gì phải lao đầu vào những nơi như vậy

Chưa kể khi đi làm thêm, không phải là nhân viên chính thức, chưa có bảo hiểm lao động, không có một thứ gì đảm bảo cho những nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình làm việc. Bạn thấy đấy, kiếm được chẳng là bao nhiêu, nhưng rắc rối, mệt mỏi lại bủa vây hằng ngày, đó chẳng phải là bóc lột hay sao?

Hợp đồng "miệng", hợp đồng "tình thân"

Hãy mạnh dạn từ chối những công việc "không hợp đồng" hay "hợp đồng miệng" cho dù có là việc làm thêm. Rất nhiều cơ sở kinh doanh tuyển dụng nhưng không hề có hợp đồng với điều khoản rõ ràng, chỉ đơn giản là trao đổi công việc bằng miệng, đi làm và trả lương qua những thông tin trong tờ CV hay thậm chí đánh vào yếu tố tình cảm rằng môi trường làm việc đều là những người tốt, dễ dàng gắn bó, chủ coi như anh em trong nhà nên không cần hợp đồng. Vậy khi trong công việc có những điều vô lí thì đâu sẽ là căn cứ để bạn thắc mắc, từ chối hoặc thậm chí khi bị trừ lương, bị "xù" lương bạn lấy gì để bảo vệ cho mình? Rất nhiều trường hợp các bạn sinh viên đi làm bị nợ lương nhưng không đòi được, cũng không biết kêu ai do không có hợp đồng, quy định rõ ràng.

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào - Ảnh 4.

Nhưng khi có hợp đồng, thì yêu cầu đặt ra là bạn phải đọc kĩ và nắm chắc các điều khoản, đừng vội vàng, vui vẻ với công việc làm thêm mới mà đặt bút kí không suy nghĩ để rồi gánh chịu hậu quả không ngờ.

Trung tâm môi giới việc làm thiếu uy tín, có dấu hiệu lừa đảo

Những trung tâm môi giới này thường thu hút sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên với quảng cáo hấp dẫn như "trung tâm môi giới hàng đầu" hay "đảm bảo việc làm thu nhập tốt". Khi đến đây các bạn sinh viên sẽ lựa chọn công việc phù hợp trong số những việc mà trung tâm giới thiệu, phải nộp khoản phí môi giới từ 500.000 đến 1.000.000 đồng và 30-50% tháng lương đầu tiên. Tuy nhiên những việc làm mà trung tâm giới thiệu lại trái ngược hoàn toàn với quảng cáo đưa ra, làm gia sư thì gặp phải gia đình bạo ngược, học trò hư đốn; thậm chí trung tâm đưa ra những địa chỉ ảo không hề có thực. Đến khi sinh viên quay lại thắc mắc thì bị dọa nạt, đánh đập dã man, thậm chí còn đe dọa nếu báo công an sẽ gây nguy hiểm cho cả người thân,…

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào - Ảnh 5.

Tiêu biểu như vừa qua VTV24 đưa tin đại diện chuỗi cửa hàng cà phê The Coffee House khẳng định không hợp tác hay ủy quyền với bất kì trung tâm tuyển dụng việc làm nào, nhưng vẫn có hàng trăm cơ sở môi giới đăng bài và thu phí 500.000 đồng đặt cọc. Rõ ràng đây là những trung tâm lừa đảo mà bất kì bạn sinh viên nào cũng có thể bị mắc phải nếu không đủ tỉnh táo.

Hiện nay các trung tâm đó đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng cơ quan chức năng lại chưa có đủ thông tin, căn cứ để điều tra, xử phạt nên trước hết hãy tự bảo vệ chính mình.

Đam mê công việc, bỏ quên bài vở

Những cạm bẫy kể trên đa phần hình thành do môi trường khách quan, nhưng cạm bẫy này lại do chính các bạn sinh viên tạo ra và rất khó để thoát khỏi. Có nhiều bạn sinh viên khi tìm được việc làm thêm lương khá ổn, lại đúng với sở trường của mình nên càng làm càng say mê, càng mong muốn triển vọng trong công việc. Nếu dừng lại ở đó thì thật tốt biết mấy, nhưng nhiều bạn sinh viên lại quá ham mê làm việc, hay nói thẳng là quá ham mê kiếm tiền mà đầu tư gần hết thời gian, công sức cho làm thêm, không dành thời gian cho bài vở trên lớp, cho những môn chuyên ngành mà đáng lẽ đó mới là mục tiêu số 1 của các sinh viên.

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào - Ảnh 6.

Trong thời buổi hiện nay, nhiều bạn cho rằng tấm bằng đại học không còn quan trọng, nhưng thử hỏi thước đo uy tín nhất để đánh giá trình độ của bạn là gì khi bạn chưa có cơ hội thể hiện tài năng cho nhà tuyển dụng? Bên cạnh đó việc học đại học chắc chắn sẽ mang lại những thứ mà khi đi làm bạn không thể nhận được, đó là kiến thức nền tảng, là bản lĩnh chính trị, là kinh nghiệm thầy cô truyền đạt, là mối quan hệ bạn bè văn minh,… Việc làm thêm và việc đi học là những công việc không thể tách rời nhau, cả hai phải cùng được thực hiện song song mới có thể phát huy hết tác dụng của nó. Từ đó, đặt ra yêu cầu các bạn sinh viên phải biết cân bằng cả hai việc, phải biết đầu tư cho cái nào là trọng tâm, quản lý thời gian một cách khoa học.

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, sinh viên đang phải đối mặt với những cạm bẫy nào - Ảnh 7.

Có thể nói, việc làm thêm vừa là trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro, trước khi quyết định dấn thân vào công việc nào đó, mỗi sinh viên cần phải tìm hiểu thật kĩ càng và phải luôn giữ cho mình trong thế chủ động, ham học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nhưng phải tự tin vào bản thân và sẵn sàng từ bỏ nếu việc làm thêm đó không mang lại cho mình cảm hứng trong cuộc sống.