Phim học đường "đính mác 15+" gây chấn động Nhật Bản

Mèo 3 Chân, Theo 00:00 05/02/2011

Nội dung của bộ phim học đường rùng rợn "Kokuhaku" đã gây sốc cho toàn Nhật Bản sau khi công chiếu.<img src='/Images/EmoticonOng/46.png'>

Có một mâu thuẫn đến nghịch lý trong Kokuhaku (Confessions) – tác phẩm đại diện cho điện ảnh Nhật Bản tham dự Oscar lần thứ 83: Có 37 đứa trẻ của một lớp học, tất cả chúng mới 13 tuổi, được pháp luật bảo vệ quyền lợi trước mọi tội ác. Không được xếp ở tuyến đầu của hệ thống nhân vật, nhưng chính 37 đứa trẻ ấy mới là trung tâm của bộ phim. Dẫu vậy, cái kỳ vọng rằng Kokuhaku là phim dành-cho-thiếu-nhi sẽ chỉ là hão huyền. Đúng hơn, những bộc bạch chất chứa thù hận trong tác phẩm mang lại bóng tối và ám ảnh đến rùng mình như trải nghiệm một ác mộng có thật.





Và nếu như phong cách u ám dường như đã thành truyền thống đó của Nhật Bản không phải là món hợp khẩu vị, tốt hơn cả bạn đừng cố xem phim. Vì một khi lời thú tội bắt đầu rầm rì bằng quang cảnh lớp học náo động ngay những giây đầu tiên, bạn sẽ chết cứng ở trên ghế với tóc gáy dựng ngược vì sốc và câm nín suốt 106 phút tác phẩm. Sẽ là kẻ ngờ nghệch nếu bạn từ chối lời khuyên của tôi, thật đấy!


Kokuhaku (Lời Thú Tội) là tác phẩm được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết tâm lý kinh dị có cùng tên của nhà văn Minato Kanae. Bất chấp thực tế Kokuhaku là tác phẩm đầu tay, lại còn là do một nữ tác giả trẻ thực hiện, tiểu thuyết vẫn thành công vang dội ngay từ chương truyện đầu tiên “The Clergyman” được đăng tải trên tạp chí “Mystery & Entertainment” vào năm 2008. Tác phẩm gây tranh cãi này đề cập đến rất nhiều vấn đề nhạy cảm của giới trẻ Nhật Bản. Cho đến nay, Kokuhaku đã được in và tái bản nhiều lần, tiêu thụ một số lượng chóng mặt lên đến trên 700.000 cuốn. Sức nóng của cuốn tiểu thuyết còn kéo theo đó là một manga dài 176 trang cùng chính tác phẩm điện ảnh mà chúng ta đang đề cập tới.






Câu chuyện bắt đầu bằng những lời chia tay của nữ giáo viên Moriguchi Yuko trong ngày cuối sự nghiệp. Giờ giải lao tự do mang đến cho lớp học một bầu không khí nhộn nhạo thiếu tập trung. Cô giáo Moriguchi vẫn không ngừng nói, đúng hơn là vẫn nhỏ nhẹ thủ thỉ, lời cô dường như chìm nghỉm giữa lớp học. Thế mà bằng một cách thật phi thường, nhắn tin điện thoại lũ học trò bắn qua cho nhau bắt đầu xoay chuyển quanh chủ đề mà Moriguchi đang hướng chúng tới: SỐNG!




Đó chắc chắn không phải là bài học đạo đức Moriguchi muốn căn dặn học sinh. Bởi thay vì đề cập đến “sống”, Moriguchi nhắc đến một cái chết thương tâm với vẻ mặt lạnh lùng và trống rỗng. Cô bé gái mới bốn tuổi đầu được tìm thấy đã chết trong hồ bơi trường học. Cảnh sát tuyên bố đó chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn. Tuy nhiên, Moriguchi biết chắc đó là một vụ mưu sát. Kẻ giết người không phải một mà những hai. Và đó là hai đứa trẻ 13 tuổi trong cái tập thể lớp 37 nhân mạng này. Quan trọng hơn cả, nạn nhân bé nhỏ Manami là niềm hi vọng sống duy nhất của MoriguchiYuko – con gái cô.


