Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family”

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 09/01/2019

Với những gì đã thể hiện trong suốt thời gian qua, có lẽ YG cần nhanh chóng hành động để vớt vát lại hình tượng của mình trước khi không chỉ công chúng ngán ngẩm mà người hâm mộ cũng không còn lòng tin.

Là một ông lớn có tầm ảnh hưởng cực kì sâu rộng đến Kpop, YG entertainment luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong danh sách những công ty có âm nhạc mang màu sắc riêng biệt. Suốt từ thế hệ 2 cho đến thế hệ 3, những cái tên như Big Bang, 2NE1, Epik High, Winner, iKON, Black Pink… luôn khiến cho các nhóm nhạc khác phải dè chừng. Thế nhưng sau một thời gian dài đứng ở trên đỉnh vinh quang, YG dần bộc lộ ra những vấn đề trong việc quản lí. Những sai lầm hay việc bênh vực người này, ngó lơ ngày kia ngày càng rõ ràng trước mắt, không chỉ công chúng mà ngay chính người hâm mộ những nhóm nhạc đến từ nhà YG cũng phải lên tiếng phản ứng trước khi thương hiệu của công ty giải trí có một không hai này chỉ còn tồn tại trong quá khứ.

Từng có một đế chế YG được xây nên từ âm nhạc thuần túy

Nhắc đến Kpop, chắc chắn người ta sẽ nhớ ngay đến 3 ông lớn được mệnh danh là "Big 3" – SM, YG và JYP. Mỗi công ty đều đóng góp rất lớn cho sự hình thành và phát triển của Kpop, trong đó YG là công thần trong việc phát triển nhánh thần tượng hip hop. Chính những thần tượng đến từ YG đã tiên phong xóa bỏ định kiến rapper trong nhóm nhạc chỉ là những gương mặt đẹp được thêm vào cho đủ đội hình.

Biểu tượng lớn nhất của YG và có lẽ là của cả Kpop, chắc chắn là Big Bang. Big Bang là nhóm nhạc Gen 2 duy nhất vẫn còn đủ sức chiến đấu với các nhóm nhạc đàn em ngày càng lớn mạnh của Gen 3 cả về mảng doanh thu lẫn mảng nhạc số. Âm nhạc của Big Bang vẫn được những người hâm mộ Kpop mong chờ, một bài hát tặng fan trước khi lên đường nhập ngũ của nhóm vẫn đủ sức hạ gục hàng loạt bảng xếp hạng. Sự nghiệp solo của G-Dragon hay Taeyang và em út Daesung cũng nằm trong top đầu những thần tượng có thể thoát khỏi cái bóng của nhóm nhạc để đứng dưới tên của chính mình, dù nhóm nhạc của họ là nhóm nhạc lớn bậc nhất Kpop. Big Bang, với âm nhạc do chính họ sản xuất, đã trở thành hình mẫu lý tưởng về những thần tượng tự sản xuất âm nhạc. Sau Big Bang là 2NE1, những nữ chiến binh thực sự khi đã tấn công Kpop bằng hình tượng gai góc vốn không hợp với thị hiếu của công chúng và khiến cho sự nghiệp nở hoa trên chính hình tượng gai góc đó.

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 1.

Big Bang – Ông hoàng không chỉ của YG mà còn của cả Kpop

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 2.

2NE1 lụi tàn vì những scandal không đáng có

Không chỉ là nơi sinh ra Big Bang và 2NE1, YG còn từng là mái nhà chung của Se7en – nam ca sĩ solo thành công chỉ sau Bi Rain và Epik High – nhóm nhạc hip hop quái kiệt với thứ âm nhạc đậm chất hip hop hơn bất cứ nhóm nhạc nào. Không thể không kể đến PSY, cái tên đến từ Hàn Quốc đầu tiên ghi được dấu ấn trên bản đồ âm nhạc thế giới với bản hit tỉ view "Gangnam Style". Chừng ấy cái tên cũng đủ để khiến cho YG trở thành một đế chế hùng mạnh không khác SM, và nếu như SM đưa ra một công thức thần tượng chuẩn với ngoại hình, tài năng thì YG lại cho thấy rằng Kpop có chỗ cho những thần tượng có phong cách rất "quái" nhưng không tách rời công chúng.

