Những tác phẩm để đời của cố đạo diễn Hải Ninh

Khampha, Theo 11:02 06/02/2013

Cùng nhớ lại một số tác phẩm điện ảnh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem của cố đạo diễn Hải Ninh.

Vào ngày hôm qua (5/2), không ít người hâm mộ đã bất ngờ trước sự ra đi đột ngột của đạo diễn Hải Ninh, cây đại thụ của nền điện ảnh Việt Nam.

Trước đó, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, con trai thứ 2 của đạo diễn Hải Ninh cho biết: Cha anh bị bệnh nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây, ông đã dần hồi phục khỏe mạnh. Vào những ngày đầu xuân, ông thúc giục con cháu mua đào, quất sớm để chuẩn bị đón Tết.

Nhưng cách đây gần 10 ngày, đạo diễn Hải Ninh đột nhiên tụt huyết áp, hôn mê sâu và được con cháu đưa vào viện cấp cứu. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 5/2, thọ 82 tuổi.

Sự ra đi đột ngột của vị đạo diễn này cũng khiến những người yêu quý ông nhớ lại một số tác phẩm điện ảnh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem của ông.

Những tác phẩm để đời của cố đạo diễn Hải Ninh 1
NSND Hải Ninh qua đời ở tuổi 82

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

Sau khi ghi dấu ấn sâu đậm với người xem qua tác phẩm Vĩ tuyến 17 ngày và đêm vào năm 1972, đạo diễn Hải Ninhnhận được giải thưởng danh giá như Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần 2, giải thưởng hòa bình thế giới của Liên bang Xô Viết tại LHP quốc tế Matxcova năm 1973 với tác phẩm cùng tên.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm do chính cố đạo diễn Hải Ninh chỉ đạo thực hiện và viết kịch bản cùng Hoàng Tích Chỉ trong vòng 5 năm. Đây cũng chính là bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Được biết, trong thời gian quay Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Hoa Kỳ đã thực hiện chiến dịch Linebacker II khi cho máy bay ném bom Hà Nội. Cả hãng phim Việt Nam phải sơ tán, riêng đoàn làm phim vẫn ở lại và đào hầm ven Hồ Tây, khi có báo động lại chạy xuống trú ẩn. Thậm chí khi đã đi vào giai đoạn cuối cùng của việc hòa âm, bộ phim vẫn phải thực hiện trên một chiếc ô tô thu âm của hãng phim Việt.

Những tác phẩm để đời của cố đạo diễn Hải Ninh 2

Em bé Hà Nội

Ngay sau lần hợp tác thành công ngoài sự mong đợi khi liên tiếp nhận được giải thưởng trong và ngoài nước, cố đạo diễn Hải NinhHoàng Tích Chỉ lại tiếp tục đồng hành cùng nhau qua tác phẩm Em bé Hà Nội.

Trong bộ phim điện ảnh khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, đạo diễn Hải Ninh đã chọn diễn viên Lan Hương vào vai em bé Hà Nội và cũng là nhân vật chính trong phim. Ông gặp Lan Hương lần đầu khi cô mới 3, 4 tuổi.

Đến năm 1972 khi ông thực hiện bộ phim này, sau khi tìm nhiều người đóng nhân vật em bé Hà Nội nhưng không phù hợp, ông đã nhớ lại và tìm đến nhà Lan Hương, xin phép cho cô đi đóng phim. Khi đó Lan Hương mới 12 tuổi và đây cũng là vai diễn đầu tiên của cô.

Những tác phẩm để đời của cố đạo diễn Hải Ninh 3

Và không ngoài dự đoán của nhiều người, Em bé Hà Nội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng lẫn giới chuyên môn khi liên tiếp nhận giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần III năm 1975, giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Matxcova, giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHP quốc tế Syria.

Mối tình đầu

Hoàn toàn lột xác và phá cách so với những bộ phim trước, năm 1977, bộ đôi Hải Ninh – Hoàng Tích Chỉ lại tiếp tục cùng nhau thực hiện Mối tình đầu – bộ phim tình cảm, xã hội và đã tạo nên cơn sốt vé tại các rạp chiếu thời bấy giờ.

Mối tình đầu được giới phê bình đánh giá là một trong những phim ăn khách và được yêu thích nhất thập niên 70 thế kỷ XX và để lại ấn tượng mạnh mẽ mãi về sau này bằng câu chuyện hấp dẫn và những diễn viên xuất sắc.

Những tác phẩm để đời của cố đạo diễn Hải Ninh 4

Bộ phim là một sự phá cách của đạo diễn Hải Ninh khi ông cập đến vấn đề tình yêu khá nhạy cảm lúc bấy giờ. Và cũng vì trước đó khán giả đã quen với một Hải Ninh của những bộ phim chiến tranh. Được biết, phim truyện nhựa này được thực hiện dựa theo một số truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Hiểu Trường.

Vào năm 2007, nhờ vào cụm tác phẩm vô cùng ấn tượng như Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Người chiến sĩ trẻ, Mối tình đầu và phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông. Đạo diễn Hải Ninh đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vô cùng cao quý. Ngoài ra, ông cũng đã chính thức nhận được danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân từ năm 1984.