Cơn đau tim thầm lặng: ai cũng có thể bị nó tấn công vào một ngày nào đó mà không hề hay biết

Pem, Theo Helino 11:12 25/10/2019

Đau tim trong thầm lặng tuy không gây ra cơn đau đối với người bệnh nhưng nó lại để lại tổn thương nhất định đến tim, gây ra tình trạng đột tử hoặc nhiều bệnh nghiêm trọng về tim mạch.

Khi dì Gert của tôi trải qua một cơn đau tim vào năm bà 75 tuổi, bác sĩ nói rằng đó không phải lần đầu tiên bà bị đau tim. Các xét nghiệm kiểm tra ảnh hưởng của cơn đau tim đối với sức khỏe của dì đã tiết lộ rằng trước đó dì cũng đã trải qua một cơn đau tim nhưng không ai biết.

Người ta gọi đó là “cơn nhồi máu cơ tim trong thầm lặng” hay “đau tim trong thầm lặng” (S.M.I.). Thầm lặng ở đây là bởi nó không có bất kì biểu hiện nào được ghi nhận liên quan đến tim của người bệnh, vì thế tất nhiên cũng không hề có phương pháp điều trị y tế nào được đưa ra.

Cơn đau tim thầm lặng: ai cũng có thể bị nó tấn công vào một ngày nào đó mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Dì tôi đã gặp may. Bà ấy sống sót qua cơn đau tim lần thứ 2 này và bằng cách kiểm soát các yếu tố liên quan đến tim mạch, bà ấy đã sống thêm 20 năm nữa mà không gặp phải vấn đề nào khác về tim cả.

Có hàng triệu người trên khắp thế giới đang giống như dì tôi, không biết gì về tình trạng S.M.I. của mình và những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe (thậm chí là tử vong) mà họ đang phải đối mặt.

Có những người sẽ nghĩ rằng đau tim trong thầm lặng “tốt hơn” so với khi chúng ta phải trải qua cơn đau tim bình thường (cảm nhận rõ ràng) bởi vì bạn không biết đến nó nghĩa là nó không khiến cho bạn đau đớn. Thật không may, đau tim trong thầm lặng có thể “làm đau” bạn nhiều hơn tưởng tượng.

Mặc dù việc biết được bản thân có nguy cơ đau tim có thể khiến ta rất áp lực, nhưng việc không biết bệnh tình của bản thân lại có thể để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, khiến bạn “sống dở chết dở” với những tổn hại về tim và sức khỏe.

Cơn đau tim thầm lặng: ai cũng có thể bị nó tấn công vào một ngày nào đó mà không hề hay biết - Ảnh 2.

Cơn đau tim bình thường giống như một hồi chuông cảnh báo cho chúng ta nhằm có những phương pháp y tế và phong cách sống phù hợp để hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương tim, như ổn định huyết áp, mức độ cholesterol, bỏ hút thuốc và giảm cân nếu như bạn đang thừa cân, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không đủ để bạn kiểm soát tình trạng sức khỏe thì hiện nay đã có nhiều loại thuốc hỗ trợ bạn.

Thậm chí không có những biện pháp y học, nếu mọi người chỉ cần có ý thức cảnh giác và bảo vệ sức khỏe của bản thân thì “tỷ lệ mắc bệnh tim sẽ giảm 80%”, Tiến sĩ Rekka Mankad, bác sĩ tim mạch, Giám đốc Trung tâm Tim mạch phụ nữ tại Phòng khám Mayo ở Rochester, Minn chia sẻ.

Đó là khi bạn biết bạn bị đau tim, nhưng còn khi bạn không biết là mình đã trải qua cơn đau tim thì làm sao bạn có cách để cải thiện sức khỏe.

Cơn đau tim thầm lặng: ai cũng có thể bị nó tấn công vào một ngày nào đó mà không hề hay biết - Ảnh 3.

Những nghiên cứu gần đây được thực hiện ở Ireland và Phần Lan đã xác định số lượng người có thể trải qua cơn đau tim trong thầm lặng và những ảnh hưởng lâu dài của nó đối với con người. Các phát hiện này được công bố trên Mạng lưới Tim mạch học JAMA vào cuối tháng 10/2018, chỉ rõ tầm quan trọng của việc luôn cảnh giác với những tín hiệu cảnh báo tim có vấn đề và hiểu về các yếu tố liên quan đến nguy cơ tim mạch vành cũng như có biện pháp phòng ngừa để kiểm soát chúng trước khi quá muộn.

