kenh14 - emagazine
Nếu cứ giữ cách học như hiện tại
người Việt Nam sẽ không bao giờ giỏi Tiếng Anh
Tại Việt Nam, đào tạo tiếng Anh hiệu quả cho số đông gặp nhiều vấn đề nan giải, nhưng chưa có giải pháp thiết thực. Là người tâm huyết với giáo dục, từng tiếp xúc với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hào - CEO AMES ENGLISH đã đặt ra cho mình sứ mệnh lớn lao: Vì một Việt Nam giỏi tiếng Anh.
Từ trước đến nay chúng ta chỉ học tiếng Anh để thi lấy điểm trên ghế nhà trường, mà quên đi bản chất của học tiếng Anh là để giao tiếp và có thể sử dụng như một ngôn ngữ thứ hai.
— CEO AMES ENGLISH

Nhìn vào thực tế đáng buồn về điểm thi tiếng Anh của học sinh những năm gần đây trong kỳ thi THPT Quốc gia: Năm 2018, trong số 814.779 bài thi, chỉ có 76 bài thi đạt điểm 10, điểm nhiều nhất là 3. Điểm trung bình là 3,91 thấp hơn năm 2017 ( trung bình 4,6) và gần 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Năm 2019, có 542.666 bài thi môn tiếng Anh dưới trung bình. Điểm trung bình môn tiếng Anh là 4,36 (chiếm tới 68,74%).

Hệ thống dạy và học của chúng ta tập trung chủ yếu vào Ngữ pháp, Từ vựng… “Học để kiểm tra và thi” nhưng kết quả mang lại không hề khả quan. Tiếng Anh vẫn là nỗi ám ảnh của rất nhiều học sinh, sinh viên. Điều đáng quan ngại là không những điểm thi các kỹ năng như Đọc hiểu, Ngữ pháp thấp mà đa số người học đều yếu kém trong kỹ năng Nghe - Nói là 2 kỹ năng cốt lõi của việc học ngôn ngữ.

Từ trước đến nay chúng ta chỉ học tiếng Anh để thi lấy điểm trên ghế nhà trường, mà quên đi bản chất của học tiếng Anh là để giao tiếp và có thể sử dụng như một ngôn ngữ thứ hai. Thậm chí, những người dù học và thi đạt điểm tiếng Anh ngữ pháp khá cao, nhưng thực tế vì không có môi trường cọ xát luyện tập thường xuyên nên lúc giao tiếp với người nước ngoài, phần lớn lảng tránh vì ngại hoặc cảm thấy xấu hổ vì sợ nói tiếng Anh sai.

Vậy bỏ ra 12 năm học tiếng Anh để đạt kết quả như vậy, thì có xứng đáng không và có nên học nữa không?

Cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hào - CEO AMES ENGLISH sẽ cho chúng ta thấy thêm một góc nhìn khách quan, trực diện nhất về điều này. Vì một Việt Nam giỏi tiếng Anh, chúng ta cần phải làm gì?

Bản chất của việc học Tiếng Anh là giao tiếp, thành thạo kỹ năng Nghe - Nói chứ không phải học Ngữ pháp để thi kiểm tra

Chào ông, ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếng Anh hiện nay của người Việt nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng, theo một cách thẳng thắn nhất?

Hiện nay mô hình chung học sinh Việt Nam đang tập trung quá nhiều vào các môn học chính, và việc học tiếng Anh trong trường học đang chỉ dừng lại ở mức học Ngữ pháp, Từ vựng. Chủ yếu là để đạt mục đích lấy điểm trên ghế nhà trường, chứ không dồn công sức vào việc phát triển đầy đủ cả 4 kĩ năng theo thứ tự Nghe – Nói – Đọc – Viết như các nước đang phát triển khác.