Được biết đến như là một môi trường tự do về âm nhạc bậc nhất, YG đã luôn là địa chỉ mà những tài năng muốn phát triển mà không bị gò bó nghĩ đến đầu tiên khi dấn thân vào Kpop. Đón Tablo và Epik High cùng PSY về khi những nghệ sĩ này đang hứng chịu sự miệt thị của công chúng Hàn Quốc vì những hiểu lầm không đáng có; để cho HyukOh – một ban nhạc rock indie thoải mái hoạt động dù công ty chủ quản (là công ty con của YG) thua lỗ trầm trọng; và cam kết không có bất cứ can thiệp nào vào âm nhạc của bộ đôi anh em Akdong Musician... tất cả những điều đó đã khiến fan Kpop dành cho YG một sự tôn trọng không hề nhỏ.

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 3.

Se7en, PSY, Epik High và HyukOh

Tầm ảnh hưởng của YG đến Kpop thế hệ 2 là không thể chối cãi, và hào quang mang tên "thần tượng đến từ YG" vẫn kéo dài đến thế hệ 3 với Winner, iKON và Black Pink. Winner là nhóm nhạc nam rất nổi tiếng trong giới sinh viên Hàn Quốc, minh chứng là bốn chàng trai có thể biến bất kì sân khấu nào ở trong khuôn khổ tour diễn quanh các trường đại học trở thành concert của riêng mình. iKON vừa có một năm bùng nổ với bài hit quốc dân "Love Scenario" và sau đó là "Goodbye road", tiếp nối danh xưng "quái vật nhạc số" của các nhóm nhạc đàn anh. Black Pink chỉ sau 2 năm ra mắt đã trở thành nhóm nhạc nữ hàng đầu thế hệ 3. Tất cả những MV của nhóm đều đạt được số lượt xem ấn tượng, thậm chí còn đe dọa cả nhóm nhạc nam toàn cầu BTS trong cuộc đua lượt xem MV trên Youtube. Winner phổ biến tại Hàn Quốc, iKON hoạt động năng nổ tại Nhật còn Black Pink rục rịch Mỹ tiến, thần tượng nhà YG vẫn kịp cùng với làn sóng Kpop xâm chiếm toàn cầu.

Tuy nhiên, bởi vì đàn anh và đàn chị đi trước là Big Bang và 2NE1, có lẽ công chúng vẫn mong đợi điều gì đó nhiều hơn những gì thế hệ đàn em của YG đang thể hiện. Sở hữu tài năng tự sản xuất nhạc hoặc có trong tay nhà sản xuất được mệnh danh là "hit maker" của Kpop, Winner, iKON hay Black Pink hoàn toàn có khả năng để bật lên cao hơn nữa. Nhưng không chỉ người hâm mộ của các nhóm nhạc và nghệ sĩ solo đến từ YG, fan Kpop cũng hoàn toàn có thể nhận ra rằng lí do lớn nhất đang ngáng đường thành công của nghệ sĩ YG lại chính là những lỗi lầm trong cách hành xử gây nhiều tranh cãi.

Một thời đại mang tên "hòm châu báu của YG"

Ở vào thế hệ 2 của Kpop, số lượng nhóm nhạc thần tượng chỉ vừa đủ để phục vụ tất cả mọi gu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ và dừng lại ở đó. Big Bang, DBSK, SNSD, Super Junior, 2NE1… mỗi cái tên đều được biết đến và có ảnh hưởng sâu rộng, những cạnh tranh giữa các nhóm nhạc với nhau dù khốc liệt nhưng cũng không đến mức "một mất một còn". Vào thế hệ 3, khi Kpop thực sự là một cuộc đua giữa những nhóm nhạc thần tượng mà mục tiêu đã bị tụt xuống chỉ là được công chúng nhận dạng giữa một biển idol, người hâm mộ Kpop lại dần quen với một khái niệm mà chỉ YG mới có – "hòm châu báu".

Tài năng của mỗi cá nhân vẫn xuất sắc, Teddy vẫn là nhà sản xuất cứng cựa đứng sau hàng loạt bài hit, sự "chất chơi" trong hình tượng của các idol đã bắt đầu biết cách dung hòa với xu hướng chung của công chúng, thần tượng nhà YG vẫn nổi bật khi đứng giữa loạt những nhóm nhạc, những nghệ sĩ solo xuất phát cùng thời điểm. Thế nhưng điểm số về mức độ nhận diện công chúng của thần tượng YG lại bị tụt dốc nghiêm trọng bởi vì thời gian nghỉ ngơi giữa các hoạt động là quá nhiều.

Kỉ niệm 5 năm debut của Lee Hi, người hâm mộ lại phải kêu than vì cô đã không có một màn comeback nào suốt… 1000 ngày gần đây. 3 năm là một quãng thời gian quá dài cho sự nghiệp của một nghệ sĩ Kpop, và thành tích của lần comeback gần đây nhất của Lee Hi vẫn rất ổn định nếu đem so với những nữ nghệ sĩ solo khác. Là một tân binh hơn 2 năm tuổi, Black Pink chỉ có vỏn vẹn chưa đến 10 bài hát nhóm khi thực hiện concert đầu tay. Từ khi debut thắng lớn với hai bản hit "Boombayah" và "Whistle", Black Pink đã án binh bất động suốt một năm sau đó. 

Trong khi đối thủ lớn nhất của Black Pink là Twice hoạt động cật lực và giao lưu với người hâm mộ qua rất nhiều đợt comeback, Black Pink vẫn chỉ thường xuất hiện trên báo chí ở những chuyên mục khác với âm nhạc: thời trang sành điệu, nhan sắc vượt trội... Những từ khóa này gắn liền với Black Pink thậm chí còn nhiều hơn âm nhạc của họ, dù rằng Black Pink rõ ràng và không gì khác hơn là một nhóm nhạc thần tượng. Có ý kiến cho rằng sở dĩ Black Pink mất nhiều thời gian cho mỗi lần comeback là vì phụ thuộc quá nhiều vào Teddy, nhà sản xuất chính của YG. Trong khi Big Bang, Winner, iKON và cả Akdong Musician đều có khả năng tự sáng tác và sản xuất thì những bản hit của Black Pink lại do một tay Teddy lo liệu. Điều này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại rằng nếu như không còn Teddy, chất nhạc khiến công chúng mê mệt của Black Pink cũng sẽ biến mất.

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 4.

Từng có tin comeback vào tháng 3/2017, đã đến cuối năm 2018 và Lee Hi vẫn chưa thể trở lại sân khấu

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 5.

Trước khi thành viên Chan Hyuk nhập ngũ, bộ đôi AKMU cũng không hoạt động thường xuyên dù tài năng sáng tác có thừa

Điều gì mệt mỏi hơn việc chờ đợi thần tượng comeback trong một thời gian quá dài? Fan YG sẽ trả lời ngay rằng đó là việc… mừng hụt trước những thông tin comeback có mà như không. Đã quá quen với những màn nhá hàng rồi mất hút hay là "lịch sao Hỏa" của YG, người hâm mộ từ lâu không còn tin tưởng vào lời hứa chắc như đinh đóng cột của CEO Yang Hyunsuk nữa. Họ nhắn nhủ với nhau rằng… teaser đã ra rồi cũng không nên tin tưởng, khi nào có sản phẩm rồi mới có thể tin.

Không chỉ Black Pink, Winner hay là iKON, số phận của "nữ hoàng" CL lại là một điều khiến người hâm mộ phẫn nộ và đau lòng hơn cả: cô gần như đã "rơi tự do" trong những kế hoạch của YG. Kể từ khi rục rịch Mỹ tiến vào năm 2016 với single "Lifted", trưởng nhóm 2NE1 đã không có thêm hoạt động âm nhạc nào gây dấu ấn đáng kể ở cả hai thị trường Mỹ – Hàn. Những lời bào chữa thay cho YG rằng hoạt động của CL còn phải dựa vào công ty quản lý ở thị trường US – UK ở Mỹ là SB Projects, nhưng chính Scooter Braun – người quản lý các hoạt động của CL và PSY lại trực tiếp khẳng định rằng họ không có thẩm quyền quản lý CL. Dù nhiều lần lên tiếng trên mạng xã hội, thậm chí mạo hiểm đăng một đoạn trích của MV có lẽ sẽ không bao giờ được phát hành, cả CL lẫn người hâm mộ của cô đều chỉ nhận được sự im lặng. Đã từng là công thần của YG và là nữ rapper có tầm ảnh hưởng bậc nhất Kpop, sự thờ ơ dành cho CL đã khiến cho hình ảnh tôn trọng, yêu thương nghệ sĩ của YG bị đổ vỡ phần nào.

