Những dấu hiệu tích cực của điện ảnh Việt

VnMedia, Theo 08:26 11/02/2010

Dòng phim nghệ thuật lên tiếng trên trường quốc tế và làn sóng phim underground của những người trẻ chính là những dấu hiệu tích cực điển hình của điện ảnh nước ta vài năm gần đây đó.<img src='/Images/EmoticonOng/48.png'>

Năm mới 2010 đã cận kề và đây thực sự là một năm với khá nhiều sự kiện điện ảnh lớn được mong chờ. Đây là năm đầu tiên mà giới làm phim có một Ngày hội điện ảnh của mình vào ngày 15.03. Đây là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức một LHP quốc tế riêng mang tên Hà Nội, đồng thời Đại lễ 1000 Thăng Long cũng kéo theo sự sôi nổi của các dự án phim chào mừng dịp kỷ niệm… Nhìn lại năm bản lề 2009, ta có thể phần nào lạc quan vì bức tranh điện ảnh Việt có nhiều mảng sáng.

Phim nghệ thuật lên tiếng tại các LHP quốc tế

Năm 2009 ghi dấu nhiều thành công của dòng phim nghệ thuật Việt Nam ở bên ngoài biên giới. Những tin vui từ các liên hoan phim quốc tế và khu vực nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó.


Cảnh phim Chơi Vơi.

Một sự kiện đáng nhớ là sự hiện diện của một tác phẩm điện ảnh Việt Nam tại 1 trong 3 LHP danh tiếng nhất trên thế giới. Sự góp mặt của Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) tại LHP Venice, cùng với giải thưởng FIPRESCI của Hiệp hội phê bình phim quốc tế là một dấu hiệu tích cực cho điện ảnh Việt Nam trên đường hội nhập dòng chảy điện ảnh quốc tế.

Song hành là Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) với những chuyến xuất ngoại đều đặn, trong đó có việc trình chiếu tại LHP Rotterdam (Hà Lan), được coi là một trong top 5 LHP hàng đầu châu Âu (cùng Cannes, Venice, Berlin và Lorcano).


Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và hai diễn viên Linh Đan, Hải Yến tại LHP Venice 2009.

Những LHP quốc tế lớn như LHP Venice, Toronto, Rotterdam có những chuyên gia tuyển chọn phim tham dự khá khắt khe nên có thể nói việc Chơi vơiTrăng nơi đáy giếng tham gia các LHP này là những niềm vui cho không chỉ các phim này mà những người yêu điện ảnh Việt.


Cảnh trong phim "Đừng đốt".

Cộng vào mảng sáng này là giải thưởng Khán giả bình chọn của Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh) tại LHP Fukuoka (Nhật Bản) và giải thưởng Nam diễn viên quốc tế được yêu thích nhất của Dustin Nguyễn trong phim Huyền thoại bất tử (đạo diễn Lưu Huỳnh) tại LHP Bách Hoa – Kim Kê (Trung Quốc).

Dù còn là những sự lên tiếng nhỏ lẻ, những điểm sáng này góp phần quảng bá tích cực hơn cho nền điện ảnh còn chưa nhiều tiếng. Năm tới, mảng sáng này có thể sẽ lan rộng hơn với 2 dự án phim nghệ thuật hứa hẹn: Bi, đừng sợ (đạo diễn Phan Đăng Di) và Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình).


Cảnh trong phim Cánh Đồng Bất Tận.

Sự có mặt của 2 bộ phim này tại những LHP quốc tế uy tín là điều không xa vời khi Bi, đừng sợ đã được chú ý khi ở dạng dự án tiền sản xuất, còn nhà sản xuất Cánh đồng bất tận cũng là đơn vị nhiều kinh nghiệm trong việc đi liên hoan phim.

Sự nhộn nhịp của khu vực điện ảnh tư nhân

Năm qua, dòng phim giải trí dường như cũng nhộn nhịp và đa dạng với đủ thể loại: hài, ca nhạc, liêu trai, hành động, lãng mạn... Thị trường điện ảnh trong nước còn nhỏ hẹp nhưng nhiều tiềm năng ngày càng thu hút được sự đầu tư của các hãng phim. Không kể những đại gia đã định vị tên tuổi như Thiên Ngân Galaxy, BHD, Phước Sang, Chánh Phương, còn có sự tham gia tích cực hơn của những Hodafilm, Thần Đồng, Saiga Films…


  Những Nụ Hôn Rực Rỡ hứa hẹn sẽ thu hút khán giả trong dịp phim Tết

Thắng lợi ở phim Tết đầu năm Giải cứu thần chết, Thiên Ngân Galaxy đầu tư mạnh cho 2 dự án phim Tết 2010 với 2 thể loại khác nhau: Một Khi yêu đừng quay đầu lại mang yếu tố liêu trai và một Nhật ký Bạch Tuyết hài hước.

