Cờ hiệu thi đua, sổ đầu bài và những áp lực "vã mồ hôi" mỗi buổi sinh hoạt đầu tuần

TYPN, Theo Helino 08:00 28/11/2018

Một năm đầy sóng gió với liên tiếp những "scandal" của ngành giáo dục. Tất cả cũng chỉ xoay quanh hai chữ "thi đua".

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 mới qua được một tuần. Trong một góc phòng giáo vụ nào đó của một trường học nào đó, lẵng hoa tri ân thầy cô vẫn chưa tàn, những bài hát tôn vinh nghề giáo còn đang vang vọng đâu đây. Vậy nhưng, đâu đó vẫn diễn ra những chuyện khiến người ta phải đau lòng thở dài mà buồn cho cả học sinh lẫn những người đứng trên bục giảng. Câu chuyện thi đua trong ngành giáo dục đang diễn biến tiêu cực hơn bao giờ hết, nhất là khi học sinh bây giờ đến trường ngoài việc học để lo cho chính bản thân mình, còn bị đè nặng lên vai áp lực thành tích của giáo viên và nhà trường.

“Thi đua, sổ đầu bài, sao đỏ, kiểm điểm sáng thứ 2”, tất cả đọng lại trong ký ức rất buồn về thời đi học của người trẻ

Hồi còn đi học, bạn sợ nhất ngày nào? 5 phút trước khi bác bảo vệ đóng cổng trường, sáng thứ 2 kiểm điểm lẫn nhau dưới cờ, tiết Văn của cô chủ nhiệm nổi tiếng nghiêm khắc, hay chiều thứ sáu ngồi nghe giáo viên chủ nhiệm “dò sổ hỏi tội”? Chúng tôi, những người đã rời xa ghế nhà trường rất lâu rồi nhưng mỗi lần nghĩ lại, tất cả những “từ khóa” trên đều gợi lên một cảm giác… sởn da gà. Học sinh thì sợ nhưng với giáo viên, đó gọi là hệ thống “Quản lý chất lượng” (Quality Control), một khái niệm cần thiết cho sự vận hành trơn tru của mọi tổ chức chứ không riêng gì môi trường giáo dục.

Thi đua để cải thiện, hay thi đua để sinh tồn? - Ảnh 1.

Sổ đầu bài, nghe tên gọi thì dường như chức năng của nó đơn giản chỉ là việc ghi đầu bài; hôm nay thầy và trò học những gì, tiến độ chương trình đến đâu. Tuy nhiên, vì áp lực thi đua và câu chuyện thành tích, nửa bên trái của cuốn sổ đầu bài đã không còn được chú ý nhiều nữa. Thay vào đó, người ta nhìn nhiều hơn vào nửa bên phải, nơi có số điểm lớp bị trừ vì mất trật tự, mất vệ sinh, nơi có bạn nào bất tuân kỷ luật và sẽ phải chịu hình phạt thích đáng vào mỗi tiết sinh hoạt lớp cuối tuần.

Từ rất lâu rồi, văn hóa “ghi đầu bài” trong trường học đã bị ám mùi thành tích và vô hình trung trở thành “chiến trường” kìm kẹp điểm thi đua của các lớp. Thầy A sang lớp cô B trừ x điểm. Cô B sang lớp thầy A trừ lại đúng một số điểm như thế. Công cụ quản lý chất lượng giáo dục đã trở thành “vũ khí” thi đua lẫn nhau của thầy cô, và là nỗi kinh hoàng của học sinh.

Không chỉ cuốn sổ ghi đầu bài, mảnh cờ danh hiệu “chi đội/chi đoàn nhất tuần” được trao vào mỗi buổi chào cờ sáng thứ 2 cũng là nỗi ám ảnh của cán bộ lớp. Chỉ vì danh hiệu “lớp nhất tuần” mà nảy sinh ra các dịch vụ tự phát của những học sinh có “óc làm giàu”: bán khăn đỏ ship tại lớp với giá gấp 5 lần mua ngoài cổng trường, thuê bạn trực nhật hộ, hay trích từ quỹ lớp một khoản không nhỏ làm “phí bôi trơn” cho đội ngũ sao đỏ để các bạn nhắm mắt làm ngơ cái thùng rác một tuần chưa đổ. Tất cả cũng vì mảnh cờ nho nhỏ hình tam giác ấy.

