Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: "Không phải phim nào remake cũng thành phim hay!"

Phúc Du/Ảnh: Kim Điền/Thiết kế: Tuấn Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 15/03/2018

Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn của "Tháng Năm Rực Rỡ" đã có cuộc trò chuyện về nghề và ngành điện ảnh Việt đương thời. Anh cho rằng remake là một giải pháp tức thì của phim Việt lúc này, nhưng không phải phim nào remake cũng thành phim hay.

Từng được mệnh danh là một trong tứ hoàng của điện ảnh Việt, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Charlier Nguyễn và Victor Vũ là những đạo diễn có doanh thu triệu đô sớm nhất phòng vé Việt. Các tác phẩm của Nguyễn Quang Dũng luôn có những chủ đề mới lạ và hiện đại như Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt; Nụ Hôn Thần Chết; Giải Cứu Thần Chết; Những Nụ Hôn Rực Rỡ; Mỹ Nhân Kế...

Tháng Năm Rực Rỡ vừa ra mắt đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của khán giả, sau tuần đầu công chiếu đã thu được 35 tỉ với gần 500 nghìn lượt xem. Nói Tháng Năm Rực Rỡ là một cột mốc... rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng có lẽ cũng không sai.

Sao anh lại quyết định làm phim remake, mà cụ thể là Tháng Năm Rực Rỡ (Sunny)?

Sau Dạ Cổ Hoài Lang thì cái nhìn, tâm lý của tôi thoáng hơn, đó là làm phim bằng kịch bản của người khác. Khi nhận được lời mời làm đạo diễn bản Việt cho Sunny, lúc đầu tôi chưa hứng thú lắm, vì lý do phim remake. Sau khi xem bản gốc xong thì thấy phim rất khó làm, nó rất riêng tư và rất Hàn Quốc, và cũng khá là khó với thị trường. Ngay cả phía sản xuất của Hàn Quốc cũng cho biết sau khi họ xem bản dựng đầu tiên của Sunny thì họ cũng mơ hồ, không biết nên xếp phim vào dạng phim nghệ thuật hay thị trường, nhưng cuối cùng khi phát hành lại rất được ủng hộ. Thế là tôi quyết định xem lại thêm vài lần nữa.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 1.

Sunny theo tôi giống như một quyển nhật kí, do vậy cái cần nhất là sự đồng cảm, nếu tạo được sự đồng cảm với số đông thì sẽ được ủng hộ. Tôi cũng nghĩ đến các hướng để khi đặt phim vào thì nó sẽ ra được cái chất của Việt Nam. Vậy là tôi quyết định bắt tay thực hiện một phim remake đầu tiên trong đời.

Thế anh có định sẽ tiếp tục thực hiện những phim remake khác?

Vốn dĩ tôi không muốn mình làm quá nhiều phim remake, nhưng có vài phim thì cũng hay, cũng thú vị. Tiếp theo tôi sẽ đạo diễn một phim remake khác là 50 First Dates. Đây là một dự án hợp tác giữa Galaxy và SONY. Tôi rất thích phim này, và nếu mình đứng ở vai trò đạo diễn bản remake thì xem như trong CV của tôi có một lần hợp tác với SONY, rất đáng để thử.

Thế còn Đất Rừng Phương Nam?

Dự án đó tôi làm sản xuất chứ không phải đạo diễn. Nếu phim được đón nhận thì chúng tôi sẽ cố gắng sản xuất mỗi năm một tập điện ảnh, còn không thì... thôi (cười).

Liên tục những phim của anh như Mỹ Nhân Kế, Siêu Nhân X, Dạ Cổ Hoài Lang đều không được đánh giá cao. Nhưng từ trước đến nay mọi người đều công nhận Nguyễn Quang Dũng mạnh về ý tưởng. Vậy anh nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng với nhiều phim liên tục không tốt, anh cũng đã hết luôn ý tưởng, phải làm phim trên ý tưởng, kịch bản của người khác, như Tháng Năm Rực Rỡ này?

Suy nghĩ đó cũng bình thường thôi. Nghề đạo diễn cũng đâu phải là nghề làm kịch bản. Chẳng qua cái thời mà tôi còn tự viết kịch bản, tự lên ý tưởng cho phim thì thị trường chưa có quá nhiều kịch bản phim thương mại, nên mình mới được chú ý. Nhưng chẳng ai có thể "đẻ" ý tưởng hay mãi được.

Người nào cũng chỉ có vài câu chuyện mà thôi, mình có cố nhào nặn ra bằng nhiều thể loại khác thì nó cũng chỉ có nhiêu đó. Viết hoài bản thân mình cũng thấy... đuối mà (cười). Và cũng chưa chắc đã hay khi mà phải kiêm nhiệm một lúc hai vai trò. Cho nên nếu làm phim trên kịch bản, ý tưởng của người khác được thì vẫn nên làm. Nói theo một hướng tích cực nữa là khi đó phim không chỉ là góc nhìn chủ quan của riêng mình nữa mà được cộng hưởng từ người biên kịch và cả của mình.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 2.

Vậy thì so với Dạ Cổ Hoài Lang, cũng là một phim anh làm dựa trên kịch bản của người khác nhưng Tháng Năm Rực Rỡ lại được khen ngợi rất nhiều? Anh nghĩ lý do vì sao?

Có nhiều lý do chứ. Đầu tiên là điều kiện làm việc. Tháng Năm Rực Rỡ là phim tôi được làm trong điều kiện tốt nhất, vì nó nằm trong giai đoạn điện ảnh Việt đang phát triển, tiền đầu tư cũng tốt hơn. Thứ hai là kịch bản từ phim gốc đã là một kịch bản tốt.

Nói nôm na thì với Tháng Năm Rực Rỡ, mình đã có sẵn một mặt bằng quá tốt, chỉ việc xây dựng trên cái nền đó mà thôi. Tôi không phải loay hoay trong các vấn đề như giải quyết sự logic trong kịch bản của mình nữa. Chưa kể Dạ Cổ Hoài Lang đi quay ở nước ngoài cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn, bị nhiều chuyện ngoại cảnh chi phối hơn.

Quá trình chuẩn bị Tháng Năm Rực Rỡ từ lúc manh nha cho đến khi hoàn thành là mất bao lâu?

Khá là lâu đó. Dù kịch bản có sẵn nhưng khi Việt hoá và biên tập lại cũng mất tầm 6 tháng. Có 3 người chuyển thể là cha con chú Phạm Thuỳ Nhân và tôi. Cả 3 phải viết đi viết lại cũng rất nhiều lần. Sau đó quay thêm mấy tháng nữa. Cả chuẩn bị và quay tính ra cũng đã mất hơn một năm.

Trong khi viết kịch bản, anh có lo lắng phim sẽ bị cắt do kiểm duyệt?

Cũng lo lắm. Tôi và ekip phải chuẩn bị, mường tượng phim khi quay sẽ như thế nào để không gặp vấn đề. Có những chi tiết mà khi nhìn hình, tư liệu lịch sử xong cũng phải đắn đo, suy nghĩ rồi mới quyết định hướng thực hiện. Ví dụ như cảnh biểu tình trên phố.

Mấy cái khiên của các anh lính lí ra phải là màu cờ của chế độ cũ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều xem có nên để nguyên như thế không. Cuối cùng thì mọi người thống nhất là sơn lại màu khác như các bạn đã thấy trên phim. Vì trong một khung hình mà có quá nhiều màu sắc đó thì cũng thấy hơi... ngại (cười). Với cả tôi cũng không muốn mọi người xem phim mà cảm giác như đó là một phim lịch sử.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 3.

Trong lúc quay mình có tiếp tục sửa không, hay anh đã tiên liệu được hết những cái không ổn?

Chắc chắn là không tiên liệu được hết mọi thứ. Dù nguyên tắc của tôi nào giờ là kịch bản phải ổn hết thì mới đi quay. Nhưng tất nhiên là khi ra hiện trường, đôi lúc sẽ có những thứ phát sinh, những phát hiện, cảm hứng gì đó mà nếu sửa đổi sẽ hay hơn thì mình làm. Nhưng chỉ là những chi tiết nho nhỏ thôi chứ gần như không ảnh hưởng đến đường dây kịch bản.

Áp lực lớn nhất của anh khi quay phim này là gì?

