Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: "Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật"

Toàn Nguyễn - Ảnh: Hoàng Việt - Clip :Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 29/12/2016

Liệu sẽ có bao nhiêu phụ huynh chấp nhận cho con em mình theo học lớp của một cô giáo chuyển giới? Định kiến sâu sắc của một số người Việt luôn là một rào cản rất lớn trong hành trình vươn lên của cộng đồng LGBT, thế nhưng càng khó khăn, họ lại càng cố gắng.

Có nhiều bạn chuyển giới đi xin việc gặp phải những trường hợp đáng buồn khi người chủ không cần biết thực lực mà chỉ cần nhìn vào vẻ ngoài và từ chối: "Ở đây không nhận bê đê!". Những định kiến khắt khe ấy vô tình trở thành một rào cản lớn khiến người chuyển giới gặp nhiều khó khăn để có được một công việc đàng hoàng và cuộc sống ổn định.

Thế nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn luôn cố gắng từng ngày để cống hiến tài năng, sức lực của bản thân cho xã hội. Câu chuyện của cô giáo trẻ Lê Uyên Mi (tên thật là Nguyễn Hải Đăng, sinh năm 1986) là một minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của người chuyển giới trên hành trình khẳng định vị trí của mình.

"Thầy Đăng, hãy là cô Mi khi đến lớp vào ngày mai!"

Nhiều trường học ở nước ta hầu như vẫn chưa cởi mở với những giáo viên đồng tính và chuyển giới. Cũng như các phụ huynh cũng còn e ngại với việc để con em mình theo học lớp do thầy giáo (cô giáo) chuyển giới giảng dạy. Chính vì thế mà cơ hội đến với nghề của họ cũng trở nên khó khăn hơn.

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 2.

Trước khi chuyển giới, cô giáo Uyên Mi được mọi người biết đến là một chàng thầy giáo trẻ tên Hải Đăng.

Nuôi ước mơ trở thành một giáo viên từ ngày còn nhỏ, chàng trai Hải Đăng đã sớm bén duyên với nghề khi mới 16 tuổi. Khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Đăng đã đăng ký đi làm trợ giảng cho các trung tâm Anh ngữ. Và sau khi tốt nghiệp Đại học anh đã nhanh chóng trở thành một giáo viên được nhiều học trò quý mến.

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 3.

Mi luôn tâm niệm dù mình mang bất kỳ giới tính nào nếu mình mỉm cười với mọi người thì mọi người cũng sẽ có thiện cảm với mình.

Thế nhưng từ ngày còn bé Đăng đã nhận ra mình là một người chuyển giới nữ. Tận sâu trong tâm hồn, người thầy giáo vẫn khát khao được sống thật với con người của mình, thế nhưng rào cản của gia đình, của nghề nghiệp không cho phép anh mạnh dạn thể hiện điều đó.

"Đã có nhiều lúc tôi buộc mình phải quên đi khát khao được làm con gái để có một cuộc sống bình yên hơn. Thế nhưng dường như trong chính con người mình luôn có sẵn một cô gái, và nếu trong thời gian dài mình cố quên người con gái ấy thì cảm giác sẽ vô cùng khó chịu" - Đăng tâm sự.

Vậy liệu có nên nói ra hay giữ kín cho riêng mình. Nhưng nói với mọi người thì sẽ nó như thế nào? Xã hội có chấp nhận hay không? - Những câu hỏi cứ bủa vây lấy người thầy giáo trẻ khiến anh không ít lần căng thẳng. Một thời gian sau đó, nhờ sự động viên của một người bạn đặc biệt, Đăng đã bắt đầu mạnh dạn thể hiện mình.

Đăng lên lớp với những bộ đồ phi giới tính nhưng chưa thể hiện rõ mình là nữ. Mọi người vẫn bán tín bán nghi, rồi lần nọ thầy giáo (giám đốc của trung tâm) đã đến gặp Đăng và nói: "Học trò của em nhắn với tôi rằng họ muốn được nhìn thấy một cô giáo, một cô giáo xinh đẹp đứng giảng dạy cho họ. Thế nên thầy Đăng à! Hãy là cô Mi xinh đẹp khi đến lớp vào ngày mai".

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 4.

Được giảng dạy trong bộ trang phục áo dài là ước mơ từ rất lâu của Mi.

