Có thật "tấn công trên mạng" làm cho Air Visual dừng hoạt động tạm thời ở Việt Nam?

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 12/10/2019

"Air Visual biết nếu xếp hạng Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới thì chắc chắn sẽ có tranh cãi. Theo thống kê, tổng số vote 1* cho ứng dụng này là khoảng 100, tổng số người tải xuống và sử dụng tại Việt Nam khoảng 10.000 người. Tôi khẳng định không thể vote như vậy mà hạ bậc từ 4 xuống 1" - ông Hà Đăng Sơn nhận định.

"Chúng ta phát triển chắc chắn phải đánh đổi, nhưng nên ở mức chấp nhận được"

Sáng 11/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng tổ chức hội thảo "Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân".

Đánh giá khái quát về tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay tại Hà Nội, Tiến sĩ Lý Bích Thủy – Đại diện Viện Khoa học Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong 20 năm qua (từ năm 1999-2019), nồng độ bụi mịn PM10 và PM2.5 trên địa bàn TP Hà Nội đều cao hơn mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và quy chuẩn của Việt Nam.

Theo đó, nồng độ bụi mịn được giải thích thay đổi theo mùa và tháng trong năm. Khi có các đợt không khí lạnh tràn về hay gặp những hiện tượng khí tượng bất lợi, nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng lên do không thể khuếch tán.

Đề cập đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa qua, Tiến sĩ Thủy đánh giá về cơ bản nguyên nhân là do yếu tố khí tượng. Ngoài ra để đánh giá những cơ chế tác động khác còn phải phụ thuộc vào những nghiên cứu khác.

Có thật tấn công trên mạng làm cho Air Visual dừng hoạt động tạm thời ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân" sáng 11/10.

Giáo sư Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nhận định, nguyên nhân tổng quát gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, chính là sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân.

"Chúng ta phát triển chắc chắn phải đánh đổi, nhưng nên ở mức chấp nhận được" - GS Cơ nói.

Theo kết quả nghiên cứu, nguồn nội tại gây ra bụi mịn PM2.5 của Hà Nội chỉ chiếm hơn 30%, số còn lại đến từ các tỉnh bên cạnh, thậm chí xa hơn là trên thế giới và đặc biệt là nguồn tự nhiên. Nếu như thời tiết bất lợi thì nồng độ bụi mịn PM2.5 gia tăng. Hiện nay, hệ thống kiểm soát, quản lý chất lượng không khí ở Hà Nội còn hạn chế, ví dụ như mạng lưới quan trắc không khí, người dân khó nắm bắt được tình trạng ô nhiễm.

Một trong những giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí được GS Hoàng Xuân Cơ đưa ra, là phun nước rửa đường. Tuy nhiên, "chúng ta cũng có thể phải chấp nhận trong năm có một vài ngày bị ô nhiễm".

Tiến sĩ Lý Bích Thủy và Giáo sư Hoàng Xuân Cơ.

Có thật "tấn công trên mạng" làm cho Air Visual dừng hoạt động ở Việt Nam?

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh các thông tin ô nhiễm không khí được lấy từ đâu và được đo đạc như thế nào? Nếu so với 3 năm trước, thì bây giờ Việt Nam hiện có rất nhiều nguồn thông tin, quan trắc chất lượng không khí. Trong số đó, Airvisual đang là nguồn thông tin gây tranh cãi nhiều nhất.

"Sáng nay tôi có đặt câu hỏi: Trong thông báo họ đưa ra nói do việc "tấn công trên mạng" của một nhóm người Việt Nam khiến cho việc truy cập thông tin của những người sử dụng tại Việt Nam không thể thực hiện được, thực sự đó là như thế nào?

Theo tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, tổng số vote 1* cho ứng dụng Air Visual là khoảng 100, tổng số người tải xuống và sử dụng ứng dụng này tại Việt Nam khoảng 10.000 người. Vậy thì, 100 vote 1* so với lượng tải 10.000, trong đó có nhiều vote 3*, 4*, 5*, về mặt thống kê sẽ làm thay đổi độ tin cậy của Air Visual như thế nào?".

Ông Sơn nói, Air Visual là một công ty, mà đã là công ty thì có nhiều "chiêu trò", càng có nhiều scandal thì công ty càng nổi tiếng giống như... "câu like".

"Họ biết nếu xếp hạng Hà Nội ô nhiễm nhất thì chắc chắn sẽ có tranh cãi. Giống như tôi nói có 100 bạn vote 1*, so với 1.000 bạn thì chỉ có 10%, so với 10.000 bạn thì nó chỉ bằng 1%. Tôi khẳng định không thể vote như vậy mà hạ bậc từ 4 xuống 1, cùng lắm chỉ từ 4 xuống 3,8. Vì thế không nên rêu rao đấy là lý do làm cho Air Visual dừng hoạt động ở Việt Nam" - ông Sơn khẳng định.

Có thật tấn công trên mạng làm cho Air Visual dừng hoạt động tạm thời ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Trên thực tế, thời điểm Air Visual "biến mất" khỏi các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại, những người đã tải trước đó vẫn có thể sử dụng bình thường.