Trường học rất cần có bộ phận quản lý chất lượng: đó là giáo vụ, giám thị, sao đỏ; hệ thống đánh giá chất lượng nội bộ bao gồm sổ đầu bài, sổ liên lạc, bảng chấm điểm thi đua mỗi tuần”. Tuy nhiên, quản lý chất lượng và thi đua phải ra được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng chung của cả một khối vận hành. Quản lý chất lượng và thi đua trong trường học bây giờ dường như chỉ là câu chuyện truyền cơn tức giận từ cấp trên xuống cấp dưới, từ giáo viên đến học sinh, từ học sinh đến những học sinh lép vế hơn; câu chuyện về những nhát chổi quét vội để lớp không bị trừ điểm vệ sinh, những pha “sơ vin thần tốc” để qua mắt giám thị rồi lại buông thả đâu vào đấy.

Chưa thấy chất lượng gì được nâng cao, nhưng đã có nhiều lắm những chiêu trò chống chế của học sinh và không ít tiêu cực đến từ những người đứng trên bục giảng.

Vụ “231 cái tát” ở Quảng Bình: hành động sai và cái nhìn lệch lạc về “áp lực thi đua” của người làm giáo dục

Một ngày đẹp trời nọ, lạc giữa những dòng thông tin về showbiz, cô nọ bóc phốt chị kia, anh nọ tố cáo anh kia, đột nhiên tôi dừng lại trước một đề báo, với một con số gây shock đập thẳng vào mắt: “Cô giáo cấp hai ở Quảng Bình ra lệnh cho học sinh tát bạn 231 cú”.

Đây là một cú shock thật sự đối với toàn ngành giáo dục, với học sinh, phụ huynh và bất kì ai trên đời còn quan tâm đến những biến động không ngừng của xã hội. Cô giáo mầm non bạo hành trẻ ư? Chúng ta đã nghe quá nhiều! Chúng ta làm ầm lên để bảo vệ những mầm non yếu ớt mà không biết rằng: học sinh ngoài kia, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, vẫn đã và đang phải chịu nhiều thể loại bạo hành khác nhau. Bạo lực học đường giữa thầy cô và học sinh ư? Chúng ta cũng biết nhưng tặc lưỡi cho qua bởi một vài ngụy biện cẩu thả; nào là “ở đâu cũng có người nọ, người kia”, nào là “trẻ con mới lớn tâm sinh lý thay đổi, không dạy dỗ nghiêm khắc sẽ không nên người”.

Nhưng, dù tuổi của các em được tính bằng tháng hay bằng năm, đó vẫn là những học sinh cần được bảo vệ, và hơn hết, không thể biến các em thành nền đất, thành vạch kẻ cho đường đua thành tích của người lớn.

Thi đua để cải thiện, hay thi đua để sinh tồn? - Ảnh 2.

Cô giáo Thủy, một giáo viên cấp 2 ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là người đề ra “thiết quân luật”: mỗi bạn phải vả vào miệng học sinh chửi thề 10 cái, ai không vả sẽ bị vả đau hơn”. Đến khi “nạn nhân” đầu tiên của cô phải nhập viện cấp cứu, cô mới cuống cuồng phân bua rằng:

Học sinh bị đánh là một em có thành tích kém, hay nói tục. Cô Thủy đúng là người đã đề ra hình phạt kinh dị “vả 10 phát vào cái miệng nói bậy”, nhưng cô không hề có mặt tại nơi xảy ra sự việc; tất cả là do học sinh trong lớp “tiền trảm hậu tấu”, “thay cô hành đạo” để trừng phạt em nhỏ nói bậy.

Cô bị căng thẳng, áp lực thi đua từ nhà trường, lớp thường xuyên đứng bét trên “bảng xếp hạng” nên mới đề ra biện pháp mạnh như vậy để “chỉnh đốn kỷ lật”.

Nhưng...

Đã có ai nên người từ “thiết quân luật” của cô Thủy chưa? Hay chỉ có một em nhỏ tội nghiệp nhập viện với vết thương chảy máu trong, một cặp vợ chồng mất vài ngày công lao động để vừa chăm sóc cho con trai bị thương, vừa thầm trách bản thân mình nghèo khổ không có tiếng nói, để con phải chịu thiệt thòi; và ngoài kia là rất nhiều các bậc phụ huynh khác, các em học sinh khác đang hoang mang, nghi ngờ về tư cách đạo đức của những người đứng trên bục giảng nói riêng và toàn bộ ngành giáo dục nói chung?

Hoang mang chứ! Họ hoang mang không biết liệu ở một nơi xa xôi nào đó mà ống kính truyền thông còn chưa len lỏi đến được, có những “thiết quân luật” còn kinh dị hơn thế, có những giọt uất ức của học sinh cuồn cuộn chảy trong đôi má sưng vù, hay dòng lệ bất lực của phụ huynh lăn dài trên những đôi gò má đã đủ khắc khổ vì cuộc sống mưu sinh?

Đã có một cựu học sinh nào lên tiếng bênh vực cô bằng cách nói rằng anh ấy/cô ấy đạt được cuộc sống viên mãn ngày hôm nay là nhờ những cái tát của cô chưa?

Không hề ngoa khi nói rằng: cái nhìn sai lệch về thi đua trong ngành giáo dục dẫn đến tình trạng người tài ngày càng ít, tiêu cực ngày càng nhiều. Đề ra quy định mỗi học sinh phải vả bạn 10 cái, không “tiêu cực” thì ta nên gọi là gì? Chẳng nhẽ người làm nghề giáo không còn cách nào để chấn chỉnh kỷ luật, để răn đe, dạy bảo học sinh nên người mà không cần đến bạo lực?

Thi đua chắc chắn sẽ có áp lực, nhưng làm thế nào để giải tỏa được áp lực ấy mà cô không mệt, trò không đau; giáo dục vẫn ngày càng sản sinh ra những nhân tài, đó mới là thành tích đáng để phấn đấu nhất; chứ không phải những danh hiệu “chuẩn” nọ, chuẩn kia.

Thi đua để cải thiện, hay thi đua để sinh tồn? - Ảnh 3.

Thi đua là tốt, nhưng hãy nhìn vào kết quả cuối cùng chứ không chỉ đơn thuần là những con số.

Trả lời phỏng vấn của báo giới, lãnh đạo nhà trường, cụ thể là Hiệu trưởng, lãnh đạo cao nhất của cô giáo Thủy - người “ban” 231 cái tát cho học sinh: một mặt phủ nhận sự việc, đổ trách nhiệm cho cá nhân cô giáo Thủy và nói “biết thế không nhận cô về làm”, một mặt xin báo chí “đừng khai thác thêm” vì trường sắp nhận danh hiệu “Chuẩn Quốc Gia”.

“Chuẩn Quốc Gia” để làm gì khi giáo viên và ban giám hiệu của nhà trường còn chưa đạt “chuẩn” đạo đức của một nhà giáo? Thay vì công khai xin lỗi và bồi thường cho gia đình học sinh, nhà trường lại “mời” gia đình học sinh đến trường để “làm việc”? Danh hiệu quan trọng đến thế sao? Thi đua quan trọng hơn sức khỏe của học sinh và hình ảnh chung của người làm nghề giáo?

Bàn về thi đua, Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”. Không có thi đua, dễ dẫn đến tình trạng “ai làm việc nấy”, mọi người cố gắng sắm cho tròn vai diễn nghề nghiệp, vai diễn cuộc đời, không có đổi mới, cũng chẳng có bứt phá. Tuy nhiên, khái niệm “thi đua” vốn cao đẹp là thế đang ngày càng bị bóp méo và trở thành căn bệnh thành tích đeo bám mọi lĩnh vực chứ không riêng giáo dục.

“Thi đua” trong ngành giáo dục đang phải gắn chặt với những con số tương đối, x% học sinh đạt loại khá trở lên, y% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Người ta mải chạy theo số lượng mà vô tình hay cố ý quên đi chất lượng. Cùng là những con số ấy, bao nhiêu phần trăm học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trở thành một người có ích cho xã hội?

Và bao nhiêu phần trăm trong số những người có ích cho xã hội ấy cảm thấy hạnh phúc với cuộc đời và sự nghiệp của họ, bao nhiêu phần trăm thật sự thấy biết ơn trường học và những người thầy đã trực tiếp/gián tiếp bảo ban, dìu dắt, hình thành nên con người họ?

Thi đua để cải thiện, hay thi đua để sinh tồn? - Ảnh 4.

“Bao nhiêu phần trăm” đó mới là thành công của giáo dục, là đích đến cao cả của thi đua.