Lúc chuẩn bị thì còn có đủ thứ áp lực chứ khi đi quay rồi thì không còn áp lực gì nữa mới làm tốt được. Có chăng là áp lực về thời gian, nhân lực với nhà sản xuất, vì phải đảm bảo tiến độ để không phát sinh chi phí. Ví dụ như cảnh biểu tình là một cảnh rất áp lực vì rất đông người cùng tham gia, bối cảnh, đạo cụ này kia cũng phải chuẩn bị rất kĩ. Một khi làm không tốt là tất cả phải bắt đầu lại. Trong khi trời lại rất nóng vì quay ở Sài Gòn mà chỉ được quay trong một thời gian giới hạn. Áp lực của đạo diễn về thời gian thì phim nào cũng có. Kể cả những phim nước ngoài, chi phí càng cao thì mình càng áp lực.

Vậy còn áp lực về doanh thu khi phim đã ra rạp?

Thật ra đối với nhà làm phim thì khi phim ra rạp coi như xong nhiệm vụ rồi (cười), còn lại là việc của phát hành, marketing. Nói vậy thôi nhưng bản thân tôi cũng lo lắng lắm chứ. Nhìn thấy phản ứng ban đầu của khán giả khá tốt thì cũng rất hy vọng. Hy vọng phim của mình sẽ hồi vốn được cho nhà đầu tư, nhà sản xuất.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 4.

Phim càng lớn thì mình càng lo. Nếu thành công thì cơ hội của mình trong tương lai sẽ dễ dàng hơn. Ngay cả các nhà đầu tư họ cũng sẽ thấy được rằng nếu đầu tư tốt, đúng chỗ thì việc thu lại cũng sẽ tốt. Còn nếu chẳng may phim không thành công thì sẽ càng có nhiều chuyện để lo hơn. Nếu bản thân tôi là nhà đầu tư, tôi cũng sẽ suy nghĩ như thế: "Phim không được đón nhận thì đầu tư nhiều như vậy làm gì?".

Thật ra không phải cứ tiền nhiều là hay. Thị trường cần sự đa dạng, có phim cần nhiều tiền, phim chỉ cần ít tiền thôi nhưng phim nào cũng chạm được tới khán giả, như vậy mới thành công.

Anh có nghĩ Tháng Năm Rực Rỡ sẽ lập kỉ lục phòng vé mới?

Rất mong. Tôi nghĩ không chỉ mình tôi mà nhiều người cũng mong như vậy vì nó sẽ kích cho thị trường sôi động thêm.

Nhưng vấn đề giá vé ở rạp bị giảm hiện nay cũng rất đáng lo ngại? Dù lượt xem tăng nhiều nhưng doanh thu không còn cao như trước?

Mỗi giai đoạn thị trường đều có những khó khăn riêng mà. Coi như mình không may mắn khi phim phát hành trong giai đoạn giảm giá vé. Nhưng ở giai đoạn nào thì mình cũng phải làm phim, cũng phải cố gắng thôi.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 5.

Với 12 diễn viên chính ở 2 thế hệ, anh đã nhắm hay chọn họ để casting bằng cách nào?

Có một số diễn viên mình đã nhắm trước, ví dụ như Hoàng Yến Chibi, Hồng Ánh, Thanh Hằng. Nhưng Hoàng Yến cũng phải casting nhiều lần. Vì cô ấy là vai chính nên phải chuẩn bị thật kĩ lưỡng, thời gian casting của Hoàng Yến kéo dài đến cả năm với những khoảng cách không đều. Thứ nhất là để xem diễn viên có thể đi đường dài với phim hay không. Có thể ở một buổi nào đó may mắn thì họ vào vai nhưng một quá trình thì lại khác. Thời gian casting kéo dài cũng là để thử xem họ có chuyên nghiệp không.

Thứ hai là qua đó mình cũng sẽ điều chỉnh kịch bản theo khả năng của diễn viên. Ví dụ như cảnh hát dưới mưa của Hiểu Phương. Nếu vai chính phim này không phải là Hoàng Yến, không phải một người vừa biết diễn vừa biết hát vừa biết múa thì đã không có cảnh đó. Xem như là mình thử thách họ bằng thời gian nhưng bù lại họ sẽ có cơ hội để phô diễn nhiều khả năng của mình.

Vậy anh tâm đắc hay bất ngờ với diễn viên nào nhất?

