Cùng bị ô nhiễm cao nhất thế giới suốt nhiều năm, Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết vấn đề ra sao?

Hà Thu, Theo Nhịp Sống Việt 14:54 19/09/2019

Một số phương pháp ứng dụng công nghệ cao đã được đưa ra, nhưng không phải viễn cảnh nào cũng cho kết quả khả quan để đối phó hiệu quả với ô nhiễm không khí.

Những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã đạt đến ngưỡng báo động và nguy hiểm cho sức khỏe con người, nguyên nhân chủ yếu đến từ hiện tượng nghịch nhiệt khiến khói bụi không thể bị phân tán dễ dàng như trước. Nhiều thông báo đã được đưa ra để cảnh báo người dân về những mối nguy hại tiềm tàng, đặc biệt là bụi mịn dưới mức bình thường, vượt qua tầng bảo vệ của khẩu trang và hệ hô hấp.

Không chỉ riêng Việt Nam, tại châu Á cũng có Ấn Độ và Trung Quốc nổi lên là 2 đất nước sở hữu những thành phố ngập trong ô nhiễm trầm trọng bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, một vài giải pháp hiện đại, độc đáo và công nghệ cao đã nhanh chóng được ứng dụng để tạm thời đối phó với tình trạng này.

Ấn Độ: Súng phun sương khổng lồ

Giải pháp này của Ấn Độ được chính phủ đem vào ứng dụng thực tế kể từ năm 2017, khi nồng độ khói bụi độc hại của thành phố New Delhi đã lên tới mức nguy hiểm cực cao so với bình thường. Chúng được chế tạo bởi CloudTech, một công ty công nghệ của Ấn Độ với trụ sở nằm gần ngoại ô New Delhi.

Cùng bị ô nhiễm cao nhất thế giới suốt nhiều năm, Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết vấn đề ra sao? - Ảnh 2.

Ban đầu, những khẩu súng này được thử nghiệm tại vùng Anand Vihar thuộc phía bắc New Delhi, nơi được đánh giá có nồng độ khói bụi nặng nề nhất. Khẩu súng này thực ra là một cỗ máy với thành phần chính là bể nước lớn đằng sau, đặt trên xe tải để có thể di chuyển cơ động. Vòi nước chuyên dụng của thùng xe sẽ phun nước ở dạng phân tán cực nhỏ gần như hơi nước, với phạm vi phun tối đa là bán kính 70m. Các hơi nước nhỏ sau khi được phun ra sẽ kết dính với khói bụi lơ lửng trong không khí, khiến chúng nặng hơn và rơi xuống ngưng tụ trên mặt đất.

Tuy nhiên, ý tưởng trên sau này đã vấp phải một số nghi vấn về tiềm năng thành công. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, phương pháp này chỉ hoạt động hiệu quả dưới hình thức tạm thời, nên dùng ở các khu vực phạm vi giới hạn như công trường xây dựng vào thời gian thi công cao điểm sẽ phù hợp. Còn khi mở ra quy mô cả một bầu không khí rộng lớn cho cả thành phố, nó sẽ không thể giúp cải thiện và tác động đủ nhiều, mà phải cần tới những giải pháp lâu dài, sâu rộng hơn theo thời gian.

Trung Quốc: Tháp lọc không khí lớn nhất thế giới

Một tòa tháp khổng lồ cao tới 100m đã được hoàn thành và dựng lên từ năm 2018 tại thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) để đối phó với tình hình nguy cấp tại đây. Khác với phương pháp của Ấn Độ, quy mô của tòa tháp này đã chứng tỏ được những kết quả tích cực sau khi đi vào sử dụng.

Cùng bị ô nhiễm cao nhất thế giới suốt nhiều năm, Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết vấn đề ra sao? - Ảnh 3.

Các nhà khoa học tại Viện Môi trường Trái Đất ở Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm kỹ lưỡng, cho biết tòa tháp có thể giúp thanh lọc không khí của khu vực 10km vuông xung quanh, với năng suất 10 triệu m3 không khí sạch/ngày. Mức độ khói bụi tại Tây An đã giảm xuống mức độ trung bình sau vài tháng tháp lọc đi vào hoạt động.

Quy trình ứng dụng của tháp lọc này khá độc đáo: Bên dưới chân tháp là cả một nhà kính rộng lớn bằng nửa sân vận động thông thường, bọc kín diện tích bên trong. Ban đầu, không khí và khói bụi bẩn được hút vào khu nhà kính đó, sau đó được làm nóng bằng năng lượng mặt trời, trở nên nhẹ hơn và bay lên đỉnh tháp. Trong quá trình bay lên đỉnh, phần không khí tiếp tục trải qua những lớp lọc trong thân tháp, cuối cùng được phả lại ra bên ngoài.

Cùng bị ô nhiễm cao nhất thế giới suốt nhiều năm, Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết vấn đề ra sao? - Ảnh 4.

Có thể thấy rõ phần nhà kính khá lớn dưới chân tháp.

Được biết, quá trình làm nóng không khí dưới chân tháp đều dùng điện từ pin mặt trời hiệu suất cao lắp trên nóc nhà kính, không tốn chi phí thừa thãi. Kích cỡ của tháp lọc cũng được nhận định là lớn nhất thế giới, chưa có đối thủ. Theo thống kê đo được ngay sau vài tháng đầu, lượng bụi mịn PM2.5 đã giảm 15% trong những ngày ô nhiễm nhất.

Mô hình này đang chứng tỏ khá nhiều triển vọng và sẽ còn được ứng dụng rộng rãi hơn trong tương lai tại các thành phố ô nhiễm.

Tham khảo: CNN, Business Insider

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày