"Cô Ba Sài Gòn": Màn vượt thoát thuyết phục của Ninh Dương Lan Ngọc

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 22:00 17/11/2017

Trước khi “Cô Ba Sài Gòn” công chiếu, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc đã gây sự tò mò lớn cho khán giả, bởi đây là một trong số ít những lần cô được vào vai một nhân vật tương xứng với tầm diễn xuất của mình.

Như đã đề cập trước đây, Lan Ngọc luôn chỉ nhận được những vai diễn nhỏ, hoặc một màu, khiến cho hình dung của khán giả về cái tên này dường như là rất ít. Mặc dù đã từng là Cám trong bộ phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể, nhưng đó lại không phải mảnh đất màu mỡ để đặt đòn bẩy cho sự nghiệp của cô như mong đợi. So với bộ phim cũng được đặt vào hoàn cảnh là con của "má Vân", thì ở Cô Ba Sài Gòn, Lan Ngọc đã có hành trình lột xác và đi tìm chính mình rất ngoạn mục.

Cô Ba Sài Gòn: Màn vượt thoát thuyết phục của Ninh Dương Lan Ngọc - Ảnh 1.

Lan Ngọc trong tạo hình nhân vật Cám

Tại sao lại có sự so sánh "nhẹ" giữa hai bộ phim này? Bởi lẽ nếu chỉ xem Cám mà dám chắc nịch Lan Ngọc diễn không tốt, thì bạn đã sai. Còn nếu chỉ xem cô Ba mà khẳng định Lan Ngọc tài năng, thì bạn nhầm. Tài năng trong trường hợp này chỉ chiếm phần không đáng kể, cái quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng vì đam mê của Lan Ngọc.

Về cơ bản, Lan Ngọc vẫn vào vai là con của Ngô Thanh Vân như phim cũ, nhưng ở đây, người ta không còn thấy cô làm mình làm mẩy khi diễn. Mọi cảm xúc cũng trọn vẹn hơn chứ không quá đà. Những câu hét, những biểu cảm cũng được tiết chế lại chứ không nhả ra một cách bản năng như trước. Có thể vì đây không phải lần đầu tiên được vào đúng với cặp bài trùng mẹ - con cùng đả nữ của điện ảnh Việt Nam, nên Lan Ngọc đã biết sửa những điểm chưa tốt ở vai diễn cũ. Vẫn là những biểu cảm thể hiện sự tức giận, nhưng ánh mắt, đôi môi hay thậm chí cả cơ mặt của Lan Ngọc đã tự nhiên hơn rất nhiều.

Cô Ba Sài Gòn: Màn vượt thoát thuyết phục của Ninh Dương Lan Ngọc - Ảnh 2.

Lan Ngọc và vai diễn cô Ba

Một nét tương đồng khác nữa dễ thấy ở cả Cám và cô Ba, ấy là cái sang và cái chảnh. Sở dĩ phải tách đôi hai từ ấy ra, mới có thể đầy đủ được ngữ nghĩa mà nhân vật muốn gửi gắm. Cô Ba sang cái sang của truyền nhân tương lai nhà may nức tiếng Sài Gòn, và chảnh bởi sự kiêu hãnh của một thiếu nữ đứng đầu về thời trang của cả một thế hệ. Không giống như Cám, đó dường như chỉ là diễn thôi. Vì dù Cám có hạch sách, có to tiếng thì vẫn phải giật thót mình mỗi khi thấy dáng mẹ. Cô Ba Như Ý lần này đã có sự chủ động trong diễn xuất để có thể điều khiển được mạch phim, chứ không còn nghe theo ý mẹ nữa. Có lẽ cũng vì thế mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có lời khen cho Lan Ngọc, rằng "Như Ý là vai diễn lôi cuốn nhất của Lan Ngọc từ trước đến nay".

Cô Ba Sài Gòn: Màn vượt thoát thuyết phục của Ninh Dương Lan Ngọc - Ảnh 3.

Không chỉ dừng lại ở những gì thể hiện trực tiếp bằng lời nói, mà đến phân cảnh nội tâm, khi được nhìn thấy bản thân mình sau 50 năm, Lan Ngọc cũng làm rất tốt. Sau màn xuyên không kì diệu, cô Ba thậm chí không còn nhận ra hình hài của chính mình bởi sự xuống sắc trầm trọng, sự bê tha trong rượu chè say xỉn. Để góp phần làm nên thành công này, một lời cảm ơn đặc biệt cần dành tới cho nghệ sĩ Hồng Vân (vai diễn Gia Khánh – Như Ý năm 2017). Bởi nhờ có lý lẽ của một người luôn rất tỉnh trong cơn say, người ta càng thấy được sâu sắc hơn sự kiêu hãnh của Như Ý. Chính sự kiêu hãnh ấy làm nên khí chất của một người đứng đầu, sự kiêu hãnh ấy đem đến cho Như Ý những ánh hào quang, nhưng cũng chính sự kiêu hãnh ấy đã giết chết Như Ý khi không chịu tiếp thu ý kiến xung quanh.

