Đã mắt, sướng tai nghe học sinh cấp 3 debate về hàng loạt vấn đề nóng của xã hội, tuổi trẻ tài cao là đây!

Vân Trang - Nguồn: VTV7, Theo Trí Thức Trẻ 09:12 25/10/2019

Trường Teen là sân chơi phản biện nhận được nhiều sự yêu thích của giới trẻ. Qua các mùa thi, nhiều thí sinh đã ghi lại dấu ấn với phong thái tranh biện tự tin cùng màn lập luận sắc bén nhận được nhiều sự khen ngợi của ban giám khảo.

Ra mắt khán giả truyền hình từ năm 2017, Trường Teen là một trong những cuộc thi dành cho giới học sinh cấp ba nhận được nhiều sự chú ý nhất thời điểm hiện nay. Trước những vấn đề gây tranh cãi, học sinh sẽ được phân thành hai đội Ủng hộ - Phản đối cùng đưa ra những lập luận thuyết phục để chứng minh những luận điểm của mình là đúng.

Những vấn đề trong chương trình thường là vấn đề nóng của xã hội đòi hỏi các bạn học sinh phải có sự am hiểu sâu rộng và khả năng tranh biện đỉnh cao, có sức thuyết phục người nghe. Dù một vài lần vẫn còn gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận Trường Teen đã tạo nên một sân chơi tranh biện lành mạnh cho giới trẻ và những học sinh tham gia tuy chỉ ở cấp ba nhưng đã tự tin dám thể hiện và bảo vệ quan điểm của mình.

Những thí sinh như Lam Trà, Hà Chi, Thế Phương, Minh Anh... đã dần tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Cùng điểm lại những màn tranh biện xuất sắc nhất đã nhận được 30 điểm tuyệt đối của ban giám khảo qua của từng mùa thi nhé!

Trường Teen 2017 - Bán kết 2 - Lượt 2 - Có nên ủng hộ xu hướng khởi nghiệp ở giới trẻ?

Đây là một trong những lượt phản biện được đánh giá ngang tài ngang sức và kịch tính nhất. Nếu Lam Trà là một trong những thí sinh phản biện nhận nhiều sự chú ý nhất mùa 1 thì Thu Hà lại giành trọn 30 điểm tuyệt đối từ ban giám khảo. Với kiến nghị "Có nên ủng hộ xu hướng khởi nghiệp ở giới trẻ", cô bạn Lam Trà bắt đầu lượt đấu bằng việc phản bác lại ý kiến của đội Phản đối "Người trẻ chưa đủ kinh nghiệm, người trẻ chưa đủ chín chắn". Cô bạn cho rằng: "Tại sao chúng ta không nhờ xu hướng ấy tạo ra xu hướng dám thất bại, từ thất bại chúng ta động viên và tích cực với nó" và khẳng định nên dùng xu hướng này để thay đổi suy nghĩ sợ con cái thất bại của cha mẹ vì nếu sau này chúng ta ngại ngùng thì đến đời con cái của chúng ta cũng sẽ e ngại vấn đề đó.

Cô bạn Thu Hà đến từ đội Phản đối đưa ra những luận điểm phản bác lại là người trẻ trau dồi thêm một vài năm nữa để đủ sự chín chắn mà khởi nghiệp và khởi nghiệp khiến người trẻ mang tư tưởng muốn làm chủ sẽ khó hòa nhập hay thậm chí làm mất niềm tin và gây ra nhiều vụ tử tự đau lòng của các start-up thất bại. "Nhiều bạn trẻ theo tâm lý đám đông thấy người khác khởi nghiệp thì mình cũng khởi nghiệp theo. Vậy có phải người trẻ nào cũng thực sự muốn khởi nghiệp hay họ đã trang bị đủ kĩ năng để khởi nghiệp chưa?", câu phản lại vấn đề đanh thép giúp Thu Hà nhận được liên tiếp 20 điểm từ ban giám khảo.

Cô bạn Quỳnh Mai xuất sắc giành 30 điểm trong trong trận chung kết Trường Teen khi phản đối kiến nghị "Chúng tôi sẽ phổ cập giáo dục Trung học phổ thông ở Việt Nam".

Ở lượt trận của mình, Quỳnh Mai tiếp tục củng cố những luận điểm của đội Phản đối rằng việc Phổ cập giáo dục ở bậc Trung học phổ thông tại Việt Nam sẽ làm mất đi cơ hội phát triển và thể hiện khả năng của học sinh, bên cạnh đó, đây cũng là một hành động cần sự đầu tư rất lớn nhưng sẽ bị lỗ vốn. Theo Quỳnh Mai, việc đi học cấp ba sẽ làm giảm sự chọn lựa của học sinh khi có những người không hứng thú hay không cảm nhận được giá trị của việc đi học. Đồng thời việc phổ cập giáo dục cũng không đem lại sự công bằng cho xã hội vì: "Nếu cuộc đời là một cuộc đua thì mỗi người sinh ra đã không ở cùng một vạch xuất phát rồi!" và nếu cuộc đời là cuộc đua sẽ có rất nhiều con đường đến với nó mà không nhất thiết phải học cấp ba mới thành công được. Thay vì học cấp ba, cô bạn cho rằng chúng ta có thể học trường nghề hoặc tập trung tìm ra những niềm đam mê thực sự của bản thân. Quỳnh Mai kết thúc phần tranh biện của mình bằng lời khẳng định mạnh mẽ: "Giáo dục không chọn con người mà con người chọn giáo dục. Chính vì vậy chúng tôi đứng ở đây để tự hào phản đối cho kiến nghị ngày hôm nay".

Lấy dẫn chứng từ vụ quấy rối chấn động Hàn Quốc, nữ sinh Minh Anh dành trọn 30 điểm cho màn tranh biện của mình

Ở lượt trận tranh biện của mình, nữ sinh Minh Anh tiếp tục phát triển luận điểm khẳng định sự hung hăng của người dùng mạng xã hội sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong thực tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý nạn nhân. Cô bạn lấy ví dụ là vụ quấy rối chấn động Hàn Quốc của cô gái trẻ Yang Se Won vào năm 2018. Cô ta tố cáo chủ studio đã lén lấy ảnh khỏa thân của cô ta đăng lên mạng xã hội. Dù sự thực đã được chứng minh là không phải nhưng chủ studio này vẫn tự sát vì phải chịu sức ép quá lớn từ cộng đồng mạng. Từ luận điểm rõ ràng và dẫn chứng chân thực đó, Minh Anh đưa ra kết luận: "Một đám đông đang bức xúc, mục tiêu của họ chính là tiêu diệt con người đó và họ chỉ hài lòng khi con người đó đã bị giết chết. Tuy nhiên, pháp luật sẽ cho con người được sửa sai vì họ trừng phạt con người đó đúng mức với tội lỗi người đó đang đề ra, từ đó tạo nên một thế giới nơi con người có niềm tin vào pháp luật".

Trường Teen 2019 - Thí sinh dự thi các cuộc thi sắc đẹp phải có bằng đại học trở lên?

Ở lượt tranh biện thứ hai, trong 4 phút dự thi Thế Phương với thần thái tự tin cùng cách nói chuyện mạnh mẽ đã áp đảo thành viên bên đội ủng hộ. Anh chàng đã mượn câu chuyện của Hoa hậu H'hen Niê và Đỗ Mỹ Linh để chứng minh cho luận điểm của mình. Theo Thế Phương điều mà H'Hen Niê truyền cảm hứng đó là giá trị nhân văn và giá trị thực tiễn. Cụ thể nhân văn chính là tôn vinh vẻ đẹp của con người, mọi người được nhìn nhận bằng vẻ đẹp, tấm lòng chứ không phải qua tấm bằng cử nhân. Còn thực tiễn nghĩa là hướng đến các đối tượng không có bằng đại học, những người không tiếp xúc với giáo dục đại học. Thế Phương đưa ví dụ là Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nhận vương miện Hoa hậu khi mới bước chân vào Đại học chứng tỏ Đại học chỉ là sự lựa chọn và bước đệm cho danh hiệu danh giá này. Anh chàng đang thép khẳng định bằng câu chốt: “Việc không yêu cầu bằng đại học truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, không kể học vấn hay địa vị, đều có cơ hội tham gia cuộc thi".

