Đại biểu Quốc hội: Thầy cô nghiêm khắc lại sợ xã hội, cộng đồng mạng lên án

MINH ĐỨC, Theo VTC NEWS 12:40 21/05/2019

Đại biểu Bùi Văn Phương nêu ra nghịch lý hiện nay khi thầy cô không dám trách phạt học sinh vì sợ xã hội, cộng đồng mạng lên án.

Thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 21/5, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng quy định về độ tuổi của học sinh phổ thông được ghi trong luật đang mang tính cứng nhắc.

"Đi học mà lưu ban là điều bình thường... Vì sao cứ phải cho lên lớp hết?", đại biểu Phương nêu quan điểm.

Ông Phương cho rằng chính việc quy định cứng nhắc dẫn tới việc áp lực cho thầy cô phải cho học sinh lên lớp dù không đạt chuẩn.

Đại biểu Quốc hội: Thầy cô nghiêm khắc lại sợ xã hội, cộng đồng mạng lên án - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

Ngoài ra, vị đại biểu Ninh Bình cũng dẫn chứng trước đây dù bị thầy cô trách phạt nhưng học sinh và giáo viên vẫn yêu thương nhau.

"Bây giờ chúng ta thì sao, bây giờ cái gì cũng sợ. Sợ đánh giá các cháu điểm thấp thì sợ các cháu buồn. Cho các cháu lưu ban sợ các cháu tổn thương. Thầy cô nghiêm khắc lại sợ xã hội, cộng đồng mạng. Phải chăng ngày xưa ông cha chúng ta giáo dục không tốt hay sao?", ông Phương nêu nhận định.

Với những bất cập này, ông Phương cho rằng điều này khiến "con em chúng ta ảo tưởng nhận thức về bản thân mình".

Vì vậy, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng chỉ nên quy định học sinh vào lớp 1 không dưới 6 tuổi, vào lớp 6 không dưới 11 tuổi, vào lớp 10 không dưới 15 tuổi. Việc lớn tuổi học các cấp học dưới là điều bình thường.

"Trường hợp thần đồng sẽ có quy định riêng của Bộ GD&ĐT", ông Phương nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Phương cũng bày tỏ tiếc nuối khi cuộc vận động "Hai không" đã không được duy trì mạnh mẽ bởi thực tế "khi chúng ta làm thật thì tỷ lệ tốt nghiệp không cao".

"Nếu chúng ta tiếp tục kéo dài thế này thì không biết tương lai sẽ thế nào cho con em chúng ta?", đại biểu bùi Văn Phương băn khoăn.

Trích: Luật Giáo dục (Sửa đổi)

Điều 28. Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông

1. Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau:

a) Giáo dục tiểu học được thực hiện trong năm năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là sáu tuổi và được tính theo năm;

b) Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong bốn năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là mười một tuổi và được tính theo năm;

c) Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong ba năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là mười lăm tuổi và được tính theo năm.

2. Những trường hợp học sinh có thể học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;

b) Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh bị khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh trong diện hộ nghèo theo quy định của nhà nước, học sinh ở nước ngoài về nước.

3. Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể những trường hợp học sinh học lưu ban, việc học tiếng Việt của trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi vào học lớp một; quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và những trường hợp thuộc khoản 2 Điều này.