Tiếng Anh trong trường học chỉ đang dừng lại ở mức học Ngữ pháp, Từ vựng để lấy điểm chứ không phát triển các kỹ năng giao tiếp ngay từ đầu.
— CEO AMES ENGLISH

Tiếng Anh là một môn học độc lập khác với các môn học thông thường. Muốn giỏi tiếng Anh thì học sinh phải học và luyện tập, sử dụng hàng ngày, vận dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay ngành giáo dục Việt Nam cũng đã và đang áp dụng dần song ngữ vào chương trình dạy ở một số trường học, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ.

Thậm chí, kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi lớn nhất cũng chỉ tập trung vào kỹ năng duy nhất là Đọc hiểu và Ngữ pháp - Từ vựng, dưới dạng đề thi trắc nghiệm. Hệ luỵ là học sinh, sinh viên ra trường có thể đọc được các văn bản thông thường nhưng khi yêu cầu giao tiếp với người nước ngoài thì bó tay. Kỹ năng đọc báo và các tác phẩm văn học, kỹ năng viết luận, viết văn bản hoặc kỹ năng nghe bản tin, báo, đài tiếng Anh vẫn còn rất hạn chế.

Học sinh, sinh viên ra trường có thể đọc được các văn bản thông thường nhưng khi yêu cầu giao tiếp với người nước ngoài thì bó tay.
— CEO AMES ENGLISH
Trong việc học tiếng Anh, các yếu tố cảm hứng, thích hay không thích, sợ hay không sợ đóng góp vai trò ra sao?

Học sinh không học tốt tiếng Anh, thích học hay không thích học phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp giảng dạy tạo cảm hứng cho các em. Nếu học sinh chỉ học tiếng Anh để làm bài kiểm tra và thi tập trung Ngữ pháp - Từ vựng thôi, thì các em học sinh chắc chắn cảm thấy tiếng Anh là một môn học nhàm chán và không hiểu rõ mục đích cốt lõi của việc học tiếng Anh là gì.

Tôi không phủ nhận việc cần phải học Ngữ pháp và Từ vựng khi học tiếng Anh, tuy nhiên nó cần song hành với các kỹ năng khác. Và nếu học Ngữ pháp trước sẽ làm cho người học chậm và máy móc từ đầu. Người học sẽ suy nghĩ nhiều về các quy tắc cấu trúc câu thay vì có thể suy nghĩ và nói một cách tự nhiên như người bản địa.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng nhiều học sinh đã bỏ ra 12 năm để học tiếng Anh, nhưng không giao tiếp được với người nước ngoài. Thậm chí chưa nói đến vấn đề nhiều em học sinh sau khi tốt nghiệp 12 bị mất gốc tiếng Anh, không đọc hiểu hay không nói được những câu tiếng Anh phức tạp hơn thì đúng là học chẳng để làm gì!

Học 12 năm tiếng Anh nhưng không giao tiếp được với người nước ngoài thì đúng là chúng ta đã lãng phí thời gian và cơ hội.
— CEO AMES ENGLISH
Rõ ràng nguyên nhân dẫn tới trình độ tiếng Anh yếu kém không chỉ xuất phát từ phía người học. Các thầy cô ở trường cũng đóng góp một phần hết sức quan trọng tạo môi trường giao tiếp. Theo ông, phương pháp dạy tiếng Anh của giáo viên Việt Nam đang có những vấn đề gì?

Theo chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế, tính theo số giờ mà học sinh cần học tiếng Anh trong một tuần thì chúng ta đang thiếu rất nhiều giáo viên, chưa nói đến giáo viên chất lượng. Chất lượng ở đây là giáo viên có các kỹ năng như Nghe- Nói - Đọc - Viết tốt, phát âm Anh -Anh hoặc giọng Anh -Mỹ chuẩn. Ở những vùng khó khăn, số lượng giáo viên càng thiếu.

Thêm vào đó, người ta thường nói “học nên đi đôi với hành”. Tuy nhiên, bởi số lượng giáo viên đạt chất lượng đang còn rất hạn chế, nên cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc thực hành giao tiếp và đánh giá các kỹ năng tiếng Anh bao quát tổng thể và tư duy phản biện của các em học sinh.

Vậy theo ông, có phương pháp khắc phục được những điểm yếu trong dạy học tiếng Anh nêu trên không?

Thứ nhất, theo quan điểm của tôi, chúng ta nên đưa ra được hệ thống bài thi, bài kiểm tra tiệm cận với tiêu chuẩn Quốc tế, đánh giá đầy đủ các kỹ năng tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, Nghe, Nói và bổ sung thêm kỹ năng Viết vào trong hệ thống thi cử nhà trường. Hiện nay, các bài thi quốc tế ở Việt Nam rất nhiều nhưng hạn chế lớn nhất là chi phí rất đắt, mỗi lần học sinh muốn thi và lấy bằng theo tiêu chuẩn Quốc tế, buộc phải đóng mức lệ phí thi khoảng 5 triệu. Đây là một khoản tiền mà nhiều học sinh không đủ khả năng tài chính. Mà những bài thi này không phải thi một lần là đỗ, khiến các em muốn đạt được số điểm đánh giá đúng với khả năng của mình thì sẽ phải thi rất nhiều lần, số tiền theo đó cũng nhân lên.

Bạn có thể thấy các nước quanh chúng ta như Thái Lan, Singapore, Malaysia… các bài thi Quốc gia đều đánh giá rất rõ kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết của học sinh. Thậm chí, ở các nước đó tiếng Anh còn trở thành ngôn ngữ chính thứ hai được dạy ở trường học. Học sinh học tất cả các môn bằng tiếng Anh, song song với học tiếng mẹ đẻ để duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc. Chúng ta cũng có thể học tập làm được như vậy, thiết kế chương trình học linh động theo nhiều chủ đề trong các bối cảnh thực tiễn với những vấn đề xã hội, những nhân vật có thực trong cuộc sống, cùng với bài thi đánh giá chính xác kỹ năng.

Thứ hai, ngày nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh, điện thoại di động kết nối 3G, 4G, Internet hầu như hộ gia đình nào cũng có. Do đó, cần phải áp dụng và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào học tập, giúp học sinh luyện tập Nghe- Nói và đánh giá thường xuyên, liên tục về kỹ năng tiếng Anh. Điều này có thể dễ dàng thực hiện được trên diện rộng với chi phí thấp.

Với phương pháp này, người học có thể cải thiện việc giao tiếp tiếng Anh chỉ sau 2 tháng. Đồng thời, người học sẽ dần có cái nhìn thiện cảm hơn và khơi gợi niềm cảm hứng yêu thích học một ngôn ngữ mới.

Học Ngữ pháp không có gì sai, nhưng người Việt chúng ta có thói quen học Ngữ pháp trước tiên xong mới đến Nghe - Nói - Viết và thực tế là cái chúng ta thiếu là môi trường tiếp xúc cho việc phát triển đồng đều khả năng giao tiếp tiếng Anh.
— CEO AMES ENGLISH
Tôi nhận thấy ông đánh giá rất cao các bài thi Quốc tế như IELTS, TOEFL. Học sinh chỉ cần cầm những chứng chỉ này trên tay là thành thạo tiếng Anh? Dường như nó quá nặng so với học sinh Việt Nam vì đâu phải ai cũng đủ kiều kiện và có mong muốn thi những chứng chỉ này?

Đúng, tôi đánh giá rất cao những người vượt qua các kỳ thi này vì về cơ bản khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ là tốt. Tất nhiên là vẫn có những trường hợp có chứng chỉ nhưng kỹ năng tiếng Anh chưa tốt, chủ yếu do không vận dụng thường xuyên. Tuy nhiên số lượng này rất nhỏ, không phổ biến.

Thế nhưng, bài thi IELTS, TOEFL không thể áp dụng đại trà được vì như bạn nói, chi phí thi cử cao cộng với việc không phải ai cũng có nhu cầu thi những chứng chỉ này. Việc tôi muốn đề cập đến là chúng ta cần thiết kế một bài thi ngoại ngữ phù hợp, giúp đánh giá được hết khả năng cơ bản của một người thành thạo một ngôn ngữ là Nghe, Nói, Đọc, Viết - điều mà rất nhiều nước trên thế giới đã và đang làm.

IELTS và TOEFL thì tốt, vậy TOEIC thì sao thưa ông? Hiện nay ở Việt Nam chứng chỉ này nhiều người đánh giá nó là vô tác dụng, mang tính đối phó vì chỉ kiểm tra hai kỹ năng Nghe và Đọc hiểu?

Bài thi TOEIC hiện tại đang tập trung rất nhiều về hai kỹ năng Nghe và Đọc, thiên về những kỹ năng bị động. Nếu chỉ có hai kỹ năng này thì thực tế nó chưa đánh giá hết khả năng sử dụng ngôn ngữ của người dự thi.

Lý do đầu tiên để TOEIC phổ biến vì nó là một bài thi được thiết kế cho môi trường của dân văn phòng. Thứ hai là chi phí rẻ, chỉ khoảng 700.000 đồng, chính vì vậy độ phổ biến của nó rất cao, chẳng ai dại gì lại lựa chọn một bài thi khó hơn và chi phí bỏ ra đắt hơn cả. Hiện tại TOEIC cũng có thêm các kỹ năng mới, họ đã thay đổi format tuy nhiên người học cũng ít sử dụng. Phần nữa là người học muốn sử dụng bài thi cũ vì dễ đạt điểm cao hơn.

Các cơ quan, công ty nên yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh khác có thể tin tưởng hơn, và đánh giá đầy đủ các kỹ năng hơn TOEIC. Hoặc có thể áp dụng cách làm của một số cơ quan hiện nay như mời các đối tác bên ngoài vào, để họ đánh giá trình độ tiếng Anh của nhân viên.

Vì một Việt Nam giỏi Tiếng Anh, chúng ta phải biết tạo cơ hội cho những người không có cơ hội — CEO Ames
english

Nói nhiều về thực trạng tiếng Anh, tôi nghĩ chúng ta nên bàn tiếp về phương pháp học, bắt đầu từ một đứa trẻ. Trẻ nhỏ nên học tiếng Anh lúc mấy tuổi và có nên học sõi tiếng Việt trước khi học tiếng Anh hay không?

Nhu cầu của bất kỳ đứa trẻ nào khi học nói cũng là sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, đấy là bản năng của con người. Với lứa tuổi bắt đầu học nói, thậm chí từ nhỏ hơn rất nhiều, thì tiếng Anh hay tiếng Việt không khác gì nhau.

Với việc học tiếng Anh, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với ngôn ngữ càng sớm càng tốt. Bởi khi đã biết viết tiếng Việt thành thạo rồi mới cho tiếp xúc với tiếng Anh thì sẽ xảy ra một trường hợp là các bạn ấy quen với việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, khi đó sẽ đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn để thông thạo tiếng Anh. Thông thường mà nói, con người thường muốn làm việc dễ, ví dụ chẳng ai muốn đọc một cuốn sách bằng ngôn ngữ khác lạ trước cả.

Ngay cả bản thân tôi, một người từng có kinh nghiệm dịch thuật chuyên nghiệp thì nếu cho tôi chọn giữa hai quyển sách Anh và Việt để đọc, tôi vẫn ưu tiên chọn tiếng Việt. Đọc tiếng Anh sẽ khiến đầu óc mình mệt hơn.

Vậy nên tôi nghĩ phụ huynh hãy cho con em tiếp xúc với tiếng Anh sớm, trang bị các kỹ năng căn bản ngay từ khi còn nhỏ, thông qua các cách tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên và thú vị như sách, báo, truyền hình, sẽ tránh được tình trạng “sợ tiếng Anh”’ như hiện nay. Thực tế mà nói, khi biết tiếng Anh, chúng ta sẽ tiếp xúc được gần hơn với kho tàng tri thức khổng lồ của thế giới. Từ đó, làm giàu và mở rộng thêm kiến thức và tri thức cho bản thân mình và xã hội.

