Cứ tưởng đúng nhưng hóa ra chúng ta đều đang hỉ mũi sai cách hết cả rồi

J.D, Theo Helino 08:35 19/12/2018

Bạn hỉ mũi như thế nào? Lấy tay bịt một bên và... xì mạnh? Nếu là thế thì sai rồi đấy.

Thời tiết giao mùa, không khí lạnh tăng cường là lúc bạn ngốn hết cả hộp giấy và dành cả ngày chỉ để hỉ mũi (xì mũi), rồi lau mũi và cứ lặp lại như thế liên tục. 

Hành động này hẳn là quá quen thuộc và tưởng như là vô hại. Nhưng bạn biết không, thực tế thì có khá nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn đằng sau việc bạn hỉ mũi quá mạnh. 

Cứ tưởng đúng nhưng hóa ra chúng ta đều đang hỉ mũi sai cách hết cả rồi - Ảnh 1.

Những tác hại khi xì mũi sai cách

Theo một nghiên cứu công bố năm 2000 tại ĐH Y Virgina, hỉ mũi mạnh tạo ra một áp lực trong xoang mũi đủ để đẩy nước mũi vào xoang. Nếu như bạn đã bị viêm đường hô hấp trên sẵn rồi thì những vi khuẩn, virus có hại trong nước mũi có thể dẫn đến viêm xoang.

Chưa hết đâu. Dù nhìn không giống lắm nhưng lực phát ra khi chúng ta hỉ mũi thực chất rất mạnh, và cái lực mạnh ấy sẽ gây ra nhiều phiền toái. 

Theo bác sĩ Vanessa Rothholtz tại Viện tai mũi họng Thái Bình Dương, mặc dù rất hiếm nhưng tai nạn thủng màng nhĩ và vỡ xương hốc mắt do hỉ mũi mạnh là có thể xảy ra. Như năm 2017 có trường hợp của một người phụ nữ đến Bệnh viện ĐH North Middlesex, Anh trong tình trạng mất thị lực, sưng và đau nửa khuôn mặt bên trái. Nguyên nhân là do áp lực đến xương hốc mặt vì hỉ mũi quá mạnh. 

Cứ tưởng đúng nhưng hóa ra chúng ta đều đang hỉ mũi sai cách hết cả rồi - Ảnh 2.

Hỉ mũi quá mạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây chảy máu mũi. Do mũi bị dị ứng, các mô dọc theo mũi bị sưng lên dẫn đến các mao mạch máu giãn ra và dễ bị tổn thương hơn. Khi gặp lực quá mạnh, mạch máu có thể vỡ, dẫn đến chảy máu mũi. 

Tai, mũi và họng thông với nhau - điều này chắc nhiều người cũng biết. Vậy nên nếu xì quá mạnh mà không ra, nước mũi có thể chui ngược vào trong, kéo theo vi khuẩn gây tắc vòi nhĩ, dẫn đến viêm tai. 

Vậy phải làm gì với cái mũi "sụt sùi" cho đúng bây giờ?

Hãy cố gắng nhất có thể để tránh hỉ mạnh. Nếu bắt buộc phải hỉ thì dùng ngón tay nhấn một bên mũi, bên còn lại không bóp rồi hỉ nhẹ và lấy khăn lau.

Bạn có thể sử dụng thuốc uống giảm nghẹt mũi hoặc dạng chai xịt để làm thông thoáng mũi. Nhưng bác sỹ chuyên khoa Tai mũi họng thuộc Bệnh viện Saint John – Omid B. Mehizadeh khuyến cáo những loại thuốc này không nên sử dụng quá 3 ngày liên tục, những tác dụng phụ có thể khiến mũi trở nên tồi tệ hơn.

Cứ tưởng đúng nhưng hóa ra chúng ta đều đang hỉ mũi sai cách hết cả rồi - Ảnh 3.

Nhưng theo các chuyên gia, lựa chọn đúng đắn nhất là sử dụng chai xịt nước muối sinh lí hoặc rửa mũi nhẹ nhàng. Đây là cách Bác sĩ Bradford A. Woodworth - giảng viên Khoa Tai mũi họng - ĐH Alabama tại Birmingham hay làm khi ông bị cảm lạnh.

Tham khảo: MNN, LiveScience