Có phải mèo chỉ "rên" khi có con người bên cạnh và các sự thật ít người biết về tiếng rên của mèo

JD, Theo Trí Thức Trẻ 11:11 09/07/2017

Tiếng rên của mèo là một trong những yếu tố khiến chúng ta không thể cầm lòng được trước các boss. Nhưng bí mật của tiếng rên này, bạn đã biết chưa?

Ai nuôi mèo cũng biết, các boss thường một hành động rất dễ thương là cọ mình vào chúng ra, họng rên "rừ rừ". Trong một số nghiên cứu trước kia đã chỉ ra đây là dấu hiệu mèo đang cảm thấy hạnh phúc khi có con người bên cạnh. Thậm chí có người còn cho rằng mèo chỉ rên khi có người ở bên.

Về cơ bản, mèo rên khi cảm thấy hạnh phúc cũng không sai. Nhưng chuyện chỉ rên khi có con người thì chưa đúng, vì hành vi này xuất hiện từ khi mèo còn rất nhỏ, lúc chúng còn đang bú mẹ. Vậy nên, chắc chắn đây không phải là hành vi dành riêng cho con người.

Có phải mèo chỉ rên khi có con người bên cạnh và các sự thật ít người biết về tiếng rên của mèo - Ảnh 1.

Thậm chí với mèo trưởng thành, tần suất chúng rên nhiều nhất lại là với những con mèo khác, còn phận "sen" như chúng ta chỉ được hưởng ké thôi.

Mèo có nhiều kiểu rên, trong đó có tiếng rên hấp hối

Tiếng rên của mèo cũng có nhiều loại. Tiếng mèo tạo ra khi bú sữa sẽ khác với tiếng rên khi các boss nằm trên đùi chúng ta. 

Theo một số nhà động vật học hành vi phân tích, tiếng mèo rên để đòi ăn thường ở tông cao, lại có một số thành phần giống tiếng khóc của trẻ em. Nhưng khi đang... ưỡn ẹo với con người hoặc với mẹ của chúng, thành phần "khóc" lại biến mất.

Ngoài ra, các chuyên gia thú y cũng cảnh báo rằng mèo có thể rên khi chúng đang rất đau đớn, hoặc đang hấp hối. Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, đó lại là cùng một loại âm thanh chúng phát ra khi ở gần người - âm thanh mà con người vẫn cho là "hạnh phúc".

Có phải mèo chỉ rên khi có con người bên cạnh và các sự thật ít người biết về tiếng rên của mèo - Ảnh 2.

Một số giả thuyết được đặt ra, cho rằng đó là âm thanh kêu gọi sự giúp đỡ. Tuy nhiên, các nhà sinh vật học hành vi thì nghĩ khác. Trong tự nhiên, các loài vật không bao giờ thể hiện điểm yếu của mình vì điều đó chẳng khác gì mời gọi kẻ thù đến. Vậy nên, hành vi của mèo có thể giống như: "Ta chẳng sao cả, đi làm việc của mình đi."

Cơ chế của tiếng rên

Đây thực sự là một cơ chế khá phức tạp, mà đến nay con người vẫn chưa thể hiểu hết. Qua một số nghiên cứu, các chuyên gia biết được rằng nhóm cơ tại thanh quản, và cơ hoành chịu trách nhiệm chính ở đây. Cả 2 được kích hoạt do những đợt sóng thần kinh trong não bộ, với tần suất khoảng 20 - 30 lần/giây.

Có phải mèo chỉ rên khi có con người bên cạnh và các sự thật ít người biết về tiếng rên của mèo - Ảnh 3.

Sóng thần kinh này xuất hiện cả khi hít vào lẫn thở ra, và chúng tạo ra những tiếng rên "rừ rừ" nghe siêu dễ thương của mèo.

Nguồn: IFL Science