Thầy Đăng hay nói đúng hơn là cô giáo Mi thật sự bất ngờ trước "yêu cầu" đáng yêu của cả lớp và giám đốc trung tâm. Chưa bao giờ cô nghĩ rằng mọi người sẽ chấp nhận mình với hình hài một cô gái. "Có thật là như vậy không? Thầy có đùa em không? Mai em làm con gái đi dạy thiệt đó nha?" - cô giáo Mi mừng rỡ cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần trước khi nhận được xác nhận của giám đốc.

Kể từ hôm đó, học trò chẳng còn thấy thầy Đăng nữa, họ chỉ nhìn thấy một cô giáo xinh đẹp trên bục giảng, đó là cô Mi.

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 5.

Từng đã bật khóc khi tự tay đốt đi quá khứ của mình

Để được trở thành một người con gái là cả một sự đánh đổi. Mi bảo rằng đó là sự đánh đổi đắt giá, mà đôi khi là cả cuộc đời. Thuyết phục được học trò chấp nhận mình, nhưng Mi còn một cánh cửa khó khăn hơn đó chính là gia đình.

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 6.

Hơn ai hết cô hiểu rằng bản thân mình phải đạt được những thành tựu nhất định thì mới mong nhận được sự ủng hộ của gia đình. Mi tâm sự: "Khi mình học giỏi hay làm việc tốt đạt được những thành công thì dù có mang giới tính gì mình cũng sẽ là niềm tự hào của ba mẹ". Mi lao vào học, đạt được bằng trong nước, cô tự kiếm tiền để đăng ký thi lấy bằng quốc tế. Khi thành thạo với Anh Văn cô chuyển sang học thêm ngành học mới để có thể đi dạy thêm khi có thời gian.

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 7.

Cố gắng không ngừng nghỉ, Mi luôn tâm niệm rằng phải thật nỗ lực để giới tính chỉ là một điều tô điểm cho cuộc sống chứ không thể là sợi dây ràng buộc cuộc đời của mình. Cô cười bảo rằng: "Tôi có những suy nghĩ lạ lắm. Khi làm ra tiền tôi muốn mua những thứ đắt tiền, không phải để khoe khoang, nhưng khi nhìn vào đó người ta sẽ không còn khinh thường mình nữa. Đúng tôi là người chuyển giới nhưng tôi sống tốt và có những thành công nhất định, bạn cười tôi nhưng liệu bạn được như tôi?". 

Chính nhờ sự cố gắng của mình, Mi may mắn nhận được sự ủng hộ của gia đình trên hành trình sống thật với bản thân. Hiện giờ, cô giáo Mi còn ấp ủ mơ uớc sẽ thành lập được một CLB Anh ngữ dành riêng cho những người LGBT.

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 8.

Mi luôn cố gắng đạt những thành công để chứng tỏ với xã hội rằng người chuyển giới cũng tài giỏi và có cống hiến cho cuộc sống.

Trở ngại lớn nhất của Mi chính là ngoại hình, vì trước đây Mi từng theo đuổi bộ môn võ thuật hơn 20 năm, nên ngoại hình của cô khá to. Mi kể: "Lúc trước tôi to con lắm, nặng 90kg lận. Nhưng để được mặc áo dài đi dạy, tôi quyết định giảm cân, một hành trình giảm cân vô cùng khắc nghiệt. Lúc trước 1 ngày ăn 4 lần, giờ mỗi ngày tôi chỉ ăn 1 lần. Sau vài tháng tôi giảm được hơn 20kg. Giờ tôi hạnh phúc vì đã có thể mặc được áo dài, nhưng sẽ vẫn cố gắng giảm thêm nữa để nữ tính hơn".

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 9.

Để được mặc áo dài, Mi đã trải qua một hành trình giảm cân vô cùng khắc nghiệt, nhưng khát khao ấy luôn là động lực để cô cố gắng từng ngày.

Mi nghẹn ngào chia sẻ rằng cô đã khóc rất nhiều khi tự tay đốt hết tất cả những hình ảnh trong quá khứ để quên cuộc sống của thầy Đăng. "Luôn luôn phải có sự đánh đổi trong cuộc sống. Đối với người chuyển giới thì quá khứ là sự đánh đổi lớn nhất, để được sống với con người thật của hiện tại, chúng tôi buộc phải quên đi quá khứ của mình. Hãy xem thầy Đăng là một kỷ niệm đã qua, hôm nay tôi là Uyên Mi, tôi mong mọi người sẽ gọi tôi bằng cái tên ấy".

Cô giáo chuyển giới ở Sài Gòn: Tôi đã phải tự tay đốt đi quá khứ của mình để được sống thật - Ảnh 10.

Cô ấy là Uyên Mi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày