Cứ Tết là phải mở ngay những bộ phim Việt kinh điển này ra xem

Bảo Anh, Theo Helino 21:00 03/02/2019

Các cụ nói thường không sai, đã "cũ" thì thường đi với "kĩ", chẳng thế mà những bộ phim này dù đã trải qua cả chục cái tết nhưng vẫn làm nức lòng người hâm mộ mỗi độ Tết đến xuân về.

Khi thị hiếu đổ dồn về những giá trị truyền thống, cứ mỗi cuối năm, hàng loạt dự án phim cả điện ảnhtruyền hình hay đến giờ là web drama và các sitcom trong nước… ồ ạt lên sóng. Thế nhưng tất cả đều phải công nhận một điều rằng, dù có bao nhiêu bộ phim mới ra, vẫn còn có những bộ phim cũ mãi được lòng khán giả.

Hoa Đào Ngày Tết

Một trong những câu hỏi đáng sợ nhất mỗi khi giáp mặt họ hàng ngày Tết của lứa thanh niên, ấy là "Người yêu đâu?". Trả lời thế nào cũng bị truy vấn tiếp cho nên chàng Hải (Đức Khuê) của Hoa Đào Ngày Tết đã nghĩ ra một chiêu cực độc. Hải là một "con nghiện" công việc, vì vậy nên anh không để ý chuyện vợ con. Thấy con trai đã đến tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, cha mẹ Hải liên tục thúc giục. Năm ấy, Hải đã về quê cũng một cô "người yêu hờ" để cha mẹ yên lòng. Hải thuê Thảo (Thuỳ Dương) –cô gái sống cùng khu tập thể giả làm bạn gái.

Cứ Tết là phải mở ngay những bộ phim Việt kinh điển này ra xem - Ảnh 1.

Được giao nhiệm vụ đóng vai một cô gái thủ đô xinh đẹp, hiền hậu và lễ phép Thảo nhanh chóng chiếm được trái tim của cả gia đình và họ hàng nhà Hải. Đến khi cô nhận ra tình cảm dành cho gia đình Hải vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, Thảo lại càng ý thức hơn về ranh giới giữa mình và Hải. Kết phim đầy xót xa khi Thảo bỏ đi với một bức thư để lại khiến Hải rất tiếc nuối.

Tết Này Ai Đến Xông Nhà?

Tết Này Ai Đến Xông Nhà? là bộ phim của đạo diễn Trần Lực. Trần Lực tiếp tục đào sâu vào một "vấn nạn xã hội", đó là những người đàn ông "quá lứa" mà chưa có vợ.  Nhân vật Thi (Quốc Khánh) được chọn làm trung tâm của mọi tình tiết hài hước trong phim. Tuy bản thân là người keo kiệt và suy tính đến mức "hiếm có khó tìm", nhưng Thi lại vẽ ra một hình tượng với chuẩn mực rất cao cho vị hôn thê của mình.

Cứ Tết là phải mở ngay những bộ phim Việt kinh điển này ra xem - Ảnh 2.

Con đã bước sang ngưỡng U40 mà vẫn lông bông, bố mẹ Thi rất sốt sắng. Thậm chí, hai ông bà còn phải tự tay chuẩn bị cho con 13 bó hoa để tặng các bạn gái vào mỗi 8/3 hàng năm. Đáng tiếc là chẳng ai lọt vào "mắt xanh" của Thi cả. Thế nhưng thực tế càng chứng minh, người ta đặt ra chuẩn mực cũng chỉ để có một người phá vỡ. Cuối phim, Thi đã tìm thấy người vợ "hoàn hảo" mà chẳng giống bất cứ tiêu chí nào anh đặt ra.

Vị Khách Lúc Giao Thừa

Vị Khách Lúc Giao Thừa khai thác nội dung hoàn toàn khác biệt với các bộ phim Tết đã từng phát sóng. Bộ phim là câu chuyện về những sự tình cờ hết sức đáng yêu. Mở đầu là sự tình cờ của một người nghệ sĩ say xỉn khi vào nhầm nhà của người phụ nữ đã có chồng. Ông cứ nghĩ đang ở nhà mình, nên tự nhiên mời hai mẹ con uống nước. Hai mẹ con cũng vì thế mà mời người nghệ sĩ ở lại đón giao thừa cùng. Thế nhưng điều tình cờ thú vị nhất chính là việc hoá ra họ đã quen nhau từ xưa. Sau cùng, chính người nghệ sĩ này đã đem niềm hạnh phúc tới với hai mẹ con khi dành cho gia đình ấy một người chồng, một người cha. Bộ phim đến giờ vẫn là bài học đầy thấm thía về lòng nhân hậu và tinh thần ngày Tết.

