Những bộ phim về tình mẫu tử "không thể bỏ qua"

Ngọc Minh, Theo 09:05 08/03/2011

Nhân ngày 8/3, chúng ta hãy cùng xem tình cảm thiêng liêng này được điện ảnh thế giới ca ngợi như thế nào nhé. <img src='/Images/EmoticonOng/13.png'>

Tình mẫu tử là một trong những tình cảm tha thiết và đẹp đẽ nhất thế gian. Dù bị đặt trong những hoàn cảnh vô cùng éo le hay chỉ qua những hành động giản dị thường ngày thì tình yêu thương mà mọi người mẹ dành cho con mình cũng luôn to lớn, vĩ đại nhất, không gì sánh bằng. Có câu nói “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Dù là một đứa bé sơ sinh hay khi là người đã trưởng thành, có gia đình riêng trong lòng mẹ vẫn là nơi ấm áp và bình yên nhất với mỗi người chúng ta.

Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn)





Trận động đất kinh hoàng tại Đường Sơn (Trung Quốc) năm 1976 chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 23 giây nhưng nó đã thay đổi 32 năm cuộc đời của 2 mẹ con Lý Nguyên Ni – Phương Đăng. Người mẹ thì sống suốt 32 năm trời trong dằn vặt, tự dày vò bản thân vì không thể cứu được cả 2 đứa con. Cô con gái thì lớn lên với vết thương lòng sâu sắc, với ký ức về câu nói của bà mẹ: “Hãy cứu lấy con trai của tôi.” Một trận động đất kinh hoàng đã chia lìa họ suốt 32 năm trời, và một trận động đất kinh hoàng khác lại đưa họ về với nhau.


Đặt người mẹ trước sự lựa chọn chỉ được cứu 1 trong 2 đứa con, đó chính là sự lựa chọn khắc nghiệt và đau lòng nhất. Liệu có người mẹ nào được thanh thản khi suy nghĩ mình đã tự tay cắt đứt cuộc sống của đứa con mới tròn 7 tuổi cứ đeo đẳng suốt 32 năm trời. Người mẹ trong Aftershock cũng vậy, bà sống mà như đã chết, luôn dằn vặt bản thân trong đau khổ. Khi cô con gái Phương Đăng trở về Trung Quốc tham gia cứu hộ trong trận động đất Tứ Xuyên, chứng kiến cảnh biết bao bà mẹ bị bắt phải lựa chọn như mẹ cô khi xưa, chứng kiến họ đã đau đớn thế nào, lúc ấy cô mới thấu hiểu tình thương bao la mà mẹ dành cho mình.

The Blind Side





The Blind Side là câu chuyện cảm động giữa một gia đình da trắng giàu có tại Mỹ với đứa con trai nuôi da đen. Trong lễ Tạ Ơn, Leigh Anne Touhy (Sandra Bullock) bắt gặp một cậu bé vô gia cư tên là Micheal Oher (Qinton Aaron), thường gọi là Big Mike, đang co ro vì lạnh. Cô đã mời Mike về cùng ăn bữa cơm tối cùng gia đình mình và bắt đầu tìm hiểu về hoàn cảnh của Mike. Biết được số phận bất hạnh của cậu, vợ chồng Leigh quyết định nhận Mike làm con nuôi và cho cậu đến trường học, dù cậu đã ở tuổi 19. Ở trường, Mike không thể hòa nhập cùng bạn bè và thường xuyên bị chế nhạo. Điểm số của Mike cũng không mấy khả quan, trừ điểm thể lực lên đến 98%.


Leigh lại ghi danh cho Mike vào đội bóng bầu dục của trường nhưng cậu không biết tí gì về kỹ thuật hay chiến thuật thi đấu. Leigh bắt đầu dạy cho Mike từ những điều nhỏ nhặt nhất, từ cách tự chăm sóc bản thân đến những lối đối nhân xử thế. Từ một cậu bé vô gia cư to xác thất học, dưới sự động viên và dìu dắt của Leigh và mọi người trong gia đình, Mike dần dần trở thành cầu thủ bóng bầu dục được yêu thích. Có thể nói, tình mẫu tử từ Leigh - người mẹ không dứt ruột đẻ ra Mike – giống như một tia sáng đã làm thay đổi cả cuộc đời u tối của anh.

Tarzan





Một câu chuyện về tình mẫu tử thật đặc biệt giữa một bà mẹ tinh tinh với một đứa bé bị bỏ rơi trên đảo hoang. Bà mẹ tinh tinh Kala đã bỏ qua những ánh mắt kỳ thị và sự ruồng bỏ của bầy đàn để nuôi dạy cậu bé Tarzan trở thành một chàng trai tốt bụng và dũng cảm. Sống trong vòng tay yêu thương của Kala, Tarzan đã có những tháng ngày tuổi thơ êm đềm, vô lo vô nghĩ. Tình yêu thương của Kala dành cho Tarzan sâu sắc và vĩ đại cũng không hề thua kém so với bất cứ bà mẹ nào phải không???

Kimchi Battle





Trên đời có hai khoảnh khắc tuyệt diệu nhất. Một là khi nước được đưa về với mảnh đất khô cằn. Hai là khi có thể làm được những món ăn ngon và đưa vào miệng những đứa con của mình. Tình mẫu tử trong Kimchi Battle được thể hiện một cách khéo léo và đầy cảm xúc thông qua món ăn truyền thống của Hàn Quốc – kimchi. Hành trình đi tìm hương vị hoàn hảo đích thực của món kimchi của Jang Eun (Kim Jung Eun) và cậu em trai nuôi là Sung Chan (Jin Goo) là hành trình tìm về với hương vị của tình mẹ, của tình yêu thương lặng thầm vô bờ bến mà mỗi người mẹ gửi gắm trong những món ăn.


Cuộc chiến đầy cam go giữa 2 chị em Jang Eun – Sung Chan để quyết định tương lai nhà hàng truyền thống Chun Yang Gak mà mẹ của họ đã gây dựng cả đời. Nhưng cũng chính qua cuộc chiến đó, Sung Chan tìm lại được người mẹ vì mặc cảm bản thân bị tật nguyền mà rời bỏ đứa con, hiểu vì sao món kimchi khi xưa của mẹ anh lại có vị đắng ngắt đến vậy. Còn cô chị Jang Eun cũng muộn màng nhận ra tình yêu thầm lặng của mẹ khi cô biết lý do vì sao mẹ cô luôn cho bột quế - thứ gia vị làm kimchi mau hỏng – vào kimchi. “Trên đời có bao nhiêu bà mẹ là có bấy nhiêu mùi vị” – câu chuyện ẩm thực và tình mẹ được đúc kết, đơn giản mà ý nghĩa biết chừng nào.

Panic Room



Có lẽ bà mẹ nào bị đặt trong hoàn cảnh như Meg (Jodie Foster) cũng sẽ phát điên lên vì đau khổ và bất lực khi 2 mẹ con bị bao vây bởi bọn cướp hung hãn trong căn hầm an toàn kín mít, cô con gái Sarah (Kristen Stewart) đang bị tụt đường huyết mà những tuýp thuốc tiêm lại nằm trong tủ lạnh tại phòng khách. Meg đã liều mạng xông ra phòng khách, tìm những tuýp thuốc quý hơn vàng đó để đem về cứu mạng con gái.





Trong khi đi lấy thuốc cho con, Meg bị bắt gặp và sau một cuộc xung đột, 2 tên cướp bị kẹt lại trong phòng an toàn cùng cô bé Sarah đang trong tình trạng nguy kịch. Meg đã van xin, lạy lục bọn cướp tiêm thuốc cho Sarah để cứu lấy mạng sống của cô bé. Rồi đến khi 2 tên cướp biến mất cùng số cổ phiếu và Sarah, bản năng người mẹ lại một lần nữa thôi thúc Meg truy đuổi chúng để đưa Sarah quay về.

Áo lụa Hà Đông



Chiếc áo dài lụa của cô Dần là biểu tượng xuyên suốt chiều dài bộ phim, nó gắn liền với ký ức của mọi nhân vật: anh , cô Dần, 2 chị em Hội AnNgô. Chiếc áo dài ấy cũng là biểu tượng cho tình mẫu tử cao đẹp mà cô Dần dành cho 2 đứa con gái của mình. Nhà nghèo nhưng với mong muốn 2 con có tấm áo dài trắng mặc đến trường nên cô Dần đã nhận đi làm vú nuôi. Trớ trêu thay, dòng sữa ngọt ngào tình mẫu tử ấy không phải được bán cho một đứa trẻ mà lại cho một lão già Tàu đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Hàng ngày, cô Dần lén lút đi làm công việc vú nuôi quái dị ấy để kiếm tiền. Đến khi bị anh phát hiện, cô phải đem chiếc áo dài cưới ra cắt sửa cho vừa, để Hội AnNgô thay nhau mặc đến trường.


Thấu hiểu tình yêu bao la của mẹ, cô bé Hội An đã viết nên bài văn được điểm cao nhất, viết về mẹ và chiếc áo dài trắng gắn liền với kỷ niệm của cả gia đình. Nhưng một lần nữa số phận lại trêu ngươi. Giặc Mỹ tràn qua đúng lúc cô bé Hội An đang nghẹn ngào đứng đọc bài văn cho cả lớp nghe, biến cả ngôi trường thành tro bụi. Nghe tin dữ, cô Dần lao đến, kiếm tìm như cuồng loạn, mất trí trong số các thi thể để rồi gào lên thảm thiết khi thấy con mình nằm bất động. Trường đoạn này nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh đã diễn xuất rất thăng hoa, là điểm nhấn của cả bộ phim và để lại trong người xem những xúc cảm sâu sắc.

Kỷ niệm về bà (tập phim ngắn của Doraemon)



Ngoài tình mẫu tử thông thường, tình cảm giữa mẹ và con thì mỗi chúng ta còn được đón nhận một thứ tình mẫu tử đặc biệt khác, đó là tình cảm mà những người bà dành cho chúng ta. Tình yêu thương ấy cũng bao la và đẹp đẽ không kém so với tình cảm của mẹ. Trong số chúng ta, ai cũng đã từng một lần sà vào lòng bà để làm nũng, đòi bà kể chuyện cổ tích, từng ít nhất một lần vòi vĩnh quà bánh mỗi khi bà đi chợ về, từng nấp dưới sự che chở và bao dung của bà và cũng đã từng làm bà phải buồn lòng, để rồi ân hận suốt đời.

Cậu bé Nobita cũng vậy, khi nhìn thấy chú gấu bông cũ, những ký ức về bà bỗng tràn về, làm tim cậu đau nhói. Nhờ bảo bối của Doraemon, Nobita được quay về quá khứ, lại được và lại được sống trong tình yêu thương vĩ đại của bà dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Đó là câu chuyện của Nobita. Còn bạn, đã bao giờ bạn ước ao mình cũng có một cỗ máy thời gian kỳ diệu như thế hay chưa ???


Tập phim ngắn Doraemon – Kỷ niệm về bà