Phim trường như chiến trường

Khampha, Theo 12:15 05/03/2013

Chuyện bảo hiểm phim trường không phải là chủ đề mới để bàn luận, nhưng kể từ <a href="http://kenh14.vn/xa-hoi/vu-no-kinh-hoang-o-quan-3-da-co-10-thi-the-duoc-tim-thay-20130224114639977.chn" target="_blank">vụ nổ kinh hoàng của “Phương khói lửa”</a>, giới làm phim mới thật sự giật mình.

Những vụ nổ kinh hoàng

Tham gia thực hiện một cảnh có bắn súng trong bộ phim Thượng Hải nhưng không may, Lý Nhã Kỳ đã bị một mảnh thủy tinh văng vào mắt, phẫu thuật cũng không thể hoàn toàn loại bỏ hết dị vật. Từ đó, mắt của cô cứ bị sưng hoài và trở nên nhạy cảm hơn mức bình thường. Lý Nhã Kỳ cho biết, cô phải mất 2 năm và thực hiện thêm 2 cuộc phẫu thuật nữa mới lấy hết những mảnh thủy tinh nhỏ xíu còn sót lại.

Thế nhưng, trường hợp của Lý Nhã Kỳ vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với một diễn viên quần chúng tham gia phim Đô la trắng (đạo diễn Trần Cảnh Đôn). Anh đã bị chột mắt khi quay cảnh núp trong gốc cây bắn nhau. Mặc dù diễn viên đã cẩn thận mang cặp kính bảo vệ, nhưng không ngờ sức đạn quá mạnh đã làm văng một mảnh cây, xuyên thủng mắt kính và chọc thẳng vào mắt anh.

Phim trường như chiến trường 1
Cảnh cháy nổ là nỗi ám ảnh của diễn viên Việt

Trong phim Cù lao mây, em trai của diễn viên Quyền LinhQuyền Lộc từng bị chất nổ hất tung từ trên ghe xuống sông và bất tỉnh nhân sự. Bản thân Quyền Linh cũng vài lần hồn vía lên mây vì những kíp nổ đặt sai vị trí. Có những lần đáng lẽ kíp nổ sẽ “bùm” phía trước để diễn viên còn kịp chạy thì lại “bùm” phía sau khiến cho anh không kịp trở tay.

Tệ hại hơn, hai diễn viên Bá ThiNhật Lệ còn bị đá găm thẳng vào đùi, máu trào lai láng khi thực hiện một cảnh nổ bom trong bộ phim Vùng ven một thời con gái của đạo diễn Trần Vịnh. Do sức nổ của những trái bom được cài dưới mặt đất quá mạnh, vết thương quá nặng nên cả hai phải được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Phim trường như chiến trường 2
Nền điện ảnh thô sơ khiến sinh mạng diễn viên bị xem nhẹ

Cũng trong một bộ phim khác của đạo diễn Trần Vịnh, diễn viên Lê Minh đã có một ký ức khó quên về tai nạn cháy nổ. Lê Minh vào vai một chiến sĩ cách mạng không may trúng đạn của địch. Để thực hiện cảnh này, người phụ trách cháy nổ đã dán vào lưng anh một kíp nổ.

Khi anh nhảy xuống chiếc xuồng để chạy trốn lính ngụy thì một tiếng đùng vang lên khiến anh ngã xuống sông. Do sức ép của kíp nổ quá mạnh, Lê Minh bị thương nặng ở lưng và ngộp thở dưới nước rồi ngất đi.

Lê Minh kể lại: “Lưng tôi bị rách toạc, rất nhiều mảnh tôn găm vào da thịt. Trước đó, tôi có yêu cầu được bảo vệ bằng lốp cao su nhưng người phụ trách cháy nổ nói dùng tấm tôn bảo vệ không sao, họ có kinh nghiệm làm nhiều rồi nên biết. Kết quả là tôi phải tiêm ngừa nhiễm trùng, uống thuốc rất lâu, việc đi lại cũng khó khăn trong thời gian dài.

Sau tai nạn này, tôi nghĩ mà buồn cho nền điện ảnh Việt Nam còn quá thô sơ, sinh mạng người diễn viên vẫn còn bị xem nhẹ, rủi ro có thể đến trong gang tấc”. Anh cũng khẳng định rằng sẽ không bao giờ đóng cảnh cháy nổ nữa.

Bảo hiểm phim trường: Có như không

Đa số các diễn viên đều nói không với cảnh cháy nổ bởi công việc rất nguy hiểm mà mức bồi thường bảo hiểm thì nhỏ giọt.

Hiện nay, các hợp đồng ký kết giữa hãng phim với diễn viên đều có điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhưng đều là những bảo hiểm rẻ tiền, rất sơ sài. Khi một diễn viên bị tai nạn, không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ họ.

Đơn cử như trường hợp gần đây của Anh Tuấn, cascadeur gặp tai nạn khi tham gia phim Huyền thoại C1. Trong giấy khám và chữa trị, bác sĩ ghi anh bị chấn thương 11%. Nhưng tổng số tiền bảo hiểm chi cho anh chữa trị vết thương chỉ có 1 triệu đồng - con số quá ít ỏi so với chi phí thực. Chưa kể, quá trình để anh được công ty bảo hiểm bồi thường rất nhiêu khê và tốn rất nhiều thời gian.

Phim trường như chiến trường 3
Rất ít hãng phim mua bảo hiểm cho diễn viên và đoàn làm phim

Không chỉ diễn viên mà cả các nhà sản xuất cũng chùn tay trước các bộ phim có liên quan đến cháy nổ. Bà Bảo Trâm, Giám đốc của Vietcom film cho biết, trước nay cũng nhận được nhiều kịch bản cháy nổ nhưng Vietcom không dám nhận vì tự thấy mình chưa đủ sức để đảm đương.

Ngay sau khi vụ nổ khủng khiếp của Phương khói lửa xảy ra, ông Trần Minh Tiến, nhà sản xuất bộ phim Hồn đá mà ông Phương phụ trách phần khói lửa đã cho tiến hành một cuộc họp khẩn.

Ông Tiến còn đưa ra chủ trương rằng, từ nay sẽ mua bảo hiểm cho tất cả các bộ phim, từ tâm lý xã hội cho đến chiến tranh, hình sự, mà trước mắt là hai bộ phim đang quay Hồn đáRanh giới tình.

Phim trường như chiến trường 4
Trị giá của các bảo hiểm thường rất thấp và thủ tục đền bù rất nhiêu khê

Tai nạn của gia đình anh Phương là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tôi cũng như các đơn vị sản xuất phim về bảo hiểm phim trường” - ông Tiến chia sẻ.

Đồng thời, ông cũng khẳng định từ nay sẽ chỉ ký hợp đồng với đơn vị nhà nước hay tư nhân có cấp phép hoạt động lĩnh vực khói lửa hẳn hoi chứ không thuê những cá nhân làm việc đơn lẻ, không có giấy phép hành nghề. 

Đây là một hành động nên làm trong tiến trình chuẩn hóa đội ngũ làm công việc nguy hiểm này. Nhưng với tình trạng manh mún, thiếu chuyên nghiệp như hiện nay, e đây là một điều không dễ dàng.