Đây chính là nhân vật đáng thương nhất Trung Thu trong truyền thuyết

T.O.P, Theo Trí Thức Trẻ 20:29 04/10/2017

Bánh dẻo, bánh nướng, rước đèn, múa lân... ai cũng mải mê, còn một nhân vật rất quan trọng của ngày tết Trung Thu nhưng chẳng ai để ý đến.

Nhắc đến Trung Thu, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên? Bánh nướng - bánh dẻo? Rước đèn? Múa lân? Và trong đó, không thể thiếu chị Hằng xinh đẹp giữ cung trăng, và chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Có điều nếu chỉ nhớ đến đây thì bạn cũng như tôi, chúng ta đã quên đi một nhân vật rất quan trọng và... tội nghiệp, đó là hình ảnh chú Thỏ Ngọc giã thuốc trường sinh. Mà chú cũng tội thật. Thuốc giã ngày giã đêm, không ngừng nghỉ, giã suốt cả ngàn năm, mà theo truyền thuyết là để Hậu Nghệ ăn rồi đoàn tụ cùng Hằng Nga ở cung Quảng Hàm.

Nguồn gốc của chú thỏ trên cung trăng

Thỏ Ngọc trên cung trăng là một truyền thuyết có trong nhiều nền văn hóa khác nhau: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là cả người Aztec cổ đại. Nhưng thực chất, nguồn gốc của chú thỏ lại đến từ Phật Giáo Ấn Độ.

Đây chính là nhân vật đáng thương nhất Trung Thu trong truyền thuyết - Ảnh 1.

Chuyện kể rằng có 4 loài vật: khỉ, chó, rái cá và thỏ ngày ngày đến lắng nghe một vị đạo sĩ thuyết giáo. Một ngày nọ, vị đạo sĩ chuẩn bị rời khỏi thế gian, và ông yêu cầu 4 con vật tìm thức ăn cho mình.

Tất cả đều tìm được, ngoại trừ thỏ. Để vị đạo sĩ không đói, thỏ quyết định nhảy vào đống lửa. Thế nhưng đống lửa ngùn ngụt bỗng biến thành băng tuyết lạnh giá, còn vị đạo sĩ hiện nguyên hình là thần Sakra (một vị thần của Ấn Độ), giáng trần để thử thách các con vật. Thỏ được đưa lên cung Quảng Hàm, lưu lại làm bạn với Hằng Nga.

Ở một số nền văn hóa khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, thỏ cung trăng lại gắn với hình tượng... giã bánh gạo hoặc bánh mochi, thay vì thuốc trường sinh như phiên bản Trung Quốc.

Đây chính là nhân vật đáng thương nhất Trung Thu trong truyền thuyết - Ảnh 2.

Thỏ ngọc giã cối suốt ngày hay chỉ Rằm tháng 8?

Đây là điều hơi khó trả lời. Trên thực tế, hình tượng Thỏ Ngọc giã thuốc là do dân gian truyền miệng, dựa trên các khoảng tối trên Mặt trăng có hình giống một chú thỏ đang cầm cối. Thời đó không có ống nhòm hay kính viễn vọng, nên chỉ có ngày Rằm tháng 8 - ngày Mặt trăng lớn nhất, sáng rõ nhất - con người mới quan sát được hình ảnh đó thôi.

Vậy có nghĩa là, hình ảnh Thỏ Ngọc giã thuốc vẫn ở đó, chỉ là đến ngày rằm tháng 8, người ta mới trông thấy nó. Hay nói cách khác, thỏ đã cầm chày giã cối ngày qua ngày trong cả nghìn năm mà chẳng được nghỉ.

Thế mà Trung Thu đến, có ai nhớ đến Thỏ đâu? Khi cả thiên đình, cả hạ giới nô nức phá cỗ rước đèn thì thỏ vẫn cần mẫn giã cối năm này qua năm khác.