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 6.

Em út Minzy của 2NE1 không được thông báo về bài hát cuối cùng của nhóm, thậm chí "bố Yang" còn không biết cô trực thuộc công ty nào qua một show sống còn YG tổ chức mới đây

Bí ẩn và khiến công chúng chờ đợi từ lâu đã là hình tượng chung của loạt nghệ sĩ YG. Âm nhạc của YG giống như một món ăn ngon được dọn với số lượng ít, khán giả sẽ muốn thưởng thức nhiều hơn nữa và điều này trở thành sức hút tự nhiên cho mỗi lần một nghệ sĩ YG thông báo quay trở lại đường đua Kpop. Đây có thể là một chiến lược thông minh và hợp thời ở giai đoạn Kpop không có quá nhiều thần tượng và phương thức truyền thông cũng còn hạn chế, nhưng liệu có còn phù hợp với Kpop trong thời điểm người người nhà nhà đều cạnh tranh quyết liệt để giành chỗ đứng, và những công ty nhỏ cũng có cơ hội thành công ngang ngửa công ty lớn nhờ vào mạng xã hội? Dẫu biết rằng "chất lượng hơn số lượng", nhưng số lượng ít ỏi các sản phẩm âm nhạc cũng sẽ khiến khán giả bỏ đi tìm một nguồn giải trí khác cho mình.

Sự sụp đổ của "YG Family"

Nếu như chất lượng âm nhạc vẫn còn cứu cánh được cho việc hoạt động thất thường của nghệ sĩ đến từ YG, thì một điều đáng tiếc mà công ty lẫn người hâm mộ các nhóm nhạc đến từ ông lớn này đã dần đánh mất, đó là thương hiệu "YG Family". Tình cảm giữa các nghệ sĩ cùng công ty không được thể hiện mấy bởi những hoạt động chung là rất hiếm, còn giữa các fandom thì đã hình thành những rạn nứt không thể chữa lành. 

Tình trạng "bằng mặt nhưng không bằng lòng" giữa Inner Circle (fandom của Winner) và iKONIC (fandom của iKON) luôn âm ỉ và chực chờ bùng phát, đây là điều không thể tránh khỏi khi Winner và iKON là "sản phẩm" của show sống còn "Who is next" nổi tiếng một thời. Dòng nhạc khác nhau, đối tượng khán giả cũng không tương tự, xung đột giữa người hâm mộ 2 nhóm nhạc nam nổi tiếng này có lẽ đến từ bản chất cạnh tranh trong một show sống còn và bởi vì Winner và iKON hoạt động trong cùng một thế hệ thần tượng. Những sơ suất khi phát VCR của iKON trong concert Winner, hay là nhập nhằng về chuyện concert của iKON ế vé đều có thể biến thành tranh cãi, mà sự nhạy cảm của fan Kpop từ lâu đã là điều ai cũng hiểu.

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 7.

Cuộc chiến ngầm giữa hai fandom của Winner và iKON dần trở thành công khai

Không chỉ là so kè ở những nhóm nhạc ngang cơ, "chiến tranh" giữa hai thế hệ thần tượng cũng xảy ra ngay trong nội bộ YG. Từ khóa "phiên bản nữ của Big Bang" từng khiến cho 2NE1 lận đận một thời gian nhưng cũng nhanh chóng bị xóa bỏ, tuy nhiên "phiên bản nữ của G-Dragon" và "người kế vị CL", những biệt danh được gán cho Jennie (Black Pink) lại làm nảy lên xung đột giữa không chỉ giữa fandom mà thậm chí là fandom với idol. 

Thắng đậm với màn debut có tên gọi "SOLO", Jennie nghiễm nhiên trở thành nữ thần tượng tách nhóm solo thành công nhất của năm 2018. Những chiến thắng của Jennie trong khi CL đã lâu không có được thành tích nổi bật nào trong nghiệp solo đã thổi bùng lên cuộc chiến giữa người hâm mộ của 2 nữ thần tượng, nhất là khi CL đụng độ trực tiếp với người được cho là fan của Black Pink ngay trên tài khoản twitter của mình. Vẫn là những câu chuyện muôn thuở về mối quan hệ tiền bối – hậu bối, nhưng sự việc lại kéo theo một làn sóng so sánh giữa hai nữ thần tượng cùng công ty. So sánh dần biến tướng thành anti, đối tượng bị chỉ trích vốn là những người hâm mộ quá khích cuối cùng lại trở thành hai nữ nghệ sĩ.

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 8.

"Bà hoàng"CL và "công chúa" Jennie – cuộc chiến giữa hai thế hệ thần tượng Kpop

Mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" với "người ngoài", fandom của Black Pink vốn chưa đủ vững mạnh cũng đã lục đục không ít vì fan only (fan riêng của một thành viên trong một nhóm nhạc). Số lượng fan riêng của mỗi thành viên đông đảo là điều tất nhiên bởi Black Pink là một nhóm nhạc có cả thanh lẫn sắc, nhưng dần dần khi nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của thần tượng, một bộ phận fan riêng của các thành viên sẵn sàng bỏ quên cái tên Black Pink để trực diện chỉ trích nhau. 

Câu chuyện nóng hổi nhất trong năm qua chính là việc Jennie được ưu tiên và cũng có thái độ trên sân khấu hời hợt hơn các thành viên còn lại, fan Kpop ngoài việc lắc đầu ngán ngẩm vì những bằng chứng được đưa ra thì cũng phải tròn mắt khi lần đầu tiên chứng kiến fan riêng của một nhóm nhạc đến từ YG mạnh đến nỗi lấn lướt cả fan nhóm trong những cuộc tranh cãi ở giữa cộng đồng Kpop. Phản ứng này của BLINK hay của fan riêng các thành viên đều xuất phát từ việc một thành viên được ưu ái quá mức trong khi vị thế của nhóm vẫn còn chưa vững, điều gần như chưa từng xảy ra ở YG thời gian trước đây.

Đế chế YG của Kpop thế hệ thứ 3: Nhức nhối câu chuyện “chiếc hòm châu báu” và sự đổ vỡ của thương hiệu “YG Family” - Ảnh 9.

Nội bộ fandom của Black Pink đã lục đục lại càng rối rắm hơn vì sự "quan tâm" của người qua đường

Trong tất cả những cuộc "chiến tranh" làm khái niệm "YG Famliy" sứt mẻ, lỗi lầm lớn nhất vẫn nằm ở cách hành xử của YG. Từng là nơi khẳng định rõ nhất cái chất hip hop và tạo hình ảnh đề cao nghệ thuật hơn là kinh tế, những thay đổi của YG trong thời gian vừa qua - bao gồm những hành vi thiếu tôn trọng nghệ sĩ lẫn xích mích trong các fandom đã khiến cho hình ảnh của ông lớn này "rớt giá" liên tục. Lớn hơn cả tổn hại kinh tế, thất bại của YG nằm ở chỗ đánh mất bản sắc vốn có của mình và dần dần đứng chung với hàng ngũ những công ty giải trí bình thường khác.

Tạm kết

Nhìn vào những bản báo cáo tài chính hay so sánh thu nhập, có thể thấy YG còn lâu lắm mới có thể rơi ra khỏi top 3 công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Tuy nhiên, tài chính chưa bao giờ là vấn đề quan trọng nhất mà fan Kpop quan tâm, nhất là với một công ty có màu sắc âm nhạc riêng biệt như YG. Sở hữu chừng đó gương mặt tài năng, chỉ cần để cho gà nhà năng nổ hoạt động hơn, bớt sa vào những show giải trí không đem lại điều gì ngoài lùm xùm kiện tụng và chấm dứt việc tập trung nâng đỡ một gương mặt mà bỏ quên những cái tên còn lại, chắc chắn YG sẽ không đánh rơi vị trí công ty giải trí hàng đầu vào tay bất cứ ai. Với những gì đã thể hiện trong suốt thời gian qua, có lẽ YG cần nhanh chóng hành động để vớt vát lại hình tượng của mình trước khi không chỉ công chúng ngán ngẩm mà người hâm mộ cũng không còn lòng tin.