Hoàng Yến (cười). Cô ấy vừa thông minh mà cũng vừa hợp vai, tạo cảm giác rất thú vị. Tôi nghĩ mỗi người làm nghề đều có giai đoạn phát tiết và tràn đầy năng lượng. May mắn cho tôi là có được Hoàng Yến trong giai đoạn này của cô ấy. Như cái thời làm Nụ Hôn Thần Chết, tôi cũng cảm nhận được năng lượng đó ở Thanh Hằng.

Nghe nói ban đầu Hoàng Oanh casting vai Tuyết Anh?

Cô nào đẹp cũng đều phải cast vai Tuyết Anh hết (cười). Khi đó bạn trợ lý tìm rất nhiều những cô đẹp để cast vào nhân vật rất đặc biệt này, một vai diễn quan trọng, khó và cần phải có thần thái. Kinh nghiệm khi tổ chức casting của tôi là phải nhìn ra được nhiều góc độ của diễn viên. Đôi khi mình giao cho họ một tình huống nào đó ngoài kịch bản thì sẽ nhận ra được những khả năng khác của họ. Cho nên cuối cùng tôi chọn Hoàng Oanh vào vai Mỹ Dung vì cô ấy hợp nhân vật này hơn.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 6.

Sau những buổi casting, ngoài việc chọn được diễn viên phù hợp thì mình còn có được thêm thông tin vào "hồ sơ" diễn viên của bản thân. Để những phim sau nếu có vai hợp thì sẽ tìm người đó, hoặc là giới thiệu cho các đạo diễn khác nếu họ cần. Đó là trách nhiệm của một người làm nghề đối với các em diễn viên trẻ, tôi nghĩ vậy.

Có ý kiến cho rằng Jun Vũ đẹp và khí chất hơn Min Hyon Rin trong bản gốc, anh thấy sao?

Tôi nghĩ cảm nhận về cái đẹp của mỗi người khác nhau. Cá nhân tôi thấy Jun Vũ rất đẹp. Còn Min Hyo Rin của Hàn Quốc lại có khuôn mặt rất đặc biệt.

Vậy trong phim có nhân vật nào khiến anh chưa hài lòng?

Do mình dồn tâm sức cho các vai nữ nhiều quá nên phía dàn nam mình hơi lơ là. Ví dụ như vai của anh Hoàng Phúc (chồng Hiểu Phương) và anh Thanh Tùng (Đông Hồ lúc lớn). Chưa kể đến là thời lượng phim, nên tôi buộc phải chọn những gì chính nhất để giữ lại. Đó là lý do mà khán giả sẽ thấy hai nhân vật này gây cảm giác thiếu sót. Qua đây cũng xin gửi lời xin lỗi đến các bạn nam nếu vai diễn của mình trong phim hơi nhạt (cười).

Thời lượng phim có phải là áp lực từ nhà sản xuất khi mà bản Hàn đến 135 phút nhưng bản Việt chỉ có 118 phút?

Không hẳn. Phim Việt bây giờ không bị áp lực nhiều về thời lượng, số suất chiếu như thời còn ít rạp chiếu phim nữa. Vấn đề là nếu dài quá thì khán giả xem cũng sẽ bị ngộp. Bản thân tôi nếu phim quá dài, tiết tấu chùng xuống thì mình hay bị lơ là. Nhưng tất nhiên là dài mà vẫn lôi cuốn thì vẫn nên dài.

Vậy anh cho rằng Sunny bản gốc bị dư thừa nội dung?

Thật ra thì theo tôi thấy, ở Hàn Quốc hay Âu Mỹ, khán giả xem phim bình tĩnh hơn chúng ta, người làm phim cũng vậy. Có rất nhiều phim dài đến 3 giờ nhưng khán giả vẫn hoàn toàn có thể tận hưởng, dành trọn thời gian cho nó. Đó là vấn đề thuộc về văn hoá và quan niệm. Chính điều đó cùng với bề dày lịch sử điện ảnh của họ đã giúp những nhà làm phim làm được những bộ phim dài mà vẫn đảm bảo hấp dẫn. Nhưng ở Việt Nam thì chưa. Ngay cả văn hoá xem phim của chúng ta vẫn chưa mạnh. Mọi người đa phần chỉ đi xem phim, đến rạp giải trí nhiều hơn chứ không phải thưởng thức như ở nước ngoài. Thế nên dạng phim ở Việt Nam chưa đa dạng, chúng ta vẫn chưa có khán giả cho các dòng phim nghệ thuật.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 7.

