Cô gái trong bức hình lịch sử được chụp trong cuộc biểu tình chống chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 29/06/2016

Bức ảnh “La Jeune Fille a la Fleur" được chụp bởi nhiếp ảnh gia Marc Riboud đã ghi sâu vào lịch sử Mỹ và trở thành biểu tượng của tinh thần yêu chuộng hòa bình trong thời kỳ chiến tranh.

49 năm đã trôi qua và chiến tranh Việt Nam cũng lùi về quá khứ nhưng nhiều người dân Mỹ vẫn không thể nào quên được những ngày cuối đông năm 1967, trước tòa lầu Năm Góc của Mỹ, hàng trăm người biểu tình nhằm yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. 

Đặc biệt, trong số những người biểu hình hôm đó có một cô gái 17 tuổi Jane Rose Kasmir, người đã đi vào lịch sử với bức hình cầm một bông hoa đứng trước nòng súng không run sợ của đội cảnh vệ. Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Marc Riboud và đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của những người yêu chuộng hòa bình trong chiến tranh. 

Kẻ thù có vũ khí chống lại chúng ta, còn những người yêu chuộng hòa bình chỉ có những cành hoa dành cho họ.

Cô gái trong bức hình lịch sử được chụp trong cuộc biểu tình chống chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam - Ảnh 1.

Bức ảnh "cô gái và bông hoa" nổi tiếng trên toàn thế giới.

Cô gái trong bức ảnh mới 17 tuổi khi tham gia phòng trào biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Với Jane, cuộc chiến đó là hoàn toàn phi nghĩa và nước Mỹ không nên can thiệp vào tình hình Việt Nam lúc bấy giờ.

Jane đã tham gia cùng đoàn biểu tình trước Lầu Năm Góc. Khi cô tới nơi, mọi người đang tập trung xung quanh hồ nước khu tưởng niệm Lincoln. Nhóm biểu tình tiến dần về phía Lầu Năm Góc, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu "Viva Che, Viva Che". Lúc đó, Jane không biết Che là ai và cái tên Che Guevara còn quá xa lạ với cô gái 17 tuổi.

Khi nhóm của cô tiến tới Lầu Năm Góc, lực lượng quân đội quốc gia đang xếp thành hàng, ngăn những người biểu tình tiến vào sâu hơn. Có vài người đang cầm những bông hoa và Jane đã cầm lấy một bông. Cô đi đi lại lại, vẫy cành hoa trước mặt những người lính. Chưa một khoảnh khắc nào Jane cảm thấy lo sợ vì nguy hiểm đang rình rập từ nòng súng.

Trong trí nhớ của Jane, không một người lính nào dám nhìn thẳng vào mắt cô. Họ tảng lờ ánh mắt của Jane. Nhưng sau đó, nhiếp ảnh gia nói với Jane rằng những người lính đang run sợ. Có lẽ, họ sợ sẽ phải bắn vào những người biểu tình theo lệnh từ cấp trên.

Khuôn mặt Jane lúc đó là một nỗi buồn mênh mang khi cô nhìn vào gương mặt những người lính và biết rằng, họ cũng rất trẻ, chừng chạc tuổi cô hoặc hơn thế. Họ cũng chỉ là nạn nhân của cỗ máy chiến tranh như bất cứ ai khác. Chiến tranh chưa bao giờ mang đến niềm vui cho ai, kể cả phe chiến thắng hay thất bại.

Cô gái trong bức hình lịch sử được chụp trong cuộc biểu tình chống chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam - Ảnh 2.

Một góc khác của bức ảnh cô gái và bông hoa.

Trên thực tế, Jane không biết ai đã chụp bức hình đó. Cô đã tham gia biểu tình cho tới tối rồi bắt xe bus về nhà. 

Mãi cho tới những năm 1980, Jane mới phát hiện ra bức hình đó của mình. Khi cha của cô tới Scotland, ông đã mua một tờ tạp chí và thấy bức hình con gái mình được in trong đó. Sau đó, Jane đã viết thư cho nhiếp ảnh gia Marc Riboud nhưng không có hồi âm gì từ ông. Mãi cho tới khi cô bước sang tuổi 40, bức ảnh của cô lại được nhiều người biết tới hơn và các cơ quan truyền thông đã tìm cách liên lạc lại với Jane.

Nhìn lại bức ảnh, Jane nhớ về những năm tháng hoạt động tích cực của mình. Cô cũng từng dẫn đầu một nhóm sinh viên biểu tình tại khuôn viên trường cao đẳng Montgomery. Tuy nhiên, cô đã dừng việc học tại trường cao đẳng. Có lẽ giờ đây, nếu không tham gia biểu tình, cô đã trở thành một bác sĩ sau khi tốt nghiệp trường Y. 

Ở tuổi đã về xế chiều, Jane vẫn làm công việc của một chuyên viên massage. Khi nhìn lại bức hình và mức độ lan tỏa đến với mọi người, cô nhận ra rằng đó có thể vẫn là quyết định đúng đắn của cuộc đời cô khi tham gia buổi biểu tình phản đối chiến tranh vào mùa đông năm 1967 đó.