Đã đến lúc hình ảnh người tàn tật xứng đáng có chỗ đứng trong điện ảnh

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 19:50 17/02/2018

Người khuyết tật không phải là chủ đề xa lạ trên màn ảnh, nhưng chỗ đứng của họ đằng sau ống kính vẫn còn rất khiêm tốn, sau khi im lặng đã quá lâu rồi.

Là một trong những tác phẩm dẫn đầu Oscar 2018, The Shape of Water được ca ngợi vì đã đi sâu khắc họa và đề cao vai trò của những nhân vật yếu thế và khác biệt, trong đó có người tật nguyền. Nhân vật chính Elisa do Sally Hawkins thủ vai là một nữ nhân viên dọn vệ sinh bị câm đã đem lòng yêu một thủy quái Amazon bị bắt cóc tới phòng thí nghiệm bí mật của chính phủ Mỹ.

Đã đến lúc hình ảnh người tàn tật xứng đáng có chỗ đứng trong điện ảnh - Ảnh 1.

Bất chấp những lời tán dương, The Shape of Water thực sự đã đối xử với nhân vật khuyết tật của bộ phim không khác gì so với các bộ phim khác, mà ví dụ gần đây có thể kể tới như Stronger hay Breathe. Ở đó, sự khác biệt được coi như một mối đe dọa, sự khuyết tật định hình nên khái niệm “không có được một cuộc đời bình thường” và trấn an những khán giả lành lặn.

Đã đến lúc hình ảnh người tàn tật xứng đáng có chỗ đứng trong điện ảnh - Ảnh 2.

Điện ảnh thời nay trở thành một tấn trò đời nơi người còn đủ ngũ quan chân tay mắt mũi có thể chứng kiến bi kịch của người tàn tật, để cảm thấy mong manh, đồng cảm, tự cảm thấy may mắn vì mình không phải là “họ”.

Dù vai diễn Elisa được Sally Hawkins xuất sắc vào vai, bản thân việc casting một diễn viên lành lặn vào vai nhân vật tật nguyền có rất nhiều vấn đề. Trang Indiewire cho biết 59% số diễn viên khỏe mạnh từng được đề cử giải Oscar là nhờ vào vai người khuyết tật. Thêm vào đó, lịch sử chứng minh được rằng tỉ lệ được nhận Oscar ở những đề cử này lên tới 50%, tức là nếu bạn là một người lành vào vai người tật và bạn được đề cử Oscar thì bạn đã gần như chạm một tay vào tượng vàng năm ấy.

Đã đến lúc hình ảnh người tàn tật xứng đáng có chỗ đứng trong điện ảnh - Ảnh 3.

Vậy tại sao điều này lại quan trọng đến thế? Theo số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia, có khoảng 14% số người trong lực lượng lao động từ 16 đến 64 tuổi là những người khuyết tật. Trong khi đó, số người tàn tật làm việc tại ngành công nghiệp điện ảnh chỉ chiếm 0.3% trong tổng số lao động (theo Creative Skillet).

Mỗi lần ta thấy một Daniel Day - Lewis hay Eddie Redmayne hy sinh cả ngoại hình và sức khỏe để giả dạng một người tật nguyền, câu chuyện này lại càng trở nên xấu đi.

Đã đến lúc hình ảnh người tàn tật xứng đáng có chỗ đứng trong điện ảnh - Ảnh 4.

Đó không phải là chuyện ai diễn hay hơn hay dở hơn mà là trao lại tiếng nói cho một lực lượng yếu thế để họ có thể tự viết tiếp câu chuyện của mình trên màn ảnh. Đó cũng không phải là chuyện ép buộc vai diễn tàn tật phải do chính diễn viên tàn tật đóng mà là yêu cầu về tính xác thực và điều gì là tốt nhất cho một tác phẩm.

Chúng ta có thể hiểu việc tại sao đạo diễn Guillermo del Toro chọn Sally Hawkins trong The Shape of Water. Sally là một diễn viên tài năng người có thể kể chuyện bằng mắt. Trên hết, cô ấy là nàng thơ của del Toro từ khi ông mới chấp bút cho kịch bản phim gần một thập kỷ trước. Ông mơ về giọng của cô công chúa ấy trong một nỗi đam mê tái hiện lại dáng hình của nước bằng tình yêu tuyệt đẹp giữa người và thủy quái.

Đã đến lúc hình ảnh người tàn tật xứng đáng có chỗ đứng trong điện ảnh - Ảnh 5.

Điều này ngay cả những diễn viên câm xuất sắc như Genevieve Barr hay Sophie Leigh Stone cũng chưa chắc đã làm được nếu đặt vào tay kịch bản của The Shape of Water. Thế nhưng, thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu đạo diễn khiếm thính Ted Evans chọn lấy Barr để làm nhân vật chính trong một câu chuyện tương tự? Chắc chắn đây sẽ là một tác phẩm với cái nhìn thực sự sâu sắc và toàn vẹn của những con người cùng cảnh ngộ.

Một trong những lý do được viện dẫn là sự an toàn về tài chính trong việc lựa chọn các diễn viên/ đạo diễn nổi tiếng (hầu hết là người khỏe mạnh) cho các dự án điện ảnh.Tuy nhiên, nếu như Wonder Woman đã trở thành cái tên đột phá sau khi Warner Bros. chấp nhận rủi ro chọn lấy nữ đạo diễn Patty Jenkins lên ghế chỉ đạo, và Get Out đã và đang làm nên chuyện tại Oscar năm nay, thì tại sao không thể làm điều tương tự với những nhà làm phim và diễn viên khuyết tật?

Đã đến lúc hình ảnh người tàn tật xứng đáng có chỗ đứng trong điện ảnh - Ảnh 6.

Những nhà làm phim khi đứng trước một kịch bản về người tàn tật cần phải suy nghĩ đến việc người tàn tật nghĩ gì khi thưởng thức tác phẩm về chính họ. Thật mệt mỏi nếu như lúc nào cũng khiến cho họ cảm thấy đó là một gánh nặng. Không khó để sắp xếp một vai diễn cho người khuyết tật, kể cả khi đó là vai chìm hay nổi.

Một người mất khả năng ngôn ngữ có thể đóng một vai phụ không lời thoại. Một người bại liệt, nếu anh ấy là một diễn viên giỏi, tại sao không để anh ấy diễn? Không chỉ là tường thuật lại cuộc sống của người khuyết tật, có lẽ đây là lúc Hollywood nên để họ lên tiếng, trao quyền cho họ và lắng nghe tiếng nói của những người kém may mắn trong xã hội.