"Họ (Air Visual - PV) đã dùng biện pháp kỹ thuật để khóa những người download mới, người sử dụng mới, còn những người đã download từ trước, sử dụng từ trước như tôi thì vẫn dùng được bình thường.

Người dân nên theo dõi, trích dẫn nhiều nguồn thông tin để phản ánh chính xác nồng độ, xu hướng bụi mịn. Chúng ta đang ô nhiễm, đấy mới là thông điệp lớn! Việc chúng ta đứng thứ nhất hay thứ 10, điều đó không quan trọng!".

Trong khi đó, TS Dương Hoàng Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đang khiến người dân khó hiểu. Dự định, các bên liên quan sẽ liên kết với nhau giải thích cặn kẽ AQI với người dân.

Nói về sự biến mất tạm thời của Air Visual tại Việt Nam, ông Tùng xem đó như một "cú hích" để người dân quan tâm nhiều hơn tới ô nhiễm không khí.

TS Dương Hoàng Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam và ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm không khí là kẻ giết người vô hình

Ông Kidong Park - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết ô nhiễm không khí trên toàn cầu là nguyên nhân gây ra 29% ca tử vong do ung thư phổi, khoảng 24% ca tử vong do đột quỵ, 25% do đau tim, và 43% do bệnh tắc nghẽn phổi.

"Ô nhiễm không khí là kẻ giết người vô hình, ảnh hưởng tất cả các vùng trên toàn cầu. Tuy nhiên người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nhất so với những người sống ở những nơi có thu nhập cao" - ông Kidong Park nhận định.

WHO đánh giá 97% người sống ở các thành phố thu nhập thấp, trung bình bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ giảm xuống dưới 49%. Trẻ em, phụ nữ và những người làm việc ngoài trời, là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí.

WHO ước tính toàn cầu có khoảng 7 triệu người tử vong do ung thư phổi, do đột quỵ và các bệnh tim mạch, gây ra bởi ô nhiễm không khí.

Tại Việt Nam, WHO đánh giá 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, đều liên quan tới ô nhiễm không khí trong năm 2016.

Có thật tấn công trên mạng làm cho Air Visual dừng hoạt động tạm thời ở Việt Nam? - Ảnh 5.

Ông Kidong Park - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới.

Đại diện WHO chỉ ra một số nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí hiện nay ở Hà Nội, điển hình như giao thông vận tải từ xe máy, ô tô; Nhà máy điện than cung cấp năng lượng sử dụng than; Quản lý chất thải, nguyên liệu sử dụng trong gia đình, đốt bếp, đốt than, bụi bay từ công trường, thậm chí là khí Amoniac trong ngành công nghiệp chế biến cũng có thể bị biến đổi thành bụi mịn thông qua các phản ứng hoá học.

Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ nhiều yếu tố, chúng ta từ các ngành nghề khác nhau, cần phối hợp với nhau tạo ra bầu không khí sạch. Hà Nội cũng nên học hỏi nỗ lực cải thiện không khí của Bắc Kinh (Trung Quốc) như: Loại bỏ số lượng phương tiện gây ô nhiễm cao; Tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và khả năng tiếp cận của công dân đến các nguồn thông tin chính thống; Cải thiện quản lý giao thông, xúc tiến năng lượng sạch; Áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong thời gian ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng trên địa bàn.

"Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, tôi chắc chắn, các bạn sẽ đưa không khí sạch trở lại Hà Nội và bảo vệ sức khỏe của người dân, chống lại ung thư phổi, các bệnh tim mạch" - ông Kidong Park nói.

Hà Nội sẽ đưa dự báo chất lượng không khí vào bản tin thời tiết

Tại buổi hội thảo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội (Chi cục) cho biết, để phục vụ công tác thông tin về mức độ an toàn không khí, Hà Nội đã thiết lập, quản lý vận hành ổn định, liên tục 10 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố. Xây dựng dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới: 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó có 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 trạm quan trắc lưu động).

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ MT, chống biến đổi khí hậu. Xây dựng chỉ thị về lộ trình chấm dứt đốt rơm rạ, gây khói mù ảnh hưởng đến an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn nông dân chế phẩm vi sinh để làm phân hữu cơ, khuyến khích các doanh nghiệp mua lại rơm của nông dân để chăn nuôi, trồng nấm.

Có thật tấn công trên mạng làm cho Air Visual dừng hoạt động tạm thời ở Việt Nam? - Ảnh 6.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội.

Đồng thời hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), các chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị liên quan, để nghiên cứu định lượng nguồn phát thải ô nhiễm ở Hà Nội. Kết quả sẽ được công bố vào tháng 5/2020.

Khi kiểm kê xong nguồn thải và tính toán lan truyền ô nhiễm, diễn biến chất lượng không khí có thể được dự báo trước 1-2 ngày như thời tiết. Vì vậy, Chi cục sẽ đưa nội dung dự báo chất lượng không khí lên bản tin thời tiết (phát trên các phương tiện truyền thông) để cảnh báo cho người dân sớm nhất có thể.

Đại diện ngân hàng thế giới - chị Nguyễn Thị Lệ Thu tổ chức này đang tài trợ cho TP Hà Nội cùng các chuyên gia kiểm kê nguồn thải, phân tích thành phần hóa học trong bụi PM2.5 để xác định nguồn gây bụi.