Cô Ba Sài Gòn: Màn vượt thoát thuyết phục của Ninh Dương Lan Ngọc - Ảnh 4.

Cô Ba phiên bản 1967 và 2017 hội ngộ

Đối diện với bản ngã, Lan Ngọc đã thể hiện rất rõ được sự đổ vỡ trong tâm tưởng, sự đau đớn vì thất vọng và bất lực với bản thân. Giọt nước mắt phải giấu đi khi đang thắp hương cho mẹ đã khiến khán giả đồng cảm hơn trước hoàn cảnh này. Bởi dẫu sao, cô Ba của 1967 cũng chưa phải trải qua quá nhiều chuyện đời, sự kiêu hãnh vẫn vẹn nguyên và điều đó không cho phép cô được yếu đuối.

Nhưng chỉ khi bị chính bản lỗi của bản thân vả vào mặt bằng câu nói "Ừ tao thất bại, tao không giữ được nhà của má. Mày chửi tiếp đi. Nhưng mày nên nhớ, mày chửi tao nghĩa là mày đang chửi bản thân mày đấy", thì cô Ba Như Ý mới thực sự sụp đổ. Chính xác là khúc này, khán giả có thể rùng mình vì ánh mắt thảng thốt của Lan Ngọc. Đó không chỉ là nhận thức, mà còn là sự ý thức về bản thân nếu cứ tiếp tục trượt dài trong ảo mộng về cuộc sống của kẻ đứng đầu quá khứ.

Và rồi bằng những nhiệt huyết và nỗ lực mà chỉ Như Ý mới có, cô đã thay đổi được Gia Khánh, hay nói cách khác, chính là vực lại được bản thân. Nét rạng rỡ một lần nữa được vẽ lên gương mặt của cô. Trong nụ cười có sự tự hào, và ánh mắt thì chứa đầy tự tin về bản thân ở cả hai phiên bản cô Ba.

Cô Ba Sài Gòn: Màn vượt thoát thuyết phục của Ninh Dương Lan Ngọc - Ảnh 5.

Có thể khẳng định, qua "Cô Ba Sài Gòn", Ninh Dương Lan Ngọc đã có một bước nhảy vọt trong sự nghiệp, nhưng nó sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều nếu như cô biết trải đều phong độ xuyên suốt phim như lời đạo diễn Bảo Nhân nhận định.

Cô Ba Sài Gòn: Màn vượt thoát thuyết phục của Ninh Dương Lan Ngọc - Ảnh 6.

Nhận xét từ đạo diễn Bảo Nhân về lối diễn của Lan Ngọc

Mặc dù có rất nhiều điểm tốt, nhưng cũng không thể tránh khỏi những sơ suất khi phải gánh một vai diễn quan trọng trong bộ phim được kì vọng như vậy. Lan Ngọc từng chia sẻ rằng áp lực từ bộ phim đến với cô là khá lớn, phải chăng vì thế mà đôi số chỗ nhân vật Như Ý quên mất ý thức về bản thân, để trở về là một cô Cám trẻ con?

Phân cảnh Như Ý tức giận, ném tung đi những thước vải rất đẹp, rồi la hét, đập phá đồ đạc trong phòng, người ta lại thoáng thấy đâu đấy hình ảnh của Cám. Bởi khá bất logic khi người luôn tỏ ra thanh nhã như Như Ý lại có thể điên cuồng lên như vậy. Cái thanh cao của một con người phải đến từ tâm hồn, và thể hiện ra trong bất cứ hành động nào, chứ không phải một chốc một lát và thay đổi rồi lại trở lại bình thường ngay tắp lự.

Đa phần khán giả đều công nhận khả năng nhập vai của Lan Ngọc trong Cô Ba Sài Gòn là thuyết phục, một vai diễn bung tỏa được năng lực vốn có. Nhưng, đồng thời người ta cũng đồng ý đôi ba chỗ Ngọc vẫn còn cường điệu. Nhất là ở phần đầu phim, khi Như Ý còn ở năm 1969, là quý cô thanh lịch nhất Sài Gòn hay nói chuyện theo kiểu người Pháp và có những cử chỉ kiểu cách. Như đạo diễn Bảo Nhân nhận xét, nếu Ngọc bình tĩnh và tập trung hơn nữa thì chắc chắn đây sẽ là một vai diễn hoàn hảo.

Nói chung, Cô Ba Lan Ngọc đã rũ bỏ hình ảnh ngoan, hiền dường như đã được mặc định từ trước đó cho cô. Cùng với cô Ba, Lan Ngọc đi hết những cung bậc cảm xúc từ hỷ, nộ, ái, ố; chạy hết những tuyến nhân vật từ có vị trí thấp đến cao trong xã hội, từ người đi chỉ cho người khác cách thiết kế đến phải học mót cách thiết kế từ những người giỏi hơn. Quả thực, "núi cao thì sẽ có núi cao hơn", người giỏi thì sẽ có người giỏi hơn. Nhưng người mà chúng ta cần vượt qua, không ai khác chính là bản thân trong quá khứ. Và Lan Ngọc làm điều này thật hoàn chỉnh!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày