Cuộc đời những cô gái "dịch vụ" giữa lòng "thành phố mại dâm" lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ

J.D, Theo Helino 00:45 28/11/2019

Để lách luật, các chủ quán bar tại Angeles gọi gái mại dâm là các "tiếp viên". Họ cũng không có tên, chỉ được đánh số, và hầu hết đều là nạn nhân của nạn buôn người.

Thành phố Angeles, cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 80km, một người phụ nữ còn khá trẻ vẫn sải bước trên con phố khi màn đêm sắp tàn. Ở đây người ta gọi cô là "tiếp viên" (hoặc chiêu đãi viên) - một thuật ngữ ám chỉ những cô gái hành nghề mại dâm. Và cô "tiếp viên" này đang rảo bước, với áp lực tìm cho mình một vị khách trước khi buộc phải trở về nhà.

"Tôi không muốn trở về với các con mà không có đồng nào," - cô gái ấy chia sẻ với phóng viên Francesco Brembati. "Lúc tôi 20 (tuổi), mọi thứ dễ dàng hơn. Cánh đàn ông không chỉ muốn ngủ với tôi mà còn muốn hỗ trợ cho cả gia đình nữa. Khi ấy tôi cũng không phải làm đêm như thế này."

"Giờ thì tôi 38 rồi, họ chê tôi quá già. Chỉ còn những ông khách trên 60 tuổi ngó ngàng tới."

Cuộc đời những cô gái dịch vụ giữa lòng thành phố mại dâm lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ - Ảnh 1.

Cô "tiếp viên" 38 tuổi với áp lực tìm khách khi trời sắp hửng sáng

Những cô gái bị đánh số

Sàn nhảy trong những quán bar và club tại Angeles giống như nhiều nơi khác, cũng có những cô gái làm nhiệm vụ khuấy động sân khấu. Khác một chỗ, tất cả sẽ được đánh số, thay vì gọi tên.

Một cách lặng lẽ, họ bước quanh chiếc bục tròn, tay che đi phần bụng thiếu vải, còn mắt dán xuống sàn nhà làm từ kim loại lạnh lẽo. Phía sau sân khấu là một cô bé chỉ mới 14 tuổi, chân đi giày cao gót đen với dáng vẻ khúm núm, cố giấu bản thân trong bóng tối. Chỉ mới hơn 1 năm trước, cô bé còn là một đứa trẻ ngây thơ, thì giờ đây đã bị bán vào một vũ trường cách Manila 80 cây số.

Cuộc đời những cô gái dịch vụ giữa lòng thành phố mại dâm lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ - Ảnh 2.

Hình ảnh trong một vũ trường tại Angeles (Ảnh: Daily Mail)

Và đó chỉ là một trong số hàng trăm bé gái mỗi năm bị đưa tới Angeles - nơi được xem là "thành phố mại dâm" lớn nhất Philippines, để trở thành món hàng cho những gã đàn ông ngoại quốc hám của lạ.

Tiếng chuông cửa vang lên, khách của quán đã tới. Gã quản lý đánh mắt lườm, khiến cô bé chẳng còn lựa chọn nào khác là bước lên sân khấu. Môi cô nở một nụ cười gượng gạo, trong khi đầu gối thì run bần bật.

Angeles, thành phố từ lâu đã nổi danh là thiên đường dành cho "du lịch sex". Những người đàn ông từ nước ngoài đến đây, lựa chọn một "tiếp viên" và vui vẻ "bóc bánh trả tiền". Tiếp viên của họ thường là những bé gái chưa đủ tuổi thành niên bị những kẻ buôn người mang tới, hoặc phụ nữ trẻ buộc phải theo dòng đời đưa đẩy mà bán dâm vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Tất cả những gì vừa được nêu trên đều là bất hợp pháp tại Philippines. Mại dâm bị cấm, quan hệ với con gái chưa đủ 18 tuổi sẽ bị định tội cưỡng hiếp. Thế nhưng, nó vẫn đang tồn tại một cách hiên ngang và thiếu đi sự trợ giúp từ chính phủ do những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp của quốc gia này.

Cuộc đời những cô gái dịch vụ giữa lòng thành phố mại dâm lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ - Ảnh 3.

Những tiếp viên được đánh số, nhảy múa trước mặt du khách để chào mời

Để lách luật, các quán bar, sàn nhảy của Angeles không bao giờ nhắc đến 3 chữ "gái mại dâm", mà dùng từ "tiếp viên" (entertainer). Các khoản hoa hồng thu được sau bán dâm thì được xem là "tiền phạt" do nhân viên tự ý về sớm, rời bỏ vị trí của mình.

Theo Washington Post, chính phủ Philippines dường như khá thờ ơ với câu chuyện này, không dành đủ nguồn lực để chấm dứt nó. Chỉ có chính quyền của từng địa phương đứng ra giải quyết, nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

"Tôi sẽ không bỏ cuộc đâu," - Carmelo "Pogi" Lazatin Jr., thị trưởng mới của Angeles cho biết. Ông khẳng định sẽ ưu tiên dập tắt mọi hình thức mại dâm trong thành phố này. "Nhưng sẽ phải cần nhiều thời gian, vì có rất nhiều rào cản."

Ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, kinh doanh dựa trên thân xác

Theo các nhà hoạt động tại Philippines, mại dâm vẫn luôn là một ngành công nghiệp hái ra tiền. Và với một nơi hái ra tiền, những quan chức tham nhũng đã từng bước phủ lên nó một lớp vỏ bọc sao cho thật hợp pháp.

Ở thời điểm hiện tại, có hơn 9000 nhân viên quán bar được định danh là "tiếp viên", nhưng chính quyền không rõ vì sao lại yêu cầu họ làm các xét nghiệm về bệnh tình dục mỗi tuần. Đây là động thái khiến các nhà hoạt động cảm thấy phẫn nộ, vì nó chẳng khác gì hành vi quảng bá công khai rằng gái "dịch vụ" của họ chắc chắn an toàn và thân thiện với du khách.

Cuộc đời những cô gái dịch vụ giữa lòng thành phố mại dâm lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ - Ảnh 4.

Ảnh: Daily Mail

Còn các quán bar, sàn nhảy, họ ngoan ngoãn tuân theo quy định tuyển nhân viên đủ 18 tuổi trở lên. Nhưng dĩ nhiên, tất cả chỉ là giả tạo. Những cô tiếp viên chưa đăng ký - vốn là nạn nhân của các băng nhóm buôn người - thường chẳng bao giờ chạm đến độ tuổi ấy. Thậm chí, có nạn nhân chỉ mới 10 tuổi thôi.

Theo dự tính thì năm 2020, việc khánh thành sân bay mới tại Angeles sẽ làm tăng gấp 3 lần số lượng du khách ghé đến thành phố này, kéo theo nguy cơ khiến nạn buôn người và lạm dụng tình dục ở trẻ vị thành niên cũng tăng không thể kiểm soát.

"Giả sử lượng du khách tăng lên gấp đôi, thì số lượng trẻ em là nạn nhân của chúng cũng có nguy cơ tăng lên tương xứng," - trích lời Dolores Alforte, giám đốc ECPAT, một tổ chức phi lợi nhuận để chấm dứt mại dâm và buôn bán trẻ em.

Tháng 6/2018, nguyên thị trưởng Angeles - Edgardo Pamintuan đã có cuộc gặp với Robert Wagner - người sáng lập ra ECPAT và John McGregor - người phụ trách các vấn đề về nhân quyền của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila. Cả 3 đã đưa ra kế hoạch với sự trợ giúp của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em tại Philippines. Giải pháp đưa ra bao gồm việc lắp đặt camera ngoài của quán bar và các ki-ốt, để các nạn nhân có thể chủ động cầu cứu.

Và từ đó đến nay, vẫn chưa có gì tiến triển.

