Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi?

Chi Lanh, Theo Trí Thức Trẻ 11:57 13/08/2017

“Gintama” mở đầu cho cuộc càn quét phim live-action shounen Nhật Bản tại Việt Nam trong tháng 8 năm nay, nhưng phản ứng thu về không thể bùng nổ như mong đợi.

Sau một tuần công chiếu, phim điện ảnh live-action Gintama (Linh Hồn Bạc) gây hoang mang trong cộng đồng phim Nhật với thông tin trừ đơn vị mua bản quyền phát hành chính tại Việt Nam thì các phòng chiếu khác đã rút tên phim ra khỏi danh sách chiếu hoặc đang trong tình trạng suất chiếu "nhỏ giọt".

Dường như Gintama dù huy hoàng tại quê nhà nhưng lại thất thế ở phòng vé Việt, một bom tấn mùa hè chuyển thể từ bộ truyện tranh có cộng đồng fan đông đảo vẫn chưa đủ sức tạo ra cơn sốt mới cho thị trường phim Nhật tại nước ta. Bài học rút ra từ tình trạng của Gintama là gì?

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 1.

Gintama vẫn chưa đủ sức trở thành "cơn gió mới"

Kịch bản chỉ dành cho fan

Gintama gây chú ý ở giai đoạn "chào sân" khi sở hữu đạo diễn Yuichi Fukuda – chuyên gia chuyển thể truyện tranh shounen đậm chất trào phúng của xứ hoa anh đào cùng một dàn diễn viên được đánh giá là vừa có ngoại hình lại vừa có thể diễn tốt, lối diễn phong phú. Tuy vậy, nếu bạn chưa từng đọc qua hoặc có ý niệm về phong cách châm biếm "lầy lội" của nguyên tác, bạn sẽ trở thành một "kẻ bên lề" trong rạp khi phim chiếu đến những đoạn điểm nhấn.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 2.

Đây là khung cảnh khi bạn là "thường dân" duy nhất mua vé vào rạp mà chưa xem nguyên tác

Đành rằng Gintama là một tượng đài shounen của người Nhật, nhưng trừ đoạn mở đầu hoành tráng giới thiệu cỡ hơn chục trang trong cuộc gặp gỡ huyền thoại giữa Gintoki (Oguri Shun đóng) và Shinpachi (Masaki Suda đóng), càng ngồi xem lâu bạn sẽ càng chóng mặt hoa mắt với một tá nhân vật từ tóc tai, trang phục cho đến tính cách đều không giống bất kỳ người bình thường nào!

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 3.

Bạn càng xem lại càng bế tắc, ngồi chịu trận chờ xem về sau có đoạn nào dễ hiểu hơn tí không

Bạn sẽ cảm thấy ngẩn ngơ tự hỏi cô bé ngoài hành tinh Kagura (Kanna Hashimoto đóng) tại sao lại có những cảnh chiến đấu dẻo dai và hung hăng đến vậy, cũng như dàn trai đẹp Shinsengumi mặc cảnh phục vác vũ khí nhưng lại dở hơi và có phần thừa mứa nhưng vẫn có đất diễn đều đều trong phim. Bối cảnh của Gintama được giới thiệu qua loa khiến bạn cảm thấy khó chấp nhận những nhân vật Amanto (Người Trời) với tạo hình đầu người mình thú trông như quái vật trong phim siêu nhân thập kỷ trước. Nguyên nhân và tầm quan trọng của các cuộc chiến chồng chéo, khiến bạn hoang mang rốt cuộc cao trào trong phim nằm ở đoạn nào. Nói tóm lại, Gintama trở thành nồi lẩu thập cẩm nếu bạn vào rạp mà không trang bị bất kỳ kiến thức gì về thế giới của nó.

Trách nhiệm dịch thuật

Một câu chuyện nói dài, nói dai nhưng vẫn bế tắc qua năm dài tháng rộng của giới yêu phim Nhật tại Việt Nam. Đơn vị bản quyền phân phối Gintama tại nước ta cũng là đơn vị phát hành của hàng loạt tựa phim Nhật trước đó như Let’s Go, JETS! (Tiến Lên, JETS!), A Silent Voice (Dáng Hình Thanh Âm), Death Note: Light Up The New World (Quyển Sổ Tử Thần: Khai Sáng Thế Giới Mới)... Dù đã trải qua nhiều thăng trầm với những bom tấn Nhật Bản tại thị trường Việt, người xem Gintama vẫn phải nhíu mày vì những lỗi dịch thuật không đáng có trong quá trình theo dõi phim.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 4.

