Sở hữu 1 căn hộ chung cư:
Bước ngoặt của ước mơ và minh chứng cho thành công của những người trẻ
kỳ 1.
kỳ 2.
"Phải có một căn hộ ở Sài Gòn"
Phương hướng nào cho người trẻ với ước mộng mua nhà?
Rào cản niềm tin chính là chướng ngại vật lớn nhất khiến công chúng ngại ngần tiếp cận phim truyền hình nước ta. Cho đến khi Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng... và mới đây nhất - Về Nhà Đi Con xuất hiện, vũ trụ VTV chính thức định nghĩa lại khái niệm xem phim gia đình của người Việt, đặc biệt là người trẻ.

Ở kỳ cuối cùng này, chúng ta sẽ cùng nhau vén sâu hơn những câu chuyện khó khăn và những rào cản đối với một người trẻ khi muốn thực hiện ước mơ mua nhà. Phía sau ánh hào quang từ trên cao nhìn xuống thành phố ngập chìm trong cảm giác thỏa mãn mỗi đêm, phía sau sự tự hào mình có một tài sản trước bạn bè cùng trang lứa là gánh nặng nợ nần, khiến họ có những lúc rơi vào mệt mỏi, cùng cực.

Dành cả tuổi thanh xuân để trả nợ: Phương hướng nào cho người trẻ với ước mộng mua nhà? - Ảnh 1.

Căn hộ của chị Minh Phương nằm trên đường Hoàng Diệu (quận 4), cách trung tâm chỉ hơn 1km. Câu chuyện của chị đặc biệt ở chỗ, chị và chồng lúc cả hai đều dưới 30 tuổi, đã cùng nhau dành dụm đủ số vốn để mua căn hộ, thời điểm lúc đó có giá là 2 tỷ 2. Nhưng vì tính cầu toàn, muốn ngôi nhà mình ở phải theo ý bản thân nên hai vợ chồng mượn ngân hàng 700 triệu để xây sửa và đầu tư nội thất. Gánh nặng tiền nhà mỗi tháng trả cho ngân hàng là 15 triệu/tháng, trong 5 năm. Đây không phải là con số nhỏ đối với cặp vợ chồng trẻ vì phải tính toán chuyện tương lai, con cái nhưng theo chị Phương, việc mua nhà và mượn nợ là một cặp đôi song song với nhau: “Ít người trẻ nào ở tuổi mình có thể đi làm dụm tiền có thể mua được nhà mà không nợ một đồng xu nào. Vì bản thân mình đi làm cũng gần 10 năm, có năm tích lũy được, có năm không nên việc mua nhà phải xác định là mượn nợ”.

Dù phải gồng gánh 15 triệu/tháng tiền nợ nhưng chị Phương vẫn thấy hài lòng vì chị thực sự yêu căn nhà đó và cảm thấy nó xứng đáng với việc chị cùng chồng cùng nhau “cày”, làm thêm cái này, nhận thêm việc chỗ khác để tất toán sớm. “Giá trị lao động của mình nằm ở chỗ có được một căn nhà nằm ở trung tâm, trước bạn bè bao nhiêu năm. Những thứ xa hoa khác như quần áo, trang sức, mỹ phẩm thì mình có thể linh hoạt để chi tiêu thông minh hơn. Đổi lại, đó là nơi mình thực sự muốn trở về sau một ngày làm việc vất vả, là nơi hàn gắn để mình cảm thấy dễ chịu và chẳng còn muốn lang thang đâu ngoài đường nữa” – chị Phương giải thích.

Dành cả tuổi thanh xuân để trả nợ: Phương hướng nào cho người trẻ với ước mộng mua nhà? - Ảnh 2.

Nhưng cũng có nhiều người, việc gánh nợ khiến họ trở nên mệt mỏi và quyết định từ bỏ giữa chừng. Chị Khánh Quỳnh, sau khi mua căn hộ The Art, chị mượn ngân hàng 1 tỷ để và giải ngân từ từ. Năm đầu, số tiền chị phải đóng cho ngân hàng là 6 triệu/tháng. Năm thứ 2 giải ngân thêm thì số tiền đó tăng lên 10 triệu/tháng. Cuộc sống chị bắt đầu nặng thêm khi tiền nhà dần tăng: sếp chửi, khách hàng khó chịu, đồng nghiệp không hợp nảy sinh những mâu thuẫn ở nơi làm việc khiến chị có những lúc rơi vào bế tắc.

