Tranh cãi nảy lửa quanh trang phục cổ trang trong phim "Mỹ Nhân"

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 14:10 03/11/2015

Bộ phim cổ trang "Mỹ Nhân" sắp ra mắt đang gây nên nhiều tranh cãi về trang phục vì sử dụng họa tiết giống hệt với phim "The Lion King".

Mỹ nhân là dự án phim lịch sử do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng công ty phim Giải Phóng thực hiện. Đây là tác phẩm đầu tiên của đạo diễn Đinh Thái Thụy, với sự tham gia của các diễn viên: Triệu Thị Hà, Quách Ngọc Ngoan, Kim Hiền, Hà Việt Dũng, Châu Thế Tâm… Tác phẩm lấy bối cảnh thế kỷ XVII, giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Nội dung chính của phim xoay quanh những âm mưu thâm độc của các mỹ nhân nơi hậu cung để tranh giành sự sủng ái của nhà vua, khiến triều đình rối loạn.

my-nhan-bo-phim-co-trang-tham-hoa-ve-trang-phuc_dd22cd6f51-90d7b
Một cảnh phim trong phim "Mỹ nhân"

Cũng là phim do nhà nước đặt hàng nhưng dường như Mỹ nhân không thuận buồm xuôi gió như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Khi tung ra trailer đầu tiên, đoàn làm phim đã nhận không ít ý kiến trái chiều bởi sự cẩu thả trong thiết kế trang phục. Chi tiết bị bắt lỗi nhiều nhất là hình ảnh chú sư tử na ná trong phim hoạt hình The Lion King trên quan phục của diễn viên Châu Thế Tâm.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nguyên là tác giả của Ngàn năm áo mũ, một tập sách khảo cứu về trang phục của người Việt được cộng đồng yêu lịch sử đánh giá cao. Anh nhận xét phim có phục trang ẩu tả, lấy hình Vua Sư Tử in lên áo nhân vật nam, chưa kể chiếc mũ gắn ngọc là ảnh hưởng từ phim Bao Công. Ống tay áo của quan thời Lê cũng không có hình thủy ba.

my-nhan-bo-phim-co-trang-tham-hoa-ve-trang-phuc_7b663eb52a-61994
Cận cảnh chi tiết gây tranh cãi nhất trong trailer

Theo tác giả trẻ này thì từ năm 1725, thời Lê Trung Hưng quả thật có bổ tử sư tử cho thẩm phục của các quan lại, nhưng những hình ảnh trong lịch sử hoàn toàn khác họa tiết trong trang phục của Mỹ nhân. Anh Thái Bá Dũng - chủ một thương hiệu thời trang - thì gay gắt hơn khi cho rằng đây là sự sỉ nhục cho phim cổ trang Việt. Thậm chí anh còn mỉa mai rằng có khi do ông Walt Disney thấy hoa văn trên quan phục của Việt Nam đẹp quá, nên theo đó mà “bắt chước” cho bộ phim hoạt hình của mình?

12122700_10206558438352723_4762780435149959925_n-e758c
Một hình ảnh khác gây tranh cãi trong trailer "Mỹ Nhân"

Không chỉ trang phục của người Việt gây tranh cãi, đến trang phục của người nước ngoài trong Mỹ Nhân cũng bị chê là làm một cách ẩu tả. Nhiều người cho rằng người đàn ông này đã "du hành thời gian" trở về quá khứ vì trang phục của anh (mũ cao bồi, com-lê và nơ bướm) là ở thế kỉ 20 chứ không phải 17 như bối cảnh trong phim.

Đối với những phim cổ trang không liên quan đến lịch sử như Mỹ nhân kế của Nguyễn Quang Dũng hay Lửa Phật của Dustin Nguyễn, yếu tố phục trang có thể cởi mở, không bị gò bó. Thế nhưng với những tác phẩm dựa trên nhân vật có thật, giai đoạn lịch sử có thật như Mỹ nhân, thiết nghĩ khâu thiết kế trang phục phải được chú trọng hơn, nhất là khi trước đây đã từng có không ít phim mắc lỗi.

my-nhan-bo-phim-co-trang-tham-hoa-ve-trang-phuc_39c40deb25-3ef54
Phim Thái tổ Lý Công Uẩn - "Đường tới thành Thăng Long"

Bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long là bộ phim có kinh phí khổng lồ, lại được làm với mục đích kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Dù vậy nhưng tác phẩm này lại để người Trung Quốc thực hiện quá nhiều công đoạn, dẫn đến việc phục trang, diễn viên quần chúng, bối cảnh mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Nhiều người thậm chí còn nhận xét nó không khác gì một phim cổ trang Tàu. Sau nhiều lần đề nghị chỉnh sửa, các thành viên trong hội đồng nhận thấy việc Việt hóa lại bộ phim là không thể thực hiện được, dẫn đến việc phim bị hủy chiếu trong dịp đại lễ, làm lãng phí hàng trăm tỷ đồng.

my-nhan-bo-phim-co-trang-tham-hoa-ve-trang-phuc_64de4f58e3-7eb19
Quách Ngọc Ngoan trong "Mỹ nhân"

Trả lời phỏng vấn, đạo diễn của Mỹ nhân là Đinh Thái Thụy khẳng định mục đích của phim là truyền tải văn hóa nên ê-kip ý thức rõ phải tôn trọng lịch sử. Đối mặt với dư luận, ông giải thích rằng trang phục của Mỹ nhân đã qua nghiên cứu nhiều tài liệu lịch sử. Chi tiết con sư tử được đặt hàng từ họa sĩ thiết kế, nếu có tương đồng là lỗi do không kiểm soát được chi tiết. Ông hứa sẽ xem xét lại những sai sót do khán giả chỉ ra, nhưng cũng cho rằng phim cổ trang Việt Nam luôn gặp khó ở khâu phục trang, tài liệu lịch sử nếu có cũng chỉ là hình đen trắng, khó dựng.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, không có bộ phim lịch sử nào có thể đúng 100% so với thực tế, nhưng trang phục cổ trang có thể vừa đúng vừa đẹp, thậm chí có khi chỉ cần làm cho đúng thôi cũng đã đủ đẹp rồi. Về phía các họa sĩ cần phải cập nhật, tiếp thu các nghiên cứu trước khi tiến hành thiết kế, nếu có chứng cứ vững vàng thì không sợ bị bắt bẻ. Một bộ phim cổ trang thành công không chỉ nhờ trang phục, mà còn cả bối cảnh sinh hoạt, phong tục, không gian văn hóa, nhưng tất cả phải bắt đầu từ tinh  thần cầu thị và cởi mở.