Có phải cứ người giàu, địa vị cao là trở nên khôn ngoan hơn? Đáp án này sẽ khiến bạn thực sự bất ngờ

Minh Khánh, Theo Helino 12:12 23/06/2018

Bạn có nghĩ rằng tiền bạc hay địa vị sẽ là thước đo cho sự khôn ngoan của một con người? Đáp án sẽ khác đấy, vì định nghĩa của sự "khôn ngoan" không hề giống như bạn đang nghĩ.

Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý rằng: Xã hội con người ngày càng trở nên thông minh hơn, nhưng chúng ta gần như vẫn chưa tiến được bước đáng kể nào trong việc gắn kết giữa con người với nhau.

Điều đó đã khiến nhà tâm lý học Igor Grossmann tại ĐH Waterloo, Canada phải trăn trở, vì lẽ gì mà trong xã hội ngày nay các cuộc xung đột diễn ra nhiều tương đương, nếu không muốn nói là hơn so với trước đây? Trong khi rõ ràng, con người ta ngày càng trở nên thông minh hơn?

Có phải cứ người giàu, địa vị cao là trở nên khôn ngoan hơn? Đáp án này sẽ khiến bạn thực sự bất ngờ - Ảnh 1.

Khi xã hội càng phát triển dường như con người càng xa cách nhau

Nhưng hóa ra, Grossman nhận thấy rằng các loại trí tuệ đơn thuần không có tác dụng gì cả. Chẳng hạn bạn có tài về ngoại ngữ, giỏi kiếm tiền, hay có biệt tài về nghệ thuật... cũng không hữu ích mấy để khiến cuộc sống của bạn trở nên hòa hợp hơn với người xung quanh. 

Thay vào đó, để tạo được sợi dây liên kết giữa con người với nhau thì mấu chốt chính là một dạng trí tuệ đặc biệt hơn, được gọi là "khôn ngoan" (wisdom), hoặc thông thái. 

Khôn ngoan được định nghĩa như khả năng thừa nhận sự giới hạn về kiến thức của bản thân, nhìn nhận thế giới theo quan điểm của những người khác, thay vì lảng tránh hoặc phản đối chúng.

Và có một điều bất ngờ đây! Theo nghiên cứu vào năm 2017 cũng do Grossman thực hiện, thì sự khôn ngoan đến một cách tự nhiên hơn với những người trưởng thành trong tầng lớp nghèo của xã hội.

Hay nói cách khác, những người ở tầng lớp thấp, nghèo khó và đôi khi là ít học lại được xem là khôn ngoan hơn. 

Có phải cứ người giàu, địa vị cao là trở nên khôn ngoan hơn? Đáp án này sẽ khiến bạn thực sự bất ngờ - Ảnh 2.

Đừng vội đánh giá "trí khôn" của một người từ xuất thân của họ

Nghiên cứu Grossman có hai phần. Đầu tiên là cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 2000 người trên khắp nước Mỹ. Người tham gia được yêu cầu nhớ lại cuộc xung đột, tranh cãi bất đồng quan điểm gần đây với bất kỳ ai. 

Tiếp đến, họ sẽ trả lời 20 câu hỏi liên quan, chẳng hạn như "Bạn đã bao giờ suy xét vấn đề ở khía cạnh bên thứ ba?", "Bạn đã cố gắng ra sao để hiểu quan điểm của đối phương?", "Bạn có nghĩ rằng bạn có thể sai?"

Người tham gia được chia ra 2 loại. Đầu tiên là "tầng lớp xã hội" - dựa trên mức thu nhập, giáo dục. Loại thứ hai là nhóm "suy luận khôn ngoan" - dựa trên các câu trả lời về cuộc xung đột. 

Hai loại điểm này được so sánh tương quan với nhau và các nhà khoa học nhận thấy nhóm có điểm số xã hội thấp nhất (tức những người thu nhập thấp, ít được đi học và phải lo lắng nhiều hơn về tài chính) có mức điểm khôn ngoan cao gấp đôi so với nhóm ở tầng lớp xã hội cao nhất.

Phần hai của nghiên cứu tiến hành với 200 người sống ở thành phố Ann Arbor, Michigan. Người tham gia được yêu cầu kiểm tra IQ, sau đó đọc ba bức thư nói về mâu thuẫn giữa anh chị em, bạn bè và vợ chồng. Tiếp đến, họ được yêu cầu đưa ý kiến về sự phát triển về sau của các mối quan hệ trong thư. Cuối cùng, hai giám khảo không biết gì về tuổi tác, giới tính, tầng lớp xã hội của người tham gia sẽ cho điểm khôn ngoan dựa trên câu trả lời. 

Có phải cứ người giàu, địa vị cao là trở nên khôn ngoan hơn? Đáp án này sẽ khiến bạn thực sự bất ngờ - Ảnh 3.

Người khôn ngoan biết nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của người khác

Điểm số ở phần thí nghiệm hai cũng có kết quả tương tự, khi chỉ ra những người ở tầng lớp xã hội thấp hơn có điểm khôn ngoan cao hơn so với người ở tầng lớp cao. Đồng thời, điểm số IQ không có sự liên quan đối với điểm khôn ngoan.

Vậy kết quả này thể hiện điều gì?

Theo Eranda Jayawickreme, nhà tâm lý xã hội học từ ĐH Wake Forest (Mỹ): "Công trình này là bước tiến trong việc nghiên cứu sự khôn ngoan." 

Kết quả từ nghiên cứu chỉ ra rằng những người lớn lên trong môi trường lao động, "làm công ăn lương" phải dựa vào các nguồn lực chung của cộng đồng. Ngược lại tầng lớp trung lưu lại có xu hướng tập trung vào giáo dục để nâng cao chỉ số IQ, mà không nỗ lực tương xứng để rèn dũa các kỹ năng giải quyết xung đột.

Nếu muốn thúc đẩy sự suy luận khôn ngoan của bản thân, Grossman khuyên chúng ta rằng hãy nên cố gắng dùng ngôn ngữ của "người ngoài cuộc" khi đề cập đến một cuộc xung đột. Chúng ta cũng có thể tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội. 

Ở những hoàn cảnh như vậy kinh nghiệm và tiêu chuẩn cá nhân không phải được đặt lên hàng đầu, và mỗi người sẽ học được cách cách hòa hợp tốt hơn với những người khác.

Nguồn: Sciencemag