Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc

Minh Phương Spiderum, Theo Helino 19:05 11/02/2018

Chính sách một con của Trung Quốc đã khiến hơn nửa triệu trẻ em bị bố mẹ đẻ bỏ rơi hoặc đưa đi làm con nuôi. Đến tận bây giờ, những câu chuyện buồn quanh nó vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Khoảnh khắc bà Shen gặp lại người con gái Shen Mei Zhen đứng trước mặt và ôm chặt lấy bà, nước mắt bà cứ thế lăn dài tràn trên hai má.

Cách đây 39 năm, bà buộc phải làm một việc trái với lương tâm khi bỏ lại đứa con hai tuổi, Wu Xue Ying.

Hai mẹ con bà đã được đoàn tụ vào tháng 8-2017. Đây là lần gặp đầu tiên hai mẹ con bà gặp lại nhau kể từ ngày cô Wu được nhận làm con nuôi. Bà Shen đã hét lớn rằng: "Con gái của mẹ, mẹ đã sai với con. Mẹ rất xin lỗi con. Con của mẹ, con có khổ không? Mẹ đã khóc rất nhiều vì nhớ con. Bấy lâu nay, mẹ vẫn không ngừng tìm con và lòng mẹ đau như thắt".

Nhìn đứa con gái thất lạc sau nhiều năm xa cách, bà chỉ biết ôm đứa con gái và không muốn để cô rời đi. Bà vừa cảm thấy nhẹ lòng nhưng cũng vừa thấy có lỗi.

Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhìn đứa con gái thất lạc sau nhiều năm xa cách, bà chỉ biết ôm đứa con gái và không muốn để cô rời đi.

Nhớ về quá khứ tuyệt vọng, bà chia sẻ rằng: "Tôi có trách nhiệm phải mang con gái của mình cho người khác. Tôi đã có tội với con mình. Đêm hôm đưa con gái đi, tôi không thể chợp mắt. Tôi cãi nhau dữ dội với chồng. Tôi yêu cầu chồng mình hãy đi xin lại con gái của chúng tôi nhưng chồng tôi nói, chúng tôi không có đủ tiền để làm như vậy".

Theo chính sách một con mới được áp dụng khi đó ở Trung Quốc, mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép có một con do tốc độ tăng dân số quá nhanh. Bà Shen và chồng phải mang cho một trong hai đứa con của họ.

Nếu bất chấp luật pháp và cố tình giữ lại đứa con út, họ có thể mất việc làm và bị tước đi phương tiện duy nhất để kiếm sống ở tỉnh Giang Tô, phía bắc Thượng Hải.

Bà Shen nhớ như in ngày bà phải bỏ lại đứa con gái bé bỏng của mình. Bà đã mặc cho cô bé một chiếc áo len lông thỏ và một chiếc áo khoác bông và nhét một mẩu giấy nhỏ ghi ngày, tháng, năm sinh của cô bé vào túi áo.

Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 2.

Nếu bất chấp luật pháp và cố tình giữ lại đứa con út, họ có thể mất việc làm và bị tước đi phương tiện duy nhất để kiếm sống.

"Chồng tôi đã mang đứa con gái đến một cây cầu và trao cho người đàn ông trung niên. Tôi ở nhà chỉ biết khóc mà thôi".

Câu chuyện của gia đình này cũng giống bao gia đình khác trên khắp Trung Quốc. Ít nhất nửa triệu trẻ em, hầu hết là bé gái đã bị cha mẹ ruột bỏ rơi hoặc cho làm con nuôi dưới sức ép của chính sách một con. Gia đình rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé và chịu sự dằn vặt, đau buồn suốt nhiều thập kỷ.

Có thể nói, những trường hợp may mắn được đoàn tụ như bà Shen và cô Wu rất hiếm. Hai mẹ con bà Shen có thể gặp lại nhau như vậy là nhờ vào những nỗ lực của một nhóm tình nguyện viên trong tổ chức Get Real. Các tài liệu cho thấy, sứ mệnh mà nhóm theo đuổi là giúp các gia đình đoàn tụ.

Tìm lại đứa con thất lạc khó như trúng sổ số độc đắc

Theo chính sách kiểm soát dân số, nhà nước Trung Quốc đã áp đặt nhiều khoản tiền phạt đối với những gia đình vi phạm quy định. Chính sách này cuối cùng đã được bãi bỏ vào năm 2015.

Một số cặp vợ chồng đã bỏ lại con mình ở chốn đông người như bến xe buýt, chợ, văn phòng chính phủ với hy vọng, ai đó sẽ bế con mình về nuôi.