Tại Ireland, nghiên cứu được tiến hành với 935 nam và nữ tình nguyện ở độ tuổi 67 đến 93 trong 13 năm. Mỗi người tình nguyện phải chụp cộng hưởng từ tim - phương pháp có độ chính xác cao trong xác định các cơn đau tim thầm lặng.

Ban đầu, 17% số người tình nguyện đã trải qua S.M.I. và 10% trải qua cơn đau tim bình thường. Trong 3 năm đầu theo dõi, không có sự khác biệt giữa tỉ lệ qua đời của những người bị S.M.I. và những người không bị. Tỷ lệ qua đời ở nhóm này là 3%, bất ngờ là con số này thấp hơn tới 9% so với tỷ lệ qua đời ở những người bị cơn đau tim bình thường.

Theo thời gian, số lượng người bị S.M.I. qua đời tăng lên nhanh chóng. Chỉ trong 10 năm, một nửa số người bị đau tim thầm lặng đã qua đời (số lượng nam và nữ qua đời như nhau).

Ngoài ra, cũng có những tình nguyện viên gặp ảnh hưởng nghiêm trọng về tim mạch do S.M.I. gây ra như làm suy giảm khả năng bơm máu của tim, khiến con người khó thở, mệt mỏi, chân sưng, buộc bệnh nhân phải sống phụ thuộc vào máy thở oxy. Một nửa trong số họ cũng mắc phải các bệnh về tim mạch trong 5 năm sau đó. Tỷ lệ tử vong do S.M.I. gây ra lúc này ngang bằng với tỷ lệ tử vong do một số bệnh ung thư gây ra.

Nghiên cứu tại Phần Lan thực hiện bởi Đại học Oulu và Đại học Dược Miamo Millier cũng được công bố trên JAMA, vào tháng 7/2019, là kết quả khám tử thi của 5869 đàn ông và phụ nữ qua đời đột ngột ở miền Bắc Phần Lan trong độ tuổi 65. Nghiên cứu cho thấy 1332 người bị S.M.I. nhưng lại không có tiền sử bệnh động mạch vành.

Những người đột tử khi hoạt động thể chất thường có tim to - một dấu hiệu của sự căng thẳng bất thường khi tim phải hoạt động nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu oxy và chất dinh dưỡng của cơ thể. Khi kết hợp tim to với tổn thương do S.M.I. gây ra trước đó, nguy cơ đột tử tăng cao đột biến. Từ đó, nhóm tác giả cho rằng ảnh hưởng của S.M.I. có thể gây ra sự loạn nhịp tim và dẫn đến đột tử khi tập luyện thể dục.

Cơn đau tim thầm lặng: ai cũng có thể bị nó tấn công vào một ngày nào đó mà không hề hay biết - Ảnh 4.

Những biểu hiện của cơn đau tim trong thầm lặng

“Đau tim thầm lặng không phải lúc nào cũng thầm lặng. Những biểu hiện của nó như hơi khó chịu ở ngực, ợ nóng, buồn nôn, khó thở xảy ra ở rất nhiều người dễ bị nhầm lẫn sang các nguyên nhân khác nên người mắc không được đưa đi chăm sóc y tế đúng lúc”, Tiến sĩ Robert O. Bonow, chuyên gia tim mạch tại Đại học Y dược phía Bắc Feinberg chia sẻ. Phụ nữ là những người có biểu hiện khó nhận biết hơn cả.

Điều quan trọng là các bác sĩ cần nhận ra những người có nguy cơ mắc và có phương pháp điều trị thích hợp để làm giảm nguy cơ đó. Những người có nguy cơ cao hoặc bị nghi ngờ mắc S.M.I., bác sĩ nên đề nghị các hình thức chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm tim, xét nghiệm căng thẳng tim. Đối với những người hoạt động thể chất có thể chẩn đoán bằng siêu âm tim kết hợp stress test, Tiến sĩ Mankad khuyến nghị. Đặc biệt, nên kiểm tra thường xuyên với những người bị tiểu đường tuýp 2.

Nguồn: NYTimes