Sunny bản gốc dài hơn, nhiều chi tiết hơn nhưng nó vẫn hay và sâu, đời sống hơn. Đoạn đầu của bản gốc quá dài, tạo cảm giác buồn chán y hệt nhân vật chính và đó cũng là ý đồ của đạo diễn, để họ bắt nhịp khi câu chuyện đi vào quỹ đạo dễ hơn. Ở Việt Nam, cuộc sống nội trợ mà khá giả vậy thì đa phần người ta cũng sẽ không thấy buồn. Cho nên tôi mới chủ động gọt bớt để phù hợp với số đông và văn hoá, để câu chuyện ngắn gọn và đi nhanh hơn.

Nhưng việc anh cắt bớt nhiều chi tiết sẽ làm những người chưa xem bản gốc sẽ không thông suốt lắm?

Tôi hiểu điều này. Nhưng bản thân thôi cũng có quan điểm riêng. Tôi nghĩ có cái phải giữ, nhưng cũng có những thứ không cần giải thích chi tiết quá. Những người xem bản gốc chắc chắn sẽ đặt câu hỏi khi tình tiết này, tình tiết kia được lược bớt. Nhưng bản thân mình là người trực tiếp thực hiện, mình buộc phải hy sinh, bớt cái này để có được cái khác. Chẳng hạn như đoạn Hiểu Phương hát dưới mưa là một dấu ấn của bản Việt mà bản Hàn không có.

Anh nghĩ sao về ý kiến một kịch bản hợp với Việt Nam như vậy lại không phải do người Việt nghĩ ra? Hay do người làm phim ở Việt Nam đang không thể sáng tạo?

Tôi không nghĩ vậy. Một phần do ngành điện ảnh của mình chỉ mới vừa phát triển, chưa có nhiều người có thể đổi đời với nghề biên kịch. Ở nước ngoài thì khác, có những người họ chỉ ở nhà viết kịch bản nhưng vẫn có thể đổi đời. Điều này rất quan trọng. Chúng ta cần một nguồn nhân lực nhiều hơn hiện tại. Tôi nghĩ rằng sau những bộ phim kiểu này, lòng dân tộc, tâm thế làm nghề sẽ được kích thích hơn. Lâu nay người ta vẫn nghĩ phim lấy đề tài chiến tranh sẽ không thể chạm được đến số đông.

Một điểm đặc biệt nữa là xã hội Hàn Quốc có rất nhiều thứ tương đồng với Việt Nam. Đó cũng là lý do mà nhiều câu chuyện trong phim Hàn khi remake thì dễ tạo được sự đồng cảm ở người Việt.

Anh nghĩ điện ảnh nước mình đang đứng ở đâu? Khi mà cứ có phim hay vừa ra, chưa kịp vui lâu đã lại có phim dở khiến người ta mất niềm tin?

Tôi nghĩ chuyện phim hay rồi phim dở là chuyện bình thường. Thị trường thế giới cũng vậy. Tỉ lệ phim hay so với phim dở chắc chắn là rất lớn, lượng phim họ làm ra mỗi năm gấp 10 lần chúng ta và hầu như ta chỉ tiếp xúc với những phim hay nhất của họ. Chẳng qua là thị trường họ lớn quá nên ta thấy cái thành công nó áp đảo.

Làm phim cũng là một ngành kinh doanh, thế nên cũng cần phải có xu hướng, sự chắc chắn và trải nghiệm. Xu hướng sẽ làm cho khách hàng (ở đây là khán giả) chú ý đến thị trường, sự chắc chắn sẽ níu chân họ và sự trải nghiệm sẽ tạo cơ hội để tăng lượng khách hàng, tất nhiên đôi khi sẽ thất bại nhưng nó cần thiết.

Gần đây Việt Nam cũng có nhiều phim độc lập hơn, có phim thành công, có phim không. Nhưng chúng không thừa. Hôm nay phim này thành công, ngày mai là phim khác, đó mới là đa dạng phát triển.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 8.

Lấy ví dụ dòng phim hành động cũng là một dòng phim chưa thành công ở Việt Nam, kể cả đầu tư nhiều thì vẫn khó thu lời. Trong khi trên thế giới, hành động lại là dòng phim dễ kiếm tiền nhất, kể cả những dòng phim hạng B. Có thể nói gần như Việt Nam chỉ có Mỹ Nhân Kế là thành công về doanh thu nhưng lý do là từ... mỹ nhân chứ không phải từ hành động (cười).

