Đây là lý do chó nhà bạn chưng ra bộ mặt này sau mỗi lần phá phách

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 13:39 19/04/2017

Gần như trăm con như một, cứ mỗi lần phá hoại một thứ gì đó, chú chó sẽ mang ngay bộ mặt rất hối lỗi. Và đây là ý nghĩa thực sự của hành vi đó.

Kết thúc một ngày đi học/đi làm căng thẳng, bạn hối hả chạy về nhà. Để rồi khi mở cửa ra, thứ bạn nhận được là một bãi chiến trường - gối bông văng tứ tung, đồ ăn vung vãi, cửa nhà lộn xộn. Còn thủ phạm thì đang đứng ở giữa, đuôi ngoe nguẩy, mắt cụp xuống ra chiều hối lỗi lắm...

Đây là lý do chó nhà bạn chưng ra bộ mặt này sau mỗi lần phá phách - Ảnh 1.

Nhưng có thực là chúng hối lỗi không, hay có mục đích gì khác? Điều này đã được giáo sư Nathan H Lents giải thích trong cuốn "Not So Different: Finding Human Nature in Animals" (tạp dịch: Không có nhiều khác biệt - đi tìm bản chất con người trong động vật). 

Cụ thể, giáo sư Lents giải thích rằng chó có hành vi "cúi đầu xin lỗi" (apology bow), và đó là một hành động bản năng từ các loài sói thời xa xưa. 

Giáo sư đã phải thực hiện nghiên cứu trên một số đàn sói trong tự nhiên. Ông nhận ra rằng khi một con sói cắn quá mạnh lúc đang chơi đùa, nó sẽ bị cả đàn bao vây. Hành động cắn được xem là vi phạm quy tắc xã hội của đàn sói, và kẻ tấn công sẽ bị buộc phải rời khỏi đàn, trừ khi tự mình cúi đầu xin lỗi.  

Đây là lý do chó nhà bạn chưng ra bộ mặt này sau mỗi lần phá phách - Ảnh 2.

"Loài chó ngày nay cũng được thừa hưởng tập tính này, và chúng sẽ dùng đến nó sau mỗi lần làm điều gì đó khiến chủ nổi cơn lôi đình" - Lent cho biết.

Lent chia sẻ thêm: "Biểu cảm và ngôn ngữ hình thể là cách giao tiếp phổ biến giữa các loài động vật, trong đó nhiều thông điệp được truyền tải chỉ bằng một số cử chỉ đơn giản."

"Vấn đề nằm ở bối cảnh. Ví dụ như việc chúng ta chẳng thể nhầm hành vi nhe răng gầm gừ thành một nụ cười, thì loài chó cũng hiểu ý nghĩa trong mỗi hành vi của chúng"

Đây là lý do chó nhà bạn chưng ra bộ mặt này sau mỗi lần phá phách - Ảnh 3.

Việc loài chó có cảm thấy thực sự hối lỗi không thì vẫn còn gây tranh cãi. Nhiều nghiên cứu trước đó cho rằng cái nhìn tội lỗi của chúng thực ra là vì sợ, chứ không hẳn là vì hối hận. 

Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy chúng ý thức được đâu là việc làm sai (dựa trên sự trừng phạt của chủ). 

Nguồn: IFL Science