Cứ dùng iPhone là ghét thậm tệ thứ này, nhưng sự thật đằng sau lại là hành động cao cả của Apple

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 10:30 28/03/2019

Nếu có bao giờ phát điên vì điều này, ít nhất hãy nhớ lại ý nghĩa cao cả mà Apple đã cố gắng làm kể cả khi phải đánh đổi chất lượng sản phẩm.

Không phải tự nhiên Apple lại được coi là một trong những thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới, thống trị ở nhiều lĩnh vực phân khúc cao cấp. Kể cả khi vẫn bị phật ý ở một vài khía cạnh, vẫn hiếm có đối thủ nào dám đứng ra solo với họ về khoản thành tích, lợi nhuận cũng như chất lượng sản phẩm - đặc biệt là dòng iPhone hoàng kim của mình.

Thế nhưng, sau hơn 1 thập kỷ làm mưa làm gió, cả thế giới lại đang tỏ ra rất phẫn nộ đối với sự thờ ơ của Apple về một món đồ phụ kiện quen thuộc: Cáp sạc iPhone. Lỗi vặt của iPhone hay MacBook thì có thể bỏ qua, nhưng riêng cái thứ dây sạc này thì phải làm cho ra ngô ra khoai, cũng bởi nó quá dễ hỏng:

Rất nhiều những bức ảnh được chính chủ nhân chụp lại "khoe".

Điều đáng nói là giá thành bao kèm để mua một bộ cáp sạc mới là không hề rẻ (khoảng 500.000 VND/dây sạc ở cơ sở phân phối bảo hành chính hãng) trong khi có những trường hợp xui xẻo bị hỏng chỉ trong... vài tuần đầu sử dụng.

Nguyên nhân của nghịch lý: iPhone thì tốt nhưng sao cáp sạc lại dở đến vậy?

Thông thường, một sợi cáp sạc thường bao gồm 2 phần: lõi đồng dẫn điện sạc bên trong và vỏ cao su mềm bảo hộ bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, các thương hiệu phụ kiện khác đã nghĩ ra cách thêm vào một lớp vải mềm cách điện hoặc bổ sung lớp cao su thứ 2 nữa nhằm mục đích tăng độ bền cho dây sạc. Thậm chí, một số nơi còn chuyển qua cấu trúc dây xoắn, gấp khúc mối nối để tránh gãy gập.

Qua đó, các ảnh hưởng vật lý từ lực tác động sẽ được giảm thiểu đáng kể, gây ít tổn thương cho sợi dây sạc chính cũng như lớp vỏ mềm ban đầu. Sự kết hợp giữa nhiều lớp vỏ bảo hộ sẽ dàn trải lực uốn cong ra, không lo hỏng hóc.

Dễ dàng và phổ biến như vậy nhưng Apple lại không làm theo - phải chăng họ thực sự thờ ơ với danh tiếng của mình, hay là quá tự kiêu để có thể bắt chước người khác?

Cứ dùng iPhone là ghét thậm tệ thứ này, nhưng sự thật đằng sau lại ẩn chứa hành động cao cả của Apple - Ảnh 2.

Một sợi cáp sạc của hãng phụ kiện khác trông rất chỉn chu và tỉ mỉ hơn cáp sạc của iPhone.

Nhiều fan chưa chịu tìm hiểu đã vội đổ lỗi rằng Apple "ki bo", "chỉ quan tâm ngoại hình đẹp" nhưng thực chất, họ đang thực hiện một mục tiêu cao cả hơn nhiều, bất chấp việc đánh đổi chất lượng hiện tại của sản phẩm: Ưu tiên bảo vệ môi trường.

Kể từ những năm 1990, Apple đã loại bỏ dần các thành phần nhựa PVC - vật liệu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, không thể thiếu trong các ngành công nghiệp. Các sản phẩm như ống hút, dây cách điện, găng tay y khoa... đều là những bằng chứng dễ thấy ở mọi nơi của nhựa PVC. Không gây hại với con người, giá thành rẻ, bền bỉ khi bổ sung các chất phụ gia, bấy nhiêu đó đủ để chúng ta rất ưu tiên dùng nó trong sản xuất.

Tuy nhiên, tác động xấu của nhựa PVC tới môi trường đã được nhiều tổ chức lên án kịch liệt, dẫn đến quyết định của Apple sau này. Thời gian phân hủy nó trong tự nhiên có thể kéo dài đến 500 năm hoặc lâu hơn nữa. Một vài chương trình khuyến khích rộng rãi được mở ra, cuối cùng Apple cũng chính thức tuyên bố chấm dứt hoàn toàn nhựa PVC trong các thiết bị vào năm 2010. Chính vì việc không kèm nhựa PVC vào trong các thành phần dây bọc cáp, độ bền và dẻo dai của chúng cũng kém hẳn đi và không đạt tới kỳ vọng của người dùng.

Cứ dùng iPhone là ghét thậm tệ thứ này, nhưng sự thật đằng sau lại ẩn chứa hành động cao cả của Apple - Ảnh 3.

Chiếc iPhone 4 ra mắt năm 2010 đã được tuyên bố không chứa một chút nhựa PVC nào.

Giữa chất lượng sản phẩm và một tương lai tươi sáng lâu dài cho môi trường sống của hành tinh chúng ta, chẳng phải Apple đã lựa chọn rất sáng suốt hay sao? Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều thương hiệu khác chưa thực sự từ bỏ được PVC trong sản phẩm của mình, nhưng ít nhất Apple vẫn đang là một đại diện tiên phong đáng khen ngợi, không cần hô hào thanh minh, chỉ cần làm tốt nhiệm vụ và mục tiêu cao cả đó của mình.