"CSGT có thể ra hiệu lệnh dừng phương tiện, dùng còi hoặc gậy chứ không được giơ chân, tung cước"

Định Nguyễn - Thùy Chi, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 20/07/2016

Trước sự việc CSGT tung cước khiến người đi xe máy lao vào dải phân cách, nhiều ý kiến cho rằng CSGT nên sử dụng một cách khác để bắt người vi phạm giao thông phải dừng chứ không thể hành động nguy hiểm như thế được.

Chiều 18/7, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một CSGT lao ra chặn xe máy của nhóm thanh niên chạy ngược chiều trên phố Xã Đàn, thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Điều đáng nói là chiến sĩ CSGT này khi lao ra đã giơ chân lên để bắt nhóm thanh niên dừng lại. Lúc này chiếc xe mất lái, đâm vào dải phân cách cứng rồi trượt trên mặt đường. 2 thanh niên trên xe máy ngã nhoài, văng lên phần đất nằm giữa dải phân cách.

Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng nhanh chóng xác định chiến sĩ cảnh sát trong clip trên đang công tác tại đội CSGT số 3 - Phòng CSGT Công an Hà Nội. Sáng 19/7, trung tá Lê Tú, Đội trưởng đội CSGT trên thông tin, đơn vị đã tạm đình chỉ chiến sĩ CSGT xuất hiện trong đoạn clip.

 Clip: Trung úy CSGT giơ chân tung cước chặn bắt người vi phạm nói gì? Nguồn: báo Giao Thông

Đối với nam thanh niên vi phạm luật giao thông là Nguyễn Văn Tuấn (20 tuổi, quê ở Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), Đội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không có bằng lái, không có đăng ký xe, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát với tổng số tiền trên 2 triệu đồng, tạm giữ xe một tuần.

"CSGT có quyền chặn nhưng không được gây nguy hiểm cho người dân"

Đoạn clip đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Một số người cho rằng chiến sĩ CSGT phải làm như vậy để răn đe những thanh niên vi phạm.

"Tại sao lại đình chỉ CSGT? Nếu anh ấy không đạp ngã thì liệu mấy thanh niên này sẽ đâm trúng ai? Thử nghĩ xem nếu đó là gia đình mình và người thân yêu của mình thì sao? Cần những hành động cứng hơn nữa. Em là em ủng hộ hành động của anh cảnh sát này", P.A nói.

CSGT có thể ra hiệu lệnh dừng phương tiện, dùng còi hoặc gậy chứ không được giơ chân, tung cước - Ảnh 2.

CSGT giơ chân tung cước khiến người điều khiển xe máy ngã nhoài. Ảnh cắt từ clip

"Nhiều thanh niên điều khiển phương tiện ngoài đường đi sai luật nhưng khi bị bắt thì cố tình lạng lách, trốn tránh cảnh sát. Nếu chiến sĩ trong clip không hành động như vậy thì chắc chắn là người đi xe máy kia đã trốn được rồi. Trong một số trường hợp, mình nghĩ là họ cần phải làm thế", một người khác lên tiếng.

Tuy nhiên, đa số cư dân mạng lại lên tiếng cho rằng hành động như thế là sai và gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông.

"Khi thấy người vi phạm, cảnh sát có quyền được chặn để kiểm tra bằng nhiều cách nhưng tuyệt đối không phải là dùng võ hay giơ chân đạp như tình huống trong đoạn clip trên. Rất may là nam thanh niên không bị thương nhưng thử hỏi nếu không vững tay lái, chuệnh choạng và ngã mạnh xuống dải phân cách thì không hiểu sẽ có chuyện gì xảy ra", một bạn bình luận.

CSGT có thể ra hiệu lệnh dừng phương tiện, dùng còi hoặc gậy chứ không được giơ chân, tung cước - Ảnh 3.

Trung úy Nguyễn H.A. là người "giơ chân, túng cước khiến người vi phạm lao dải phân cách". Ảnh: Báo Giao thông

"Nhiệm vụ của các chiến sĩ CSGT là bắt người vi phạm, tuy nhiên khiến họ ngã và có nguy cơ bị thương cao như vậy là không nên. Việc họ có gây ra nguy hiểm cho ai thì nên xử lý sau", Q.A nói.

Rõ ràng dù thanh niên trong đoạn clip đã vi phạm luật giao thông và cố tình bỏ trốn, tuy nhiên CSGT nên sử dụng một cách khác chứ không thể vì thế mà gây nguy hiểm cho người dân. Mọi việc để pháp luật xử lý, sai đâu thì xử theo luật chứ không nên đạp người vi phạm như vậy.

Nguyên Tổ trưởng Đội CSGT số 1: "Việc giơ chân lên của chiến sĩ CSGT trên là không được"

Trước sự việc trên, thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân ưu tú của Thủ đô cho biết, bản thân ông cũng đã nắm về sự việc. Tuy nhiên, thượng tá Đoàn cho rằng "Phạm lỗi chứ phải tội phạm đâu mà lại chạy ngược chiều như thế" và người CSGT muốn xử lý những trường hợp vi phạm giao thông thì phải có tính giáo dục cao, xử lý đúng người, đúng luật.

"Trường hợp đi ngược chiều với tốc độ nhanh như vậy thì nguyên tắc người CSGT dừng xe phải đảm bảo cho tính mạng, tài sản chủ phương tiện. Còn người vi phạm chỉ nhận phạt chứ đâu phải tội phạm đâu mà sợ", thượng tá Đoàn nói.

CSGT có thể ra hiệu lệnh dừng phương tiện, dùng còi hoặc gậy chứ không được giơ chân, tung cước - Ảnh 4.

Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân ưu tú của Thủ đô

Trong suốt nhiều năm giữ vai trò cảnh sát giao thông, thượng tá Đoàn đã gặp nhiều trường hợp cố tình vi phạm và tất cả tình huống đó ông đều xử lý khéo léo khiến người vi phạm nhận ra lỗi sai của mình. "Bản thân mỗi CSGT khi bắt lỗi người vi phạm phải dùng cách nào đó để không gây nguy hiểm cho người dân. Bên cạnh đó những người vi phạm cũng phải chấp hành và cần được tuyên truyền, nâng cao ý thức. Đồng thời nếu đã vi phạm nên tuân thủ, nên có văn hóa ứng xử chứ ai lại chạy ngược chiều như thế. Kể cả CSGT không lao ra chặn bắt thì cũng khó nói được người này gây nguy hiểm cho những người khác hay không", thượng tá Đoàn chia sẻ.

Về vấn đề này, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho biết, trong trường hợp trên, việc người vi phạm giao thông đi ngược chiều là hành vi rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Theo thượng tá Quỹ: "Khi lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe thay vì việc dừng lại thì nam thanh niên đã đi với tốc độ rất nhanh rồi cố tình luồn lách để né tránh. Trong khi đó, đường đang đông đúc tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đó là hành động quá thiếu ý thức trong việc tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc giơ chân lên của chiến sĩ CSGT như thế là không được".

CSGT có thể ra hiệu lệnh dừng phương tiện, dùng còi hoặc gậy chứ không được giơ chân, tung cước - Ảnh 5.

Khu vực đường Xã Đàn - nơi xảy ra sự việc

Ông cho rằng, những trường hợp cố tình bỏ chạy thì biện pháp truy đuổi là nghiêm cấm trừ đối tượng có dấu hiệu phạm tội nếu đối tượng không kịp ngăn chặn sẽ gây nguy hiểm cho xã hội.

"Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phải ghi nhận thông tin ban đầu là biển số xe, người điều khiển là nam hay nữ, nhận dạng, đang đi hướng nào, đi loại phương tiện gì để thông báo cho chốt liền kề hoặc thông báo cho đơn vị tiếp theo để chủ động dừng phương tiện để xử lý nghiêm", thượng tá Quỹ chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày