Có một nỗi khổ khi đi ăn nhà hàng Tây mang tên "tưởng tượng và thực tế"

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 17:49 13/02/2019

Trong số những cái tên "lạ hoắc" trên menu, bạn cố chọn ra món có vẻ an toàn nhất, thế nhưng khi mang ra lại không giống với tưởng tượng chút nào!

Một trong số những bất cập khi đi ăn các món Tây ấy là "rào cản ngôn ngữ". Chuyện này không chỉ xảy ra với người không biết tiếng Anh mà còn với cả những người giỏi tiếng Anh. Nguyên do này là vì nhiều món ăn phương Tây có những cái tên rất "lừa tình" mà nếu không có mô tả thì không ai biết nó thực sự là thế nào. Có những món ăn có tên lạ đến mức đôi khi người bản xứ cũng phải "lọt hố". Thế mới thấy hình minh họa hoặc mô tả món ăn quan trọng như thế nào. Hãy cùng chúng mình điểm qua một số các món Tây có cái tên "lừa tình" nhé.

Welsh Rabbit

Có một nỗi khổ khi đi ăn nhà hàng Tây mang tên tưởng tượng và thưc tế - Ảnh 1.

Tên như thế nhưng món này chẳng liên quan đến thỏ.

Với món ăn này thì dù có Việt hóa cũng "đố" ai biết được nó thực sự là món gì. Welsh Rabbit dịch ra là "Thỏ xứ Welsh", nhưng món ăn này lại chẳng có gì liên quan đến thỏ hết trơn. Nó thực ra chỉ là phô mai tan chảy trộn gia vị đổ lên bánh mì nướng mà thôi. Đây là một món ăn bí ẩn mà đến người bản xứ cũng không biết nguồn gốc cái tên này từ đâu mà ra.

Sweetbreads

Có một nỗi khổ khi đi ăn nhà hàng Tây mang tên tưởng tượng và thưc tế - Ảnh 2.

Sweetbread chẳng phải bánh mì ngọt mà là thịt...

Nếu dịch theo kiểu "word-by-word" thì Sweetbreads có nghĩa là "bánh mì ngọt", mà ngoại trừ cách dịch này ra thì cũng chẳng còn cách dịch nào khác. Tuy nhiên nếu bạn gọi món này với hình ảnh những chiếc bánh mì ngọt trong đầu thì chia buồn, bạn "hố" rồi. Món này chẳng có bánh mì, cũng không có vị ngọt. Đây thực ra là một món bắt nguồn từ Pháp với cái tên "ris de veau", nghĩa là các món được làm từ tuyến ức của động vật, thường lấy từ thịt bê con. Món này lần đầu được biết đến vào thế kỷ 16, và có nhiều người cho hay món ăn yêu thích của George Washinton là món bánh (pie) nhân "bánh mì ngọt" này.

French Fries

Có một nỗi khổ khi đi ăn nhà hàng Tây mang tên tưởng tượng và thưc tế - Ảnh 3.

French Fries không có nguồn gốc từ Pháp.

French có nghĩa là "người Pháp" hoặc cái gì đó có nguồn gốc Pháp, và fries là "đồ chiên". Tuy nhiên nếu bạn gọi một phần French Fries và mong chờ một món đồ Pháp chiên, hay ít ra là khoai tây có nguồn gốc Pháp, thì bạn nhầm to rồi. Người Pháp không ăn khoai tây chiên ngập dầu, món French Fries này có nguồn gốc từ Bỉ cơ. Lính Mỹ lần đầu được ăn French fries trong Thế Chiến thứ nhất ở Bỉ. Và vì ngôn ngữ chính thức của quân đội Bỉ là tiếng Pháp, nên các anh lính Mỹ đã gọi khoai tây chiên là "French fries".

Fried Buffalo Wings

Có một nỗi khổ khi đi ăn nhà hàng Tây mang tên tưởng tượng và thưc tế - Ảnh 4.

"Cánh trâu nước chiên" thực ra là cánh gà.

Bạn đã bao giờ ăn thử "cánh trâu nước chiên" chưa? Bởi vì đây chính là nghĩa của cụm từ "fried buffalo wings". Tuy nhiên trâu nước thì làm gì mà có cánh để đem chiên, cho nên món này đã gây hoang mang cho không ít người. Thực ra thì từ Buffalo ở đây chỉ một bang của Mỹ, và phần cánh được chiên là cánh gà bình thường.

Head Cheese

Có một nỗi khổ khi đi ăn nhà hàng Tây mang tên tưởng tượng và thưc tế - Ảnh 5.

Gọi là phô mai nhưng chẳng có chút gì phô mai bên trong cả.

Dịch ra là Phô mai đầu/phô mai lấy ở phần đầu. Đa phần chúng ta khi nhắc đến phô mai đều nghĩ đến loại thực phẩm làm từ sữa, có vị béo thanh và chua nhẹ. Tuy nhiên Head Cheese ở đây là một loại xúc xích lạnh có kết cấu gần như thịt đông được làm từ phần đầu của bò hoặc lợn. Có thể nói đây là món tương tự với giò thủ của Việt Nam. Tuy nhiên không ai biết vì sao lại gọi món này là "phô mai".

Tạm kết:

Như vậy, có thể thấy được độ nghiêm trọng khi mà thực đơn không có hình ảnh minh họa hoặc mô tả sơ lược. Tưởng tượng gọi món bánh mì ngọt mà lại ra thịt bê thì cũng thật là "bàng hoàng" nhỉ. Không chỉ có những món trên, mà đôi khi có nhiều món ăn dù không "lừa tình" nhưng cũng khó hiểu và xa lạ chẳng kém. Đây đúng là nỗi khổ "không biết tỏ cùng ai" của hội những người hay ăn món Tây.