Đằng sau hào quang đầy mồ hôi là nước mắt của các nữ VĐV Hàn Quốc, thành tích được đánh đổi bằng nỗi đau tinh thần, thể xác và cả mạng sống

Imacho, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 02:35 06/08/2020

Đằng sau ánh hào quang của sự nổi tiếng, được quốc dân tung hô là những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà không phải ai cũng hiểu.

Khuya ngày 26/6, Choi Suk-hyeon, 22 tuổi, một VĐV ba môn phối hợp tiềm năng của làng thể thao Hàn Quốc, đã gửi đi 2 tin nhắn trước khi chọn cho mình cái chết bi kịch. Người nhận được tin nhắn đầu là đồng đội của Choi, cô nhờ người này chăm sóc giúp chú chó con. Tin nhắn còn lại được gửi đến mẹ Choi. Trong đó, Choi đã bày tỏ tình yêu của mình dành cho mẹ và nói thêm: "Mẹ ơi, xin hãy cho thế giới này biết tất cả tội lỗi của bọn họ".

Đối với bố mẹ và đồng đội của Choi, họ hoàn toàn hiểu được "họ" trong những lời cuối cùng mà cô để lại là ai.

Đằng sau hào quang đầy mồ hôi là nước mắt của các nữ VĐV Hàn Quốc, thành tích được đánh đổi bằng nỗi đau tinh thần, thể xác và cả mạng sống - Ảnh 1.

Sau cái chết của Choi, gia đình cô tiết lộ cuốn nhật ký và những đoạn ghi âm chứa tài liệu về những năm tháng bị bạo hành về mặt thể xác lẫn tinh thần của nữ VĐV trẻ. Choi nói rằng cô chỉ đích danh những kẻ gây ra nỗi đau cho mình là HLV, bác sĩ của đội và 2 đồng đội đàn anh.

Cuốn nhật ký và các đoạn ghi âm của Choi đã làm dấy lên sự lo lắng trước vấn nạn bạo hành, thao túng đang phổ biến tràn lan khắp cộng đồng thể thao Hàn Quốc. Liên đoàn thể thao 3 môn phối hợp Hàn Quốc đã tiến hành trục xuất HLV Kim Gyu-bong và đội trưởng của Choi, Jang Yun-jeong, ra khỏi làng thể thao vĩnh viễn. Công tố viên hiện đang chuẩn bị tài liệu để khởi kiện những kẻ này.

Bác sĩ họ Ahn từng ra tay bạo hành Choi được cho là không có bằng cấp y khoa, đã không nhận cuộc gọi, tin nhắn hay đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc này. Tất cả những nghi phạm có liên quan bao gồm HLV Kim, Jang và một đồng đội khác của Choi, Kim Do-hwan, đều phủ nhận tất cả các cáo buộc.

Hàn Quốc luôn tự hào về việc trở thành cường quốc thể thao và giành về hàng loạt những tấm huy chương vàng danh giá tại Thế vận hội và các giải đấu khác. Thế nhưng, hàng loạt những scandal đã chỉ ra vấn nạn bạo hành thể xác, tấn công tình dục và rất nhiều hình thức bạo hành khác đối với các VĐV, những người trẻ, dễ bị tổn thương và cô độc vì thường sống xa gia đình trong thời gian rèn luyện.

Các VĐV trẻ sống cùng nhau trong ký túc xá và thường tạm dừng việc học để tập trung cho các buổi rèn luyện, khiến họ càng ít tìm được những cơ hội nào khác ngoài thể thao. Hệ thống thể thao còn cho các HLV những quyền lực vô hạn đối với VĐV và các nạn nhân cho biết họ không dám nói ra sự thật vì sợ sẽ bị loại khỏi đội tuyển và bị đồng đội tẩy chay.

Cuộc khảo sát được Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc thực hiện đã chỉ ra rằng có khoảng 1 trong 7 nữ VĐV bị lạm dụng tình dục nhưng 70% trong số họ không dám lên tiếng vì sợ bị gạch tên khỏi danh sách đội tuyển, bị trả thù và đánh mất toàn bộ sự nghiệp đã dày công gây dựng.

Một trong những trường hợp hiếm hoi mà nạn nhân lên tiếng là Shim Suk-hee, VĐV từng 2 lần giành huy chương vàng môn trượt băng, khiến cho cả Hàn Quốc chấn động. Năm 2017, Shim đã lên tiếng cáo buộc cựu HLV của mình vì hành vi cưỡng bức cô ở tuổi 17. Gã HLV ấy, Cho Jae-beom, đã bị kết án 10 tháng tù giam vì tội tấn công thể xác 4 VĐV trong đó có Shim, vào năm 2011 và trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông năm 2018 được tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Được biết, vụ án của Cho vẫn chưa ngã ngũ.

Đằng sau hào quang đầy mồ hôi là nước mắt của các nữ VĐV Hàn Quốc, thành tích được đánh đổi bằng nỗi đau tinh thần, thể xác và cả mạng sống - Ảnh 2.

Shim Suk-hee

Đằng sau hào quang đầy mồ hôi là nước mắt của các nữ VĐV Hàn Quốc, thành tích được đánh đổi bằng nỗi đau tinh thần, thể xác và cả mạng sống - Ảnh 3.

Cho Jae-beom

Những trường hợp này ở Hàn Quốc chỉ là một phần của xu hướng trên thế giới, nơi các nữ VĐV dám lên tiếng khi bị HLV và bác sĩ đội tuyển bạo hành thể xác, tinh thần và bạo hành tình dục.

Về phía Choi, cô đã từng lên tiếng cầu cứu, gửi đơn và khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Vài tháng trước khi chọn kết thúc đời mình bằng cái chết, cô đã báo cáo vụ việc lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, Liên đoàn ba môn phối hợp Hàn Quốc, Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc, và cảnh sát ở thành phố Gyeongju, nơi đội tuyển đang luyện tập.

Trong đơn khiếu nại, Choi cho biết bác sĩ Ahn đã tát, đánh và đá cô hơn 20 lần trong ngày cô thực hiện đoạn ghi âm khiến xương sườn của cô bị tổn thương. Choi cho biết cô không dám đi điều trị tại thời điểm đó vì sợ bị trả thù.

"Con bé gần đây rất căng thẳng bởi vì cơ quan chức năng làm như thể việc bạo hành và đánh đập trong làng thể thao không có gì nghiêm trọng" - bố Choi nói. Ông cho biết cơ quan chức năng đã nói với con gái ông rằng các nghi phạm đã phủ nhận mọi cáo buộc và họ không có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra, kể cả khi Choi đã giao hết các đoạn ghi âm mà cô có.

"Ai sẽ mang con gái trả về cho tôi?" - ông Choi nói.

Đằng sau hào quang đầy mồ hôi là nước mắt của các nữ VĐV Hàn Quốc, thành tích được đánh đổi bằng nỗi đau tinh thần, thể xác và cả mạng sống - Ảnh 4.

Sự ra đi của Choi một lần nữa cho thấy mặt tối của làng thể thao Hàn Quốc.

Vào năm 2017, Kim Eun-hee, cựu VĐV quần vợt từng đại diện Hàn Quốc tham dự Asiad và Thế vận hội, nói với truyền thông quốc tế rằng khi còn nhỏ, cô đã bị HLV cưỡng hiếp nhiều lần.

"HLV giống như vua chúa trong thế giới của tôi vậy, kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của tôi, từ việc tôi nên luyện tập ra sao, khi nào phải đi ngủ đến việc tôi nên ăn gì" - Kim nói. Gã HLV này còn nhiều lần đánh đập cô và xem đó như một phần của việc rèn luyện.

"Phải mất nhiều năm, tôi mới nhận ra mình bị cưỡng bức. Ông ta bảo rằng đó là bí mật chỉ 2 người chúng tôi biết" - Kim kể lại.

Sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được khiếu nại từ bố mẹ Kim, gã HLV kia chỉ đơn giản bị chuyển đến huấn luyện một nhóm VĐV trẻ tuổi khác chứ không hề bị trừng phạt.

Những lần giành được giải thưởng lớn, Kim luôn cảm thấy buồn nôn khi nghe tiếng thở hổn hển trên sân thi đấu bởi âm thanh ấy nhắc cô nhớ đến những lần bị cưỡng bức. Có lần, cô còn gặp lại chính gã đã hãm hại mình trong một trận đấu.

"Tôi đã rất sợ khi thấy kẻ đó đang huấn luyện cho các VĐV khác trong suốt nhiều năm qua như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi tự nhủ lòng rằng sẽ không cho hắn ta một cơ hội lạm dụng các bé gái nào nữa" - Kim chia sẻ.

Đằng sau hào quang đầy mồ hôi là nước mắt của các nữ VĐV Hàn Quốc, thành tích được đánh đổi bằng nỗi đau tinh thần, thể xác và cả mạng sống - Ảnh 5.
Đằng sau hào quang đầy mồ hôi là nước mắt của các nữ VĐV Hàn Quốc, thành tích được đánh đổi bằng nỗi đau tinh thần, thể xác và cả mạng sống - Ảnh 6.

Nghĩ là làm, Kim đệ đơn khiếu nại hành vi của gã HLV kia khiến hắn bị truy tố. Lúc này, một vài đồng đội của Kim cũng lên tiếng tố cáo hành vi quấy rối tình dục của gã kia. Nhờ đó mà hắn nhận về án tù 10 năm.

Lúc nghe được tòa tuyên án, Kim đã không kìm được nỗi xúc động mà rơi nước mắt: "Tôi cứ thế mà khóc, cảm nhận từng cung bậc cảm xúc từ buồn đau đến hạnh phúc".

Văn hóa lấy sự thể hiện làm trọng tâm trong làng thể thao có nghĩa là phải thắng bằng mọi giá đã giúp Hàn Quốc giành được nhiều thành tựu nhưng đồng thời nó cũng đẩy những VĐV trẻ vào tay của những "kẻ săn mồi" đội lốt người hỗ trợ họ phát triển sự nghiệp.

Hiệp hội thể thao và Olympic Hàn Quốc đã nhiều lần lên tiếng xin lỗi những nạn nhân, nhưng rất hiếm trường hợp những kẻ ác bị sa thải hay bị trừng phạt thích đáng. Theo ông Chung Hee Joon, nhà bình luận thể thao nổi tiếng, đây chính là lý do khiến những kẻ ác ngày càng lộng hành.

Rõ ràng là các VĐV Hàn Quốc đã và đang gặt hái được rất nhiều thành công trên con đường sự nghiệp nhưng không thể phủ nhận những sự đánh đổi không thể diễn tả bằng lời của họ, đôi khi là nỗi đau thể xác, tinh thần và nghiêm trọng hơn là cả tính mạng.

(Nguồn: Koreatimes, NY Times)