Ông Li Yong Guo, người đang đảm nhiệm công việc giúp các gia đình đoàn tụ, cho biết: "Sau khi để con ở những nơi đông đúc, các thành viên trong gia đình sẽ không rời đi ngay mà đứng nấp ở gần đó để xem có con chó hay con mèo nào kéo con họ đi hay không".

Vào năm 2011, ông Li đã thành lập một nhóm tình nguyện viên mang tên Tìm kiếm người thân Giang Âm để giúp những ông bố, bà mẹ cao tuổi tìm lại đứa con mà họ đã bỏ rơi năm xưa.

Trong vòng bảy năm qua, họ đã giúp hơn 100 gia đình đoàn tụ. Nhưng ở một đất nước gần 1,4 tỷ người này, tìm kiếm gia đình cho ai đó là một nhiệm vụ đầy chông gai như ông từng có lần chia sẻ: "Khả năng tìm đúng người cũng khó như trúng giải sổ số độc đắc".

Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 3.

Các thành viên trong nhóm ông Li sẽ thu thập các mẫu máu và xét nghiệm DNA để xác định mối quan hệ giữa bố mẹ và con của họ.

Nhóm của ông có tới 300 tình nguyện viên, nhiều người trong số họ cũng có mong muốn tìm lại gia đình của mình. Các tình nguyện viên thường sử dụng mạng internet để tiếp cận những trẻ cho rằng, bố mẹ đẻ của chúng đến từ thành phố Giang Âm. Đồng thời, các ông bố bà mẹ ấp ủ hy vọng sẽ tìm lại được con mình thường đăng ký các thông tin cần thiết với nhóm của ông Li. Các thành viên trong nhóm ông Li sẽ thu thập các mẫu máu và xét nghiệm DNA để xác định mối quan hệ giữa bố mẹ và con của họ.

Nhóm của ông Li tổ chức nhiều sự kiện như vậy hàng tuần trong suốt kỳ nghỉ hè và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu gồm hơn 2000 người đang tìm kiếm con của họ.

Ông Li giải thích: "Nếu chúng tôi không tổ chức những sự kiện này thì mọi người chẳng có cách nào tìm ra gia đình họ".

Cơ hội sửa sai

Đối với cha mẹ đẻ như bà Zhou Juying, cơ sở dữ liệu mang đến niềm hy vọng và cơ hội sửa chữa sai lầm trong quá khứ.

Bà nhớ lại: "Các nhân viên kế hoạch hoá gia đình đến nhà tôi và ở đó đến 3 ngày 3 đêm. Tôi không muốn trao con mình cho họ. Tôi không thể nghĩ được gì ngoài việc khóc. Lúc nào tôi cũng nhớ con trai và muốn con tôi quay lại bên cạnh tôi".

Một tình nguyện viên trong tổ chức giúp đỡ các gia đình đoàn tụ cho biết, rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi khi trưởng thành đều muốn tìm hiểu về nguồn gốc, tên khai sinh và nơi họ chào đời.

Cô nói: "Điều mà họ muốn biết nhất là tại sao họ lại bị bỏ rơi. Một vài người cảm thấy ghét bố mẹ đẻ của họ và muốn biết vì sao bố mẹ họ không bỏ anh, chị khác mà lại bỏ rơi họ".

Nói không với đoàn tụ

Không phải ai cũng khao khát tìm lại những người thân yêu thất lạc bấy lâu. Tình nguyện viên Wang Zhou Li cho biết, một số cha mẹ đẻ sợ sẽ bị con họ khinh ghét. Những ông bố bà mẹ khác lại lo lắng những đứa con đang sống cùng họ phản đối kịch liệt quyết định tìm lại người em út của chúng.

Cô Wang nói: "Họ e ngại rằng, nếu họ tìm thấy đứa con mình đã bỏ rơi thì những người con khác của họ có ngừng hỗ trợ tài chính cho họ hay không. Chính vì thế, họ thậm chí còn không muốn tìm kiếm".

Không những vậy, một số bố mẹ nuôi còn sử dụng đến các biện pháp cực đoan để ngăn chặn các cuộc tái hợp diễn ra. Họ liên tục chuyển nhà hoặc nói dối những đứa trẻ là chúng không phải là con nuôi.

Cô cho biết thêm rằng: "Ở miền Bắc, nhiều ông bố bà mẹ không cho con đi học vì e ngại rằng, đứa trẻ sẽ đi mất và quên họ. Nếu đứa trẻ không biết chữ thì chúng vẫn có thể làm nghề nông để sinh sống".

Những đứa trẻ không thể bỏ đi xa vì chúng không biết đọc. Chính vì thế, chúng sẽ không thể tìm lại gia đình của mình.

Cô Han Feng Ying ở thành phố Hàm Đan phát hiện mình là con nuôi khi cô lên 6 tuổi. Bố nuôi của cô luôn cố che giấu sự thật này.

Cô nói: "Ông ấy đối xử với tôi như thể tôi là con đẻ của ông ấy và không muốn tôi tìm lại bố mẹ đẻ của tôi".

Tìm kiếm hay là ân hận suốt đời

Cô Wu Xue Ying cảm thấy may mắn khi mẹ nuôi của cô không ngăn cản cô tìm lại bố mẹ đẻ. Mặc dù vậy, bà cũng sợ rằng, cô Wu Xue Ying có thể sẽ bỏ mặc bà khi cô tìm ra nguồn gốc của mình.

Bà nói rằng: "Nếu con bé đến thăm tôi thì điều đó chứng tỏ con bé quan tâm đến tôi. Còn nếu không được như vậy thì điều đó cũng cho thấy, con bé đã trưởng thành".

Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 4.

Bà Yang Ai Yun và người con nuôi

Cô Wu, 39 tuổi đã gửi mẫu máu đến hiệp hội Giang Âm, cách quê nhà cô 500 km. Cô hy vọng sẽ tìm thấy bố mẹ đẻ của mình bằng cách này mặc dù tỉ lệ thành công là cực kỳ thấp.

Cô chia sẻ rằng: "Ở tuổi này, nếu tôi vẫn không tìm kiếm bố mẹ đẻ của mình, tôi có thể sẽ cảm thấy hối tiếc cả đời". Khi cô lên 7 tuổi, cô nghe thấy các bạn cùng lớp nói rằng, cô chỉ là con nuôi và chúng không muốn chơi cùng cô.

Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 5.

Cô Wu là một trong những người may mắn. Ba tháng sau khi gửi mẫu máu, cuộc chờ đợi của cô đã có kết quả.

Suốt nhiều năm, cô đã cố không để ai cảm nhận được rằng, cô thấy bất an và không hạnh phúc. Cô tâm sự rằng: "Ở bên ngoài, tôi là một người vui vẻ và thường đem đến niềm vui cho người khác. Tuy vậy, tôi lại luôn tự gặm nhấm nỗi đau trong lòng và không ai biết điều đó".

Cô ấy là một trong những người may mắn. Ba tháng sau khi gửi mẫu máu, cuộc chờ đợi của cô đã có kết quả. Cô đã nhận được tin từ ông Li rằng, mẫu máu của cô phù hợp với một cặp vợ chồng trong cơ sở dữ liệu do nhóm ông Li thu thập.

"Tôi không thể tin vào tai mình nữa. Tâm trí tôi lúc đó hoàn toàn trống rỗng. Tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Tôi vui mừng đến phát khóc", cô chia sẻ.

Những công việc ở phía trước

Trong buổi gặp gỡ đầy xúc động với bố mẹ đẻ, cô Wu đã an ủi người mẹ đẻ đang cảm thấy tội lỗi. Cô không oán trách mẹ mình vì chuyện đã xảy ra cách đây nhiều năm.

Giờ đây, cô có hai gia đình và cô sẽ phải chăm sóc cả hai gia đình chu đáo như nhau. Người mẹ và anh trai nuôi của cô cũng cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới. Cô trấn an mẹ và anh trai nuôi rằng, cô sẽ không chuyển đến sống với gia đình mẹ đẻ.

Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 6.

Cô không oán trách mẹ mình vì chuyện đã xảy ra cách đây nhiều năm.

Bà Shen rất nhớ con gái mới đoàn tụ của mình sau khi cô Wu trở về quê.

"Tôi không thể chịu được cảm giác xa con gái mình nhưng tôi thực sự vui. Được hội ngộ với con mình, cuộc sống của tôi như vậy đã là quá đủ".

Cuộc trùng phùng trong nước mắt của 2 mẹ con sau 39 năm xa cách: nỗi buồn từ chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 7.

Ông Li Yong Guo, người sáng lập ra dự án Tìm kiếm người thân Giang Âm

Nỗ lực của nhóm tình nguyện đã làm thay đổi cuộc sống của những người phụ nữ đó nhưng tổ chức của ông Li vẫn còn tới 3.000 người đang cầu mong có được một kết thúc có hậu như trường hợp của cô Wu.

Đối với ông Li, cảm giác vui mừng khi hỗ trợ được một gia đình nào đó tìm lại người con thất lạc thật khó diễn tả nổi.

Ông nói: "Tìm kiếm người thân sau nhiều năm chia cách và giúp họ đoàn tụ là một kỳ tích. Tôi hy vọng, nhóm tôi sẽ tiếp tục thu được những kết quả tích cực, thậm chí vượt lên trên những gì chúng tôi đã hoàn thành".

Nguồn: Channel News Asia