Ai xung phong chỉ ra lỗi dịch thuật trên phim nào?

Chẳng hạn, nhân vật Takasugi (Tsuyoshi Domoto đóng) xuất hiện ở màn ảnh Việt lại được "thăng chức" làm "Chúa Tể Takasugi" dù trong nguyên tác anh ta chỉ được gọi tên một cách trang trọng. Hoặc là cô phát thanh viên của bản tin buổi sáng Ketsuno Ana khi lên phim lại được giáng cho một cái tên "lai Tây" như S.Role. Ngay cả những lỗi vặt vãnh như việc cùng một danh từ nhưng có lúc được phụ đề bảo là "samurai" lúc khác lại viết là "võ sĩ đạo". Ngoài ra còn khá nhiều lỗi dịch thuật khác mà các diễn đàn phim Nhật trong những ngày gần đây thay nhau tranh luận không dứt.

Thế nhưng sau tất cả, điều khiến người xem khó chịu nhất vẫn là việc những thuật ngữ, trò đùa hay bối cảnh đặc biệt của Gintama đều không được chú thích. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến phim trở nên kén khách dù dòng phim hài hước như Gintama ở thị trường nội địa vẫn được lòng công chúng phổ thông.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 5.

Phụ đề sai là một thảm họa, nhưng không chú thích lại là một tội ác!

Gintama có điểm mạnh là những pha parody "lái lụa" đem các tác phẩm manga, anime khác vào kịch bản. Đáng tiếc thay, khi bộ giáp Gundam (Chiến Binh Người Máy) xuất hiện trong xưởng rèn, Gintoki đội mũ rơm biểu tượng của One Piece (Đảo Hải Tặc) hay công chúa Nausicaa Of The Valley Of The Wind (Công Chúa Thung Lũng Gió) của xưởng phim Ghibli cho anh ta "quá giang" trên phương tiện của mình, người xem sẽ khó mà bắt kịp mạch phim chuyển đổi liên tục và sự thâm thúy linh hoạt của tác giả.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 6.

Khán giả lên tiếng vì đỡ không nổi khả năng dịch thuật của nhà phát hành

Kỹ xảo kiểu... Nhật Bản!

Nếu bạn đã quen với những phim điện ảnh Hollywood với trình độ kỹ xảo thượng thừa và tiết tấu chiến đấu nghẹt thở, bạn hãy tìm đến với Gintama với một trái tim cần rất nhiều vị tha. Dù khai thác hồi truyện về thanh kiếm quỷ Benizakura, vũ khí chiến đấu được mô tả là có bộ óc của máy tính và tâm tính của một loài quái vật đủ sức nghiền nát chiến hạm, thanh Benizakura lên phim lại trở thành tổ hợp những dây nhợ loằng ngoằng, trông kém phong độ mà lại còn giả tạo đến mức khó ưa.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 7.

"Quỷ kiếm" tưởng hoành tráng thế nào

Cuộc chiến của Gintoki và "Trảm Nhân Vương" Nizo Okada (Hirofumi Arai đóng) lại càng "đi xa quá" khi Benizakura hung bạo cậy nhờ hiệu ứng ánh sáng tím mang cảm giác châm biếm không thua kém thanh kiếm "rồng cuộn", thứ vũ khí trên tay Gintoki mang nhiệm vụ nguyên gốc là chọc cười khán giả. Có thể nói, những đoạn hay nhất của live-action này nhất định là những phân cảnh đối đáp của nhân vật hoặc đánh đấm bằng kỹ thuật của diễn viên. Hãy quên đi những hình ảnh tàu bay sử dụng kỹ xảo "thật như giả" hay là những phân cảnh chưa rõ là hữu tình hay cố ý mà phá nát "độ nguy hiểm" của Benizakura và các nhân vật phản diện khác.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 8.

"Quỷ kiếm" cái gì, toàn là vòi bạch tuộc hay giun đất ra đường vốc được một nắm!

Dù bạn là fan, nhưng đừng trông đợi quá nhiều!

