Đã đến lúc chúng ta nên công nhận một môn thể thao "không đặt nặng yếu tố thể chất" rồi chứ?

Team Xã Hội; Design: Nguyễn Thế Mạnh, Theo Trí Thức Trẻ 18:08 02/02/2018

E-Sport có đáng bị vùi dập hay không? Tất thảy mọi người trên thế giới nên sống chậm hơn, nghĩ thoáng đi, mở lòng ra một chút để tìm thấy những giá trị ẩn sau làn khói mù mịt đầy tiêu cực...

Thể thao điện tử - hay còn có tên gọi quốc tế là E-Sport - hiện đã chính thức được công nhận là một môn thể thao trên thế giới, với những giải đấu có tổng giải thưởng lớn nhất lên đến con số cả chục triệu USD. Tuy nhiên, những người tham gia cống hiến cho E-Sport vẫn đang phần nào vấp phải một bộ phận lớn những cái lắc đầu hay ánh nhìn ái ngại từ mọi người xung quanh, đặc biệt là từ chính những bậc sinh thành và nuôi dưỡng họ. Vậy, E-Sport có đáng bị vùi dập như thế hay không? Tất thảy mọi người trên thế giới có nên sống chậm hơn, nghĩ thoáng đi, mở lòng ra một chút để tìm thấy những giá trị ẩn sau làn khói mù mịt đầy tiêu cực?  

Thể thao kết hợp trò chơi điện tử: Định kiến và chặng đường gian nan  

Từ trước tới nay, trò chơi điện tử vẫn ít nhiều gây nên những định kiến xấu trong xã hội, đặc biệt là đối với các thế hệ ông bà, cha mẹ. Cũng dễ hiểu thôi, họ là người chứng kiến sự ra đời của chúng, nhưng những thế hệ con cháu - là chúng ta đây - mới là tập thể lớn lên và phát triển song hành với từng bước tiến mà trò chơi điện tử đạt được, nên dễ bị tác động và ảnh hưởng hơn nhiều. Vì thế, không thể trách các bậc sinh thành không hiểu rõ, lại hay để ý đến những góc nhìn xấu của con cái mình khi ham vui quá trớn.

Ai chả có một thời tuổi thơ tò mò nhìn vào những tiệm trò chơi, “quán nét” mọc lên đầy rẫy. Rồi có những cậu bé vì quá say mê mà quên cả giờ giấc, để đến khi bố mẹ đến vỗ vai cùng ánh mắt hình viên đạn và giọng quát ồm ồm mới hốt hoảng khúm núm về chờ chịu tội. Bấy nhiêu thôi đã quá đủ để khiến hàng tá suy nghĩ phản đối và cấm đoán hiện lên rồi.

Bố mẹ hay cho rằng, “có chơi thì ra ngoài chạy nhảy, đùa nghịch với bạn bè, chơi thể thao mới là lành mạnh” - còn những thứ máy tính màn hình nhấp nháy kia vừa hại mắt, lại vừa gây nghiện. Điều đó một phần không sai. Thể thao nói chung từ xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của bất kỳ ai là những môn thi đấu, luyện tập cần đến sức lực, sức bền hay sự uyển chuyển, dẻo dai, hoặc ít nhất là dùng kỹ năng vận động các bộ phận chính của cơ thể. Còn trò chơi điện tử vốn đã bị áp đặt rằng chỉ cần ngồi một chỗ, bấm vài nút, nhấn phím và di chuột, mắt nhìn màn hình như xem phim - chẳng đáng bỏ ra bao nhiêu công sức. Do đó, sự trái ngược này càng dễ khiến E-Sport ngày nay bị chỉ trích và không ủng hộ.

Nhưng tại sao giờ đây nhiều hiệp hội toàn cầu lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại, công nhận chính thức khái niệm thể thao điện tử E-Sport? Thậm chí, năm vừa rồi, BBC còn đưa tin Hội đồng Olympic Quốc tế đang tính toán đưa E-Sport vào thành một môn thi đấu chính thức tại Thế vận hội 2024.

Đã đến lúc chúng ta nên công nhận một môn thể thao không đặt nặng yếu tố thể chất rồi chứ? - Ảnh 1.

E-Sport: Xứng đáng là một môn thể thao thực thụ

Định nghĩa E-Sport gần như không giống với thể thao thông thường, vì những người dám tham gia, bỏ công sức đầu tư vào nó sẽ không dùng sức lực hay so đo độ cường tráng cơ bắp, mà là tư duy chiến thuật và sự linh hoạt, sắc sảo trong lối chơi.

Hãy cùng so sánh những điểm giống nhau giữa tựa game Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) và bóng đá – một trò chơi E-Sport phổ biến nhất thế giới và một môn thể thao vua đứng đầu trong lòng người hâm mộ - để xem vì sao LMHT cũng như nhiều trò chơi E-Sport khác dù không cần yếu tố thể chất ấn tượng, nhưng vẫn là một môn thể thao xứng đáng được công nhận:

Ở E-Sport nói chung chứ không chỉ riêng LMHT, con số chênh lệch phản xạ để làm nên chiến thắng tính bằng một phần của giây, chứ không phải từng giây phút đơn giản như một trận đấu bóng đá. Trong một trận bóng có thống kê số lần sút, chuyền thì đối với một tuyển thủ E-Sport, đó là mức APM (action per minute - thao tác/phút). Thao tác đó có thể là một lần nhấn nút, di chuột hoặc kết hợp nhiều cử chỉ điều khiển nhân vật trong trò chơi.

