“Touch” – Chạm đến cảm xúc bằng cảnh nóng

Việt Nữ, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 01/04/2012

Không giống những cảnh nóng câu khách rẻ tiền trong phim thị trường, cảnh nóng trong “Touch” là yếu tố cần thiết tạo nên thành công của phim.

Thật khó để phân loại Touch bởi nếu chỉ dựa trên tiêu chí cảnh nóng và những câu thoại hài hước đến tào lao thì nó có phần giống phim thị trường. Tuy nhiên, hiếm có phim thị trường nào lại làm rung động tâm hồn người xem đến thế. Nhưng nếu xếp Touch vào hàng phim nghệ thuật thì đây quả là tác phẩm đặc biệt, vì nó quá dễ hiểu và gần gũi với người xem.
 


Như giới thiệu của nhà sản xuất, Touch là phim đầu tiên nói về nghề nail của Việt Kiều tại Mỹ - một nghề hái ra tiền. Có câu: "Chỉ cần hai người đàn bà và một con vịt cũng đủ để thành cái chợ". Vậy thì tiệm làm móng - nơi cánh đàn bà, phụ nữ thích tụ tập nhất - chính là một "hội chợ". Tại tiệm nail V.I.P, các bà, các chị, từ khách đến chủ buôn với nhau đủ chuyện trên đời: chuyện tầm xàm trong nhà ngoài ngõ, chuyện "cơ mật" dưới bếp trên giường... Nói chung, không chuyện gì họ để "mất sóng".

 
Lạc lõng giữa bối cảnh ấy là Tâm – một cô thợ mới xinh đẹp, khéo léo nhưng tính cách có phần nhút nhát, ít nói. Khởi nghiệp tại V.I.P không lâu, cô gặp một vị khách kỳ lạ: anh chàng thợ máy Brendan. Brendan muốn Tâm tẩy sạch đôi bàn tay nhớp nhúa những vết dầu nhớt, chúng xuất hiện do anh không chịu đeo găng tay khi làm việc. Anh cho đây là lí do khiến người vợ đã gắn bó 8 năm qua xa lánh mình.


Không chỉ tẩy sạch tay, Tâm còn trở thành "quân sư tình yêu" cho Brendan, giúp anh cứu vãn cuộc hôn nhân với cô vợ nghiện công việc. Nhưng người tính không bằng trời tính, những va chạm nhẹ nhàng từ đôi bàn tay nơi tiệm nail từ lúc nào đã thăng hoa thành cảm xúc kỳ lạ giữa họ, khiến mối quan hệ thợ - khách đơn thuần dần trở nên khó hiểu…

 
Tiệm nail bình dân, cô làm móng, anh thợ máy, các bà cô và những chuyện tầm xàm… Tất cả đều rất đỗi quen thuộc với mỗi người trong xã hội - dù là Ta hay Tây. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện của Touch dễ dàng đến được với khán giả, bởi ai cũng có thể thấy chính mình, hay một nét gần gũi, tương đồng nơi các nhân vật, tình tiết trong phim. Những không gian nhỏ hẹp xuyên suốt cả tác phẩm, gói gọn trong tiệm nail V.I.P và vài bối cảnh phụ: nhà của Tâm và nhà của ba, nhà Brendan, nhà hàng ăn Con Cua... góp phần tạo nên nét đời thường cho phim.


Với phong cách làm phim giản dị, chân thật nhưng tinh tế, đạo diễn Nguyễn Đức Minh chọc cười khán giả bằng những cảnh "buôn dưa lê" của hội các bà cô ở tiệm nail; rồi "nêm nếm" chút "gia vị" lãng mạn, dẫn dắt họ vào không gian bí ẩn và có phần "chênh vênh" của một tình cảm khó nắm bắt; cuối cùng thắt chặt trái tim người xem, khiến họ nghẹn ngào cảm thông với nỗi đau của nhân vật…


Porter Lynn John Ruby đều là những diễn viên lạ hoắc với khán giả Việt. Đây cũng là lần đầu họ đảm nhận vai chính trong một phim điện ảnh. Thế nhưng, diễn xuất của cả hai thật sự gây bất ngờ. John đã thể hiện sự khát khao tình yêu lẫn nhu cầu thể xác của một anh thợ máy thành thục công việc nhưng vụng về yêu đương. Còn Porter, cô khắc họa rõ nét hình ảnh cô gái thiếu hụt tình thương, từ ánh mắt mông lung, nụ cười mơ hồ, đến hành vi lập dị khiến khán giả không ngừng thắc mắc.


Các nhân vật phụ trong phim cũng nhập vai trọn vẹn, đặc biệt là ba của Tâm. Dù không xuất hiện nhiều nhưng mỗi khi thấy ông, cảm xúc của khán giả lại được đẩy lên cao trào bởi sự cô độc, mặc cảm tội lỗi... qua diễn xuất của diễn viên Long Nguyễn.


Âm nhạc là một trong những yếu tố ăn điểm khác của Touch. Bộ ba ca khúc chính - Có chiều nào đáng nhớ hơn, Như đã có nhau, Nail nail nail - mang âm hưởng truyền thống pha lẫn hiện đại, được lồng ghép hợp lý giúp khán giả dễ dàng hòa nhịp với mạch phim và cảm xúc nhân vật.
 
Cảnh nóng trong phim đóng vai trò chủ chốt, xuất hiện xuyên suốt và thậm chí quay khá rõ những vùng nhạy cảm. Thế nhưng đáng nói là chúng không tạo cảm giác khó chịu hay gượng ép, mà tự nhiên như bắt buộc phải có thì khán giả mới "thấm" được chuyện phim. Nói cách khác, cảnh nóng "tiếp lửa" cho cảm xúc và tình yêu thông qua những tiếp xúc da thịt, trần trụi nhưng không dơ bẩn, rẻ mạt.


Một điều mà có lẽ nhiều khán giả - đặc biệt là người trẻ - trừ điểm Touch là phim khá chậm, đôi khi tạo cảm giác lê thê. Thế nhưng với một tác phẩm như thế nàythì điều đó lại là cần thiết. Vốn dĩ, chạm đến cảm xúc không phải việc có thể làm hấp tấp.


Trong cuộc sống có nhiều loại quan hệ, mỗi loại đều là sự tiếp xúc, va chạm giữa người với người. Đó có thể là tiếp xúc hữu hình của da thịt, cũng có thể là tiếp xúc vô hình của tâm hồn. Với Touch, đạo diễn Nguyễn Đức Minh đã chia sẻ một cách nhìn về những tiếp xúc này: Từ cầm tay nhẹ nhàng đến cái ôm vỗ về an ủi, mạnh bạo hơn là mơn trớn và cao trào khi da thịt quấn lấy nhau… Sau tất cả, đích cuối cùng trong sâu thẳm tâm hồn, con người đã thật sự "chạm" đến nhau.

Đạo diễn: Nguyễn Đức Minh
Diễn viên: Porter Lynn, John Ruby, Melinda Bennett, Long Nguyễn
Thể loại: Tâm lý
Phân loại:

Đánh giá: