Cứ tiếp tục phàn nàn đi, thực chất bạn chỉ đang trốn tránh cốt lõi vấn đề một cách hèn nhát!

Phương Thuý, Theo Trí Thức Trẻ 07:02 16/01/2019

Nếu kêu ca phàn nàn có thể giải quyết vấn đề thì đã chẳng sinh ra nhiều khó khăn thất bại đến thế.

Trong cuộc sống xung quanh, chúng ta luôn có thể gặp mặt kiểu người như thế này: Mỗi lần nói chuyện đều bắt đầu bằng những lời phàn nàn, mà nói tới nói lui vẫn luôn là những chuyện tương tự như vậy. Họ phàn nàn nhiều tới mức khiến người xung quanh cũng bị ảnh hưởng bởi cảm giác ai oán và khó chịu đó. Cho dù bạn bè hay người thân có thể ra tay giúp đỡ, giải quyết những phiền não mà người đó kể thì tâm tình của những người hay phàn nàn vẫn không chuyển biến tốt lên. Lần gặp mặt tiếp theo, người nghe vẫn bị cuốn vào một vòng lặp vô tận, hết bất lực này đến bất lực khác và phàn nàn vẫn hoàn phàn nàn.

Không có gì sai khi nhận thức được những khó khăn và rủi ro của một tình huống nhưng có một sự khác biệt lớn khi bạn quyết định từ bỏ và phàn nàn về những khó khăn hay rủi ro đó. Lúc đó bạn đã tin rằng bạn là nạn nhân chứ không phải là người chiến thắng. Và khi chúng ta kêu ca về mọi thứ xung quanh, chúng ta sẽ giống như một đứa trẻ luôn đòi hỏi mọi thứ phải tốt đẹp với mình.

Có một người thường xuyên phàn nàn với đồng nghiệp với giọng nói có chút huênh hoang rằng: "Đám bạn của tôi toàn lũ lợi dụng, cố tình rủ tôi đi để trả tiền mà thôi."

Vị đồng nghiệp mới lấy làm bực mình và nghĩ trong đầu: "Một lần hay hai lần thì thôi, nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, sao anh còn tiếp tục đi ăn rồi trả tiền cho họ, còn tiếp tục gọi bọn họ là bạn mình?"

Thật ra, sở dĩ anh chàng này không dám nói thẳng hay giải quyết dứt khoát với những người bạn của mình là vì anh ta không có niềm tin vào bản thân và những mối quan hệ đó, chỉ sợ về sau không còn ai rủ anh ta đi ăn uống chơi bời như vậy. Chính vì không dám nhìn thẳng vào cốt lõi vấn đề, cho nên anh ta chỉ có thể phàn nàn những chuyện râu ria xung quanh. Khi những người xung quanh muốn giúp đỡ thì lại bị những "chuyện râu ria" ấy ảnh hưởng, tới cuối cùng, vấn đề cốt lõi vẫn còn y nguyên, không giải quyết được gì.

Cứ tiếp tục phàn nàn đi, thực chất bạn chỉ đang trốn tránh cốt lõi vấn đề một cách hèn nhát! - Ảnh 1.

Cho dù có nhận được sự giúp đỡ không ngừng, vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết.

Vấn đề không thể giải quyết triệt để chỉ có thể lặp đi lặp lại không ngừng. Chính vì vậy, phàn nàn chỉ là một phương thức để chúng ta trốn tránh vấn đề.

Giống như khi bạn không ngừng phàn nàn về người yêu của mình nhưng lại chẳng bao giờ dám chia tay, lý do cốt lõi nhất chính là bạn không đủ niềm tin vào bản thân mình, không biết có thể tìm được một người mới tốt hơn hay không.

Giống như khi bạn không ngừng oán giận kêu ca cấp trên khó tính hay xét nét nhưng lại chẳng bao giờ dám bỏ việc, vấn đề nằm ở chỗ bạn không nghĩ mình sẽ tìm được một công việc tốt hơn, cũng như không đủ dũng cảm để thẳng thắn nói chuyện rõ ràng với cấp trên về vấn đề của mình.

Vì cuộc đời rất dài, mỗi điều bạn phàn nàn đều không hề thay đổi thì lâu dần, chính vấn đề và quan điểm nhìn nhận của bạn sẽ trở nên "biến chất". Thay vì tìm cách giải quyết vấn đề, bạn bắt đầu tránh nặng tìm nhẹ mà hướng suy nghĩ của mình theo một hướng khác, ví dụ như không dám bỏ việc sẽ trở thành gắn bó lâu dài cùng công ty, không dám chia tay bạn trai sẽ trở thành trung thành trong tình yêu, không dám gây gổ với bạn bè sẽ trở thành bao dung rộng lượng với người khác...

Cứ tiếp tục phàn nàn đi, thực chất bạn chỉ đang trốn tránh cốt lõi vấn đề một cách hèn nhát! - Ảnh 2.

Đừng để kêu ca phàn nàn trở thành thói quen mỗi khi bạn nói chuyện. Việc than phiền về những khó khăn trên con đường sự nghiệp của bạn chỉ chứng tỏ một điều: Bạn đang bất lực với nó.

Đây là một vòng tuần hoàn ác tính không ngừng lặp lại và biến chất: Bởi vì sợ hãi mà trốn tránh phàn nàn, bởi vì tránh nặng tìm nhẹ cho nên vấn đề không được giải quyết, vì vấn đề không được giải quyết cho nên tiếp tục phàn nàn, tiếp tục tránh nặng tìm nhẹ... Người bên cạnh cũng không biết vấn đề nằm ở đâu, hoặc là biết nhưng nói cũng chẳng có tác dụng gì. Sau đó, thời gian càng lâu, mọi người cũng ngày càng mất kiên nhẫn, không muốn nghe những lời kêu ca phàn nàn của kẻ đó nữa.

Nếu hôm nay bạn vẫn đang không ngừng phàn nàn về một chuyện khiến cho tinh thần phiền chán, tại sao bạn không tự hỏi bản thân: "Rốt cuộc mình đang trốn tránh điều gì?" Sao không dừng lại, bình tâm, thở sâu một hơi, rồi tự trả lời câu hỏi dứt khoát và bỏ hẳn thói quen phàn nàn? Hoặc là giải quyết ngay hôm nay, hoặc là không bao giờ!