Nhưng liệu Moriguchi có thể làm được gì với thứ luật pháp đứng ra bảo hộ trẻ con dưới 14 tuổi trước bất kể cáo buộc tội ác nào? Mọi âm thanh vỡ tan bên trong cô rồi tan biến, để lại cho Moriguchi lựa chọn duy nhất: tự mình trừng phạt, hay đúng hơn là TRẢ THÙ! Chuyện gì có thể diễn ra sau đó khi một cô giáo không cảm thấy tàn nhẫn, đã tiêm vào sữa gửi đến cho học sinh dòng máu chứa virus?




Mặc dầu chỉ dừng bước ở top 9 đề cử dành cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscars, việc Kokuhaku là lại diện châu Á duy nhất lọt vào vòng gần chót bảng này đã phần nào khẳng định giá trị tác phẩm. Đánh giá ấy không chỉ dành cho nội dung quá đỗi hấp dẫn đến từ nguyên tác mà còn phải kể đến tài năng của đạo diễn Nakashima Tetsuya. Đã từng nổi tiếng ngay cả với khán giả Việt Nam với tác phẩm như Kamikaze Girls (2004), Memories of Matsuko (2006), tên tuổi đạo diễn 51 tuổi đủ để đem đến thành công cho Kokuhaku ngay từ những ngày dự án mới được công bố và bấm máy quay phim vào tháng 11/2009.


Nhưng như vậy vẫn còn là chưa đủ để khẳng định sự cống hiến hết mình của ngài đạo diễn dành cho bộ phim để đời này. Câu chuyện bên lề của đoàn làm phim Kokuhaku bật mí rằng ngài Nakashima đã sụt 10kg vì lo nghĩ quá nhiều cho tác phẩm. Chưa nói đến chuyện Kokuhaku tạo nên những thước phim tuyệt vời với góc quay phản chiếu qua gương cầu lồi đầy ấn tượng, những đoạn dựng phim slow motion cực kỳ kinh điển, những hình ảnh ẩn dụ có sức nặng ngàn cân; nguyên chuyện chỉ đạo diễn xuất cho một hệ thống các nhân vật có tính cách vô cùng phức tạp đã quá đủ để kiệt sức.




Đạo diễn Nakashima Tetsuya và diễn viên chính Matsu Takako

Nakashima Tetsuya chắc như đinh đóng cột rằng vai nữ chính Moriguchi Yuko chỉ có thể thuộc về Matsu Takako. Ngài đạo diễn tuyên bố hoặc là Matsu Takako nhận lời đóng phim, hoặc sẽ không có Kokuhaku nào hết. Và cô không hề làm cho khán giả thất vọng. Trên thực tế, vai diễn Moriguchi Yuko của Matsu Takako đủ sức ám ảnh bất cứ một khán giả nào dù cho hình ảnh cô xuất hiện rất ít ỏi. Thứ cô để lại là lời thú tội về sự trả thù quá đỗi cao tay, thì thầm suốt dọc chiều dài bộ phim, bên dưới là câu chuyện về những đứa trẻ.


Kokuhaku đã tổ chức một buổi tuyển chọn quy mô chỉ để nhằm chọn ra 37 học sinh từ hơn 1000 ứng cử viên cho các vai diễn nhí trong phim. Xuất sắc nhất phải kể đến bộ ba tài năng Nishii Yukito (15 tuổi), Fujiwara Kaoru (14 tuổi) và Hashimoto Ai (15) đảm nhận ba đứa trẻ với cá tính đầy mâu thuẫn: thiên tài bị bỏ rơi cả gan làm chuyện kinh thiên động địa; ngờ nghệch bị quên lãng, nhút nhát nhưng bộc phát là dám liều; cô độc vẫn sở hữu trái tim biết cảm thông chia sẻ, lại luôn bị ám ảnh bởi những điều rùng rợn và việc tự sát.



Bất chấp nội dung đen tối cùng giới hạn độ tuổi 15+, Kokuhaku vẫn oanh tạc khắp các rạp chiếu phim Nhật Bản, đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé suốt 4 tuần liên tiếp. Từ ngày phát hành 5.6.2010, phim đã thu hút hơn 2.9 triệu lượt người xem, doanh thu đạt hơn 3.85 tỷ Yên (hơn 42 triệu đô). Kokuhaku cũng vinh dự nhận về tận 12 giải thưởng Hàn lâm Nhật Bản và danh hiệu “Phim xuất sắc nhất” của Blue Ribbon Awards lần thứ 53.