Đã mắt, sướng tai nghe học sinh cấp 3 debate về hàng loạt vấn đề nóng của xã hội, tuổi trẻ tài cao là đây! - Ảnh 5.

Một trong những câu phản biện đáng chú ý nhất của Thế Phương.

Lượt tranh biện với kiến nghị: "Muốn giải quyết được vấn đề của xã hội, bạn phải giải quyết vấn đề của mình trước".

Có thể nói, Khánh Trang và Thế Phương là những cặp đấu đầy duyên nợ với nhau. Trong 2 lần từng đối mặt, Khánh Trang đều thể hiện sự tự tin và lấn át cậu bạn Thế Phương để đạt 30 điểm tuyết đối cho cả 2 phần. Trong lần đối mặt này, cả hai tranh biện về kiến nghị: "Nếu được chọn, chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra vào năm 2050 sẽ chọn một thế giới mà mọi người đều tin rằng theo đuổi mục tiêu tập thể quan trọng hơn theo đuổi mục tiêu cá nhân". Đây là kiến nghị hết sức thú vị vì thí sinh phải tưởng tượng những gì sẽ xảy ra vào năm 2050.

Bằng việc đăt ra câu hỏi: "Làm sao họ có thể quan tâm những vấn đề ở ngoài kia khi cuộc sống của họ vẫn chưa được ấm no", Khánh Trang đội Phản đối đã đưa ra những thứ tụ ưu tiên trong cuộc sống: "Bằng việc cải thiện chất lượng sống của cá nhân, một phần nào đó bạn cũng đã giải quyết được số lượng vấn đề mà xã hội cần phải giải quyết". Theo nữ sinh, chỉ khi con người giải quyết được các vấn đề của bản thân thì họ mới có đủ năng và đủ suy nghĩ chín chắn để quan tâm đến các vấn đề xã hội khác. Chính vì hệ thống luận điểm rõ ràng cùng sự bình tĩnh trong phong cách trang biện, Khánh Trang đã lại mang về 30 điểm trong lượt trận tranh đấu với Thế Phương.

Lượt đấu nhận được 30 điểm của thí sinh Minh Anh với vấn đề: "Điểm Sử thấp bởi học sinh quá lười học hay do cách dạy quá nhàm chán?".

Minh Anh cho rằng Lịch sử là người thầy của tương lai thế nhưng trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay hình như người thầy này đang dần đánh mất vị thế và vị trí quan trọng của mình. Cô bạn khẳng định giá trị căn bản của lịch sử không nằm ở những con số, không phụ thuộc vào học sinh nhớ được bao nhiêu cái tên hay mốc thời gian mà nằm ở việc họ có cảm nhận được những giá trị lịch sử rằng ngày hôm nay của học sinh được đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu của cha ông hay không…Theo đó, điểm Sử thấp không phải do lỗi của học sinh mà do cách học bị ảnh hưởng bởi các định kiến và nhu cầu xã hội. Có một định kiến đã tồn tại thâm căn cố đế trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội rằng môn Sử là môn phụ chỉ cần học thuộc lòng nên học sinh thiếu hứng thú, không chú trọng và không muốn bỏ thời gian công sức để học.

Đã mắt, sướng tai nghe học sinh cấp 3 debate về hàng loạt vấn đề nóng của xã hội, tuổi trẻ tài cao là đây! - Ảnh 8.

Minh An gây tranh cãi khi đưa ra luận điểm: "Học sinh chỉ chán học lịch sử ở trên trường chứ không học sinh nào chán lịch sử dân tộc!".

Sau mỗi trận đấu, học sinh sẽ được ban giám khảo đưa ra góp ý và những lời khuyên giúp màn tranh biện trở nên hoàn thiện hơn. Học sinh cũng thể hiện được bản thân qua hệ thống luận điểm rõ ràng cùng sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề xã hội khác nhau. Những màn tranh biện đều có cái hay riêng giúp tạo nên thương hiệu của chương trình Trường Teen. Vậy còn bạn, phần tranh biện nào khiến bạn ấn tượng nhất?