Vấn đề nằm ở chỗ điện ảnh chúng ta đang ở giai đoạn muốn hướng đến cái mới nhưng chưa đến được, mà cái cũ thì mọi người lại chán rồi. Cái chúng ta thiếu là bản sắc riêng. Xem một phim hành động của Việt Nam đôi lúc ta lại thấy một chút Mỹ, khi lại có một chút Hong Kong, mà chưa có cái chất riêng của người Việt.

Bản thân tôi cũng rất muốn làm một phim hành động mà ở đó thật sự thoát được cái khung của bản thân, tự do và sẽ chinh phục được khán giả nội địa. Tôi tin không chỉ tôi mà nhiều đạo diễn khác cũng muốn làm, dù biết là rất "khoai". Nếu không làm thì chúng ta sẽ không bao giờ thành công. Nó cũng giống như một canh bạc, phải dám liều thì mới đến lúc thắng cược. Tôi tin là từ từ chúng ta sẽ tìm ra cái chìa khoá đó. Thật ra chìa khóa trên lý thuyết thì ai cũng hiểu nhưng không phải ai cũng tìm ra được.

Còn dòng phim remake, khi một phim remake thành công thì thị trường sẽ xuất hiện nhiều phim remake hơn, rồi lại có ý kiến cho rằng remake nhiều quá sẽ mất gốc?

Phim Việt Nam nguyên bản thành công nhiều hơn là phim remake thành công đó chứ. Đúng là bây giờ có hơi nhiều phim remake trên thị trường. Nhưng cũng là một giải pháp thức thời, hợp lý khi chúng ta chưa có nhiều kịch bản nguyên gốc chất lượng trong khi số phim mỗi năm tăng khoảng 30%.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 9.

Rạp chiếu cũng tăng, lượng khán giả cũng tăng, tất nhiên lượng phim cũng phải tăng để đáp ứng nhu cầu. Nhưng chúng ta lại không có đến 30% nhân lực về biên kịch hay đạo diễn tăng lên tương đồng theo mỗi năm. Chúng ta lại không thể bỏ qua cơ hội khi mà thị trường đang phát triển. Remake là một hướng giải quyết tức thì trong giai đoạn này. Tất nhiên nếu lượng remake nhiều hơn phim nguyên bản thì nguy hiểm, nhưng ở giai đoạn này tôi nghĩ là hợp lý.

Thêm một vấn đề nữa là chúng ta hơi tự ti, luôn có cảm giác mình thấp hơn người khác. Trong khi Hollywood mới là thị trường remake nhiều nhất. Không chỉ remake phim ngoại mà họ còn remake phim của chính mình nhưng chẳng ai có ý kiến gì cả. Quan trọng là bộ phim đó có tạo được sự đồng cảm hay không mà thôi. Với giới phê bình lý luận, báo chí thì có thể thành vấn đề nhưng với số đông khán giả, phim hay hay dở mới là quan trọng. Chúng ta nên suy nghĩ thoáng một tí.

Vậy những phim remake không thành công ở Việt Nam theo anh là bởi lý do gì?

Đó, đó chính là lý do mà chúng ta không nên quá đặt nặng chuyện remake! Vì không phải phim nào remake cũng thành phim hay. Nếu làm được như vậy chắc người ta đổ xô đầu tư remake, áp đảo phim nguyên bản luôn ấy chứ. Chọn phim để remake cũng là một bài toán khó. Phù hợp với văn hoá hay không mới là quan trọng nhất. Tương tự như những gameshow rất đình đám ở nước ngoài nhưng về Việt Nam lại xịt, hoặc những quyển sách rất hay nhưng khi chuyển ngữ sẽ không còn hay nữa.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 10.

Hỏi những chuyện ở tầm vĩ mô xong rồi, giờ chúng ta chuyển qua những thứ vi mô hơn, cụ thể là xoay quanh Tháng Năm Rực Rỡ nhé! Sao anh lại chọn Anh Thư vào vai khách mời khi mà hiện tại nhiều người không còn nhớ Anh Thư là ai?