Học tiếng Anh như một đứa trẻ tức là không nên ngại ngần, trẻ con nói sai chẳng ngại gì nhưng người lớn nói sai lại rất sợ bị chê.
— CEO AMES ENGLISH
Người ta vẫn nói rằng học một ngoại ngữ thì cần học như một đứa trẻ, việc này nên áp dụng như thế nào thưa ông?

Thứ nhất, học như một đứa trẻ là không ngại ngần. Thường trẻ con nói sai hay phát âm sai thì sẽ chẳng ngại gì, nhưng người lớn nói sai hoặc phát âm sai lại rất sợ bị chê cười. Nguyên nhân do khi học tiếng Anh, người học không thực hành nhiều hoặc ít khi giao tiếp với người nước ngoài. Chính vì vậy, cái quan trọng đầu tiên là phải thực hành từng ngày một, không sợ sai.

Thứ hai, hãy tăng cường đọc và tìm hiểu các thông tin hoặc chủ đề cá nhân quan tâm. Ngoài việc luyện tập nói và phát âm, bằng ứng dụng "Gia sư tại nhà" của AMES ENGLISH, người học có thể luyện tập Đọc - Nghe - Nói với thư viện sách phong phú, gồm các cấp độ từ dễ đến khó dưới dạng hình ảnh, video, bài hát ngắn… vô cùng sinh động và hấp dẫn.

Được biết AMES ENGLISH đặt ra sứ mệnh cho mình, đó là: Vì một Việt Nam giỏi tiếng Anh. Ông dựa vào những yếu tố nào để có thể đưa ra mục tiêu tiếp cận và đào tạo được 6 triệu người Việt giỏi tiếng Anh trên toàn quốc trong vòng 05 năm?

Chúng tôi đã và đang tìm nhiều cách, làm sao để tạo ra cơ hội học tiếng Anh cho tất cả mọi người. Thậm chí những người chưa từng giao tiếp với người nước ngoài, hay người học tại các tỉnh thành chưa có điều kiện theo học tại các trung tâm ngoại ngữ Quốc tế cũng có cơ hội học được tiếng Anh dễ dàng hơn thông qua mô hình “Gia sư tiếng Anh A.I” online nhằm hỗ trợ quá trình tự học tiếng Anh của mỗi cá nhân. Bởi hệ thống A.I trí tuệ nhân tạo của chúng tôi sẽ theo dõi, ghi nhận lại dữ liệu liên quan đến cá nhân từng người học, từ đó xây dựng lộ trình học riêng biệt phù hợp với mỗi người, đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu học cho số lượng lớn học viên lên tới hàng trăm ngàn, hoặc cả triệu học viên cùng lúc.

Hiện nay, có khoảng hơn 600.000 người đang sử dụng thường xuyên phần mềm học ngoại ngữ online của chúng tôi, từ các học viên tại Trung tâm, cho tới các cán bộ, sinh viên, học sinh tham dự các cuộc thi và sân chơi tiếng Anh do chúng tôi tổ chức. Năm 2018, riêng cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc đã có hơn 500.000 người tham dự với hàng triệu câu hỏi tiếng Anh được sử dụng và luyện tập. Năm 2019, chúng tôi dự tính số lượng người tham dự luyện tập và đọc sách tiếng Anh cùng AMES A.I lên tới 1 triệu người, bao gồm cả học sinh, sinh viên, cán bộ đi làm. Hiện tại, mục tiêu của chúng tôi là tiếp cận 6 triệu người học với ứng dụng “Gia sư tiếng Anh A.I”, “phủ sóng” đến mọi miền đất nước với ngân hàng câu hỏi tiếng Anh học thuật luyện tập cả 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Ngữ pháp với thư viện sách tiếng Anh phong phú.

Cảm ơn ông!