Nhưng vì đang cõng trên vai món nợ quá lớn, chị không thể tùy ý nghỉ việc vì đã vướng vào cuộc đua mà theo chị, chỉ cần mình không vận động, cố gắng thì sẽ không thể nào tất toán xong được. Sau đó chị quyết định bán căn hộ đầu tiên, mua lại căn chung cư khác để có thể trả xong nợ cho ngân hàng.

Không chỉ có thế, việc nợ có thể ví như là bóng ma, lúc nào cũng bên cạnh và tác động đến mọi ý định của những người trẻ. Cảm giác sợ nợ, lúc nào cũng có gánh nặng trên vai khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ độc thân như chị Quỳnh chỉ dùng cả thanh xuân để trả nợ. Những chuyện như hẹn hò không còn chỗ để dành thời gian hay nghĩ đến: “Mình lười hẹn hò thêm phần là vì mặc cảm phía sau mình luôn có một món nợ và sợ rằng người yêu sẽ nghĩ mình lợi dụng. Đó cũng là một phần lý do nhiều người như mình lập gia đình trễ vì muốn sạch nợ trước khi bước vào đời sống hôn nhân, đặc biệt là trước khi có con. Mình mua nhà năm 27 tuổi, tất toán sớm lắm là trong vòng 5 năm, tức đến 32 tuổi mới trả sạch nợ và nghĩ tới việc kết hôn”.

Dành cả tuổi thanh xuân để trả nợ: Phương hướng nào cho người trẻ với ước mộng mua nhà? - Ảnh 3.

Hãy tưởng tượng bạn là sinh viên mới ra trường, kiếm được công việc ổn định với mức lương trung bình 16 triệu/tháng ở tuổi 23. Nếu bạn có ước mong mua được cho mình một căn chung cư trước năm 30, bạn sẽ phải làm gì?

Bạn phải tiết kiệm, đó là điều đầu tiên. Những nhân vật trong câu chuyện chung cư kể trên, họ đều có phần tiếc nuối: giá như họ biết tiết kiệm hơn, không phung phí tiền bạc vào việc mua sắm, ăn uống hay những dịch vụ xa xỉ khác thì đã có thể mua nhà sớm hơn. Ví dụ, thay vì uống cà phê vào mỗi buổi sáng, ăn trưa cùng đồng nghiệp vào buổi trưa, lại thêm tráng miệng, thêm trà sữa hay ăn vặt buổi xế và tối kết thúc bằng một bữa ăn ngoài với bạn bè thì việc tự nấu và mang cơm theo sẽ cắt giảm ít nhiều phần chi phí. Thay vì đi du lịch nhiều lần trong một năm thì dành dụm tiền đi một chuyến thật chất lượng để tiết kiệm tiền máy bay, khách sạn và những khoản chi phí khác.

Chúng ta đều nhiều lần “nguyền rủa” bản thân vì sao không biết tiết kiệm hơn. Điều đó đủ thấy rằng, mục tiêu chúng ta đặt ra chưa đủ lớn để bản thân vượt khỏi những ham muốn hàng ngày: ăn ngon, mặc đẹp, du lịch mỗi tháng một lần. Khi hoàn cảnh kinh tế gia đình không thực sự đủ lớn, sự hậu thuẫn tiền bạc từ bố mẹ không nhiều thì việc tự lực vào bản thân cần bạn có một quyết tâm đủ mạnh mẽ để có thể đạt được ước mơ của mình.

Dành cả tuổi thanh xuân để trả nợ: Phương hướng nào cho người trẻ với ước mộng mua nhà? - Ảnh 4.

Anh Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, chuyên gia bất động sản cá nhân gợi ý rằng, bạn cần tích luỹ 50% giá trị căn nhà mới nên mua căn nhà đầu tiên dùng để ở. Bởi lẽ, chung cư không phải là một kênh đầu tư tốt vì một khoản đầu tư bất động sản tốt phải vừa có tăng giá trong dài hạn (lãi vốn) và dòng tiền trong ngắn hạn (cho thuê mỗi tháng). Chung cư theo anh, mục đích chính là dùng để ở chứ không phải là khoản đầu tư tối ưu vì không thể tăng giá liên tục trong dài hạn.

Chính vì thế, với mục tiêu để ở, bạn có thể áp dụng quy luật “02 lần 50%” do anh đúc kết để tính toán cho hợp lý. Quy luật này dùng để tính toán giá cả tối đa của căn nhà phải mua và khoản tiền tối đa dùng để trả khoản vay. Ví dụ, một bạn trẻ thu nhập 16 triệu/tháng, có tích luỹ 600 triệu, được ngân hàng sẵn sàng cho vay mua nhà với gói vay 20 năm, lãi suất bình quân 10%/năm. Dưới đây là các tính toán cụ thể cho bài toán về tài chính sử dụng nguyên tắc “02 lần 50%”:

+ Tiền vay không được vượt quá 50% giá nhà: cụ thể trong trường hợp này, giá căn nhà đi mua không nên vượt quá mốc 1,2 tỷ.

+ Tiền trả không được vượt quá 50% tổng thu nhập: trong trường hợp này khoản tiền phải trả cho ngân hàng là ở mức 8 triệu/tháng. Khoa học về chi tiêu của thế giới đã chỉ ra rằng một người hay một gia đình cần tối thiểu 50% thu nhập mỗi tháng để tái tạo sức lao động. Nhiều bạn dành đến 70-80% thu nhập của mình trong tháng để trả ngân hàng nên triệt tiêu động lực và đã phải bán luôn căn nhà của mình để trả nợ. Với khoản vay 600 triệu trong 20 năm với lãi suất 10%/năm thì gốc lãi mỗi tháng phải trả là 7,5 triệu, đây là con số hoàn toàn nằm trong khả năng.

Bên cạnh đó, ngoài câu chuyện giá cả và bài toán tài chính cá nhân, khi đã quyết định mua chung cư, bạn cũng cần xem xét những yếu tố quan trọng khác như:

+ Pháp lý: chung cư có sổ hồng hay chưa, hợp đồng về những vấn đề pháp lý được quy định thế nào, bạn nên cần có luật sư giải đáp cho thông rõ để biết được quyền lợi của mình tới đâu.

+ Uy tín chủ đầu tư: bạn có thể tham khảo những dự án trước của chủ đầu tư này, những khách hàng họ đã phục vụ. Bên cạnh đó, bạn nên gia nhập vào những hội nhóm của cộng đồng dân cư mà bạn có ý định mua để tìm hiểu về những vấn đề hàng ngày khác như: việc nuôi chó mèo, việc quản lý rác, các chi phí như phí quản lý, phí bảo trì hay tác phong làm việc của ban quản lý chung cư.

+ Vị trí: với nơi làm việc hay học tập, vị trí của căn chung cư có đáp ứng việc đi lại của bạn hay không. Đường xá của khu vực này có dễ đi, an toàn và có xu hướng phát triển hay không đó là những câu trả lời bạn cần giải đáp cho chính mình. Bên cạnh đó, bạn nên đi xem nhà vào lúc chạng vạng để biết giờ cao điểm, tan tầm tuyến đường này có hay kẹt không, trời mưa có ngập úng không, khu vực có gần khu công nghiệp hay bãi rác không. Đây là những yếu tố cần cân nhắc khi mua xét về vị trí.

Câu hỏi cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, khi nghĩ đến chuyện có riêng cho mình một thứ tài sản thì bạn có chịu được cảnh “thắt lưng buộc bụng” hay không? Một căn nhà ở Sài Gòn có là điều quan trọng, là thứ tài sản khiến bạn yên tâm và tự hào? Nếu câu trả lời là có, với sức trẻ, với đầy năng lượng và cả một khoảng thời gian đủ dài để vun đắp không chỉ về trí óc, trái tim mà còn về tiền bạc, bạn sẽ đủ sức để có cho mình một căn nhà. Và quan trọng nhất, với cách thức quản lý tài chính một cách khôn ngoan, bạn sẽ không bị ám ảnh bởi bóng ma nợ nần mà để dành thanh xuân cho những điều thú vị và tuyệt vời khác.

Dành cả tuổi thanh xuân để trả nợ: Phương hướng nào cho người trẻ với ước mộng mua nhà? - Ảnh 6.
Bùi Thư
Nhỏ Jung
Nguyễn Tất Sỹ
Do Phuong Anh
ɴᴀ-x⁰⁷
Theo Trí Thức Trẻ24.08.2019