Đây là lí do của những ngón tay “cong gấp khúc” gây sốt cư dân mạng - liệu có “bẻ thẳng” được không?

Đạt Lê, Theo Helino 14:37 19/04/2018

Bạn muốn bẻ ngón tay cong thành thẳng ư - nếu bạn muốn một câu trả lời ngắn gọn thì rất tiếc - đó là "Không"!

Mới đây, một nam thanh niên đã đăng ảnh bàn tay cong như uốn của mình lên mạng xã hội để thăm dò xem bao nhiêu người đã gặp tình trạng "éo le"này.

Đây là lí do của những ngón tay “cong gấp khúc” gây sốt cư dân mạng - liệu có “bẻ thẳng” được không? - Ảnh 1.

Bàn tay cong gợi nhiều bình luận, chia sẻ trên Facebook. Ảnh: Mai Naii

Bất ngờ thay, nhiều người dùng đã nhiệt tình cho biết họ cũng sở hữu những ngón tay từ hơi cong tới siêu cong, thậm chí là "cong gấp khúc". Và đây cũng không phải lần duy nhất những ngón tay chưa cần gõ bàn phím mà vẫn làm dậy sóng cộng đồng mạng, thậm chí "giật" luôn mọi ánh nhìn về mình.

Trước đó, tháng 1/2016, tờ Daily Mail từng phản ánh người dùng mạng xã hội hết sức lo lắng vì bỗng một ngày, họ thấy sao ngón tay mình cong quá, liệu có phải do sử dụng smartphone lâu ngày hay không.

Đây là lí do của những ngón tay “cong gấp khúc” gây sốt cư dân mạng - liệu có “bẻ thẳng” được không? - Ảnh 2.

Ảnh do Daily Mail tổng hợp từ người dùng mạng xã hội

Các chuyên gia giải phẫu không đồng tình với ý kiến trên. Một bác sĩ từ New Jersey (Mỹ) nói rằng không có bàn tay nào "thẳng" 100% cả. 

Đó là do cấu tạo của các đốt ngón tay, chúng không được "sắp xếp" theo một đường thẳng. Nhưng nhờ vậy mà ta có thể cầm cốc uống nước hay những vật dụng có hình trụ một cách dễ dàng hơn.

Ảnh chụp X quang cho thấy khớp ngón tay không thẳng mà hơi cong nhẹ, giúp ta cầm những vật hình trụ dễ hơn

Thế nhưng vì sao một vài người lại sở hữu ngón tay cong một cách đáng chú ý? Tùy từng trường hợp mà nguyên nhân lại rất khác nhau. Tuy vậy, một bệnh lý khá phổ biến là Repetitive Strain Injury (RSI), nghĩa là "Chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại".

Đúng như cái tên, bệnh gây ra do việc lặp lại một thao tác với tần suất quá cao của ngón tay như gõ bàn phím, nhấp chuột, cầm bút viết, kéo - đẩy cửa trượt...

Bệnh lý này càng dễ hình thành hơn nếu bạn: làm việc sai tư thế, sai kĩ thuật, không nghỉ ngơi đủ, lối sống không lành mạnh, không tập thể dục thường xuyên, môi trường áp lực cao, ngủ không sâu, khớp tay đã lỏng lẻo sẵn, mắc bệnh viêm khớp, tiểu đường, béo phì hay thậm chí là... để móng tay quá dài!

Tạm gác lại việc cả bàn tay đều "cong cùng nhau", còn có cả những ngón tay "cong trong cô đơn". 

"Ngón cái đi nhờ xe" (hitchhiker’s thumb)

Đây cũng là hình ảnh được nhiều cư dân mạng chia sẻ, lí do một phần bởi ngón cái luôn được chú ý hơn cả. Nó gắn với nhiều dấu hiệu khác nhau, chẳng hạn như sự đồng ý, tán thành (giống nút Like của các mạng xã hội).

Nếu để ý, bạn sẽ thấy không có ngón tay cái nào thẳng 100%. Nhưng nếu ngón cái cong ra phía sau từ 50 – 90 độ thì được gọi là "ngón cái đi nhờ xe". Tên gọi này xuất phát từ ý nghĩa người bộ hành sẽ giơ ngón cái lên khi có phương tiện chạy qua, ngỏ ý muốn được "quá giang". Nó khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Các "sắc thái" cong khác nhau của ngón tay cái

Hiện tượng "ngón cái đi nhờ xe" do di truyền, và không có gì đáng ngại nếu bạn không cảm thấy đau đớn hay khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Nếu ngược lại thì đó có thể là biểu hiện của các bệnh như:

- Diastrophic dysplasia: một bệnh di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Người bệnh có tay và chân rất ngắn. Họ cũng có thể có cột sống, bàn chân cong và cả "ngón cái đi nhờ xe".

- Hypermobility syndrome (hội chứng người dẻo): một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến các mô liên kết. Các đốt ngón tay của người bệnh rất lỏng lẻo, có thể uốn cong hay dịch chuyển khác thường.

Cong ở ngón tay út

Đây là lí do của những ngón tay “cong gấp khúc” gây sốt cư dân mạng - liệu có “bẻ thẳng” được không? - Ảnh 5.

Ngón út có thể cong ở cả 3 đốt, tùy từng người

Thật thú vị là những ngón tay ngoài rìa lại dễ... cong hơn cả! Đối với ngón út, hiện tượng cong có thể xảy ra ở cả 3 đốt ngón tay. 

Độ cong khoảng 15 - 30độ. Và có thể uốn cong về phía những ngón còn lại (dễ nhìn thấy khi bạn đặt bàn tay lên 1 mặt phẳng), hoặc uốn cong vào lòng bàn tay.

Đây là lí do của những ngón tay “cong gấp khúc” gây sốt cư dân mạng - liệu có “bẻ thẳng” được không? - Ảnh 6.

Ảnh 1 – ngón út cong vào lòng bàn tay. Ảnh 2 – ngón út cong so với các ngón khác, ở đốt thứ hai. Ảnh 3 – cong ở đốt tay gần móng

Đây là hiện tượng di truyền, cụ thể là do gen trội gây ra. Vì vậy tin hơi buồn một chút là nếu bố hoặc mẹ có ngón út cong thì rất có thể con cũng sở hữu điều tương tự.

Tuy nhiên, cần lưu ý là ngón tay út cong thường không đau và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chức năng của tay, nên có rất ít nghiên cứu khoa học về nó. Con số thống kê cũng chỉ tương đối. ĐH Baylor, Mỹ cho rằng tỷ lệ sở hữu ngón út cong bẩm sinh dao động trong khoảng từ 1 – 19,5%.

Việc điều trị ngón út cong chỉ cần thiết vì lí do thẩm mĩ. Cách thứ nhất là nẹp xương ở trẻ em ngay từ lúc nhỏ, trong nhiều năm. Cách thứ hai là phẫu thuật. Tuy nhiên cả 2 cách đều không đảm bảo sẽ cho bạn ngón tay thẳng 100%. Vậy nên tốt hơn là cứ sống vui vẻ với nó đi.

Lưu ý nhỏ:

Nếu các ngón tay chỉ cong sau chấn thương và bạn cảm thấy đau, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Còn nếu không, hãy chấp nhận sự thật rằng cơ thể ta có nhiều điều kì diệu nhưng cũng không kém phần... kì cục!

Nguồn: udel, Pop Sci, Quora, DailyMail...