Lương Mạnh Hải chịu thua thiệt đủ đường

Xzone, Theo 16:16 30/05/2011

''Cái giá tôi đã trả là không kiếm được nhiều tiền, hình ảnh không phủ ngập sóng trên tivi, không rải thảm hằng ngày trên báo và cũng không giải thưởng...''

Chẳng phải là Brad Pitt

- Trong thời buổi các diễn viên tranh thủ chạy show để kiếm tiền, anh vẫn ung dung với quan điểm một năm chỉ đóng một phim. Người ta nói anh muốn “giữ giá” vì thị trường phim Việt đang có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”?

Cuộc sống mà, ai cũng sẽ chọn cho mình một cái áo vừa vặn, miễn sao mặc vào cảm thấy thoải mái là tốt nhất. Với lại, đôi khi số đông không hẳn là số đúng. Người ta nói tôi “giữ giá” cũng được. Vì tôi “giữ giá” nên mới phải “trả giá” rất nhiều đấy thôi. Cái giá tôi đã trả là không kiếm được nhiều tiền, hình ảnh không phủ ngập sóng trên tivi, không “rải thảm” hằng ngày trên báo và cũng không giải thưởng... Nói chung, tôi thấy mình thua thiệt đủ đường còn gì.



- Những ồn ào về “thảm họa phim Việt” thời gian qua có khiến anh dè dặt và cẩn thận hơn để suy nghĩ đến quyết định trở lại đóng phim truyền hình?

Nhiều người hỏi tôi có còn mặn mà với phim truyền hình, môi trường đã giúp tôi đến gần hơn với khán giả hay không. Tôi trả lời rằng, tôi cũng rất muốn trở lại màn ảnh nhỏ nhưng không có dự án nào xuất sắc hơn những cái đã làm nên mới chấp nhận sống chậm một tí để chờ thêm thời cơ. Chính vì thế tôi cảm thấy rất bình thản trước những cái gọi là “thảm họa” ấy.

Tự dưng gần đây, báo chí mới đua nhau xài từ thảm họa này, thảm họa nọ, chứ trước đây cũng có hàng chục, hàng trăm phim chán, phim dở mà có bị gọi là thảm họa đâu. Ở một đất nước mà ngành truyền hình giải trí đang bắt đầu phát triển theo hướng công nghiệp như ở ta, tất yếu sẽ có sản phẩm hay, sản phẩm dở, mà càng có nhiều cái dở thì những cái hay càng trội lên. Xét ở gốc rễ vấn đề thì diễn viên càng không phải là nhân tố quan trọng khiến bộ phim trở thành thảm họa. Tôi nghĩ vậy.


- Là một trong số diễn viên đề cao tính hiệu quả trong cách làm việc theo ê-kíp, anh nghĩ sao nếu có người nói cách làm việc này thiếu sự công bằng vì nó đôi khi “cướp” đi cơ hội của những người không có mối quan hệ?

Nếu tôi đã chọn cách làm việc hiệu quả cho mình thì tôi sẽ không quan tâm đến nhưng ý kiến khác. Mình đang đi đúng đường thì cứ thế đi tiếp thôi.

- Người trong nghề cứ nói anh được Vũ Ngọc Đãng “cưng” lắm. Không biết “cưng” nên được hiểu thế nào?

Vì tôi cũng có tính vô tư và hời hợt nên chẳng bao giờ suy nghĩ nhiều về nghĩa của một từ đơn làm gì. Bởi vậy tôi chỉ hiểu “cưng” theo nghĩa mình được đạo diễn ưu ái dành cho những vai diễn hay hợp với mình thôi. Với tư cách là một diễn viên thì phải công nhận, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là người rất quyết đoán, nghiêm túc, biết tính toán và chỉnh chu trong công việc, đặc biệt là khả năng tận dụng tối đa thế mạnh của cộng sự.



- Vậy một nhà sản xuất, đạo diễn khác muốn Lương Mạnh Hải xuất hiện trong dự án phim của họ, họ cần đưa ra những thỏa thuận, điều kiện nào với anh?

(Cười), nghe thì có vẻ nghiêm trọng quá, nhưng xin thưa Lương Mạnh Hải chẳng phải là Brad Pitt để mà được đòi hỏi hay yêu sách gì đâu. Mọi việc thật ra đơn giản hơn mọi người tưởng tượng nhiều, nhưng vì hợp đồng phải bí mật nên thôi tốt nhất là tôi không “trình báo”.

Chẳng có gì phải dè dặt về đồng tính



- Anh vừa hoàn thành xong phim điện ảnh Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm. Phải chờ đợi hai năm để trở lại với dự án phim điện ảnh mới, anh có thấy mình hơi “phí” thời gian lẫn công sức?

Vì tôi đang làm nghệ thuật, mà làm nghệ thuật thì cần phải chọn cái hay, cái đẹp, cái tốt mà làm. Đạo diễn hay biên kịch có khi họ còn bỏ ra 5 năm, 10 năm cho một dự án, vậy 2 năm để chờ một vai diễn chẳng thấm tháp gì. Tôi không cho rằng không có sự “phí” thời gian hay sự hy sinh nào ở đây, mà nên nói chính xác là tôi may mắn khi được đạo diễn và nhà sản xuất giao cho một vai diễn hay và đáng để tôi chờ đợi.

So với vai đồng tính chỉ là anh chàng “hoa lá cành” trong phim Hồn Trương Ba da hàng thịt, lần này là vai chính xuyên suốt, có đời sống phức tạp với những ám ảnh, sự cô đơn và tuyệt vọng rất tội nghiệp. Thật sự, tôi chưa bao giờ có cảm giác nôn nóng và bồn chồn chỉ để chờ đợi bộ phim của mình ra rạp như lần này.



- Nghe đồn phim có rất nhiều cảnh nóng và những màn ôm hôn nóng bỏng lắm?

Trong một bộ phim, tôi nghĩ có những đoạn tâm lý nặng khó hơn những cảnh “chăn gối” rất rất nhiều. Vì đây hoàn toàn là công việc phải làm, thậm chí phải làm cho tốt, bởi nếu mình không làm được thì vai diễn này sẽ thuộc về một người khác. Nói chung, không khí làm việc ở phim trường dù là “cảnh nóng” hay “cảnh lạnh” cũng luôn sôi động và nghiêm túc.

Tôi vẫn thẳng thắn nói với đồng nghiệp rằng đừng bao giờ lấy cảnh nóng ra để PR, vì làm vậy chỉ chứng tỏ mình rất nghiệp dư mà thôi. Càng đóng những cảnh nhạy cảm, lại càng không được ngượng ngùng và phải rất vững về tâm lý. Hai người đóng với nhau mà trong đầu còn lăn tăn suy nghĩ này khác hay quá hồi hộp, lo lắng thì làm sao khiến người khác tin vào nhân vật được.

- Vậy anh hay bạn diễn Hồ Vĩnh Khoa sẽ chủ động trong những cảnh “nhạy cảm”?

Sự chủ động phụ thuộc vào nhân vật chứ không phụ thuộc vào diễn viên. Tôi rất khâm phục Khoa vì đây là vai diễn đầu tiên mà phải đóng những cảnh nóng là điều không dễ dàng gì. Nếu là tôi thì chắc chắn tôi không làm được như cậu ấy.


- Được giới thiệu là bộ phim Việt đầu tiên đi sâu vào thế giới đồng tính, anh có nghĩ phim đang cổ vũ và mở ra một xu hướng sống của giới trẻ hiện nay khi vấn đề đồng tính còn rất “khó nói” chốn công cộng?

Thử giả sử bộ phim này sẽ được tham dự các liên hoan phim ở các nước láng giềng như Hong Kong, Thái Lan hay Hàn Quốc… và tôi nói với họ rằng đây là bộ phim đầu tiên đi sâu vào thế giới đồng tính của nước tôi, không hiểu họ sẽ trầm trồ thán phục hay trố mắt vì ngạc nhiên? Thật ra chúng ta đang đi sâu nhiều lắm chứ có tạo ra xu hướng gì đâu. Tôi nghĩ, một khi đồng tính là vấn đề hiển nhiên và gây tranh cãi công khai như bao vấn đề khác trong đời sống xã hội, thì tại sao lại phải dè dặt để nói về nó khi đưa nó lên màn ảnh? Tôi tin báo chí sẽ ủng hộ bộ phim này.

- Khi phim ra mắt, nếu ông bố, bà mẹ nào có đứa con đang tuổi trưởng thành và họ kịch liệt phản đối con mình đi xem phim với lý do “phim nói về đồng tính, không phù hợp với giới tính của con”, anh sẽ nói gì để thuyết phục họ?

(Suy nghĩ hồi lâu) Thật ra tôi cũng nghĩ mãi mà chưa biết nói gì trong trường hợp này, nhưng nếu cần phải thuyết phục, chắc tôi nên thuyết phục các vị phụ huynh hãy đi xem trước vì ít ra phim sẽ bán được hai vé, còn nếu con họ đi xem thì chỉ bán được một vé.



- Trong phim, cuộc sống của chàng gay làm điếm tên Lam trượt dài theo công việc của mình cho tới một ngày anh trải qua một đêm “ngủ cho bớt cô đơn” với Khôi. Khi Khôi ra đi, anh ta chợt nhận ra tình yêu và tương lai. Theo anh, đây có phải “tình một đêm”?

Câu trả lời này tôi xin để tự phim nói lên nhé.

- Hỏi thật, anh từng trải qua cái gọi là “tình một đêm”?

Những gì thuộc về phạm trù “tình cảm thiêng liêng” chỉ nên giữ cho “riêng mình ta” (cười).

- Anh vẫn là anh chàng nghệ sĩ cô đơn đấy chứ?

Tôi nghệ sĩ mà không cô đơn. Thật may mắn!