Trong khi đó, BHD dù tốn kém cho cuộc chơi nghệ thuật Cánh đồng bất tận vẫn khám phá thể loại phim ca nhạc với Những nụ hôn rực rỡ của đạo diễn có duyên với phim Tết, Nguyễn Quang Dũng. Còn Phước Sang sau thất thu của Huyền thoại bất tử đầu năm vẫn kiên trì bám trụ thị trường phim Tết với Công chúa teen và nữ hổ tướng.


Poster chính thức của Bẫy Rồng.

Chưa đủ kinh phí để thực hiện dự án tâm huyết Lửa Phật, Chánh Phương khôn ngoan xen canh bằng phim hành động Bẫy rồng. Và với đúng công thức phim giải trí (từ kịch bản – sản xuất - quảng bá), phim đạt kết quả doanh thu khả quan dù chạm trán với bom tấn Avatar đúng ngày ra mắt. Cùng thời điểm, một nhóm làm phim từ e-kip Chánh Phương cũng kịp triển khai Để mai tính, một phim hài lãng mạn dưới sự sản xuất của hãng phim Thần Đồng.



Cái ấn tượng về sự nhộn nhịp của điện ảnh thương mại không chỉ đến từ sự đa dạng đề tài, mà còn ở sự tham gia của nhiều gương mặt nhà làm phim mới. Đa số tác phẩm điện ảnh giải trí năm qua là sự trình làng của các đạo diễn trẻ, như Victor Vũ (Chuyện tình xa xứ), Nguyễn Trọng Khoa (14 ngày phép), Lê Thanh Sơn (Bẫy rồng), Lê Lộc (Công chúa teen và nữ hổ tướng) và kể cả sự góp mặt của một đạo diễn đã có rất nhiều dấu ấn với phim nghệ thuật là Nguyễn Võ Nghiêm Minh (Khi yêu đừng quay đầu lại).

Mạch ngầm của dòng phim underground

“Phim underground” là thuật ngữ để chỉ dòng phim nằm ngoài những dự án điện ảnh của các nhà sản xuất chuyên nghiệp (dòng mainstream – phim chính thống). Trong bức tranh chung của điện ảnh Việt, bên cạnh mảng màu chủ đạo của các hãng phim lớn, thì từ vài năm nay, dòng phim underground với các dự án nghiệp dư nhỏ lẻ cũng góp những nét phác thảo. Có lẽ, chưa bao giờ những nét phác thảo ấy đậm nét như năm vừa qua, khi dòng phim underground đủ tạo nên một sự chú ý…


Nhiều người làm phim trẻ đã sớm tạo được sự chú ý của những người yêu điện ảnh

Cuối năm 2009, nhiều cư dân mạng xôn xao với bộ phim Slumdog Mafia (Băng đảng khu ổ chuột). Bộ phim hành động khá hấp dẫn không chỉ gây thú vị vì toàn bộ phần quay chỉ được thực hiện bằng một chiếc máy ảnh mini, mà còn bởi toàn bộ e-kip làm phim là sinh viên năm 2 trường ĐH quốc tế TP HCM, hoàn toàn là dân ngoại đạo điện ảnh…Một vài gương mặt làm phim ở lứa tuổi học sinh, sinh viên khác cũng đã sớm tạo được sự chú ý trong cộng đồng những người yêu điện ảnh với những tác phẩm phim ngắn kinh phí thấp.



Một yếu tố thúc đẩy xu hướng này là sự “sẵn có” của các phương tiện kỹ thuật số giúp người làm phim dễ dàng và tiết kiệm hơn trong việc thực hiện tác phẩm. Thay vì những thiết bị quay, dựng phức tạp, đắt tiền (không thể mua mà chỉ thuê), người ta có thể ghi hình với những chiếc máy quay cầm tay hay thậm chí là những chiếc máy ảnh có chức năng quay phim và dựng phim bằng những phần mềm miễn phí trên mạng. Sự phát triển của các mạng xã hội cùng sự hỗ trợ tích cực của những phương tiện chia sẻ video như Youtube, Megashare… đã giúp các tác phẩm này thêm phần dễ dàng ở khâu phổ biến.



Đa phần phim “underground” Việt là những tác phẩm phim ngắn, phim tài liệu… mang nhiều yếu tố cá nhân của người làm phim. Lại là một tín hiệu tích cực nữa khi không ít bộ phim trong số ấy được làm bởi những người trẻ 19-20 tuổi. 5, 10 năm nữa, họ có thể sẽ là những nhân vật chính làm nên diện mạo điện ảnh Việt Nam.