Anh Thư với tôi có nhiều kỉ niệm. Tôi và cô ấy từng hợp tác lần đầu trong Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt. Thời điểm khi Những Cô Gái Chân Dài của Vũ Ngọc Đãng ra mắt đích thực là thời kì rực rỡ của Anh Thư. Tôi cũng từng có ý định mời Anh Tư đóng Nụ Hôn Thần Chết nhưng lúc đó Thư đang có thai.

Còn về mặt riêng tư thì tôi chọn Anh Thư vì kỉ niệm bản thân. Tôi muốn qua bộ phim này mình cũng tìm lại thời rực rỡ của chính mình với các diễn viên. Hơn nữa Anh Thư rất đẹp, rất hợp với tiêu chí ban đầu là một diễn viên có nhan sắc hoặc một hoa hậu (cười).

Sao anh lại để cho cả nhóm Ngựa Hoang trưởng thành cùng xem cuộn băng kỉ niệm, khác với bản gốc là một mình Lim Na Mi (Hiểu Phương) xem ở nhà?

Cá nhân tôi thấy bản Hàn có một sự mạnh mẽ, thực tế. Chi tiết Lim Na Mi một mình xem cuộn băng nó khắc hoạ sự cô đơn của nhân vật này. Vì thực tế ở các nước khác như Hàn Quốc, sẽ rất khó để những người trưởng thành rủ rê nhau, ngồi với nhau cùng làm gì đó. Việt Nam thì khác. Nên tôi muốn thay đổi cho nhẹ nhàng, dễ thương hơn, tình cảm hơn để khi xem khán giả sẽ thấy bản thân ở đâu đó.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 11.

Vì sao anh lại không xoáy vào chi tiết Hiểu Phương lãnh cảm chuyện chăn gối với chồng như bản gốc?

Thực ra là có, nhưng đã được lược bớt. Bản Hàn có rất nhiều chi tiết nhỏ liên quan đến cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống phụ nữ sau hôn nhân. Nhưng tôi muốn bản Việt tập trung vào tình bạn hơn nên chấp nhận lược bớt. Biết là sẽ bị non nhưng nếu giải thích nhiều quá thì sẽ bị loãng ý đồ của mình. Hai bản phim theo tôi mang hai tinh thần khác nhau. Bản Hàn gai góc, thực tế, thậm chí là tàn nhẫn. Còn bản Việt thì trẻ trung, mơ mộng và thiên về tình cảm hơn.

Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng anh cố tình cài vào phim tình yêu giữa Mỹ Dung và Hiểu Phương?

Có những thứ khán giả nghĩ xa quá nên mình không nhận vơ được. Giống như chi tiết Dumbledore và Snape trong Harry Potter vậy, nó chưa bao giờ rõ ràng nhưng chúng ta vẫn nghĩ như thế đó thôi. Cũng do khán giả yêu quý nhân vật. Nhưng tôi rất thích từ "tri kỉ", đối với tôi thì Mỹ Dung và Hiểu Phương là mối quan hệ này. Chia sẻ mọi thứ, nhưng lại thiếu khoảng cách của tình yêu và chính khoảng cách này đã khiến cho tình bạn đẹp hơn.

Vì sao trong trailer lại có đoạn 5 cô khoác vai nhau khi đi đánh lộn nhưng trong phim lại không có nhân vật Bảo Châu?

À, đó là đoạn quay thử hôm định trang rồi đưa luôn vào trailer thôi chứ tình tiết trong phim vốn dĩ là không có Bảo Châu ở đoạn đó (cười).

Vì sao anh lại chọn Wonder Girls và điệu Gangnam Style để đưa vào phim mà không phải là Mắt Ngọc, Mây Trắng hay một điệu nhảy nào đó của Việt Nam?

Đơn giản là tôi muốn chọn những cái tên mà giới trẻ bây giờ biết nhiều để gây hiệu ứng hài hước mà thôi. Có thể là nó không mang lại cảm giác thuần Việt nhưng lại gần với suy nghĩ của các bạn trẻ.

Có những đoạn ở bản Việt gần như là cắt cảnh, chuyển cảnh y chang bản gốc, sao mình không làm khác đi?

Vì những cảnh này trong bản gốc quá hay, tôi nghĩ mình không nên thay đổi.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không phải phim nào remake cũng thành phim hay! - Ảnh 12.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này, chúc Tháng Năm Rực Rỡ sẽ sớm đạt doanh thu 200 tỉ!