Cuối cùng thì khoa học đã biết được bí mật của sinh vật có cặp mắt "vô lý" nhất mọi thời đại

J.D, Theo Helino 14:30 30/11/2019

Bật mí luôn cho bạn biết, cái con chúng ta đang nói ở đây là tôm tích - hay còn gọi là bề bề đó.

Tôm tích - hay bề bề - có lẽ đã rất quen thuộc với chúng ta rồi. Nhưng bên cạnh việc là một... món hải sản tuyệt vời khi lên đĩa, loài vật này còn một sự thật cực kỳ bất ngờ mà rất ít người trong chúng ta biết đến, liên quan đến cặp mắt của chúng.

Sự thật là, đôi mắt của bề bề là một cặp mắt... vô lý nhất lịch sử, có thể khiến con người phải hổ thẹn vì tầm nhìn hạn hẹp của mình. Sinh vật này không những cảm nhận được sóng ánh sáng thường thấy, mà sóng cực tím lẫn ánh sáng phân cực cũng nhìn được. Chúng thậm chí còn thấy cả sóng ánh sáng phát ra từ tế bào ung thư. Nghe bá đạo chưa.

Cuối cùng thì khoa học đã biết được bí mật của sinh vật có cặp mắt vô lý nhất mọi thời đại - Ảnh 1.

Vấn đề nằm ở chỗ khả năng bá đạo này lại được xử lý bằng một bộ não cực kỳ nhỏ, thậm chí được coi là tí hon. Đây chính là điểm vô lý đùng đùng mà khoa học không thể lý giải được, cho đến một nghiên cứu gần đây. Bằng việc sử dụng nhiều phương pháp kỹ thuật tinh vi, các chuyên gia từ Thụy Điển, Mỹ và Úc đã phân tích được cấu trúc trong hệ thần kinh của tôm tích, và hiểu được bằng cách nào sinh vật này lại có cặp mắt đỉnh của đỉnh như vậy.

Cặp mắt vô lý nhất mọi thời đại

Dành cho những ai chưa biết, tôm tít thuộc chi Stomatopoda với 450 loài khác nhau và đủ loại kích cỡ. Dù có tên như vậy nhưng chúng không thực sự là tôm, mà có họ gần với cua hơn. Chúng có tên gọi như vậy là vì hình dạng quá giống mà thôi.

Lý do chính xác vì sao cặp mắt của tôm tích vô lý như vậy thì chưa hoàn toàn được làm rõ. Các chuyên gia đặt ra giả thuyết rằng nó liên quan đến khả năng cảm nhận giới tính, hoặc để nhận biết những thông điệp của riêng chúng mà con người vẫn chưa tìm ra. Nhưng dù vì lý do gì, vẫn cần đến các phân tích chi tiết hơn.

Cuối cùng thì khoa học đã biết được bí mật của sinh vật có cặp mắt vô lý nhất mọi thời đại - Ảnh 2.

Trên thực tế, mắt của con người không tệ, thậm chí còn tốt là đằng khác. Nhưng hầu hết chúng ta chỉ có vài loại tế bào cảm nhận ánh sáng, chia thành 3 phổ điện từ trường. Chỉ với 3 phổ này, chúng ta có thể phân biệt được tới 10 triệu màu.

Với tôm tích thì khác. Dựa theo phân tích của khoa học, chúng có 2 cặp mắt kép với cả chục thụ thể cảm nhận ánh sáng, đủ để thấy được cả tia cực tím và tia phân cực. Ngoài ra, mỗi con mắt lại hoạt động một cách riêng lẻ, cho thấy hình ảnh 3 chiều trên gần như mọi góc độ.

Nhưng làm cách nào bộ não giản đơn của chúng có thể xử lý được ngần ấy thông tin phức tạp? Để tìm ra lý do, các chuyên gia quyết định tập trung vào khối tế bào thần kinh nơi cuống mắt của tôm tích, được gọi là "reniform". Cấu trúc này vốn được phát hiện ở các loài vật không xương sống từ cách đây cả trăm năm, nhưng chưa bao giờ nhận được sự quan tâm đúng mực.

Các chuyên gia dõi theo con đường dẫn truyền thần kinh nối giữa reniform đến các khu vực khác trong não bộ, tạo ra một bản đồ liên quan đến hệ thống thị giác của tôm tích.

Cuối cùng thì khoa học đã biết được bí mật của sinh vật có cặp mắt vô lý nhất mọi thời đại - Ảnh 3.

Một đường dẫn đã nối với khu vực gọi là "lobula" (thùy não). Với các loài không xương sống khác, khu vực này chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ thông tin liên quan đến thị giác, rồi biến nó thành thứ ý nghĩa đối với từng sinh vật.

"Cấu trúc này cho phép tôm tích thu thập thông tin bậc cao hơn bình thường," - Nicholas Strausfeld từ ĐH Arizona, tác giả nghiên cứu chia sẻ.

Một đường dẫn khác nối với cấu trúc thần kinh giống với nấm, có dạng chữ T. Khu vực này chịu trách nhiệm cho quá trình học hỏi và cảm nhận mùi hương ở các loài vật khác. Nói một cách chính xác, khoa học vẫn tin rằng động vật giáp xác không có khu vực này, nhưng riêng tôm tích thì có thứ từa tựa như thế. Nhờ cấu trúc này, chúng có thể xử lý thông tin hình ảnh từ vùng thùy não, sau đó chuyển đến các khu vực khác để tạo ra ký ức.

Vài năm trước, Strausfeld và các cộng sự đã chứng minh reniform có tồn tại ở loài cua, và chịu trách nhiệm cho quá trình hình thành ký ức. Với tôm tít, có thể chức năng cũng tương tự.

Nghiên cứu như vậy để làm gì?

Việc từ khi nào các loài thuộc chi Stomatopod có thể phát triển hệ thần kinh phức tạp như vậy vẫn còn là một dấu hỏi. Vậy nên, bước tiếp theo các chuyên gia sẽ tìm hiểu ở các loài vật khác, xem chúng hoạt động như thế nào để có cái nhìn chính xác hơn.

Hàng trăm triệu năm tiến hóa đã qua, rất khó để cho rằng não bộ của tôm tích sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về con người. Tuy nhiên, cặp mắt của tôm tích có thể góp phần hiện thực hóa nhiều ý tưởng, từ thiết bị phát hiện ung thư, đến những cảm biến camera chất lượng hơn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Comparative Neurology.

Tham khảo: Science Alert