Cuộc chiến "cứu" geisha

Bảo Hạnh, Theo Người lao động 13:04 05/12/2017

Văn hóa geisha xuất hiện từ thời Edo (1603-1868) tại Nhật Bản. Tuy nhiên, từ khoảng 40.000-80.000 geisha hoạt động khắp đất nước vào đầu thời kỳ Showa (1926-1989), đến nay con số này chỉ còn khoảng 600.

Tại TP Nara, một geisha kỳ cựu với 30 năm tuổi nghề tên Kikuno đang bắt đầu những chiến lược mới để cứu lấy nét văn hóa độc đáo này. Bà sử dụng internet để liên lạc với những geisha khác, những người cũng đang gặp khó khăn trong việc chiêu mộ thế hệ mới.

Theo truyền thống, các geisha không hợp tác với những nhóm hoạt động bên ngoài khu vực địa lý của họ. Thế nhưng, bà Kikuno hiểu rằng đã đến lúc tiến hành một cách tiếp cận mới.

Cuộc chiến cứu geisha - Ảnh 1.

Bà Kikuno (giữa) và 3 geisha đến New York để quảng bá văn hóa geisha Ảnh: THE JAPAN TIMES

Bắt đầu học làm geisha từ năm 15 tuổi, bà Kikuno "hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới" - hầu như không liên lạc với gia đình, bạn bè - để luyện tập các lớp trà đạo, cắm hoa, múa hát...

Sau khi chứng kiến nhiều geisha già đi mà không có truyền nhân, mong muốn "cứu" geisha của bà Kikuno còn ẩn chứa ước vọng cá nhân: Không để ai chết trong đơn độc!

"Cô giáo dạy đàn shamisen của tôi qua đời mà chỉ có vài học trò bên cạnh. May là chúng tôi đủ tiền lo tang lễ cho bà. Nhưng có nhiều geisha ra đi trong quạnh quẽ. Điều này có thể xảy ra với tôi một ngày nào đó" - bà Kikuno tâm sự với báo Japan Times.

Ngoài nỗ lực cá nhân còn có những công ty ra đời để vực dậy geisha, như Ryuto Shinko tại tỉnh Niigata. Được ông Susumu Nakano, giám đốc và cố vấn điều hành của khách sạn Bandai Silver, thành lập vào năm 1987, Ryuto Shinko nhận hỗ trợ tài chính từ 80 công ty địa phương để tài trợ cho các giờ học âm nhạc, nhảy múa và chịu chi phí về kimono và tóc giả cho người học làm geisha. Sau 30 năm hoạt động, mỗi năm Ryuto Shinko thu hút khoảng 1-3 thành viên mới.