Gintama phát hành dù ở thị trường nội địa hay nước ngoài đều nhắm tới đối tượng chính là fan cứng của tác phẩm. Thế nhưng cũng đi vào vết xe đổ của các live-action khác, thời lượng hạn chế và cách sàng lọc tình tiết của kịch bản dù duyên dáng đến thế nào cũng không thể đem lại cảm giác thỏa mãn hoàn toàn.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 9.

Khi xem phim, tốt nhất là hãy bắt chước Gintoki, bỏ ngoài tai chuyện của thiên hạ

Đạo diễn kiêm biên kịch Yuichi Fukuda quyết định chọn hai hồi truyện cách nhau không quá xa trong nguyên tác để đem vào phim, nhưng vẫn muốn thêm vào một số tình tiết "đóng đinh" khác như Gintoki gặp gỡ Shinpachi hay Gintoki đấu tay đôi với Takasugi. Điều đáng nói là ngay chính hồi truyện về Benizakura đã mang thời lượng khá dài, cần được sắp xếp "đất diễn" phù hợp để làm cao trào, thế nhưng bài toán thời gian vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Các tình tiết đầu tiên dàn trải thế nào thì càng về sau mạch phim lại như đang hụt hơi trong quá trình chạy nước rút. Benizakura tung hoành suốt một tiếng đầu phim nhưng lại trở về cát bụi quá chóng vánh, hay Takasugi nguy hiểm đến thế nào, lầm đường lạc lối ra sao, kịch bản của live-action vẫn chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Trừ phi bạn là fan của bộ ba tiệm Vạn Năng, bạn sẽ khó mà cảm thấy hài lòng với thời lượng và cách dẫn dắt về nhân vật yêu thích của mình trong phim.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 10.

Nếu bạn xem phim vì đội ngũ cảnh sát đẹp trai này thì hãy tỉnh táo vì họ tuy xuất hiện ít nhưng cực "chất"

Dù cho đạo diễn từng lên tiếng về ý định làm phần tiếp theo, Gintama rõ ràng khó mà tiếp tục khai thác câu chuyện "tay ba" giữa ba chiến sĩ rẽ theo ba tiếng gọi lý tưởng khác biệt nếu không chỉnh đốn cách giới thiệu nhân vật ở phần đầu tiên.

Nói tóm lại, Gintama cùng thành tích 3 triệu Yên tại quê nhà vẫn "thất thế" trên thị trường phòng vé Việt vì còn nhiều thiếu sót. Thế nhưng xét từ đầu mùa hè đến nay, khi làn sóng phim Nhật lần lượt ập tới Việt Nam, Gintama vẫn là một cái tên hiếm có khó tìm với hiệu ứng khá tốt. Nếu bạn tò mò về một phim live-action có nguồn gốc từ bộ manga shounen top đầu của xứ hoa anh đào, cũng như ý muốn mục sở thị người Nhật trào phúng chính họ có thể duyên dáng đến thế nào, đừng bỏ lỡ cơ hội xem Gintama tại các rạp trên toàn quốc ngay hôm nay.

Cơn sốt live-action Gintama “tắt đài” ở Việt Nam: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 11.

Câu chuyện về những samurai lầm đường lạc lối lẽ ra đã có thể xuất sắc hơn

Gintama phiên bản live-action lấy bối cảnh thời kỳ suy vong của chế độ samurai ở Nhật Bản, cũng là lúc người ngoài hành tinh Amanto hoàn thành cuộc đổ bộ xuống trái đất. Gintoki (Oguri Shun đóng) từng là một samurai xông pha chiến trường với biệt danh "Dạ Xoa tóc trắng", nay đã lui về ở ẩn dưới thân phận một thanh niên lười biếng, nhiều thói hư tật xấu.

Anh ta mở cửa tiệm Vạn Năng (Yorozuya), thu nhận hai "quả tạ" Shinpachi (Masaki Suda đóng) và Kagura (Kanna Hashimoto đóng), bắt đầu chuỗi ngày ai bảo gì thì làm nấy để kiếm tiền sinh nhai. Thế nhưng bóng ma từ quá khứ và những rối ren chính trị bất ổn vẫn tiếp diễn, khiến anh không thể buông bỏ thanh kiếm Touya và biệt danh sát thủ tóc trắng của mình.

Gintama hiện đang chiếu ở các rạp trên toàn quốc.

Trailer "Gintama"