"Xin thề anh nói thật" và câu chuyện trách nhiệm

Báo Đất Việt, Theo 14:20 29/05/2011

Chuyện các đạo diễn thanh minh mỗi khi phim mình bị chê là không hiếm, nhưng cách nói sao cho thuyết phục mới quan trọng. <img src='/Images/EmoticonOng/19.png'>

Bên cạnh đó, thái độ tiếp nhận lời chê cũng được xem là thước đo bản lĩnh của họ. Đáp trả phản ứng của dư luận quanh bộ phim Xin thề anh nói thật, đạo diễn Phi Tiến Sơn trong thời gian vừa qua đã "phủ sóng" các báo bằng những bài trả lời phỏng vấn, kèm theo một bài tự bạch để bênh vực phim của mình. 



Cũng là thanh minh

Hồi phim Có lẽ nào ta yêu nhau phát sóng và bị chê, đạo diễn Tống Thành Vinh đã gặp gỡ báo chí để giải thích về phong cách làm phim mới mẻ của ông mà khán giả truyền hình không quen. Khi được hỏi về phản ứng trước những bài viết chê, Tống Thành Vinh nói: “Trước tiên, tôi muốn cảm ơn các bài báo đó. Nhờ có nó, người chịu trách nhiệm chính là tôi có dịp nhìn lại mình”. Sự thẳng thắn nhận trách nhiệm ấy chỉ có được khi người ta dám đối diện với sự thật. Tống Thành Vinh đã đứng ở vị trí khán giả để tìm hiểu vì sao người ta chê phim ông mà không tìm cách đổ lỗi quanh. Cho nên dù không thích phim nhưng khán giả vẫn thông cảm được với đạo diễn và nhất là trân trọng nhân cách của một con người điềm tĩnh và cầu thị.




Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã so sánh bộ phim truyền hình Xin thề anh nói thật của ông
với tác phẩm điện ảnh
Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Nhưng với đạo diễn Phi Tiến Sơn, ông cho rằng mình “bình tĩnh trước mọi sự chê bai”, nhưng cách phản ứng lại cho thấy ngược lại. Trong các bài phỏng vấn, ông phát biểu: “Ai đánh giá phim nhảm thì hoặc là người đó không hiểu, hoặc là người đó nhảm”. Thậm chí, ông còn chỉ trích những ai chê phim ông là “nông nổi, kém hiểu biết, có vấn đề”. Nếu bình tĩnh, tự tin, lẽ ra ông cần tìm xem người chê không chính xác ở chỗ nào để lập luận cho chắc, thay vì dùng những từ ngữ gây tổn thương mà không nêu được ra một l‎ý lẽ bảo vệ nào xác đáng.



Đạo diễn nói: “Một số bài báo chỉ nhìn thấy vỏ ngoài của hình tượng nhân vật, chứ không nhận ra nội dung phê phán cũng như thông điệp đằng sau nó”. Đồng ‎‎ý là phim ông có thông điệp, nhưng khoác cho nó lớp áo thế nào là trách nhiệm của đạo diễn. Và đó chính là nghệ thuật giữ khán giả. Một món ăn rất bổ mà không biết cách nấu cho ngon thì không thể khiến thực khách thích thú. Một bộ phim có thông điệp hay, mà cách thể hiện gây khó chịu thì khán giả có quyền lên tiếng. Nếu đạo diễn này chịu khó ghé qua các diễn đàn mạng, chắc ông không khó khăn gì nhận ra phần đông người xem dị ứng với phong cách mà ông cho là lần đầu tiên được làm ở Việt Nam này.



Bị “đánh nhầm”?


Trong một bài phỏng vấn, Phi Tiến Sơn nói: “Đồng nghiệp nói với tôi rằng ông hãy xác định đây là một tai nạn, vì phim ông chiếu đúng vào lúc người ta đang cảnh báo về chất lượng phim Việt, tự nhiên phim của ông lại đứng cạnh phim nọ phim kia. Đây chỉ là bị “đánh nhầm” thôi, may là còn chưa bị đánh hội đồng đấy”.

Một cảnh trong phim ảnh Thương nhớ đồng quê

Để minh chứng cho sự “oan uổng” của mình, vị đạo diễn này còn kéo cả phim Thương nhớ đồng quê của Đặng Nhật Minh vào cuộc, vì cả hai phim đều cùng bị “đánh”. Thực ra, nguyên nhân bị “đánh” của hai phim không hề giống nhau. Thương nhớ đồng quê, theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, bị cho là “có vấn đề quan điểm”, một nguyên nhân mang tính lịch sử xã hội, nằm ngoài bộ phim, trong khi Xin thề anh nói thật bị “đánh” bởi chất lượng của chính nó. Việc đặt Xin thề anh nói thật ngang hàng với tác phẩm kinh điển Thương nhớ đồng quê có phần giống như “bắt quàng làm họ” vậy.


Một độc giả trên trang vietnamnet phản ứng về bài tự bạch của Phi Tiến Sơn: “Đạo diễn nên dũng cảm đối đầu với sự thật, hơn là đi tìm sự an ủi, đồng cảm của người trong nghề, vì như thế chẳng bao giờ tiến bộ được. Phải biết chấp nhận, sửa đổi, đừng chỉ nói là không hiểu tại sao bị chỉ trích thế”.