Cứ Tết là phải mở ngay những bộ phim Việt kinh điển này ra xem - Ảnh 3.

Ngày Tết Nhiệm Màu

Thêm một câu chuyện về người cha "đặc biệt", Ngày Tết Nhiệm Màu tiếp tục mang tới cho khán giả những phút giây thổn thức vì tình người. Tuyến nhân vật trong phim khá đơn giản, chỉ gồm một người mẹ đơn thân, một cậu bé mới chục tuổi đầu và một người đàn ông xa lạ nhưng giàu tình cảm. Xem phim, người ta thấy ngạc nhiên vì tại sao một đứa trẻ con lại có thể nói ra những triết lý như "Người ta có hai tay vì một tay để cầm tay bố, một tay để cầm tay mẹ", rồi động viên mẹ "con là đấng nam nhi cơ mà"… Thế nhưng sau cùng, nó vẫn chỉ là một đứa trẻ thèm khát mái ấm đầy đủ cha mẹ. Cu Dũng sau một hồi chật vật đóng lại chiếc ghế cũ với mẹ đã tặc lưỡi "giá mà có bố ở đây thì bố đóng ngon ơ, mẹ nhỉ!". Rất nhiều biến cố xảy ra trong hơn một tiếng đồng hồ của bộ phim, cuối cùng Dũng cũng hạnh phúc mà nói "Bố mẹ ơi hai tay con đều bận rồi này" cho dù người kia không phải bố đẻ của cậu.

Cứ Tết là phải mở ngay những bộ phim Việt kinh điển này ra xem - Ảnh 4.

Quà Năm Mới

Tuy đánh chủ yếu vào mảng nội dung nhân văn, sâu sắc, thế nhưng những bộ phim Tết xưa không hề bỏ quên nhóm khán giả thiếu nhi. Có thể nói, Quà Năm Mới chính  là một sự ưu ái của nhà làm phim dành cho các bạn nhỏ nhân dịp đầu xuân. Thứ tình bạn trong trẻo và hồn nhiên của những đứa trẻ khiến tất cả đều thèm muốn trở về tuổi thơ.

Hiếu, Duy và Đản là ba nhân vật chính của phim. Hiếu mới cùng bố từ nước ngoài về, được các bạn đặt cho biệt danh "gà tây" vì đến Tết lại lấy hết đồ Noel ra trang trí. Duy là con trai một của gia đình trí thức tại Thủ đô. Còn Đản là cậu bé nghèo từ quê lên, phải đi đánh giày kiếm tiền và sống ở túp lều ven sông với một cụ già.

Cứ Tết là phải mở ngay những bộ phim Việt kinh điển này ra xem - Ảnh 5.

Tết đến, Duy được tặng một bộ sách lịch sử. Bố Hiếu tặng cậu một chiếc máy tính kết nối mạng để trò chuyện với các bạn cũ ở nước ngoài. Còn với Đản, Tết cũng chẳng khác gì ngày thường. Cậu vẫn lang thang hết đường lớn, ngõ nhỏ để kiếm thêm, cậu cũng không quên gửi bạn cầm về cho mẹ và em ở quê một ít tiền. Do một biến cố bất ngờ mà 2 anh chàng "công tử bột" đã quen Đản và được cậu bé nghèo rủ về nhà chơi. Thấy gia cảnh của Đản, hai người bạn rất cảm động. Duy đã tặng Đản món quà mà mẹ  chuẩn bị sẵn để cậu biếu thầy giáo. Bộ phim kết thúc với nụ cười của ba bạn nhỏ khi có được món quà mà mình thích.

Tạm kết

Đó là những bộ phim Tết không chỉ mang tới cho khán giả những phút giây sảng khoái và tinh thần lạc quan, mà còn truyền tải câu chuyện với thông điệp nhân văn, thấm đượm tình người. Sau cùng, để có một xã hội văn mình và tiến bộ, thứ người ta cần đơn giản chỉ là những con người sống tử tế.