Đây là lý do vì sao “được gọi bằng tên thật" vẫn chỉ là mong ước đối với phụ nữ Afghanistan

Phương Giấy Spiderum, Theo Thời Đại 18:00 06/09/2017

Nhiều đàn ông Afghanistan cho rằng, việc gọi tên thật của người phụ nữ là hành động xúc phạm danh dự vợ. Tuy nhiên, giờ đây, chính phụ nữ đang lên tiếng trong một chiến dịch truyền thông xã hội: Tại sao họ không được sử dụng chính tên của mình?

Mới đây, tờ Thời báo New York đã đăng tải một câu chuyện đề cập đến việc nhiều người đàn ông Afghanistan gọi vợ họ là "con dê" hay "con gà của tôi" thay vì tên thật của họ. Đàn ông tin rằng, gọi tên thật của một người phụ nữ là xúc phạm cô ấy. Hàng nghìn phụ nữ Afghanistan đang lên tiếng trên các phương tiện truyền thông xã hội với việc sử dụng hashtag #WhereIsMyName - Tên của tôi đâu rồi? Chiến dịch này đã lan rộng khắp toàn cầu bởi ý nghĩa nhân văn của nó.

Mục đích của họ không chỉ là để đòi lại bản sắc riêng cho mình, mà còn để phá vỡ những điều kiêng kị lâu đời, cấm đàn ông nhắc đến tên phụ nữ.

Đây là lý do vì sao “được gọi bằng tên thật vẫn chỉ là mong ước đối với phụ nữ Afghanistan - Ảnh 1.

Xã hội Afghanistan còn nhiều bất công cho phái yếu

Nhà xã hội học người Afghanistan, Hassan Rizayee, cho rằng: "Phong tục này bắt nguồn từ lối sống bộ lạc. Đây là một vấn đề liên quan đến truyền thống và văn hóa lâu đời. Vì vậy, chúng ta cần kiên trì đấu tranh để khiến mọi người thay đổi lối suy nghĩ về tên gọi của người phụ nữ."

Đó chính xác là những gì phụ nữ tham gia vào chiến dịch #WhereIsMyName đang cố gắng thực hiện. Theo nhà hoạt động Bahar Sohaili: "Chúng tôi đang phải chứng kiến đầy rẫy các bất công đối với phụ nữ. Về cơ bản, mọi thứ đều là điều cấm kị đối với họ."

Mặc dù phụ nữ Afghanistan đã giành được quyền bầu cử, quyền đi làm và đi học khi lực lượng Taliban bị lật đổ vào năm 2001 nhưng tình trạng phụ nữ bị bạo hành vẫn là điều phổ biến ở quốc gia này.

Đây là lý do vì sao “được gọi bằng tên thật vẫn chỉ là mong ước đối với phụ nữ Afghanistan - Ảnh 2.

Đàn ông Afghanistan cho rằng, tên người phụ nữ cũng thiêng liêng như chiếc khăn trùm đầu của họ

Chiến dịch bắt đầu từ tỉnh Herat và lan rộng khắp Afghanistan. Nhiều chính trị gia và người nổi tiếng cũng tích cực tham gia sự kiện này. Farhad Darya, ca sĩ đồng thời là  Đại sứ thiện chí Quốc gia Afghanistan, đã thể hiện thái độ trên Facebook của mình rằng: "Nhiều lần đứng trước đám đông, khi tôi đề cập đến tên mẹ hoặc vợ mình, những người đàn ông nhìn tôi như một kẻ hèn hạ. Họ nhìn tôi chằm chằm cứ như thể tôi là tội đồ của nhân loại, một kẻ không biết gì đến danh dự và truyền thống của người Afghanistan."

Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan khác lại cho rằng, tinh thần chiến dịch này đã đi ngược lại với "các giá trị của dân tộc". Một người đàn ông bày tỏ suy nghĩ của mình trên Facebook rằng: "Tên của mẹ, chị gái và vợ tôi cũng thiêng liêng như chiếc khăn trùm đầu, tượng trưng cho danh dự của họ. Tên của họ sẽ chỉ được nhắc đến trong trường hợp cần thiết mà thôi."

Những người đàn ông này có lẽ không thể hiểu được điều mà chiến dịch muốn kêu gọi: Phụ nữ, chứ không phải đàn ông, là người có quyền quyết định sử dụng tên của họ như thế nào.