Đại học Quốc gia TPHCM: Vì sao ký túc xá nghìn tỷ vẫn chưa hút sinh viên?

LÊ OANH - ANH NHÀN, Theo Lao Động 09:57 13/08/2018

Với tổng kinh phí xây dựng hơn 3.500 tỷ đồng nhưng năm học 2017-2018 ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM chỉ tiếp nhận 24.000 sinh viên, so với sức chứa hơn 30.000 sinh viên, tức còn hơn 6.000 chỗ ở chưa đưa vào sử dụng.

Trong đó, khu A tận dụng được 92% sức chứa, con số này của khu B chỉ đạt 75%, mặc dù khu B đang tiếp nhận sinh viên đến từ 70 trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.

Những số liệu trên cho thấy sự chênh lệch rõ ràng của hai khu KTX dù chỉ cách nhau 2km. Bà Phùng Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐHQG TP.HCM nhìn nhận: “Tâm lý sinh viên không ở KTX khu B là có thật. Khu A gần trường hơn, môi trường xung quanh tấp nập hơn, đầy đủ về dịch vụ cho sinh viên nên các bạn có xu hướng thích khu A hơn. Nhưng nguyên nhân này chủ yếu xuất phát từ vị trí địa lý của các khu chứ không phải do chất lượng phòng và các điều kiện khác”.

Đại học Quốc gia TPHCM: Vì sao ký túc xá nghìn tỷ vẫn chưa hút sinh viên? - Ảnh 1.

KTX Khu B ĐHQG TPHCM rất ít người ở. Ảnh: Lê Oanh

Thực tế, dù là khu A hay khu B thì vị trí địa lý của KTX ĐHQG TPHCM đều nằm xa trung tâm thành phố - một trong những nguyên nhân khiến sinh viên đắn đo khi vào ở.

Bạn Phan Thị Trường Thanh, sinh viên năm 4 trường ĐH Công nghệ Thông tin, “than thở”: “Tôi đi làm thêm ở quận 1, hằng ngày phải chạy xe hơn 40 phút để đến chỗ làm. Chưa kể, con đường về KTX khu B khá heo hút, hôm nào về tối một chút rất sợ cướp giật”. Khó khăn là vậy, nhưng Thanh vẫn chọn ở lại KTX vì điều kiện ở đây khá tốt và chi phí thấp hơn so với thuê trọ bên ngoài.

Bên cạnh câu chuyện về vị trí địa lý, còn nhiều lý do khác khiến sinh viên chọn ở trọ thay vì KTX. Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, cách các khu KTX trong bán kính chưa đầy 1km, nhiều khu nhà trọ dành cho sinh viên hiếm khi còn chỗ trống.

Đại học Quốc gia TPHCM: Vì sao ký túc xá nghìn tỷ vẫn chưa hút sinh viên? - Ảnh 2.

Chọn ở trọ ngay trong làng Đại học thay vì KTX như các bạn khác từ năm nhất, bạn Bùi Thị Châm, sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH&NV, chia sẻ: “Ở trọ, tôi có thể ở một mình, không phải sống chung đông đúc như KTX, giờ giấc tự do, trên hết là tôi có thể nấu ăn, đảm bảo vệ sinh hơn là ăn tại các quán xá bên ngoài”.

Mối lo ngại về thực phẩm bẩn quanh khu đô thị ĐHQG dường như là nỗi ám ảnh chung của nhiều sinh viên. Thực tế, thời gian vừa qua, vấn đề này đã được Ban quản lý KTX ĐHQG chú trọng. “Trong KTX, vấn đề an toàn thực phẩm được kiểm tra, giám sát hằng ngày, các cơ quan chức năng có sự hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra giám sát rất bài bản, đương nhiên không thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình thực hiện và nhận thức của người cung cấp dịch vụ. Nhưng chúng tôi đã có xử lý, thực sự xử lý chứ không phải nói rồi để đó”- bà Phùng Thị Hương Lan khẳng định.

Cũng theo bà Lan,  Ban quản lý KTX ĐHQG TPHCM đã và đang giải quyết các vấn đề, khuất mắc còn tồn đọng trong sinh viên thuộc môi trường KTX, tạo điều kiện tốt nhất đón hơn 13.000 tân sinh viên vào đầu năm học 2018-2019.

Năm học 2018-2019, ký túc xá dự kiến tổ chức cho hơn 28.000 - 30.000 sinh viên vào ở và dành hơn 13.000 chỗ trống để tiếp nhân tân sinh viên.

SV ngoài ĐHQG TPHCM nộp đơn đăng ký ở KTX và có xác nhận của nhà trường.

- Phòng 8 sinh viên: 140.000 đồng/tháng/SV

- Phòng 6 sinh viên: 190.000 đồng/tháng/SV

- Phòng 4 sinh viên: 350.000 đồng/tháng/SV

- Phòng 4 sinh viên có máy lạnh: 580.000 đồng/tháng/SV

- Phòng 2 sinh viên: 600.000 đồng/tháng/SV

Tiền phòng chưa bao gồm tiền điện, nước và các dịch vụ khác.