Cuộc đời những cô gái dịch vụ giữa lòng thành phố mại dâm lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ - Ảnh 5.

Quay trở lại với quán bar nói trên, một ông khách người Mỹ đã tiếp cận cô bé "tiếp viên" 14 tuổi. Cô bé mỉm cười cho biết tên mình là Rose, vừa mới bước qua tuổi 18. Cả 2 đều là nói dối, nhưng đó là các thông tin trên giấy tờ giả mà gã quản lý đã đưa cho cô, nhằm hợp pháp hóa công việc tại quán.

Gã quản lý trao đổi với khách, rằng ông sẽ mất 2000 peso (khoảng $38 - tương đương gần 900 ngàn VNĐ) để đưa Rose đến khách sạn trong một thời gian ngắn. Địa chỉ khách sạn nằm trong một mẩu giấy xanh lam mà gã giúi vào tay khách.

"Họ trông như ông nội cháu ấy," - Rose bình luận. Có khoảng 30 cô gái trong quán bar, và Rose nghĩ rằng mình trẻ nhất. Dù vậy, cô bé cũng chẳng chắc chắn lắm về điều đó.

Tuyệt vọng giữa "thành phố mại dâm"

The Fuller Project là một dự án do Washington Post thực hiện, để tìm hiểu về thực trạng mua bán dâm công khai tại thành phố Angeles. Hơn 150 phụ nữ và bé gái trả lời phỏng vấn, hầu hết đều bảo rằng họ muốn rời bỏ nghề này nhưng không biết phải làm sao.

Cuộc đời những cô gái dịch vụ giữa lòng thành phố mại dâm lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ - Ảnh 6.

Những nạn dân dưới 18 tuổi sợ rằng việc "giải cứu" có thể khiến họ phải rời xa bạn bè và gia đình. Số khác thì cảm thấy lo lắng vì luật chống gái mại dâm, sợ rằng sẽ phải ngồi tù nếu như báo cho cảnh sát.

"Chuyện thường ở đây thôi," - Angel, một bé gái 14 tuổi đã bị những kẻ buôn người đưa vào "động quỷ" từ 2 năm trước. Kẻ đưa cô vào đời là một gã đàn ông trung niên người Mỹ. Giờ thì cô "hành nghề" tự do với một nhóm bạn gồm 9 người, tất cả đều chưa đủ tuổi thành niên.

"Nó xảy ra với tất cả chúng cháu."

Cuộc đời những cô gái dịch vụ giữa lòng thành phố mại dâm lớn nhất Philippines: Tuyệt vọng trước nạn buôn người và lạm dụng không thể chống đỡ - Ảnh 7.

Hình ảnh thường thấy tại Angeles (Ảnh: Daily Mail)

Tại Mỹ, đạo luật đưa ra vào năm 2003 có quy định các công dân Hoa Kỳ nghi ngờ lạm dụng tình dục trẻ em ở nước ngoài có thể bị định tội ngay trong nước, bất kể họ phạm tội ở đâu. Nhưng dẫu vậy, có rất ít trường hợp thực sự bị kết án.

"Chúng tôi có thể xác định được một số công dân Mỹ qua các nước khác để lạm dụng những trẻ em nghèo," - trích lời Stacie Harris, chuyên gia thuộc Bộ tư pháp Hoa Kỳ về phòng chống Lạm dụng trẻ em và buôn người. Tuy nhiên, đạo luật này không áp dụng nếu công dân mua bán dâm với người trưởng thành, dù là hợp pháp hay không tại quốc gia đó.

"Du khách Mỹ đến và chọn bừa một tiếp viên nơi góc đường. Chúng tôi thì không đủ quyền hạn để xử lý." - Harris thừa nhận.

Rốt cục, chỉ còn những bóng cô tiếp viên đứng lẻ loi, tuyệt vọng vùng vẫy tìm cách thoát ra giữa lòng thành phố đèn đỏ bất hợp pháp nhưng lại công khai.

Tham khảo: The Washington Post