Kỷ lục hiện giờ thuộc về VĐV Park Sung-Joon của Hàn Quốc với 818 APM, tương đương hơn 13 thao tác/giây. Phải biết cách kết hợp hài hòa các giác quan, đánh giá nhanh nhạy, duy trì phong độ thì mới có thể sử dụng đôi tay thoăn thoắt như thế, từng bước giành lấy chiến thắng, lắt léo vượt qua hàng thủ đối phương như những tiền đạo xuất sắc với đôi chân điêu luyện.

Một huấn luyện viên cũng là nhân tố không thể thiếu với mỗi đội chơi. Họ hoàn toàn có khả năng làm một người chơi, nhưng kỹ năng lãnh đạo, bao quát toàn cảnh để chỉnh sửa đội hình, đưa ra những lời khuyên đúng đắn nhất cho đội là phẩm chất cần được khai thác hơn ở họ. Cũng như các HLV bóng đá hớt hải nhắc nhở ngoài đường biên, họ sẽ đứng ngoài theo dõi, biến chuyển đội hình, nhìn nhận đội bạn và thay đổi chiến thuật phù hợp theo từng nhịp thở, từng giây trận đấu để giành được từng li từng tí lợi thế cho mình.

Đã đến lúc chúng ta nên công nhận một môn thể thao không đặt nặng yếu tố thể chất rồi chứ? - Ảnh 2.

Trong một pha tranh chấp hay phản công, 5 thành viên của mỗi đội LMHT cũng phải biết cách chọn vị trí và xử lý tình huống một cách hợp lý nhất như một trận đấu thể thao. Mỗi người cũng có một vai trò và sở trường riêng, giống như việc chẳng có ai vừa làm thủ môn vừa làm tiền đạo được cùng lúc cả. Cả LMHT và bóng đá đều là môn thi đấu đồng đội, cùng phối hợp, nâng đỡ và hỗ trợ nhau, không có chỗ cho sự thể hiện cá nhân ích kỷ dẫn đến sai lầm thiếu tránh nhiệm. Và dù nhận kết quả thắng hay thua, thì những gì khép lại sau một trận đấu E-Sport cũng là những xúc cảm đầy rung động, nụ cười và nước mắt đan quyện vào nhau.

Tựu chung những yếu tố trên thôi đã quá đủ để nói lên được sự căng thẳng mà trí óc của mỗi VĐV E-Sport phải trải qua sau một trận rồi, chưa kể là các vòng đấu liên tiếp. Dĩ nhiên, trong cuộc sống bình thường, ngoài việc luyện tập là chủ yếu, họ vẫn duy trì cuộc sống bên lề của riêng mình, và đương nhiên là phải đảm bảo cả một sức khỏe đầy đủ song hành mới có thể trụ vững hàng tiếng đồng hồ căng não như vậy chứ? Ai bảo đi thi đấu E-Sport toàn là những thành viên còi cọc, ốm yếu do suốt ngày ngồi trước máy tính, không hoạt động gì khác đâu.

Góc nhìn toàn cảnh chung trên thế giới là vậy, nhưng ở chính trên dải đất hình chữ S này cũng đang có một đội tuyển E-Sport ngày một vun đắp cho niềm vinh quang tương lai và ước mơ, hoài bão thành công của họ trên đấu trường quốc tế. Không ai khác, 6 chàng trai Young Generation (YG) là những người đáng được cảm phục bởi ý chí và nghị lực của họ.

Không một ai tài trợ, không có HLV, không nhà quản lý nào đứng ra giúp sức nhưng YG vẫn xuất sắc lọt vào giải Chung kết Thế giới (CKTG), giành Á quân giải Garena Premier League và đứng top 24 các đội mạnh nhất toàn cầu của giải E-Sport LMHT. Các em sống và thi đấu như một gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn khi không có nổi tiền mua đồ ăn thức uống qua ngày. Và trên hết, dù hầu như phần lớn đội vừa bước sang độ tuổi 18-19, nhưng họ đã góp phần lớn cho mọi người thấy một khía cạnh, một cách nghĩ khác về những tuyển thủ E-Sport đang ngày ngày nỗ lực không ngừng trong những căn phòng bí bách, chỉ toàn nghe tiếng máy tính chạy vo ve nhưng lại ấp ủ cả một giấc mơ và khát khao tuổi trẻ được cháy bỏng hết mình với đam mê.

"WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.

Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại http://wechoice.vn/.

Trân trọng cảm ơn Công ty TNHH Dịch vụ cáp treo Fansipan (FSP) SUNWORLD FANSIPAN LEGEND đã đồng hành cùng giải thưởng WeChoice Awards 2017 và giúp lan tỏa thông điệp Bình tĩnh sống đến cộng đồng.

Đã đến lúc chúng ta nên công nhận một môn thể thao không đặt nặng yếu tố thể chất rồi chứ? - Ảnh 4.